Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Tứ đại mỹ nhân cổ đại Trung Hoa

Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc thời Cổ đại với tội danh loạn luân (chân dung chính xác)

Bao đấng anh hùng nam nhi đã xao xuyến động lòng, bao bậc tao nhân mặc khách đã làm thơ, vẽ tranh vì họ. Sắc đẹp ấy được ngợi ca là có thể làm chim sa cá lặn, khiến hoa thẹn trăng mờ. Thế nhưng, cũng tứ đại mỹ nhân này, suốt đời họ đã phải gánh chịu tội danh loạn luân


Tây Thi
Trong bài “Vịnh Tây Thi”, nhà thơ thời Đường Vương Duy từng viết:
Triêu vi Việt khê nữ,
mộ tác Ngô cung phi”

(Dịch thơ:
Sáng còn giặt lụa đầu khe,
Chiều buông đã được cận kề Ngô vương).* Trầm Ngư - Tây Thi(1). Tranh trong bài: ĐĐT sưu tầm.
Tây Thi vốn dĩ là một cô gái giặt lụa bên bờ sông Trữ La nước Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Nàng đã có mối tình sét đánh với Phạm Lãi là quan đại phu nước Việt. Sau này Ngô - Việt tương tranh, và nước Việt bại trận. Tây Thi được đưa sang nước Ngô, dâng lên Ngô Vương Phù Sai, đúng là đã một bước lên trời. Thế nhưng, canh cánh với nỗi đau mất nước, Tây Thi đã không phụ lòng người, nàng hợp sức với quân thần nước Việt thực hiện thành công nghiệp lớn phục quốc hưng bang.



* Trầm Ngư - Tây Thi. Tranh: Tiêu Ngọc Điền (Trung Quốc).
Sau khi làm nước Ngô đại bại, Phù Sai tự vẫn, Tây Thi cùng Phạm Lãi rút êm khỏi chốn công danh, cùng nhau cao chạy xa bay, sống cuộc đời ẩn cư êm ả bên hồ Ngũ Lý thanh vắng. Vậy là Tây Thi đã có kết cục “Trước là Ngô Vương Phi, sau làm vợ thứ dân”.
Thời Trung Quốc cổ đại, đạo quân - thần xem như cha - con, cho nên dù là quân đoạt thần thê, hay thần hưởng quân phi, đều thuộc hành vi loạn luân. Đầu tiên là Tây Thi bị Ngô Vương Phù Sai nạp làm cung phi, sau lại lấy Phạm Lãi - kẻ từng xưng thần với Ngô Vương Phù Sai, bởi vậy Tây Thi đã không thể tránh khỏi tiếng loạn luân.

Vương Chiêu Quân
Thi thánh thời Đường Đỗ Phủ từng có thơ:
"…Thiên tải tỳ bà tác hồ ngữ,
phân minh oán hận khúc trung luận.”

(Dịch thơ:
Muôn thuở tỳ bà lưu điệu rợ,
Khúc đàn ai oán mạch sầu tuôn) để nói về nỗi niềm xa xứ của Minh phi Vương Chiêu Quân. * Lạc Nhạn - Vương Chiêu Quân.
Vương Chiêu Quân còn có tên là Vương Tường, là con gái của Vương Nhượng người nước Tề, năm 17 tuổi được tuyển vào hậu cung của Hán Nguyên Đế Lưu Thức, làm đãi chiêu cung nữ chốn thâm cung. Do không chịu hối lộ họa sư cung đình Mao Diên Thọ, nên đằng đẵng 3 năm sống giữa hậu cung mà nàng vẫn chưa một lần được Nguyên Đế sủng hạnh.
Về sau, khi Đan Vu (vua Hung nô) đến Bắc Kinh để xin cầu hòa kết thân, Hán Nguyên Đế đã hạ dụ xuống hậu cung trưng tuyển cung nữ tự nguyện dâng mình hòa thần (làm vợ vua Hung nô). Vương Chiêu Quân đã “thản nhiên đứng ra” nhận lấy sứ mạng này. * Lạc Nhạn - Vương Chiêu Quân. Tranh: Tiêu Ngọc Điền (Trung Quốc).
Khi gặp Chiêu Quân, Nguyên Đế đã sững sờ trước bậc giai nhân dung nhan như tiên, hậu cung đệ nhất này, cộng thêm đối đáp chừng mực, cử chỉ cao nhã của nàng, càng khiến nhà vua tiếc ngẩn ngơ, nhưng hiềm nỗi danh tính đã định, không thể đổi thay.
Trong nỗi tức giận, Nguyên Đế đã đem chém đầu bêu chợ tên Mao Diên Thọ để xả hận. Từ đó Vương Chiêu Quân lấy chồng Hung nô, sống nơi nước Hồ xa xôi, tạo nên giai thoại thiên cổ.
Thế rồi sau bao năm sống tại xứ người, Vương Chiêu Quân đã nghiễm nhiên trở thành một thành viên Hung nô. Theo phong tục Hung nô, sau khi vua chết, toàn bộ giang sơn của cải, kể cả người vợ đều do Đan Vu con kế thừa, dù là bậc vương phi tôn quý như Vương Chiêu Quân cũng không thể miễn trừ. Theo quan điểm luân lý Trung Hoa, điều đó đích thực là loạn luân rồi.

Điêu Thuyền
Tư Đồ khéo tính nơi hồng quần,
Chẳng dung đao kiếm chẳng cần binh,
Tam chiến ải Hổ uổng công sức,
Ca khúc khải hoàn Phụng Nghi Đình.”
* Bế Nguyệt - Điêu Thuyền.
Với lời thoại trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” này, La Quán Trung đã mô tả sống động sự đóng góp vô song của mỹ nữ Điêu Thuyền trong cuộc đấu trí trừ khử Đổng Trác.* Bế Nguyệt - Điêu Thuyền. Tranh: Tiêu Ngọc Điền (Trung Quốc).
Cuối đời Đông Hán, tên Hán tặc Đổng Trác chuyên quyền bạo ngược. Con nuôi Lã Bố của hắn cao lớn tuấn tú, khua một cây kích Phương Thiên, cưỡi một con chiến mã Xích Thố, là một hổ tướng nổi danh thiên hạ.
Người ta thường ví “nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố”, có thể thấy địa vị của Lã Bố khi ấy. Trận chiến ải Hổ Lao, 18 đạo quân chư hầu cũng không thể địch nổi cây kích Phương Thiên của Lã Bố. Kể cả trận quần chiến nổi tiếng “Tam anh chiến Lã Bố “ của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi cũng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng quân chư hầu tan tác, quần thần triều đình có bất mãn với Đổng Trác cũng đành buông tay ngậm miệng.
Rường cột triều đình là Tư Không Vương Doãn lại đặt trọng trách ngàn cân trừ Đổng Trác lên vai cô gia nhân xinh đẹp Điêu Thuyền. Nhiệm vụ gian khó đến thế, nhưng mỹ nhân Điêu Thuyền đã hoàn thành xuất sắc. Điêu Thuyền được gả cho Đổng Trác làm thiếp trước, sau đấy lại làm luôn vợ Lã Bố, tất nhiên là không thoát được tội danh loạn luân.

Dương Quý Phi (Dương Ngọc Hoàn)
Trong tuyệt tác “Trường Hận Ca”, Bạch Cư Dị viết:
Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành,
Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức

(Con gái họ Dương tuổi dậy thì,
Sống trong chốn phòng khuê ít người biết), nhân vật chính được nhà thơ mô tả như một cô gái trinh trong trắng.* Hoa Nhượng - Dương Quý Phi (2), tranh trên.
* Tượng Dương Quý Phi tại Hoa Thanh Trì, suối tắm nước nóng của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, Tây An, Trung Quốc.
Ảnh: Đoàn Đức Thành, 4-2009 (ảnh dưới).

Kỳ thực, Dương Ngọc Hoàn đã từng là “Thọ Vương Phi”, là con dâu của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Sắc đẹp của Ngọc Hoàn làm Huyền Tông động lòng, và muốn chiếm hữu nàng. Vua bèn giáng chỉ đưa nàng xuất cung làm nữ đạo sĩ, mấy năm sau lại đón nàng vào hoàng cung nạp làm phi.
Thế là từ đó
“ …Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi,
Tùng thử quân vương bất tảo trào.
Thừa hoan thị yến vô nhàn giả,
Xuân tòng xuân du dạ chuyên dạ.
Hậu cung giai lệ tam thiên nhân,
Tam thiên sủng ái tại nhất thân.”

(Đêm xuân sao ngắn trời ngỡ sáng,
Từ đó ông vua bỏ triều sáng,
Yến tiệc hoan lạc không ngừng nghỉ,
Tràn trề tình xuân đêm lại đêm.
Hậu cung giai nhân trên ba ngàn,
Ba ngàn yêu chiều dồn mình nàng - ND).* Hoa Nhượng - Dương Quý Phi. Tranh: Tiêu Ngọc Điền (Trung Quốc)
Trường Hận Ca” của Bạch Cư Dị miêu tả lênh láng đến tận cùng sự sủng ái mà Đường Huyền Tông đã dành cho Dương Ngọc Hoàn. Thế nhưng, việc Đường Huyền Tông sủng hạnh Dương Ngọc Hoàn, thực chất là đã chiếm đoạt vợ của con trai. Mà Dương Ngọc Hoàn bước từ Phủ Thọ Vương lên giường trong tẩm cung của Đường Huyền Tông cũng đích thị tội danh loạn luân rồi.
Trong xã hội phong kiến nam quyền cổ đại, đồng thời với sự chiếm đoạt mỹ nữ, người đàn ông còn đổ mọi tội danh lên người đàn bà nhan sắc. Kỳ thực, thủ phạm chính là những người đàn ông đương quyền tham lam vô độ.

Phó Thiên Tùng biên dịch từ báo chí nước ngoài
(Nguồn bài: VietNamNet)

Không có nhận xét nào:

Đăng một Nhận xét


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét