Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Kẻ cắp bà già gặp nhau



Nguyên Đào Trường

Phải khẳng định đây là vụ ăn cắp văn chương, lừa đảo lớn nhất trong ngàn năm lịch sử nước Việt. Bởi việc xẩy ra không phải ở một kẻ khố rách áo ôm vô danh, vô học, tiểu tốt.  Hắn đã có những học hàm, học vị cao nhất quốc gia, lại chiếm giữ chức vụ, trọng trách ngất ngưởng. Đại dư thừa vật chất. Cứ như lời khoe của kẻ cắp: Tổng thống Mỹ, hai đời tổng thống Pháp khen thơ ăn cắp của hắn hay nhất thế giới, ứng cử giải Nôben văn học toàn cầu. Hàng trăm tờ báo đại lá cải, các đài phát thanh truyền hình rởm, không ngớt ra rả tâng bốc mù quáng đưa hắn lên tận trời xanh nào là thơ Thần, thơ Thánh, thơ Tiên, thơ Phật, thơ vô thức, thơ nhập đồng. Thế chưa xong lại còn tiền nhân mượn bút nữa chứ, có mà tiền cho hắn mượn bút để ăn cắp văn xuôi của Trần Trương. Hoàng Quang Thuận đã lấy cuốn sách giới thiệu cảnh Phật Yên Tử  của ông Trần Trương, trưởng ban quản lý Yên tử : “ CHÙA YÊN TỬ, LỊCH SỬ, TRUYỀN THUYẾT DI TÍCH VÀ DANH THẮNG”. biến ảo thành thứ thơ hổ lốn, nhố nhăng, mù luật, làn bừa, làm lấy được. Chưa đầy bốn tiếng đồng hồ làm 121 bài thơ, bình quân 2 phút một bài. Nếu đúng vậy quả thật trên thế giới này từ cổ chí kim chưa hề có, đến như Tào Thực còn phải đi bẩy bước, giữa cái sông cái chết bị Tào Phi thúc ép mới làm được một bài. Hoàng Quang Thuận quả là tên lừa đảo có hạng. Những người làm thơ chân chính ai cũng thừa nhận làm thơ không dễ chút nào, Lê Đạt bảo phải làm phu chữ, bóng chữ. Hoàng Cầm trăn trở 25 năm mới làm xong bài "Lá diêu Bông", Giả Đảo đời Đường bảo:" 二句三年得 一吟雙淚沙" Phiên âm: Nhị cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ sa. Nghĩa : Ba năm làm được hai câu, một lần ngâm ngợi lệ sầu tuôn rơi. Để có bằng chứng lật tẩy tên ăn cắp có hạng, tôi xin dẫn một số đoạn trong bài viết dài mà Luật Sư Nguyễn Minh Tâm đã kỳ công tra cứu chứng minh rất thuyết phục dưới đây:"
1. Trang 20-21 cuốn sách của Trần Trương (sau đây gọi tắt là cuốn sách) viết :
Hồ Yên Trung nằm ở ngang lưng núi. Hồ rộng hàng ngàn mẫu, nằm lọt giữa bốn bề núi biếc. Nước từ khe suối đổ về. Đôi gò bồng đảo bập bềnh trên sóng nước giữa hồ. Bồng đảo phủ đầy thông… Thỉnh thoảng, một vài chú cá to phởn chí, tung mình lên cao rồi rơi xuống, tạo thành quần sóng lan xa, lan xa mãi.
Ở một góc hồ, thấp thoáng trong khe núi, bầy le le, vịt trời vui đùa nhau, tung cánh… Những đêm trăng sáng, lòng hồ đầy ánh trăng. Bốn bề im ắng, chỉ nghe tiếng chim gù trên núi. Thực là một bức tranh sơn thủy hữu tình… Hồ Yên Trung – Nàng Công Chúa Ngủ Quên nay đã thức… Tạo hóa khéo bày tuyệt tác của thiên thiên. Được kết tụ bởi mây trời non nước thanh hương sắc con người. Nàng vô tư không một chút ưu phiền”.
- Trong bài thơ “Hồ Yên Trung” (trang 15), anh Thuận viết :

Yên Trung vắt vẻo ngang lưng núi
Bốn bề mây biếc sóng lô xô
Đôi bồng đảo bập bềnh trên sóng
Cả rừng thông xao động mặt hồ”.
Tạo hóa bày tuyệt tác thiên nhiên
Kết tụ bởi mây trời non nước
Nàng vô tư không chút ưu phiền
Ngắm sao trời đầu gối Hoa Yên.

- Trong bài “Đêm hồ Yên Tử” (trang 17), anh Thuận viết :

Cát vàng thoai thoải sóng lao xao
Cá to phởn chí nhảy lên cao
Le le xanh biếc đùa tung cánh
Chim gù trên núi cảnh tiêu dao
Sơn thủy hữu tình động tiên đào
Lạc đường Lưu – Nguyễn đếm trời sao
Lòng hồ đầy ắp đêm trăng sáng
Vua Trần thưởng nguyệt, nhớ năm nào.

2. Trang 24, cuốn sách viết :

“ Đến hẻm núi kia có ba tên cướp nhảy ra chặn đường, vua Trần khoan thai ra hiệu cho Bảo Sái cho chúng vài lạng bạc, cả suất cơm chay để độ đường. Đoạn ngồi trên mình ngựa, Ngài thuyết giáo, thức tỉnh từ tâm, đoạn trừ tam độc trong lòng chúng…
… Cả ba quỳ sụp xuống lạy tạ và hứa rằng “ sẽ trở về lương thiện làm ăn”. Kể từ ngày đó, chúng bỏ nghề đao búa, chăm chỉ nghề nông, siêng làm công đức xây dựng chùa miếu, trở thành các tín đồ ngoan đạo của Trúc Lâm. Và từ độ ấy, nạn cướp nơi đây được tiệt trừ. Con đường dốc gập ghềnh nơi hẻm núi, kẻ lại người qua được bình an”.
- Trong bài “Kẻ cướp chắn đường” (trang 19), anh Thuận viết :

Ba tên kẻ cướp nhảy chắn đường
Vua Trần cho bạc lẫn phần cơm
Nhẹ nhàng thuyết giáo trừ tâm độc
Cả ba quỳ lạy hứa hoàn lương
Bỏ nghề đao búa thiện giáo đường
Sơn lâm từ ấy hết tai ương
Gập gềnh hẻm núi người qua lại
Bình an vô sự hết đạo cường”.

3.Trang 29, cuốn sách viết :

“ Trưa hè oi ả. Tiếng suối mùa mưa reo réo rắt hòa với tiếng chim rừng ca lảnh lót. Hoa rừng muôn sắc tỏa hương theo gió thơm ngào ngạt. Bụi đường trường quyện lẫn mồ hôi khiến cả hai bức bối. Vua Trần đóng khố, nhoài mình nơi dòng nước trong xanh. Dòng suối cuốn trôi bụi trần ra sông biển. Kể từ dịp ấy, suối được đặt tên : Suối Vua Tắm”.

- Trong bài “Suối Tắm” (trang 20), anh Thuận viết :

Trưa hè oi ả tiếng suối reo
Chim ca lảnh lót giữa lưng đèo
Hoa rừng hương sắc hương theo gió
Đàn cá xuôi dòng nước trong veo”.

4. Trang 34, cuốn sách viết :

“ Phía bên kia cầu là cổng tam quan, dáng vẻ cổ kính, đắp nổi đôi câu đổi viết theo chữ thảo “Cổ tự lưu danh Linh Nhâm Tự”… Xung quanh chùa xum xuê cây trái. Quả trứng gà sai chíu chít vàng ươm. Quả hồng đỏ thắm như hàng trăm chiếc đèn lồng treo lơ lửng. Quả mận tím trĩu cành lúc lỉu… Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Linh Nhâm là tên của một vị Thiền sư đã được Tổ Trúc Lâm giao xây dựng ngôi chùa và nhiều năm trụ trì ở chùa này. Tên của Thiền sư được đặt tên cho chùa…”.


- Trong bài “Chùa Cầm Thực” (trang 26), anh Thuận viết :

Tam quan đắp nổi Linh Nham Tự
Thiền sư có phải đặt tên thầy
Mận chín trĩu cành lúc lỉu quả
Trứng gà chiu chít cả trong mây
Linh Nham đâu khác nơi tiên cảnh
Hồng đỏ như trăm đèn lồng cầy…

5. Trang 40, cuốn sách viết :

“ Thưở xưa, cánh đồng Nam Mẫu nước ngập trắng. Từ dốc Quàng Hái, muốn vào Yên Tử, phải đi bè mà vào. Hay tin Vua Trần vào Yên Tử, các cung tần mĩ nữ của triều đình đã tìm về, gặp Vua ở tại con dốc này. Họ than khóc thảm thiết, xin Vua quay trở lại triều đình… Vua cho lập đàn tràng cầu Phật Tổ Như Lai. Vài ngày sau, nước ở hồ Nam Mẫu rút hết. Lòng hồ phơi ra, khá bằng phẳng. Đất nơi đáy hồ thật màu mỡ. Dân bản ùa ra bắt tôm, cá, khai khẩn bãi hoang, thành ruộng vườn. Cánh đồng Nam Mẫu được khai sinh”.


- Trong bài “Làng Cung Nữ” (trang 28), anh Thuận viết :

Làng Mụ, Làng Nương đường Nam Mẫu
Xưa kia nước ngập trắng lòng hồ
Vua Trần thương xót đoàn cung nữ
Lòng trung không trở lại kinh đô
Vua lập đàn cầu Phật Như Lai
Nước hồ rút hết ruộng đất dài
Đáy hồ mầu mỡ -  tôm cùng cá
Làng Mụ, làng Nương được sinh khai.

6. Trang 53, cuốn sách viết :

“Cá tôm say nước nhảy lia thia. Trăm hoa khoe sắc bên bờ suối… Mới hay chín suối chỉ chung một dòng… Con suối cắt chia tuyến đường Hạ Kiệu – Nam Mẫu thành chín đoạn”.

- Trong bài “Chín suối chung một dòng” (trang 36), anh Thuận viết :

Trăm hoa khoe sắc bên bờ suối
Cá tôm say nước nhảy lia thia
Mới hay chín suối chung dòng một
Đường đi Nam Mẫu suối cắt lìa.

7. Trang 79-80-82, cuốn sách viết :

“ Hãy vào Lăng Quy Đức. Lăng quây bốn mặt thành vuông vức, bao quanh ngôi tháp cổ… Mái tường lăng lợp bằng ngói mũi hài, đổ về hai phía, dáng cong theo dáng mái chùa…Mặt ngoài các tảng đá chạm nổi hoa văn sóng nước hình quả núi, đường  nét cách điệu uốn lượn rất tinh tế…Bệ tháp tạo nên bởi hàng chục phiến đá xanh ghép lại…Tầng đầu mở hướng chính nam, bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông ngồi thiền ở thế liên hoa, vẻ mặt dung dị, cảm thông, thanh cao và trí huệ… Thi thoảng vẫn thấy xuất hiện cặp rắn đen nằm chầu bên tượng Tổ trong tháp. Trông thấy bóng người, rắn thu mình ẩn núp vào trong… Bốn cây đại cổ, thân dáng hình rồng đứng nép sau tường Lăng Quy Đức, lá rủ vào sân lăng. Cành đại trổ đầy hoa. Hương hoa thơm ngào ngạt. Cánh hoa rắc vàng sân mộ Tổ”.

- Trong bài “Lăng Quy Đức (trang 43), anh Thuận viết :

Lăng quây vuông vức bốn mặt thành
Ngói hài hai phía dáng thanh thanh
Mặt ngoài đá chạm hoa văn sóng
Bệ tháp nằm trên phiến đá xanh
Tầng đầu mở cửa hướng chánh nam
Vua Trần nhập diệt cõi Niết Bàn
Rắn đen một cặp chầu bên tượng
Nền Lăng xưa chính Ngọa Vân am.
Hai cây đại cổ dáng hình rồng
Đứng nép bên tường đã trổ bông
Hương hoa thơm nát vườn mộ Tổ
Ngày xưa Tam tổ đã vun trồng


8. Trang 84, cuốn sách viết :

“ Những đêm trăng sáng, bên tháp ngắm trăng thật thú vị. Trăng treo trên cành Tùng. Trăng rắc vàng trên cánh hoa Đại sực nức hương và đính hạt sương đêm. Trăng gắn váo đỉnh Tháp . Mỗi bước trăng trôi, cảnh vật nơi đây lung linh huyền ảo”.

- Trong bài “Trăng Yên Tử (trang 46), anh Thuận viết :

Trăng treo lơ lửng trên cành Tùng
Trăng rắc vàng lên cánh hoa nhung
Sương đêm sực nức mùi hoa đại
Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng
Lung linh huyền ảo ánh trăng rơi
Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời…

9. Trang 98, cuốn sách viết :

“Trong ngách hang, có một núm đá, nước nhỏ tí tách từng giọt một, cả đêm chưa đầy một bát con. Nhà sư gọi đó là sữa mẹ. Một điều kì lạ : Khi bát nước đầy, từ núm không nhỏ thêm giọt nào nữa. Nền chùa sạch khô không giọt nước thừa tràn”.

- Trong bài “Sữa mẹ” (trang 52), anh Thuận viết :

Ngách hang núi đá núm vú con
Sữa mẹ linh thiêng nhỏ giọt tràn
Nhỏ dần từng giọt đêm đầy bát
Nước đầy chỉ một bát con con.

10. Trang 103, cuốn sách viết :

“ Bóng Tùng thấp thoáng bên ô cửa. ngày nay, các “ông” Rồng xanh thi thoảng lại xuất hiện… Những lúc trở trời, các “ông” bò ra nằm la liệt… Một con rắn lớn từ xà ngang buông mình xuống ban thờ, náu mình vào Tượng Phật nhìn ra”.

- Trong bài “Rắn xanh Yên Tử” (trang 31), anh Thuận viết :

Bóng Tùng thấp thoáng bên ô cửa
Rồng xanh thi thoảng nghỉ trên bàn
Mấy ông rắn lớn nằm trên mái
Náu mình tượng Phật ngắm giang san.

11. Trang 108, cuốn sách viết :


“Quanh am là rừng trúc bạt ngàn. Trúc chen nhau mọc dưới tán lá của rừng cây cổ thụ. Trúc lách qua kẽ đá nền am, vươn lên những đọt măng mập mạp. Đây là phế tích Am Thiền Định. Xưa chưa dựng chùa, các nhà sư tu hành nơi am cỏ, hòa mình với chim muông, với thiên nhiên hoang dã”.

- Trong bài “Am xưa” (trang 58), anh Thuận viết :

Trúc lách qua kẽ đá nền am
Đọt măng mập mạp giữa đá vàng
Bạt ngàn trúc biếc chen hoa nở
Gió thổi lau thưa vọng tiếng đàn".

Thật kẻ cắp bà già gặp nhau,  không có sự mở màn, khích lệ hò hét hết cỡ của đảng và nhà nước cầm quyền, tung hứng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở hội thảo đầy danh giá cỡ quốc gia ở trụ sở hội nhà văn Việt Nam, 9 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Đủ mặt các văn võ bá quan, từ bộ trưởng hồi hưu ông Nguyễn Di Niên, thứ trưởng ngoại giao, trung tướng Ước bộ công an… Với 21 bản tham luận của các danh nhân tên tuổi, lời lẽ kêu như chuông chùa Yên Tử, Quảng Ninh, chùa Bái Đính, Ninh Bình thần phật nghe thấy cũng bạt vía, vì thời các Thần cũng không thiếu người tài giỏi mà đã có đảng phái nào tổ chức hội thảo thậm vô lối, rầm rộ, tung hô bốc trời đến chết tiền thuế nhân dân. Đáng tiếc dự hội thảo, đọc tham luận toàn những người mũ cao áo chùng, giữ trọng trách nền văn học nước nhà, thế mà không biết"Non thiêng Yên Tử" của ông Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Quang Thuận là thể loại thơ gí, ở đâu ra. Hay chỉ sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi. Chuyện vỡ lở vì có những người tài giỏi đầy bản lĩnh, kỳ công đưa hai quyển sách đối chiếu, trích dẫn vạch trần bộ mặt kẻ cắp, lừa đảo cả Thánh, Thần. Việc bại lộ, rất nhiều người biết không còn che dấu vào đâu được nữa, các ông bà lớn tiếng trong hội thảo, các tờ báo sao cứ im re không nói nửa lời xin lỗi nhân dân. Đáng ra các cơ quan chức năng nhân cơ hội này phải xem xét lại các công trình khoa học, các luận văn tiến sỹ không khéo lại là của rởm, tư cách đảng viên của Hoàng Quang Thuận, cần phải chỉnh đốn như nghị quyết trung ương 4, làm trong sạch từng đảng viên, trong sạch bộ máy của đảng.
                                                                19/8/2012   NĐT































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét