Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

ROMANIA: NOEL 1989 GIẢI PHÓNG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI GIA ĐÌNH TRỊ

Noël đẫm máu của Ceausescu (1)
Cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Ceausescu tại Rumani năm 1989

(LND : Cuốn « Những ngày cuối cùng của các nhà độc tài » do tuần báo L’Express và NXB Perrin phối hợp phát hành vào tháng 10/2012, tập hợp 24 bài viết chọn lọc của các nhà sử học và nhà báo nổi tiếng của Pháp, do Diane Ducret và Emmanuel Hecht chủ biên. Từ Mussolini, Hitler, Stalin cho đến Mao Trạch Đông, Tito, Ceausescu, Pôn Pốt, Saddam Hussein, Ben Ali…cuốn sách phác họa lại một nửa thế kỷ với những cuộc đảo chính, nổi dậy, âm mưu, các cuộc tàn sát, sự dối trá của các chế độ cầm quyền, và đặc biệt là sự cáo chung của các nhà độc tài. Trước hết xin phép giới thiệu với độc giả bài viết của Marion Guyonvarch và Eric Pelletier về mùa Noël đầy khói lửa năm 1989 tại Rumani).
Năm 1989, khi các « cuộc cách mạng nhung » liên tiếp diễn ra ở Đông Âu, « Conducator » Ceausescu vẫn điều hành Rumani với bàn tay sắt. Nhưng các cuộc nổi dậy ở Bucarest ngày 21/12/1989 đã làm đảo lộn tất cả. Bốn ngày sau đó, nhà độc tài và vợ đã bị xử bắn sau một phiên xử chớp nhoáng.
Đó là sự giận dữ, bất lực hay nỗi sợ hãi ? Một luồng khí lạnh chạy dọc theo xương sống Nicolae Ceausescu, hôm 21/12/1989. Khuôn mặt bị phân hủy, được chiếu sáng bởi ánh mặt trời mùa đông yếu ớt, chỉ còn là một chiếc mặt nạ hóa đá. Chỉ có đầu mũi nhọn như chiếc nỏ của ông ta là còn giữ lại những nét của « Conducator », con người quyền lực gần như là một Thượng đế, đã lãnh đạo nước Rumani cộng sản từ một phần tư thế kỷ.
Bốn hôm trước đó, các vụ nổi dậy đã nổ ra ở Timisoara, miền tây đất nước, phản đối lại vụ trục xuất mục sư Laszlo Tokes khỏi nhà thờ. Lực lượng an ninh đã nổ súng vào đám đông. Một vụ tàn sát. Vừa mới công du Iran về, người đứng đầu đất nước đã cho tổ chức một cuộc mít-tinh lớn được truyền hình trực tiếp, trước trụ sở Trung ương Đảng ở Bucarest. Ở phía dưới ban-công là những người công nhân được huy động đến để vỗ tay mướn.
Nhưng những tiếng gào thét càng lúc càng to, không thể dập tắt nổi : « Timisoara ! Timisoara ! Timisoara ! ». Trước khi vội vã rời đi, Ceausescu có thể nhận ra những lá cờ Rumani màu xanh-vàng-đỏ, những người biểu tình vứt bỏ các huy hiệu cộng sản. Cuộc biểu dương lực lượng khổng lồ này trở thành biểu tượng của một cuộc nổi dậy, sẵn sàng truất phế một trong những nhà độc tài kiểu Stalin cuối cùng của châu Âu.
« Dòng Danube tư duy », biệt danh của Ceausescu, đã trôi ngược dòng lịch sử, bị đe dọa bởi các cuộc cách mạng hòa bình ở các nước láng giềng : Praha, Varsovie và cả Berlin, từ khi bức tường nổi tiếng bị sụp đổ chỉ trong một đêm - đêm 9/11 trước đó. Liên Xô của ông Gorbachev cố gắng cứu vãn chế độ cộng sản bằng cách đổi mới, dù phải chấm dứt chiến tranh lạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét