Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

VỤ CHIẾM ĐẤT HƯƠNG HỎA

VỀ VỤ CHIẾM DỤNG ĐẤT ĐAI HƯƠNG HỎA DÒNG HỌ THÁI Ở HUẾ


Tiến sĩ Thái Kim Lan và hành trình 20 năm đi đòi nhà thờ họ Thái

VỤ CHIẾM DỤNG ĐẤT ĐAI HƯƠNG HỎA DÒNG HỌ THÁI Ở HUẾ:
CÒN ĐÓ NỖI LO MẤT DÂN CHỦ

Ngô Hoàng Trí Dũng
Những ngày gần đây, báo chí và dư luận cả nước đổ dồn quan tâm vào sự kiện khai man thành tích để dành “quốc phong” Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Nguyên bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế: Hồ Xuân Mãn. Vụ việc của ông Hồ Xuân Mãn xảy ra, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tình trạng lạm dụng chức quyền nhằm trục lợi cá nhân của một số quan chức hiện nay, nhưng nó cũng phản ánh tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức Đảng viên trong hàng ngũ quan chức. Án tại hồ sơ, đằng sau sự vụ khai man thành tích của ông Hồ Xuân Mãn, vẫn còn đó rất nhiều những oan trái mà người dân xứ Huế phải chịu trong cảnh “cánh kiến” cõng “củ khoai” lên kiện ông trời, mà sự kiện nổi cộm gần đây nhất, gây tác động, ảnh hưởng lớn tới báo chí nhiều nhất đó là: Vấn đề oan sai của dòng họ Thái trong việc khiếu kiện chính quyền, UBND thành phố Huế về những sai phạm khi giải quyết tranh chấp đất đai giữa đại diện hợp pháp dòng họ Thái (bà Thái Kim Lan, ông Thái Nguyên Hạnh) và ông Nguyễn Văn Kế cùng những người có trách nhiệm.
Việc đùn đẩy trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm của các cấp chính quyền có liên quan đến vụ việc, cho thấy, tệ nạn tham nhũng, sự bao che giữa các cá nhân trong chính quyền ngày càng trở nên phổ biến, phản ánh tính chất buông lỏng quản lý của cấp cơ quan trung ương đối với các cấp cơ sở. Theo đó, vấn đề dân chủ và thực hiện dân chủ sâu rộng trong quần chúng của Đảng và nhà nước sẽ khó có thể thành hiện thực, khi mà một công dân sau gần 20 năm theo kiện với những chứng lý rõ ràng vẫn không có được chính sách bảo hộ của chính phủ. Dân chủ bao giờ sẽ đến được với những con người của dòng họ Thái, khi mà cả đời họ phải sống trong cảnh bao che của chính quyền cho những sai phạm mà gia đình ông Kế đang gây ra, với thiệt hại khó tính được cả về mặt vật chất cũng như tinh thần? Và dân chủ bao giờ sẽ trở thành hiện thực, khi mà dòng họ Thái vẫn phải “kêu cứu” các cấp có thẩm quyền phải vào cuộc để trả lại những giá trị thiêng liêng của tổ tiên vốn thuộc về họ? Đó là những câu hỏi nhức nhối đặt ra đối với các cấp có thẩm quyền của chính phủ, khi mà Đảng và Nhà nước đang kêu gọi chống tham nhũng và thực hành dân chủ sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Vụ việc bị chiếm dụng đất đai dòng họ Thái của gia đình ông Nguyễn Văn Kế xảy ra với nhiều sai phạm về mặt pháp luật, mà không hiểu tại sao đến giờ, các cơ quan hành pháp của chính phủ vẫn chưa có biện pháp chế tài nghiêm khắc để giải quyết vụ việc. Phải chăng chiếc ô quá lớn đằng sau ông Nguyễn Văn Kế và bà Nguyễn thị Thúy Hằng đã cản đường các cơ quan hành pháp của chính phủ?

Theo đó, từ năm 1977 đến năm 1993, gia đình ông Nguyễn Văn Kế đã chiếm dụng đất đai dòng họ Thái từ con số 200m2 lên đến 1370m2 một cách bất hợp pháp, không có sự chứng thực của chính quyền địa phương. Ngày 27/8/1994, Phòng Nông, Lâm Ngư TP Huế (là cơ quan được giao thẩm định, giải quyết vụ việc này) có Báo cáo và đề nghị UBND thành phố Huế: Chỉ công nhận cho ông Kế sử dụng hợp pháp 200m2. Thế nhưng, ngày 8/11/1996, UBND TP Huế lại ban hành Quyết định số 1564/QĐ-UBND công nhận cho ông Kế được sở hữu hợp pháp 650m2?? Quyết định này trên nguyên tắc đã vi phạm luật đất đai năm 1987, 1993 của nhà nước Việt nam cấm việc mua bán chuyển nhượng đất có tính tôn giáo, thờ tự. Trích lục của dòng họ Thái rõ ràng có đóng dấu “đất hương hỏa”. Quyết định này đã gieo lên mối nghi ngờ trong quần chúng nhân dân ở Huế về sự thiếu minh bạch của các cơ quan thực thi pháp luật ở tỉnh này. Ngày 8/1/2008, ông Phan Trọng Vinh, chủ tịch UBND TPHuế đã bác đơn khiếu nại của đại diện họ Thái tại 124 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP.Huế, đồng thời ký quyết định số 26/QĐ-UBND thừa nhận cho hộ ông Nguyễn Văn Kế (nay là bà Nguyễn Thị Thúy Hằng) được quyền sử dụng 650m2 không có cơ sở  pháp lý. Ngày 1/6/2010, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh của bà Nguyễn Thị Thúy Hòa để nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng trước đó 3 ngày bà Nguyễn Thị Thúy Hoà đã kịp thời ban hành quyết định số 1009/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của đại diện họ Thái. Việc đưa ra quyết định số 1009/QĐ-UBND, cho thấy, có những dấu hiệu bao che, đồng phạm của bà Nguyễn Thị Thúy Hòa trong việc cấp Giấy công nhận quyền sử dụng đất bất hợp pháp cho gia đình ông Nguyễn Văn Kế (nay là bà Nguyễn Thị Thúy Hằng). Điều vô lý là, một mặt, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa ban hành quyết định giải quyết đơn khiếu nại hợp pháp từ phía đại diện họ Thái, song, mặt khác lại công nhận quyền sử dụng 650m2 (không có giấy tờ mua bán gốc chứng thực??) đất cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Kế? Quyết định này hoàn toàn đi ngược với báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của Đoàn công tác liên ngành trên mảnh đất đang bị chiếm dụng của dòng họ Thái.

Được biết, trong quá trình ông Phan Trợng Vinh ký quyết định số 26/QĐ-UBND “thừa nhận” cho hộ ông Nguyễn Văn Kế được quyền sử dụng 650m2, đại diện dòng họ Thái liên tục đệ đơn lên các cấp yêu cầu giải quyết thỏa đáng phần đất hương hỏa của dòng họ đang bị chiếm dụng, thì ngày 28/3/2008, UBND TP.Huế đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Văn Kế và ngay sau đó ông Kế đã tặng lại cho con gái là bà Nguyễn Thị Hằng, để rồi, chỉ sau chưa đầy 6 tháng lại tiếp tục ban hành quyết định cấp sổ đỏ cũng như cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho bà Hằng vào ngày 24/9/2008. Việc làm này của UBND thành phố Huế đã vi phạm nghiêm trọng khoản 1- Điều 50 – Luật đất đai Quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất. Đặc biệt, việc ban hành quyết định công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Kế cho bà Nguyễn Thị Thái Hòa của UBND thành phố Huế  trong trường hợp trên tiếp tục vi phạm tiếp vào khoản 2 Điều 110; khoản 2 và khoản 3 Điều 112; các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 113; khoản 2 Điều 115; điểm b khoản 1, các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 119; điểm b khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 120 của Luật Đất đai, khi mà bên nguyên đơn đại diện dòng họ Thái (bà Thái Kim Lan) vẫn đang khiếu nại về việc này và khởi kiện về tranh chấp đất đai. Những sai phạm diễn ra liên tiếp trong việc giải quyết tranh chấp đất đai dòng họ Thái của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, cho thấy tính chất sai phạm nghiêm trọng của việc thực thi pháp luật ở tỉnh này.

Bất ngờ hơn, trong khi những sai phạm của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc giải quyết không ổn thỏa sự vụ tranh chấp đất đai ở trên, thể hiện sự bao che công khai của các cấp cơ quan công quyền, thì gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Hằng lại ngang nhiên xây dựng nhà ở trên chính mảnh đất chiếm dụng 650m2, thậm chí, ngoài việc xây dựng trên mảnh đất chiếm dụng từ phía gia tộc họ Thái, gia đình bà Hằng còn xây dựng công trình phụ (nhà vệ sinh) lấn chiếm thêm 30m2; nghĩa là tổng diện tích đất chiếm dụng không chỉ dừng lại ở con số 650m2, mà là 680m2.

Không chấp nhận việc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định pháp luật, cũng như việc xây dựng trái phép trên mảnh đất hương hỏa của dòng họ Thái, bà Thái Kim Lan (đại diện hợp pháp của Thái tộc) đã đệ đơn lên các cấp cơ quan Trung Ương, yêu cầu các cấp này phải có biện pháp giải quyết kịp thời, trả lại những gì vốn thuộc về dòng họ Thái sau bao nhiêu năm bị chiếm dụng một cách phi pháp.

Theo đó, ngày 08 tháng 08 năm 2012, Ban thường trực Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam đã ra quyết định số 758/TD-MTTW do ông Nguyễn Văn Pha – Phó chủ tịch ký về việc giải quyết đơn khiếu nại của đại diện gia đình họ Thái là bà Thái Kim Lan với nội dung như sau: “Căn cứ vào mục 2 chương VII Luật khiếu nại, tố cáo; Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam kính chuyển Quý cơ quan (Văn phòng chính phủ) xem xét, giải quyết, trả lời cho đương sự và thông báo bằng văn bản cho Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Được biết, vào ngày 20 tháng 12 năm 2012, bà Thái Kim Lan tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các cấp cơ quan của tỉnh Thừa Thiên Huế với nội dung “Ủy ban nhân dân TP. Huế chưa giải quyết đúng, đủ các nội dung khiếu nại liên quan đến việc cấp phép xây dựng nhà của Ủy ban nhân dân thành phố Huế không đúng quy hoạch và hành vi xây dựng nhà sai phép của bà Nguyễn Thị Thúy Hằng tại địa chỉ 124 Nguyễn Phúc Nguyên, Hương Long, TP. Huế”. Thế nhưng điều mà bà Thái Kim Lan và dòng họ Thái nhận được vẫn là sự thờ ơ và có dấu hiệu “bỏ quên” trách nhiệm giải quyết về mặt pháp lý đơn khiếu nại trước đó của bà Kim Lan. Vì vậy, ngày 02 tháng 01 năm 2013, bà Thái Kim Lan tiếp tục gửi đơn khiếu nại vượt cấp (lần thứ 2) theo các điều 20, 30, 33 Luật khiếu nại năm 2001 đối với việc “ Ủy ban nhân dân Tp. Huế ngày 14/3/2012 đã cấp GCNQSDĐ số BH: 629314 cho ông bà Nguyễn Văn Kế - Kiều Thị Cát không đúng quy định pháp luật”. Ngày 27/02/2013, bà Thái Kim Lan tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần thứ 3 “về việc chủ tịch UBND thành phố Huế đã cấp phép xây dựng sai mật độ tối đa theo quyết định 1381/QĐ – UBND ngày 09/07/2009 của UBND tỉnh và cố ý bao che hành vi xây dựng vi phạm luật xây dựng 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành tại 124 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế”. Lần này, các cấp cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn “lối giải quyết” mà theo bà Kim Lan trong đơn khiếu nại thì đây “không phải là một giải quyết khiếu nại lần đầu đối với nội dung đơn của tôi đã khiếu nại và UBND TP. Huế đã thông báo thụ lý, về nội dung đi ngược với nội dung văn bản số 199/TD-TW của văn phòng tiếp dân Trung ương Đảng và nhà nước Việt Nam gửi chủ tịch UBND tỉnh ngày 10/08/2010, có nội dung yêu cầu xem xét lại Quyết định 1009/QĐ-UBND”, thể hiện một thái độ thờ ơ và tắc trách trong khi giải quyết các khiếu kiện của quần chúng nhân dân, để đến khi Văn phòng chính phủ ra quyết định số 4839/ VPCP-V.I ngày 14/06/2013 do vụ trưởng Vụ I - Phan Văn Minh ký với nội dung: “Bà Thái Kim Lan, trú tại 96 Bạch Đằng, thành phố Huế có đơn gửi Thủ Tướng chính phủ khiếu nại phản ánh việc giải quyết đất của nhà thờ Thái tộc tại 124 Nguyễn Phúc Nguyên, xã Hương Long, thành phố Huế bị lấn chiếm và mua bán trái pháp luật. Trong đơn, bà Lan phản ánh việc xây dựng sai phép, không phép tại 124 Nguyễn Phúc Nguyên, xã Hương Long, thành phố Huế nhưng chưa bị xử lý phạt cưỡng chế tháo dỡ. Văn phòng chính phủ chuyển đơn của bà Thái Kim Lan đến Ủy ban nhân dân thành phố Huế để chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra, đảm bảo việc giải quyết đúng quy định của pháp luật”. Thế nhưng từ khi Văn phòng thủ tướng chính phủ gửi công văn đến nay, mọi sai phạm của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào cho thấy sự vào cuộc theo đúng tinh thần pháp luật, cũng như chưa thấy động thái nào trong việc “xử lý phạt cưỡng chế tháo dỡ” công trình xây dựng nhà ở trái phép của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Hằng trên mảnh đất hương hỏa Thái tộc. Phải chăng, đây vẫn là thói quen hành pháp từ trước đến nay của UBND tỉnh cũng như thành phố Huế?

Từ những sai phạm về pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp đất đai hương hỏa của dòng họ Thái gần 20 năm, cho thấy:

Thứ nhất, sự bao che và lạm dụng chức quyền của một số cá nhân trong bộ máy chính quyền thành phố Huế khi cố tình giải quyết sai các quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất đối với dòng họ Thái, mà người chịu trách nhiệm trước hết thuộc về cá nhân ông Phan Trọng Vinh – người ký quyết định giải quyết đơn khiếu nại sai quy định pháp luật cho bà Thái Kim Lan và ông Thái Nguyên Hạnh, cùng bà Nguyễn Thị Thúy Hòa – người đã ký quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất sai quy định pháp luật cho ông Nguyễn Văn Kế ngày 8/1/2008.

Thứ hai, việc bà Thái Kim Lan đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên các cấp lãnh đạo thuộc tỉnh và thành phố Huế từ 8/2012 cho đến nay, song vẫn không nhận được bất cứ sự giải quyết thỏa đáng nào từ phía Ủy ban nhân dân các cấp, cho thấy, sự thờ ơ và vô trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các khiến nại của quần chúng nhân dân.

Thứ ba, từ ngày 14/06/2013, khi Văn phòng chính phủ có công văn chính thức yêu cầu các cấp cơ quan liên quan thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế phải tiến hành điều tra và trả lời chính thức cho bên nguyên đơn là đại diện hợp pháp của dòng họ Thái, thế nhưng, tính cho đến nay, các thành viên dòng họ Thái vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào về việc “xử lý phạt cưỡng chế tháo dỡ” công trình xây dựng nhà ở trái phép của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Hằng trên mảnh đất hương hỏa Thái tộc. Điều này không chỉ thể hiện sự vi phạm dân chủ sâu sắc của lãnh đạo chính quyền Thừa Thiên Huế đối với quyền lợi của các thành viên dòng họ Thái, mà còn thể hiện sự “kháng lệnh” đối với các cơ quan cấp cao hơn là Văn phòng chính phủ và Ban thanh tra chính phủ của lãnh đạo tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ tư, Trong khi mọi tranh chấp giữa dòng họ Thái và gia đình ông Nguyễn Văn Kế chưa có sự giải quyết thỏa đáng, hợp pháp, thì việc bà Nguyễn Thị Thúy Hằng (con gái ông Kế) ngang nhiên xây dựng các công trình nhà ở và nhà vệ sinh trái phép trên phần đất hương hỏa dòng họ thái, phản ánh thái độ coi thường pháp luật, thậm tệ hơn, còn là sự thách thức với các quy định của pháp luật về xây dựng theo khoản 3, Điều 67 Luật xây dựng năm 2003 và theo Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/02/2007, cũng như Điều 18 Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày/04/09/2012 . Việc gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Hằng ngang nhiên vi phạm luật xây dựng là một chuyện, việc tiếp tay của chính quyền địa phương khi cố tình bao che các sai phạm của bà Hằng theo như phản ánh của bà Thái Kim Lan trong “Đơn tiếp khiếu lần thứ 3 về việc chủ tịch UBND thành phố Huế đã cấp phép xây dựng sai mật độ tối đa theo quyết định 1381/QĐ – UBND ngày 09/07/2009 của UBND tỉnh và cố ý bao che hành vi xây dựng vi phạm luật xây dựng 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành tại 124 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế” lại thể hiện sự thiếu đạo đức công vụ của các cán bộ chính quyền khi cố tình tiếp tay cho cái xấu, cái ác có cơ hội được lộng hành trong xã hội.

Có oan, thì dân ắt phải tìm đến cửa quan để cầu lẽ phải và sự công bằng. Nhưng xem ra, suốt 20 năm khiếu kiện của mình, bà Thái Kim Lan đã đến “nhầm phủ” hoặc bà đã đến “phủ Khai Phong”, nhưng “Chủ phủ” của “cửa quan” ấy không phải là “Bao Công” mà chỉ là những tham quan, thờ ơ và vô trách nhiệm với các “lương dân”. Song, vấn đề đặt ra là, tại sao những sai phạm trong việc xử lý tranh chấp về đất đai ở 124 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế liên tiếp xảy ra, mà các cơ quan cấp cao hơn, hoặc Ban Thanh tra Chính phủ vẫn chưa có biện pháp xử lý nghiêm minh và thỏa đáng cho người dân? Tại sao người sai phạm pháp luật vẫn cứ ngang nhiên được xây dựng trái phép và tồn tại bất chính, còn người bị hại thì vẫn cứ phải theo khiếu kiện đến mòn mỏi và luôn phải sống trong cảnh nước mắt lưng tròng khi chứng kiến cảnh mảnh đất hương hỏa tổ tiên cùng các di tích của dòng họ đang bị chiếm dụng, bị phá hoại một cách nghiêm trọng trước sự đau xót và bất lực? Và phải chăng, sức mạnh pháp luật ở một xã hội dân chủ như ở nước ta không phát huy được vai trò của nó trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các “lương dân”? Vai trò của dân chủ cũng như thực hành dân chủ ở Việt Nam, phải chăng vẫn chỉ dừng lại ở các nghị quyết, mà chưa thực sự đi vào cuộc sống của người dân? Đó là những câu hỏi nhức nhối và thời sự đặt ra cho lãnh đạo các cấp chính quyền. Chừng nào mà sức mạnh pháp luật, cũng như quyền làm chủ của nhân dân không được phát huy, thì ngày đó tệ tham nhũng, thói công quyền, xách dịch vẫn còn tồn tại. Còn đối với dòng họ Thái, họ sẽ vẫn còn tiếp tục phải sống trong cảnh nước mắt lưng tròng bất lực khi đứng nhìn hương hỏa của dòng họ mình ngày càng bị chiếm dụng và phá hoại một cách không thương tiếc khi mà quyền lợi của họ vẫn chưa được pháp luật và nhà nước quan tâm bảo vệ, đòi lại lợi ích chính đáng, thì ngày đó họ vẫn phải sống chung với cái ác, cái xấu, vẫn phải tiếp tục khiếu kiện để đòi lại lẽ phải, sự công bằng vốn thuộc về mình…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét