Kotovsk nay chỉ còn "hai Lênin rưỡi" |
Người đã đứng ra thuê hai chiếc xe buýt là Alexandre Valevski, lãnh đạo địa phương của đảng Batkivchtchina - đảng của cựu Thủ tướng đang bị giam cầm Ioulia Timochenko, một trong ba đảng cầm đầu vụ biểu tình ở Kiev. Chân dung nhà đối lập Kotovsk : mặt đỏ gay, dáng người đường bệ, nặng nề. Cựu đảng viên cộng sản, một trong những nhà buôn lớn nhất ở ngôi chợ của thành phố, ông cũng chính là người đã tổ chức cuộc biểu tình ngày 4/12 – « Có 38 người tham gia, không tệ đối với một ngày thường trong tuần ».
Ông Alexandre Valevski, lãnh đạo địa phương đảng Batkivctchina. |
Ông Valevski chắc như đinh đóng cột : không phải đội quân nhỏ bé của ông đã tấn công vào Lênin ở công viên Công nhân đường sắt, nhưng ông hoan nghênh hành động này. « Cần phải hạ gục tượng của tên lưu manh Kotovski nữa ! ». Ông nói to trong văn phòng nằm ở ngay giữa chợ.
Grigori Kotovski, một tội phạm Moldavia, trong thập niên 20 đã trở thành một trong những lãnh tụ chính của Hồng quân vùng này. Tên ông ta được đặt cho thành phố - trước đó mang tên là Birzoula, sau khi Kotovski bị sát hại bởi một viên trung úy đã ngấy đến tận cổ việc vợ mình đã xiêu lòng trước những ve vãn của thủ trưởng.
Alexandre Valevski thở dài: “Chúng tôi không gây được bao nhiêu ảnh hưởng. Trước hết, có nhiều người Nga tại đây, họ là những sĩ quan đã ở lại định cư nhưng trái tim vẫn hướng về phía Nga. Rồi đến những người không có được thông tin: ở bên ngoài khu trung tâm thành phố, đến kênh truyền hình độc lập số 5 (Arte) cũng không bắt được”.
Lăng mộ Grigori Kotovski, thủ lãnh Hồng quân vốn là tội phạm, được lấy tên đặt cho thành phố. |
Quá trình chín muồi về chính trị nơi người dân Kotovsk có vẻ còn dài lâu. Nhưng cuộc điều tra của chúng tôi cũng có nguy cơ phải kéo dài.
Xin nhắc lại. Tại Ukraina, bức tượng Lênin đầu tiên bị hạ bệ vào mùa hè năm 1989, hai năm trước khi Liên bang Xô viết tan rã và nước này trở thành quốc gia độc lập. Đó là ở Lvov , chiếc nôi của phong trào quốc gia Ukraina, và hành động này nhanh chóng được bắt chước cho đến nỗi chỉ còn mỗi một tượng Lênin đứng được ở miền tây Ukraina.
Nhưng chúng ta đang ở Kotovsk thuộc miền nam, nói tiếng Nga và trung thành với Matxcơva. Thành phố nhỏ bé có đến ba bức tượng của lãnh tụ cộng sản. Hay đúng hơn, bây giờ là hai tượng rưỡi. Có lẽ nên tìm kiếm ở phía thân nhân nạn nhân, trong cái văn phòng bé tí của Đảng, bao quanh là các bụi rậm?
Bà Lidia Martinovna Zimtchenko, đảng viên cộng sản lão thành. |
Lidia Martinovna Zimtchenko, 87 tuổi, chưa bao giờ bị bệnh trong đời. Cho đến hôm thứ Hai 9/12, khi trông thấy Lênin của mình bị chặt đứt đến ngực trên truyền hình địa phương. “Tôi bỗng lên cơn sốt, và bị tăng-xông” – bà nói, đôi mắt vẫn còn sáng rực. Tám chiếc huy chương mà Lidia Martinovna phô ra trên ngực chiếc áo pull màu kem cũng nói được nhiều điều như bốn mươi bảy năm trong Đảng của bà.
Năm 1947, vào lúc đang xây dựng công viên Công nhân đường sắt, bà đang ở Kiev . Lidia đến trường trở lại sau khi phải tạm ngưng việc học do chiến tranh. Là kỹ thuật viên trưởng của nhà máy đường Kotovsk, bà đã sống qua những năm tháng vui tươi của thành phố, khi ngành công nghiệp cung cấp việc làm, các thú giải trí “và nhất là lý tưởng cho lớp trẻ”.
Chỉ có một vùng xám: một chuyến đi công tác vào thập niên 50 tại Ternopil, một chiếc nôi nữa của phong trào quốc gia Ukraina ở miền tây. Bà nhớ lại, giọng vẫn còn đầy tức giận:“Một số người mắng chúng tôi là ‘những kẻ chiếm đóng’, ném đá vào chúng tôi. Đó cũng là những kẻ đã hạ bệ Lênin của chúng tôi: các đại diện của Svoboda tại Kotovsk”.
Có điều, tại trụ sở của Svoboda ở Kotovsk, chẳng có mấy ai. Cần phải truy lùng rộng hơn, sục tìm trong giới “dân tộc chủ nghĩa”. Ở đây, như vậy có nghĩa là phải tìm đến Alexandre Iarochenko - nhà văn 42 tuổi, dáng cao lênh khênh một cách đáng ngại, một người luôn để đầu trần đi dạo trên các con đường trong thành phố.
Người ta tìm thấy người đàn ông này trước một bức tượng khác - khiêm tốn hơn và nằm cách xa tại khu Nhà máy đường, tưởng niệm các nạn nhân của Holodomor (nạn đói do chính quyền xô-viết gây ra vào đầu thập niên 30). “Cách đây ba năm, người dân ở đây đã đến gặp thị trưởng yêu cầu đóng góp tài chính để dựng tượng. Ông ta trả lời rằng không có Holodomor ở Kotovsk và không xì ra một đồng kô-pếch nào, trong khi ông ta mua đến mấy biệt thự ở Yalta …”
Nhà văn Alexandre Iarochenko. |
Alexandre khoái chí khi biết được vụ hạ bệ tượng của“tên sát nhân”Lênin. Chính ông cũng nằm trong số những nghi can. Trở về từ Maidan ở Kiev tối Chủ nhật, ông có một bằng chứng ngoại phạm: đêm hôm đó ông nằm liệt giường vì bị viêm họng. “Với lại tôi là nghệ sĩ, đấu tranh bảo vệ cho ngôn ngữ Ukraina thì thiết thực hơn. Các bạn có biết không, trong số 40.000 dân có đến 35.000 người Ukraina, nhưng ngôn ngữ giao tiếp lại là tiếng Nga. Người Ukraina ngày càng bị phân biệt đối xử trên chính quê hương của mình…”
Chứng viêm họng của Alexandre đẩy chúng tôi vào ngõ cụt. Bây giờ lại phải làm việc logic một chút, theo hướng các quán bar. Bắt đầu là Doka, quán-cà-phê-không-nên-đến vì cứ quá mười giờ đêm là người ta lại đánh nhau. Ở đó có thể gặp gỡ giới trẻ « mất phương hướng » mà bà Lidia Martinovna, đảng viên cộng sản lão thành đã mô tả. Bia tuôn như suối, rượu vốt-ka được nốc từng ngụm lớn, người ta nhảy nhót và tất nhiên là người ta thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau. Tuy nhiên, chỉ công cốc.
“Ở đây bọn tôi không làm chính trị, mà tự bằng lòng với cuộc sống khiêm tốn của mình”. Oleg, khoảng hai mươi tuổi khẳng định. Anh thỉnh thoảng tìm được việc làm trong ngành xây dựng, và mỗi tối đều tìm vui nơi quán cà phê. Maxime tiếp lời, đã bớt lạnh nhạt hơn: “Với lại vì sao người Mỹ và châu Âu lại thò mũi vào chỗ chúng tôi?”
Buổi sáng, kênh truyền hình khu vực đặt tại Odessa khẳng định đã biết được kế hoạch bí mật của ngành ngoại giao châu Âu nhằm đưa các bạn bè đối lập lên cầm quyền tại Kiev …
Các em học sinh trường trung học kỹ thuật (Pacha đứng giữa). |
Tại đây cũng như ở tòa thị chính, người ta chĩa mũi dùi vào trường trung học kỹ thuật. Kiểm tra nhanh sáng hôm sau: các học sinh không phải tất cả đều mang gương mặt thiên thần nhưng chẳng tìm thấy gì đáng ngờ cả. Đây chỉ là các thanh niên xuất thân từ gia đình nghèo, muốn học được một cái nghề để thoát ra khỏi Kotovsk trì trệ. Giống như Pacha, 15 tuổi, đang học nghề đầu bếp và có cha là thủy thủ, hy vọng một ngày nào đó sẽ mở được một tiệm ăn. “Không phải ở Kotovsk vì người dân tại đây nghèo quá, mà tại Odessa hay Kiev, dù mọi người đều vội vã…”
Thế là chúng tôi gần như phải từ bỏ cuộc điều tra, đành tạm bằng lòng với giả thiết khập khiễng của một viên chức – rằng một đứa trẻ đã đánh đu dưới cánh tay Lênin và làm cho bức tượng bị gãy đổ.
Nhưng quá sớm để ra đi: điều tra viên của báo Le Monde đang bị truy lùng trong thành phố, người ta tìm đến tận khách sạn Spoutnik. Có lúc bị nghi ngờ là “đang làm nhiệm vụ xác minh việc sử dụng quỹ sinh thái châu Âu”, nay nhà báo thu hút sự chú ý của tất cả những ai không nói lên được tiếng nói của mình, và không còn cách nào khác là cầu viện người ngoại quốc đang quá bước đến nơi này.
Olga Vassilievna đến tìm, cho biết bị một đại biểu của Đảng các vùng quấy nhiễu. Chồng bà vừa nhập viện, thì bị truyền hình địa phương kết tội là lạm dụng tình dục trẻ em tuy không có chứng cớ. Rồi đến Mikhail Desiatnikov, trưng ra một tập tài liệu ghi lại những bất đồng với một đại biểu khác của đảng đã chiếm mất lãnh địa của mình và công khai gọi ông là “đồ cái mõm Do Thái”.
Natalia Ryazanova, chủ tịch hiệp hội Tchas Zmin. |
Đặc biệt là Natalia Ryazanova. Cách đây hai năm, bà tố cáo một xì-căng-đan làm tiền những người bán hàng ngoài chợ và từ đó đến nay, bà bị ngăn trở làm việc. Cùng với vài người bạn, Natalia thành lập Tchas Zmin (Thời điểm đổi thay), một tổ chức công dân đấu tranh với chính quyền để bảo vệ quyền lợi của các tiểu chủ là nạn nhân của tham nhũng.
Bà liên tục phải đối đầu đến kiệt lực với các quan chức, áp lực và tư pháp được chỉ đạo. Những người của Tchas Zmin cũng khẳng định thị trưởng Anatoly Ivanov giàu hơn người ta nghĩ, nếu chỉ nhìn chiếc Skoda ông ta đi. Ông sở hữu nhiều căn nhà và nhà hàng ở Crimée, Odessa , Carpate…và theo họ, ông ta thu vén được khoảng 24 triệu đô la trong suốt 25 năm làm thị trưởng, đem gởi ở nước ngoài.
Đối với những con người bướng bỉnh này, đối lập địa phương“đã bán mình cho chính quyền”, chỉ là những con rối của các quan chức. Họ khẳng định rằng Alexandre Valevski, lãnh đạo địa phương của đảng Batkivchtchina đóng thuế cho quầy hàng ngoài chợ của ông ta nhẹ gấp mười lần các tiểu thương khác.
Alexandre Iarochenko, nhân vật dân tộc chủ nghĩa, cũng cùng ý kiến: “Valevski không phải là một nhà đối lập thực sự, ông ta quá lo ngại cho việc làm ăn của mình”. Bằng chứng là vụ tổ chức biểu tình hôm 4/12: “Không có thông báo nào trước đó, tập họp lại có mười phút để chụp ít tấm hình cho có lệ, rồi ra lệnh phải cuốn gói ngay”.
Sẽ còn những tượng nào cùng chung số phận với Lênin ở Kiev ??? |
Mặt trời đã lên, cuối cùng thành phố trở nên dễ chịu để dạo chơi. Trong công viên Công nhân đường sắt, Lênin vẫn luôn bị trùm lên một tấm bạt màu trắng. Dù sao cũng có cái mới: dưới chân bức tượng, ai đó đã kính biếu một đống phân.
Mời đọc lại:
Ai đã « trảm » Lênin ở Ukraina ? (1)
Mời đọc lại:
Ai đã « trảm » Lênin ở Ukraina ? (1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét