Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

CUỘC CHIẾN KHÔNG CÓ HỒI KẾT

Kavkaz : Cuộc chiến không có hồi kết của Putin

Cảnh sát Nga canh gác tại địa điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố trên xe điện ở Volgograd hôm 30/12/2013.
Bài đăng : Thứ ba 31 Tháng Mười Hai 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 31 Tháng Mười Hai 2013      

Trong bài viết mang tựa đề « Kavkaz : Cuộc chiến không có hồi kết của Putin », thông tín viên nhật báo Libération tại Matxcơva nhận xét, hai vụ khủng bố tại Volgograd do những kẻ tấn công tự sát Daguestan tiến hành, đã đánh dấu sự thất bại cho chiến lược đàn áp thô bạo của Matxcơva từ hai mươi năm qua.

Hai vụ tấn công ở Volgograd - hôm qua trong một chiếc xe điện và hôm kia trước nhà ga thành phố, mang dấu ấn của phe nổi dậy Hồi giáo hoạt động tại Kavkaz. Hồi tháng Bảy, lãnh tụ Tchetchenia là Dokou Oumarov đã ra lệnh cho các thành viên « ngăn trở bằng mọi cách » Thế vận hội Sotchi.


Chuyên gia Ekaterina Sakorianskaya của International Crisis Group khẳng định : « Các vụ tấn công ở Volgograd đã hiện thực hóa lời kêu gọi này ». Đây còn là một sự biểu dương lực lượng, thông điệp cho ông Putin và cộng đồng quốc tế : an ninh của Thế vận hội sẽ không được bảo đảm.

Alexei Malachenko, nhà chính trị học thuộc Trung tâm Carnegie nhận định : « Đó là một cái tát cho ông Putin » và ước tính, hàng ngàn khán giả sẽ thay đổi ý kiến, không đến Sotchi nữa. Khi tấn công ba lần trong vòng hai tháng, trong đó có hai vụ liên tiếp chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, tại một trong những địa điểm trên nguyên tắc được giám sát kỹ lưỡng nhất là nhà ga – mà mức báo động khủng bố trước đó vài giờ đã được nâng lên, những kẻ khủng bố đã chứng tỏ các biện pháp an ninh của chính quyền không ngăn nổi họ.

Hôm Chủ nhật 29/12, một phụ nữ đã kích hoạt chất nổ tại cửa vào nhà ga Volgograd, làm 17 người chết, 34 người bị thương. Theo trang web Nga Lifenews, đó là Oksana Aslanova, vợ góa một người nổi dậy vừa bị sát hại tại Daguestan. Còn vụ nổ hôm thứ Hai 30/12 trên một xe điện làm 14 người chết và 28 người bị thương, có thể kẻ tấn công tự sát là đàn ông. Theo Sakorianskaya, đó là vì thành phố đang báo động tối đa, các phụ nữ mặc trang phục Hồi giáo dễ bị chú ý.

Những vụ tấn công trong mười năm qua trên đất Nga thường là tác phẩm của các « góa phụ áo đen », như các vụ khủng bố trong métro Matxcơva năm 2004 và 2010. Hồi đầu những năm 2000, chủ yếu đó là vợ góa của những người đòi độc lập bị tử thương trong cuộc chiến Tchetchenia (1994-1996 và 1999-2000). Nhưng mười năm qua, cuộc chiến đòi độc lập đã trở thành của phe Hồi giáo, lan rộng khắp Kavkaz nhất là tại Daguestan, nơi khủng bố đã trở thành chuyện thường ngày.

Đàn áp thay vì hòa giải, Putin càng làm tăng khủng bố

Chuyên gia Sakorianskaya cho rằng : « Những gì chúng ta thấy hôm nay là hậu quả của một cuộc xung đột đã kéo dài hơn mười năm qua. Thay vì tìm cách giải quyết, chính quyền lại tìm cách dùng vũ lực để đè bẹp ».

Từ khi ông Vladimir Putin quay lại điện Kremli vào mùa xuân 2012, các biện pháp theo hướng hòa giải và hội nhập do ông Dimitri Medvedev (Tổng thống nhiệm kỳ 2008-2012) tiến hành đều bị hủy bỏ. Các ủy ban phục hồi quyền lợi cho những người nổi dậy được « chiêu hồi » tại nhiều nước cộng hòa ở Kavkaz đều bị giải thể, việc đối thoại với những khuôn mặt ôn hòa trong phe nổi dậy bị ngưng lại.

Một làn sóng đàn áp trùm xuống Daguestan : bắt một lần hàng mấy chục người tại các đền thờ Hồi giáo, trong các quán cà phê, trên đường phố, rồi các vụ bắt cóc, tra tấn, phá hủy nhà cửa của thân nhân người nổi dậy. Sakorianskaya phân tích : « Một số người Hồi giáo cực đoan bỗng dưng bị tống vô tù, đợi xong Thế vận hội sẽ thả ra. Điều này chỉ làm cho giới trẻ trở nên cực đoan hơn và nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố ».

Về phía chính quyền thì không ngần ngại thông báo các chiến dịch đặc biệt để đập tan băng nhóm vũ trang này, cánh tay phải nọ của giáo chủ kia. Quốc hội không ngừng đưa ra các luật mới chống phe cực đoan, thường xuyên tăng ngân sách cho tình báo và lực lượng an ninh, nhưng đều thất bại. Nhật báo trên mạng Gazeta.ru nhấn mạnh : « Vấn đề là an ninh được chính phủ, mà hầu hết đã và đang trong ngành tình báo, coi là an ninh cho chế độ chứ không phải của công dân bình thường ».

Libération nhắc lại, chưa bao giờ có cuộc điều tra nào về khủng bố lại dẫn đến một phiên tòa công khai. Những người tấn công tự sát dĩ nhiên là mất mạng, nhưng những ai hỗ trợ họ sau đó thường bị thanh toán cho tiện lợi thay vì đưa ra tòa.

Sau mỗi vụ tấn công, các biện pháp an ninh đều được ráo riết tăng cường, số tiền chi cho an ninh cũng tăng lên, nhưng chưa hề có một quan chức cao cấp nào chịu từ chức. Chưa nói đến một lời khích lệ của Tổng thống dành cho đồng bào mình. Sau các vụ nổ ở Volgograd, cũng như các vụ ở Matxcơva, vụ bắt con tin ở nhà hát Bắc Osr (2002) và trong trường học ở Beslan (2004) ông Vladimir Putin luôn câm lặng – một sự im lặng có thể được coi là vô cảm.

Putin và Thế vận hội mùa đông tốn kém nhất lịch sử

Đối với Thế vận hội mùa đông Sotchi sẽ bắt đầu từ ngày 07/02/2014, trước đây người ta lo nhất là tuyết không rơi ; tuy nhiên theo nhà dự báo Alexander Frolov, tuyết sẽ dày khoảng 2 đến 7 mét, và đã trữ được 450.000 m3 tuyết. Nhưng một mối đe dọa khác đã xuất hiện : đó là khủng bố.

Chỉ còn sáu tuần nữa, Thế vận hội Sotchi sẽ khai mạc, Matxcơva đã đầu tư đến 40 tỉ euro cho cơ sở hạ tầng – một con số kỷ lục. Nhưng làm thế nào ngăn cản những kẻ tấn công tự sát ? Theo Libération, đây là nhiệm vụ bất khả thi. Do không thể đảm bảo được an ninh tuyệt đối, ông Putin trong những tuần vừa qua đành phải dùng những nước cờ khác : trả tự do cho nhà đối lập Mikhail Khodorkovski và các cô gái Pussy Riot.

« Sa hoàng » Putin coi đây là biểu tượng của sức mạnh Nga, đồng thời chứng tỏ ảnh hưởng của ông ta trên thế giới. Nhưng nhiều nguyên thủ phương Tây (nhất là Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh) đã thông báo không đến dự lễ khai mạc, và cũng không có quan chức cao cấp nào của Mỹ hiện diện. Vào giữa tháng 12, ông Barack Obama còn đáp lễ đạo luật trừng phạt « tuyên truyền » đồng tính luyến ái đối với người vị thành niên của Nga, bằng cách đưa vào đoàn đại biểu chính thức cựu vận động viên quần vợt Billie Jean King chuyên đấu tranh cho người đồng tính, và nữ vận động viên đồng giới Caitlin Cahow.

Theo Libération, chỉ cần một vụ khủng bố nổ ra trong khoảng từ ngày 7 đến 23/2 tại thành phố nghỉ mát bên bờ Hắc hải là đủ để làm tan vỡ « sự kiện quan trọng nhất của kỷ nguyên hậu Xô-viết » - theo lời ông Putin.

Miến Điện : Thả tù chính trị, nhốt người biểu tình

Nhìn sang châu Á, trong bài viết « Tại Miến Điện, các tù nhân chính trị được thả, các nhà hoạt động bị bỏ tù », nhật báo công giáo La Croix nhận xét, tuy đã thả nhiều tù nhân chính trị, nhưng chính quyền vẫn ngăn cản các nhà bảo vệ nhân quyền điều tra về các vụ bắt người tùy tiện.

Tờ báo nhấn mạnh, tuy số hai ngàn nhà ly khai bị giam cầm chỉ trong ba năm chỉ còn có năm chục người – vào thời điểm báo được lên khuôn, nhưng tình trạng trấn áp vẫn chưa chấm dứt, và chính quyền tiếp tục bắt giữ các nhà đối lập gây phiền phức cho họ. Mặc dù các bản án được tuyên có nhẹ hơn, nhưng vẫn còn trên 200 nhà hoạt động đang chờ đợi ra tòa tại Miến Điện, chủ yếu là do biểu tình không phép.

La Croix dẫn ra trường hợp của KoTun Kyi, người đã tổ chức một cuộc biểu tình hòa bình tại miền tây phản đối một công ty Trung Quốc khai thác dầu khí trong khu vực, vừa được ân xá hồi tháng 11 lúc chỉ còn 10 ngày nữa là hết hạn tù. Theo ông Kyi, chính quyền không cho phép xuống đường chỉ vì « có liên quan trực tiếp đến việc phản đối đầu tư Trung Quốc ».

Tổng thống Miến Điện đã thành lập một ủy ban gồm các viên chức chính quyền lẫn đại diện các tổ chức phi chính phủ, nhằm xác minh các tù nhân chính trị nào còn sót lại để phóng thích. Liệu ủy ban này có được gia hạn hoạt động đến sang năm ? Tomas Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện hy vọng như thế, vì sẽ có các tù chính trị mới trong năm 2014.

Tại bang Arakan ở miền tây, không ai biết được có bao nhiêu nhà ly khai còn đang ngồi tù, vì chính quyền không cho phép đến điều tra ở khu vực này, nơi các vụ xung đột giữa người Phật giáo và Hồi giáo đã khiến cho 200.000 người phải sơ tán từ giữa năm 2012. Theo Bo Kyi, thư ký Hiệp hộ hỗ trợ tù chính trị Miến Điện, đã có ít nhất 500 người bị bắt, đa số là người vô tội.

Có rất ít tiếng nói tố cáo các vụ bắt giam bừa bãi này. Ông Tomas Quintana cho biết : « Tâm lý chống Hồi giáo còn rất phố biến, kể cả nơi những người đấu tranh cho dân chủ trong những thập kỷ qua ».

Diều hâu Nhật muốn bán vũ khí made in Japan cho ASEAN

Còn tại Nhật Bản, nhật báo cánh tả Libération chú ý đến « Shinzo Abe, sự tấn công của diều hâu Nhật ». Thủ tướng Nhật không còn tuân theo Hiến pháp hòa bình mà tăng ngân sách quốc phòng và tỏ ra cứng rắn trước các láng giềng, dù có làm Bắc Kinh giận dữ.

Libération nhận xét, ông Shinzo Abe đã khởi đầu một năm trong lãnh vực kinh tế và kết thúc trong lãnh vực an ninh, với một nước Nhật chuyển sang thế tiến công trướcTrung Quốc và đối đầu với mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Ngân sách quốc phòng được tăng lên đến 5% trong vòng 5 năm tới.

Trong một « bối cảnh ngày càng căng thẳng » làm nên một « vùng xám », chính quyền Nhật Bản muốn áp dụng một « chủ nghĩa hòa bình trong tranh đấu » - theo lời của ông Abe hôm 17/12. Không còn tự bằng lòng với « thế tự vệ », bản lộ trình an ninh mới của Tokyo không ngần ngại chỉ rõ mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Trong chiến lược mới, bên cạnh hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư còn nêu ra cả nguy cơ tấn công tin học, nhấn mạnh sự cần thiết về an ninh hàng hải – vấn đề cốt tử đối với một quốc gia hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn dầu Trung Đông, cũng như mối đe dọa khủng bố. Tờ báo nói thêm, từ nhiều năm qua, ông Shinzo Abe vẫn có tham vọng « bình thường hóa » Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tuy việc này có thể làm Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận. Ông còn muốn có thể hỗ trợ cho một nước đồng minh bị một nước khác hay một tổ chức khủng bố tấn công.

Chiến lược cũng khuyến cáo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự, vì Thủ tướng Nhật muốn bán vũ khí « made in Japan » cho 10 nước ASEAN. Tại những quốc gia vẫn được coi là sân sau của Trung Quốc, ông Abe liên tục công du, tăng cường các hợp đồng cho vay và đối tác từ một năm qua. Libération kết luận, chủ nghĩa tích cực này cũng là một sự tiến công về ngoại giao.

Báo Pháp nhìn về năm 2014

Vào ngày cuối năm 2013, trang nhất các tờ báo Paris được dành cho việc nhìn lại các sự kiện trong năm qua tại Pháp và dự báo cho năm tới. Theo tờ báo cánh tả Libération : « 2013, một năm thất bại » cho đảng cầm quyền, với các vụ cựu Bộ trưởng Ngân sách Cahuzac trốn thuế, vụ trục xuất cô học sinh người Rom cư trú bất hợp pháp Léonarda…

Nhìn sang năm mới, nhật báo cánh hữu Le Figaro đánh giá: « 2014, một năm nhiều rủi ro cho ông François Hollande », và kê ra các hồ sơ nhạy cảm đang chờ đợi Tổng thống Pháp. Luôn có tỉ lệ tín nhiệm rất thấp, ông Hollande sẽ phải lợi dụng dịp chúc Tết đầu năm trên truyền hình tối nay để cố gắng tái lập lòng tin nói người dân. Nhật báo cộng sản L’Humanité : giải thích « 2014 : Vì sao ông Hollande phải chuyển hướng ?» Theo tờ báo, đó là do bản tổng kết năm 2013 của chính phủ không thuyết phục được dân chúng, trên các hồ sơ thất nghiệp, thuế má, quyền bầu cử địa phương, châu Âu, Trung Phi…

Nhật báo kinh tế Les Echos cảnh báo: « Năm 2014 khởi đầu bằng việc tăng thuế ». Thuế trị giá gia tăng sẽ tăng lên ngay ngày mai, và các hộ gia đình Pháp sẽ phải è cổ đóng thêm 5,6 tỉ euro. Còn tờ Le Monde chạy tựa: « Thuế : Những thay đổi trong năm 2014 »và nói thêm, mức thuế 75% đánh vào những người có thu nhập cao đặc biệt bắt đầu có hiệu lực trong hai năm tới, nhưng các biện pháp chống trốn thuế được chính phủ đề nghị đã bị bác vì vi hiến.

Riêng nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến « Một châu Âu tương thân tương ái với giới trẻ ở Taizé », nói về 30.000 thanh niên từ khắp châu Âu, đặc biệt là từ Ukraina, tụ họp tại Strasbourg cho đến ngày mai để khám phá phong trào thống nhất các giáo hội Kitô giáo.

tags: Chính trị - Hồi giáo - Kavkaz - Khủng bố - Nga - Quốc tế - Thế vận hội - Vladimir Putin - Xã hội - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131231-kapkaz-cuoc-chien-khong-co-hoi-ket-cua-putin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét