Bùi Hải
Tôi
đã không định viết tiếp về ông nghị Phước, nhưng khi đọc thêm được
những phát biểu “kinh thiên động địa” của ông, tôi lại không dừng được.
Năm 2012, trong lễ khai trương
Lớp học Nhân ái, một lớp học dành cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, có một
chi tiết rất nhỏ nhưng đã khiến PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền (thân mẫu
của GS Ngô Bảo Châu) lo sợ. Đó là khi người dẫn chương trình dùng từ “công chúa” để nói về 3 cô con gái của GS Châu, cũng đang có mặt để trao quà từ thiện.
Ngay lập tức, PGS Hiền lên diễn
đàn với vẻ mặt lo lắng. Bà nói: “Xin các anh chị nhà báo đừng dùng từ
“công chúa” với các cháu. Dù là con ai, các cháu cũng là những người hết
sức bình thường, làm việc thiện cũng là những công việc hết sức bình
thường trong xã hội. Các cháu không bao giờ là những công chúa quyền
quý, được nuông chiều…”
Trước đó, năm 2010, một ngày
sau khi GS Châu lên bục nhận giải toán học Fields danh giá, từ Việt Nam,
tôi gửi email tới GS Châu một đề án thành lập Quỹ bồi dưỡng nhân tài
Ngô Bảo Châu. GS Châu đồng ý.
Trong hội nghị trù bị thành lập
Quỹ diễn ra sau đó chục ngày, gần như tất cả các nhà khoa học, GS hàng
đầu Việt Nam đều quyết liệt bảo lưu ý kiến: Trong tên Quỹ nhất thiết
phải có chữ “Ngô Bảo Châu”, thì mới trực tiếp cổ vũ, động viên được tinh
thần khát khao vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của người Việt trẻ. Quan
trọng hơn nữa, chữ “Ngô Bảo Châu” trong tên Quỹ, sẽ là sự đảm bảo để thu
được số kinh phí khổng lồ cho việc ươm mầm tài năng. Phương án tối ưu
sẽ là “Quỹ khuyến học Ngô Bảo Châu”.
Thế nhưng, bằng thái độ lịch
duyệt và cương quyết đến sắt đá, GS Châu đã nói không. Và cái tên quỹ
“Vì tinh thành hiếu học” ra đời. Sau hội nghị, khi chỉ còn vài người, GS
Châu nhẹ nhàng: “Quỹ là vì các em học sinh chứ không phải để tôn vinh,
ghi nhớ một ai đó”. Về sau, một lần nữa, Quỹ được đổi tên thành “Hạt
vừng”. Những hạt vừng nhỏ bé, bình dị có thể mở ra những kho báu ngỡ
ngàng.
Là con một bà mẹ, một ông bố
cẩn trọng, chín chắn trong từng suy nghĩ như thế (thân phụ GS Châu cũng
là người điềm đạm, khiêm nhường) thì rất ít khi con cái có thể hấp tấp
vội vàng. GS Châu vốn kiệm lời, nhưng mỗi lời nói của ông đều ẩn chứa
nhiều thành công lực, thậm có những phát biểu khiến người ta phải kinh
ngạc – điều không thường thấy ở những nhà khoa học siêu phàm về toán.
Ông Phước không thuộc tuýp
người biết phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, vì vậy, ông có thể gặp sơ
xuất về ngôn từ. Nhưng nếu ông Phước chỉ lỗ mãng, lệch lạc trong ngôn
từ, thì dư luận cũng không phẫn nộ đến dường ấy.
Cái phạm nặng nhất của ông Phước là lỗ mãng, lệch lạc trong tư duy.
Một năm trước, trên diễn đàn
quốc hội, ông kịch liệt chống việc ban hành Luật biểu tình với lập luận
rằng: Biểu tình từ trước đến nay luôn luôn là chống chính phủ.
Vì chỉ nhìn lệch lạc, lỗ mãng ở
góc độ chống phá và góc độ nhà cầm quyền, nên ông không hiểu được, về
sâu xa, biểu tình là cách mà số đông nhân dân bày tỏ sự ủng hộ hoặc phản
ứng của mình trước những vấn đề thời sự của cuộc sống, một cách để phản
biện xã hội – điều mà tất cả xã hội dân chủ đều mong muốn để thúc đẩy
sự phát triển.
Sự lệch lạc, lỗ mãng trong tư
duy của ông Phước còn thể hiện rất rõ ở việc coi việc chính luận về
những vấn đề rất lớn của đất nước: Mại dâm, biểu tình, tư cách, trình
độ của một đại biểu được lòng dân là ông Quốc, như một “thùng nước đá
để ngoài đường, ai muốn xem thì xem”.
Sự lệch lạc, lỗ mãng trong tư
duy xuất hiện cả trong cách hành xử của ông. Cử tri chất vấn tại sao ông
lại chê dân trí thấp đến nỗi không nên ban luật biểu tình, ông Phước đã
đem mẹ ruột của mình ra làm ví dụ: “Mẹ của tôi cũng như nhiều người dân
không đủ trình độ, không đủ hiểu biết để thực hiện quyền biểu tình”.
Phần trả lời ấy khiến cho những
cử tri có “dân trí thấp nhất” cũng thấy ông Phước “vừa nói không đúng
vừa không giữ được đạo hiếu với người sinh ra mình”.
Sự lệch lạc này được ông Phước
đẩy cao hơn trong những màn đánh giá “đặc sắc” về chính bản thân mình.
Phát biểu trên một kênh truyền hình hải ngoại, ông Phước hết sức tự tin:
“Tôi nói với anh một cách chắc như đinh đóng cột là một khi tôi đã
tranh luận một điều gì về ngữ nguyên thì không bao giờ trên đời này có
ai có thể nói lại với tôi cả”;
“Đọc cách hành văn của tôi, một
vị Phó giám đốc Manulife Canada mà tôi từng làm giám đốc nhân sự ở đó
nói rằng: Cả khu vực Bắc Mỹ- Canada không người Việt nào được như tôi.
Nếu ai hỏi ổng cái gì thì ổng nói cứ gặp Mr. Phước hỏi”.
Đọc đến những dòng này, hẳn quý
vị đã giải mã được phần nào mục đích tối cao của bài viết tứ đại ngu
tấn công ông Dương Trung Quốc.
Với những ngôn từ hoa mỹ, những
tầm chương trích cú, viện dẫn cổ kim tây dày đặc, Lăng Tần Hoàng Hữu
Phước muốn nhiều triệu người biết đến mình như một “ngôi sao Hollywood
trên nghị trường”, một nhân vật có một không hai, không chỉ riêng khu
vực Bắc Mỹ- Canada mà còn ở cả Việt Nam, một người đã nói điều gì thì
trên đời này không một ai bắt bẻ được chứ nói gì đến một ông cử nhân như
Dương Trung Quốc. Ông Phước đã mượn mũ ĐẠI BIỂU để thỏa mãn cái CÁ NHÂN
của mình.
Tướng Nguyễn Quốc Thước, một vị
đại biểu nảy lửa trên nghị trường tâm sự rằng: “Nhiều lúc tớ phát biểu
gay gắt lắm kể cả với các vị lãnh đạo cấp cao, nhưng tại sao tớ không bị
phản ứng? Vì đơn giản là tất cả những ý kiến ấy đều đứng về phía mất
mát, đau khổ, bức xúc của người dân. Cá nhân chủ nghĩa là chết”.
Chiếc áo không làm nên thầy tu.
Khi làm việc và hành xử, mẹ con GS Ngô Bảo Châu cũng như tướng Thước
không xuất phát từ cái danh hão của mình, của con cháu mình.
Sự nghiêm cẩn trong tư duy của
PGS Hiền đã góp nhiều viên gạch xây nên tính cách một nhà khoa học lớn
như Ngô Bảo Châu. Sự nghiêm cẩn trong tư duy và hành động của Ngô Bảo
Châu đã góp những viên gạch cho thành công của Bổ đề cơ bản.
Muốn trở thành một đại biểu
lớn, ông nghị Phước phải bắt đầu từ việc biết uốn lưỡi trước khi nói để
có tư duy nghiêm cẩn, chứ không phải bằng những danh xưng “kinh ngạc”
dài dằng dặc gắn trước cái tên cách đây ít lâu vẫn còn rất xa lạ của
ông: Nhất thạc bàn cờ, Lăng tần Hoàng Hữu Phước, Nhà Việt Nam Cộng hoà
học, nhà Khổng Tử học, nhà tiếng Anh học, nhà thánh kinh học…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét