Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

2268. ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP LUNG LAY?

Posted by basamnews on January 23rd, 2014
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Hai, ngày 20/01/2014
(Đài RFA 15/1)
Kỷ niệm 35 năm ngày thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ vào đầu tháng 1/1979, đất nước Campuchia lại bị khủng hoảng nghiêm trọng với nhiều hậu quả đáng ngại cho nền kinh tể và cho người dân thật ra còn rất nghèo với lợi tức bình quân chưa tới một nghìn USD một năm. Sau đây là cuộc phỏng vấn của Vũ Hoàng với ông Nguyễn Xuân Nghĩa:
- Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, ngày mùng 8/1/1979, nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia được Việt Nam thành lập tại Campuchia để chấm dứt 5 năm cai trị sắt máu của chế độ Khmer Đỏ trước đó cũng do Hà Nội yểm trợ. Vừa qua, lễ kỷ niệm biến cố này lại chìm trong lãng quên, hoặc nói cho đúng hơn, chìm trong bạo động và hỗn loạn khởi sự từ những nguyên nhân chính trị và kinh tế. Giới quan sát quốc tế cho là sau hai chục năm tương đối ổn định, đất nước Campuchia có thể lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Vì lý do đó, tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ đề cập đến quốc gia láng giềng mà ngày xưa, người Việt vẫn gọi là đất nước Chùa Tháp. Xin ông trình bày cho bối cảnh của câu chuyện.

+ Ông nói đến biển cố xảy ra 35 năm trước, là điều mà đa số giới trẻ tại cả Campuchia lẫn Việt Nam đều lãng quên, thậm chí không biết. Vì vậy trong phần bối cảnh, chúng ta sẽ phải nhắc lại dù là rất sơ lược.
Được Hà Nội yểm trợ trong cuộc chiến Việt Nam, lực lượng Khmer Đỏ nắm chính quyền kể từ năm 1975. Rồi trong bốn năm cai trị, chế độ này áp dụng phương pháp hà khắc nhất theo kiểu Mao Trạch Đông và mở ra cuộc tàn sát khiến từ một triệu rưỡi đến hơn hai triệu người chết thảm khi dân số chỉ có khoảng bảy triệu, về sau, phe Khmer Đỏ lại được Bắc Kinh yểm trợ và gây hấn với Việt Nam nên ngày Giáng Sinh 1978, Hà Nội đưa quân tiến đánh Campuchia và ngày mùng 8/1/1979 thì lập ra chế độ Cộng hoà Nhân dân Campuchia như ông vừa nhắc. Đấy cũng là lúc Trung Quốc đưa quân tấn công các tỉnh miền Bắc của Việt Nam trong cuộc chiến đẫm máu vào đầu năm 1979.
Cộng hoà Nhân dân Campuchia tồn tại đến năm 1993 thì Campuchia trở lại nền quân chủ với tên chính thức là Vương quốc Campuchia. Một cựu sĩ quan Khmer Đỏ được Hà Nội đưa lên cầm quyền từ thời ấy là Thủ tướng Hun Sen ngày nay. Từ năm 1985 đến nay, ông Hun Sen dần dần củng cố vị thế cá nhân và ổn định Campuchia trong 20 năm liền nhờ vận dụng được sự yểm trợ của các cường quốc. Nhưng sự ổn định ấy đã hết.
- Thưa ông, qua phần tóm lược, ông có nói đến việc Thủ tướng Hun Sen ổn định được Campuchia trong hai chục năm, vận dụng được sự yểm trợ của các cường quốc, nhưng sự ổn định ấy đã hết. Ông có thể giải thích những điều này cho rõ hơn được không?
+ Sau vụ thảm sát của Khmer Đỏ, cộng đồng quốc tế đã can thiệp để chấm dứt tình trạng ngoại xâm lẫn nội chiến và kêu gọi thế giới giúp đỡ dân tộc Khmer. Nhờ đó mà nền quân chủ hình thức được vãn hồi, nhưng Campuchia vẫn nằm dưới một chế độ thiếu dân chủ do ông Hun Sen lãnh đạo. Là đồng Thủ tướng dưới một Quốc vương vô quyền thì năm 1997 ông ta đảo chính để cầm quyền một mình và loại bỏ các chính đảng khác. Thắng lớn sau cuộc bầu cử năm 1998, Thủ tướng Hun Sen khéo tránh được áp lực của quốc tế để duy trì một nhà nước có màu sắc cộng sản, theo kinh tế thị trường một cách chọn lọc, và dùng ách độc tài dưới hình thức dân chủ. Sau thảm kịch sắt máu của Khmer Đỏ thì tình trạng ấy đã có vẻ tiến bộ hơn.
Về đối ngoại, Chính quyền Hun Sen ra khỏi quỹ đạo của Hà Nội và nương vào Bắc Kinh là thế lực đỡ đầu giàu mạnh hơn. về kinh tế thì họ mở cửa giao thương để thu hút đầu tư quốc tế nhờ hai ưu điểm là thứ nhất có nhân công rẻ, thứ hai có vị trí địa lý thuận tiện ở Vịnh Thái Lan. Campuchia nằm ở phía Bắc Eo biển Malacca và trong Tiểu vùng sông Mekong có thể khai thông việc giao thương giữa tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Về an ninh chiến lược, họ hợp tác với Mỹ để giải trừ áp lực của hai nước láng giềng quá lớn là Thái Lan và Việt Nam, mà cơ bản thì vẫn thực hiện chính sách của Trung Quốc là phá vỡ sự thống nhất của Hiệp hội ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á như người ta đã thấy khi Campuchia làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2012. Là Thủ tướng từ năm 1985 ở tuổi 33, ông Hun Sen quả là có bản lãnh chính trị khi thực hiện được ngần ấy việc trong gần ba chục năm cầm quyền.
- Sau phần bối cảnh khá ly kỳ ấy, chúng ta bước qua hồ sơ kinh tế. Thưa ông vì sao mà sự ổn định của Campuchia đã chấm dứt và khủng hoảng có thể bắt đầu?
+ Ta trở lại chuyện căn bản là Campuchia ngày nay có 15 triệu dân, đa số rất trẻ vì một nửa là dưới 22 tuổi và không còn khái niệm gì về tai họa hắc ám thời Khmer Đỏ. Khi mở ra bên ngoài với cùng một chiến lược kinh tế của Trung Quốc, dưới này có cải tổ đôi chút về tài chính, lập ra nhiều đặc khu kinh tế mời đầu tư của nước ngoài vào khai thác nhân công rẻ để xuất khẩu. Khu vực được ưu tiên là làm gia công sản phẩm chế biến loại thấp như hàng dệt sợi, áo quần giày dép cho các doanh nghiệp quốc tế, từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến châu Âu và Mỹ. Yếu kém về hạ tầng vận chuyển quá thô sơ thì họ trông cậy vào đầu tư của Trung Quốc. Với trình độ phát triển còn quá thấp thì chiến lược kinh tế ấy có ưu điểm là tạo ra công ăn việc làm và duy trì được quyền lực của đảng và nhà nước. Nó càng có vẻ hợp lý khi Trung Quốc hết là công xưởng của thế giới nhờ nhân công nhiều và rẻ nên giới đầu tư quốc tế đang tìm nơi kinh doanh có lợi hơn. Một trong những nơi đó chính là Campuchia, một đất nước có nhân công và vị trí địa lý thuận tiện trong vùng Đông Nam Á. Một thí dụ đang được chú ý là khu vực dệt sợi và hàng may mặc của Campuchia. Đây là nơi mà 90% doanh nghiệp là của nước ngoài, dù chỉ đóng góp 1% vào tổng số xuất khẩu của toàn cầu thì cũng tạo ra công việc làm cho một phần ba dân số lao động trong 600 hãng xưởng, đem lại 80% số thu về xuất khẩu và 18% tổng sản lượng kinh tế. Khu vực này được chú ý vì khủng hoảng đang bùng nổ tại đây khi 400 xưởng đã ngưng hoạt động vì biểu tình đình công.
So sánh vi Việt Nam
- Xin ông trình bày vụ việc một cách chi tiết vì thính giả của chúng ta có thể thấy hoàn cảnh Campuchia cũng chẳng khác gì Việt Nam với cùng chiến lược thu hút đầu tư để bán sức lao động và với những bất ổn đang bùng nổ tại các xưởng của Sam Sung ở Thái Nguyên.
+ Chi tiết đầu tiên đáng chú ý là mọi chế độ độc tài đều sinh ra tham ô và dưới vẻ ổn định của nền dân chủ giả hiệu thì sự bất mãn của quần chúng về tệ nạn tham nhũng là làn sóng đáy sẽ bùng lên. Chi tiết thứ hai là khi mở cửa kinh tế với quy luật thị trường giả tạo, chế độ độc tài vẫn cần đầu tư nước ngoài và được bên ngoài theo dõi chứ không thể bưng bít được mãi. Chi tiết thứ ba là một thế hệ trẻ đã đến tuổi trưởng thành, họ không chấp nhận được nạn bất công và không hài lòng với lý luận rằng dù sao chế độ cai trị hiện nay vẫn khá hơn thời Khmer Đỏ hay trước thời đổi mới. Họ không nhìn về quá khứ mà nhìn ra ngoài.
Thế rồi mọi chuyện bùng nổ sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 28/7/2013. Trong cuộc bầu cử, sự bất mãn của dân chúng khiến đảng đối lập của lãnh tụ Sam Rainsy là đảng Cứu nguy dân tộc bất ngờ chiếm số ghế dân biểu rất cao là 55 trong tổng số 123, nhưng họ tin là phải chiếm 63 ghế và có đa số để lên cầm quyền nếu đảng Nhân dân của ông Hun Sen không gian lận. Tức là đảng đối lập bác bó kết quả bầu cử, không gia nhập Quốc hội giả hiệu, kêu gọi dân chúng biểu tình và yêu cầu Liên họp quốc vào điều tra.
Chuyện bất ngờ thứ hai là chế độ Hun Sen lại tỏ ý nhượng bộ và muốn đàm phán với đối lập thay vì cầm quyền một mình như sau cuộc bầu cử cũng đầy gian lận năm 1998. Lần đó thì họ thoát nạn và thoải mái cầm quyền vì thế giới để chú ý đến vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á với nhưng biến động chính trị lan rộng, trong khi Liên Xô đến hồi tan rã. Lần này thì tình hình đã khác xưa. Và chính là sự ngập ngừng của một chế độ độc tài ngụy danh dân chủ mới khiến công nhân ngành dệt may nhập cuộc vào cuối năm 2013.
- Ông vừa trình bày một diễn tiến từ chính trị sau bầu cử sang lĩnh vực lao động và kinh tế cho đến biến động ngày nay. Thưa ông, công nhân khu vực dệt may đã gia nhập thế nào?
+ Vì có bầu cử nên Chính quyền Hun Sen muốn mua chuộc công nhân bằng cách hai lần tăng lương tối thiểu. Lần thứ nhất là trước cuộc bầu cử, tăng từ 61 USD một tháng lên 80 USD. Lần thứ hai là vào ngày 24/12/2013 sau khi bị chống đối về gian lận bầu cử, tăng từ 80 lên 95 USD, dự trù sẽ áp dụng vào đầu tháng Tư năm nay. Nhưng lần này thì các công nhân và lãnh tụ công đoàn lại đòi tăng gấp đôi, từ 80 USD lên 160 USD và không được thoả mãn nên khoảng 30.000 công nhân đã xuống đường biểu tình khiến chế độ phải chấp nhận tăng từ 80 USD lên 100 USD.
Chuyện công nhân ngành dệt may của Campuchia đình công để phản đối điều kiện lao động tồi tệ từng xảy ra từ nhiều năm rồi, với nhịp độ mỗi năm một nhiều hơn. Như năm ngoái đã có hơn 130 vụ, nhiều gấp ba so với mấy năm trước. Nhưng lần này tình hình lại khác vì họ không chỉ đình công mà xuống đường biểu tình cùng làn sóng phản đối gian lận bầu cử. Dù đã nhượng bộ phe đối lập và nay lại nhượng bộ lực lượng công nhân, Chính quyền Hun Sen vẫn bị chống đối và biểu tình bùng nổ. Chế độ càng ra tay đàn áp càng khiến sự chống đối lan rộng, với sự gia nhập của các nhà sư và nhiều thành phần xã hội khác. Sau cùng thì giới đầu tư quốc tế cũng sợ bị mang tiếng là hùa theo chế độ để bóc lột công nhân nên đã lên tiếng can gián và phản đối.
- Theo nhận định của ông thì hậu quả của vụ khủng hoảng này sẽ ra sao, trước hết là về mặt kinh tế?
+ Tôi nghĩ tai họa lớn nhất chính là về kinh tế vì khu vực dệt may có ý nghĩa quá then chốt đối với Campuchia, nếu ngành này khủng hoảng thì Campuchia coi như bị tê liệt và xuất khẩu sẽ sụt mạnh. Nhìn về lâu dài thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn vì nước này mất luôn lợi thế nhân công rẻ nếu mức lương tối thiểu lại lên tới 160 USD một tháng so với lương tối thiểu của các thị trường khác tại châu Á, như Bangladesh là 38 USD, Lào là 78 USD, Việt Nam là từ 90 USD tới gần 130 USD. Trong một môi trường quá bất ổn, với hạ tầng cơ sở còn thô sơ thì mức lương tối thiểu tại Campuchia không còn là ưu thế và giới đầu tư quốc tế có thể rút khỏi thị trường này mà tìm đến các nước khác.
- Thưa ông, còn hậu quả về chính trị là gì?
+ Ông Hun Sen có tham vọng cầm quyền đến tuổi 74, bây giờ thì có lẽ ta thấy đó là ảo vọng của sự ổn định giả tạo. Đáng buồn cho Campuchia là đảng đối lập bị đàn áp với các lãnh tụ phải lưu vong quá lâu ở nước ngoài nên họ thiếu kinh nghiệm cầm quyền trong buổi giao thời đầy khó khăn này. Chuyện thứ ba là lãnh tụ đối lập Sam Rainsy theo chủ nghĩa dân tộc mà không ưa gì Việt Nam cho nên nếu Campuchia bị khủng hoảng trong thời chuyển tiếp thì có khi Việt Nam cũng bị vạ lây. Tôi không lạc quan về tình hình Campuchia, và Việt Nam nên rút ra bài học chính trị từ đất nước Chùa Tháp.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi khá đặc biệt này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét