Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

HÌNH ẢNH BA BUỔI TOẠ ĐÀM

Sunday, January 12th, 2014 | Author: 

PHẢN ỨNG CỦA MÔT HỌC SINH LỚP 12

_____________________________

Thưa thầy,
Vừa về đến nhà là con viết ngay cho thầy những dòng này, sợ rằng nếu không nói ra ngay bây giờ, những cảm xúc này sẽ nhanh chóng bay đi mất.

Nghe thầy nói chuyện, con THẤY ĐÚNG, ĐỒNG Ý, VUI MỪNG,
và XÓT XA, BẤT BÌNH, CĂM GIẬN.

Nói thật là con…tức điên lên được!

Những điều thầy nói và phân tích về nước mình, về giáo dục của mình đều đúng SỰ THẬT. Và đây không phải lần đầu con nghe những điều đó. Con nghĩ hầu hết những người tham dự hội thảo hôm nay đều cùng suy nghĩ như vậy. Họ không đồng ý với cách dạy học của nước mình. Và rất nhiều nhiều những người khác, thậm chí là thầy cô giáo dạy chúng con ở lớp, thậm chí là thầy Giám đốc Sở giáo dục, thậm chí là các cô bác trong Bộ giáo dục,… đều nhìn thấy những sai lầm trong giáo dục, nhưng chẳng một ai trong số họ có đủ khả năng để thay đổi cả bộ máy, và kết quả là CHÚNG CON, NHỮNG THẾ HỆ TRƯỚC & SAU CHÚNG CON là những người gánh chịu sai lầm đó. Có lần thầy giáo dạy Sử học buột miệng nói với chúng con rằng: “Nền giáo dục này đang hành hạ học sinh một cách quá đáng!” Con tự thấy xót xa quá…

Tối hôm qua con không học bài, mà dành ra cả buổi tối để lên google đọc các bài viết về thầy trước khi đến tham dự buổi nói chuyện sáng nay. Con nghĩ mình đã phần nào hiểu được quan điểm của thầy. Còn những câu hỏi được đặt ra cho thầy sáng nay, như: “Đổi mới giáo dục nên bắt đầu từ đâu?” hay “Thầy có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ trong việc nghiên cứu khoa học?”, con cảm giác chúng có gì đó thật…sáo rỗng, không cụ thể, và câu trả lời thì “không cần hỏi cũng biết”, nếu thật sự chú tâm. (Con xin lỗi thầy, con không làm nghiên cứu khoa học nhưng con cũng muốn nói sự thật).

Thầy kể rằng khi nhìn thấy những tờ báo dân chủ trên đường phố nước khác, thầy đã khóc. Còn con, khi nghe những đứa bạn đang du học ở nước ngoài kể về sự học đúng nghĩa của nó bên trời Tây, con đã khóc thật sự. Khóc vì ganh tị, khóc vì một nỗi mông lung mơ hồ rằng liệu ở đất nước này bao giờ mình mới được học như thế?. Chúng nó được học những gì nó thật sự đam mê. Chúng nó học không chịu một áp lực thành tích nào. Chúng nó học cái gì là nhớ cái đó, học cái gì cũng thấy thích thú. Còn chúng con, mọi cố gắng cũng chỉ để trút vào thi cử, bằng cấp. Thi xong là quên hết. Kiến thức vào đường này, ra đường kia. Nhồi nhét thật nhiều thứ, nhưng lại chẳng áp dụng được gì vào cuộc sống. Vô nghĩa.

Con chứng kiến những người học hành chẳng ra gì, đối nhân xử thế cũng không mấy hay ho, chỉ cần nghe họ nói chuyện là biết họ chẳng mấy trí tuệ. Vậy mà họ nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Họ ngồi thật cao trên địa vị, và nghiễm nhiên đem thứ năng lực ít ỏi của mình ra điều khiển người khác. Vì lẽ gì mà lại như thế? Rơi vào tay những người như thế, đất nước này sẽ đi về đâu?

Con còn nhỏ tuổi, còn bồng bột. Con nói những điều ấy, nếu có gì sai sót, thầy hãy chỉ dạy cho con.

Con ước mơ được đi du học từ nhỏ. Bây giờ con đang cố gắng thật nhiều để đạt được điều đó. Gia đình con không đủ điều kiện để cho con đi học ở những nước như Mỹ, Anh, Úc. Con cũng không đủ xuất sắc để có thể dành học bổng toàn phần của những nước đó. Vậy nên con chọn thi vào đại học của một nước nhỏ ở châu Âu- Phần Lan – một nước có nền giáo dục phát triển hơn Việt Nam và chi phí cũng không quá cao. Con chọn học ngành Kinh doanh. Thật tiếc là con không có đam mê với nghiên cứu khoa học, nên có lẽ con đường con đi sẽ không thể nhờ đến sự dìu dắt của thầy. Nhưng những lời thầy nói sáng nay đã củng cố cho con quyết tâm để đạt được mơ ước của mình. Con cảm ơn thầy thật nhiều.

Sáng nay nghe thầy nói, trong con dậy lên nhiều cảm xúc. Bức ảnh của thầy cùng các em nhỏ trên con đường làng bên cạnh lũy tre xanh làm con nhớ quê mình kinh khủng. Con còn ước một lần được đi cạnh một bậc tiền bối như thầy, chỉ để có cảm giác rằng mình sẽ vinh dự được là người tiếp nối sự thành công của thế hệ đi trước.

Cảm xúc cứ đong đầy làm con viết theo cảm tính và chẳng biết điểm dừng. Có lẽ bức thư dài dòng này sẽ làm mất nhiều thời gian của thầy mà chẳng đem lại lợi ích gì. Biết thế nhưng con vẫn mong thầy sẽ đọc hết. Con cảm ơn thầy. Và thật sự thích phong cách của thầy, một Nghệ sĩ sống trong hình hài một Nhà khoa học.
Một học sinh lớp 12
Tags: Category: Bài viếtGiáo dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét