Trao đổi với anh Nguyễn Trung
Tống Văn Công
1
Tôi rất hâm mộ những bài viết của anh Nguyễn Trung. Có lẽ vì anh và tôi đều đã một đời gắn bó với Đảng Cộng sản, nay muốn dành hết tâm lực mong sao đổi mới Đảng tương thích với thời đại, để mãi mãi đồng hành cùng dân tộc. Tuy nhiên, đọc bài Việt Nam và vấn đề sử dụng nhân tài trong giai đoạn hiện nay của anh trên số 22 tạp chí Thời đại mới, tôi không khỏi băn khoăn trước những dòng này: “Còn hay không còn sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam với tính cách là một Đảng cách mạng - Đảng lãnh đạo! Không có bất kỳ duy ý chí nào buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm như vậy, mà chỉ có bước ngoặt định mệnh phía trước của đất nước áp đặt lên Đảng phải lựa chọn quyết định sống còn này mà thôi. Lẽ dĩ nhiên, chỉ có Đảng cầm quyền, Đảng cai trị thì chẳng cần và cũng chẳng muốn sự lựa chọn này!”.
Xin được đặt ra câu hỏi nóng bỏng là: Nhân dân Việt Nam đang cần một Đảng lãnh đạo hay một Đảng cầm quyền?
Dịp Quốc khánh năm 2010, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn có cuộc phỏng vấn nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, có đoạn nói đến vấn đề này.
Nguyễn Anh Tuấn hỏi:
- Vậy ai chịu trách nhiệm xây dựng thể chế, thiết chế này? Để chậm trễ như vậy ai chịu trách nhiệm?
Nguyễn Đình Lộc trả lời:
- Khi nói đến thể chế là phải Quốc hội. Nhưng Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chẳng hạn muốn sửa Hiến pháp phải chờ Đại hội Đảng quyết. Đảng quyết rồi mới thành quyết định của Quốc hội.
Có một vấn đề là trong một số văn kiện đã nói đến, nhưng chúng ta chưa thấm hết đạo lý thế nào là Đảng cầm quyền, trách nhiệm đến đâu, quan hệ với Nhà nước thế nào, vì vậy mà hơi lúng túng, có lúc buông lỏng, có lúc lấn sân, có lúc bao biện làm thay. Tôi cũng không hiểu hết tại sao Bác Hồ khi nói về Đảng thì trước hết nói Đảng ta là Đảng cầm quyền. Vậy Đảng cầm quyền khác Đảng thường thế nào?
Tôi đang có trong tay văn kiện Đại hội 10, trong đó có phần giải thích của đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “Đảng cầm quyền thì hơi hẹp, phải nói Đảng lãnh đạo mới bao hết”.
Nhưng Bác Hồ đã nhấn mạnh trong Di chúc Đảng ta là Đảng cầm quyền, vậy phải hiểu đạo lý Đảng cầm quyền là thế nào? Từ lãnh đạo đến cầm quyền có là một không, và Đảng cầm quyền có quan hệ với dân với nước thế nào? Cả hai cái đó chúng ta chưa làm rõ ràng, cần phải rõ ràng chủ thuyết, rồi từ đó chuyển hóa thành quan niệm cụ thể”.
Vấn đề ông Nguyễn Đình Lộc gọi là “chủ thuyết”, không được Cương lĩnh bổ sung, phát triển, năm 2011 đề cập đến. Tôi nghĩ, Cụ Hồ nói “Đảng ta là Đảng cầm quyền”là đã đặt Đảng vào dòng Thời đại. Chính vì không nhận thức vấn đề quan trọng này mà đưa tới điều anh Nguyễn Trung gọi là “Đảng hóa”. Thực chất là Đảng trị, là chế độ Toàn trị của Đảng, đưa đến thoái hóa hệ thống chính trị, suy đồi văn hóa đạo đức hôm nay! Những điều anh Nguyễn Trung bức xúc hỏi: “Tại sao cái chất của dân, do dân, vì dân của Nhà nước ta vẫn rất thấp? ” “Tại sao những cái “giả, diễn, ảo” đang trở thành nguồn sống của tất cả những ký sinh làm hao mòn sức sống của đất nước”? “Tại sao Đảng “chưa thôi làm vua?” Tôi nghĩ, trả lời bao nhiêu câu hỏi đó là: Vì chúng ta chưa hiểu, chưa chịu làm theo Hồ Chí Minh: “Đảng ta là Đảng cầm quyền”!
Tôi không phải là nhà nghiên cứu lý luận. Do đó, chỉ xin xới ra đây đôi điều để các vị trong Hội đồng lý luận Trung ương của Đảng nghiên cứu và giải đáp.
2
Mỗi tổ chức (Đảng, hoặc Hội, Đoàn) đều phải có ban lãnh đạo của mình. Các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, hoặc cách mạng thể chế đều cần có một tổ chức đứng ra lãnh đạo. Cương lĩnh của một tổ chức thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân, sẽ có sức tập họp đông đảo quần chúng chịu sự lãnh đạo của tổ chức ấy, giành thắng lợi.
Sau khi cách mạng thành công, các Đảng theo tôn chỉ dân chủ sẽ thực hiện vai trò là Đảng cầm quyền, không giữ vai trò Đảng lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước và xã hội. Trái lại, các cá nhân lãnh tụ, hoặc các Đảng độc tài thì tìm mọi cách để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước, thực hiện chính sách cai trị vĩnh viễn.
Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Marx-Engels không có khái niệm “lãnh đạo” mà chỉ có “sự thống trị giai cấp”, có nghĩa là cầm quyền. Hai ông còn mơ mộng khi cho rằng, đó chỉ là một giai đoạn, để rồi “tiêu diệt cả sự thống trị của giai cấp mình” và làm “xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Ở chương cuối có tên là “Thái độ của những người cộng sản đối với các Đảng đối lập”, hai ông khuyên các Đảng cộng sản cần phải vừa hợp tác vừa đấu tranh với các Đảng tư sản trong xã hội đa nguyên chính trị. Từ 1852, sau khi giải thể Đồng minh những người cộng sản (Quốc tế 1), hai ông từ bỏ chủ trương cách mạng bạo lực, chuẩn bị cương lĩnh đấu tranh nghị trường trong một nhà nước pháp quyền, đưa tới sự thành lập Quốc tế 2 năm 1889. Các Đảng dân chủ xã hội ở Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và nhiều nước Tây Âu chọn con đường này, trở thành những đảng cầm quyền, xây dựng đất nước dân chủ, giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hàng đầu thế giới.
Lê Nin chính là người đề ra lý luận về Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị sau khi cách mạng thành công, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nội dung xây dựng Đảng cộng sản thuộc Quốc tế 3 do Lê Nin thành lập năm 1919 có những điểm chủ yếu sau đây:
- Đảng cộng sản là đội tiên phong chính trị, có tổ chức chặt chẽ nhất, cách mạng nhất, giác ngộ nhất của giai cấp công nhân;
- Đảng là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chuyên chính vô sản;
- Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng cộng sản;
- Đảng là một khối thống nhất về chính trị, tư tưởng, lấy phê bình, tự phê bình làm quy luật phát triển.
Gần đây, ông Vũ Cao Đàm có bài viết rất hay “Chính Lê nin mới là người làm cho Liên Xô tan rã” (Bauxite Việt Nam ngày 27-8-2011). Bài viết này cho biết trong quyển Mười ngày rung chuyển thế giới, nhà văn Mỹ John Reed đã ghi ý kiến của nhiều nhà lãnh đạo các Đảng cộng sản phê phán đường lối của Lê Nin và dự báo sự sụp đổ của chính quyền Xô viết. Bà Rosa Luxemburg, Đảng cộng sản Đức: “Chế độ dân chủ tâp trung tàn nhẫn”, là “chủ nghĩa tập trung cực đoan, kết quả là Ủy ban Trung ương (của Đảng) trở thành hạt nhân thật sự, còn các tổ chức khác chỉ là công cụ chấp hành của Ủy ban Trung ương mà thôi”. Bà cho rằng, nội dung chuyên chính vô sản do Lê Nin đề ra đã “đối lập chuyên chính với dân chủ”. Và “Tự do bị hạn chế thì đời sống công cộng của Nhà nước sẽ khô khan, nghèo nàn, công thức hóa, không có hiệu quả”. Và “cùng với sự áp chế đời sống chính trị của cả nước, đời sống Xô viết nhất định ngày một tê liệt”. Các ủy viên Hội đồng Dân ủy của Lê Nin như các ông Noguin, Rưkov, Miliutin, Teodorovitch, Shliavnikov đã ra văn bản tuyên bố:
“Chúng tôi tán thành một chính phủ gồm mọi đảng phái xã hội. Chúng tôi cho rằng chỉ có một chính phủ như vậy mới có thể củng cố được những thành quả to lớn của giai cấp công nhân và quân đội cách mạng giành được trong những ngày tháng 11 vừa qua. Ngoài chính sách đó ra, chúng tôi chỉ nhìn thấy có một khả năng, là duy trì một chính phủ hoàn toàn bolshevitch bằng chính sách khủng bố chính trị. Hội đồng Dân ủy đã đi theo con đường đó. Chúng tôi không thể và không muốn đi theo họ”, v.v.
Dự đoán về sự sụp đổ Liên Xô xảy ra hơi chậm, mất những 70 năm, dù vậy cũng không hề giảm ý nghĩa. Bởi vì, chúng ta có thể so sánh chế độ sinh ra từ nguyên lý “Đảng lãnh đạo” đó với chế độ dân chủ sinh ra từ bản Hiến pháp Hoa Kỳ, đã đưa đất nước non trẻ này qua 200 năm, trở thành cường quốc số 1 thế giới.
3
Trước Đổi mới, chúng ta theo mô hình xã hội chủ nghĩa Xô viết, Đảng lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị. Mục tiêu cách mạng nhằm xóa bỏ các giai cấp, cuối cùng chỉ còn giai cấp công nhân thì vấn đề Đảng của giai cấp công nhân độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội là điều không phải tranh cãi.
Sau đổi mới, hội nhập quốc tế, sự việc trở nên phức tạp bởi: Một mặt, Đảng vẫn muốn duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối hệ thống chính trị; mặt khác, cần phải che đậy sự độc quyền lãnh đạo ấy bằng bức bình phong dân chủ, nhân quyền, sao cho hợp với trào lưu của thời đại. Tuy vậy, đưa dân chủ ra làm bức bình phong cũng không phải dễ, bởi như ông Đặng Quốc Bảo nói, dân chủ như con ngựa hay nhưng có chứng, không dám cưỡi hoặc không biết cưỡi đều nguy hiểm. Do đó, đã xảy ra tình trạng mà ông Nguyễn Đình Lộc nhận xét “Đã có những lúc chúng ta không dám nói đến dân chủ. Đã có lúc chúng ta ngại động chạm đến chữ đó, ngại đến mức thành ra quán tính, không dám đưa chữ dân chủ vào mệnh đề chung của mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ dân chủ mới được đưa vào mệnh đề này mươi năm nay thôi”(Trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, đã nói ở trên).
Do sự e ngại “đến mức thành ra quán tính”, cho nên các nhà nghiên cứu lý luận tài năng cũng không dám góp ý thẳng thắn, vì nơm nớp sợ bị ”phạm húy”, chỉ dám nói xa nói gần. Góp ý văn kiện Đại hội 11, Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đề nghị, đảo cụm từ “Dân làm chủ” lên trước “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”. Mới đây, trong thư gửi Đảng, gửi Dân nhân ngày nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế TP HCM, ông Đào Công Tiến cho rằng để khắc phục sự hiện hữu siêu quyền lực của mô thức tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa, “đã đến lúc phải thực sự dũng cảm trong việc chọn giải pháp thích hợp cho nó: (1) Phải cấu trúc lại cơ cấu quyền lực giữa quyền lãnh đạo của Đảng với dân quyền và pháp quyền theo hướng đề cao dân quyền và pháp quyền; (2) Phải thực sự dân chủ trong bầu cử, phải “Dân bầu, Đảng cử” thay vì “Đảng cử, Dân bầu”! [xem Bauxite Việt Nam ngày 28-0-2011] Cũng theo cách đảo vị trí, văn kiện Đại hội 11 đưa từ Dân chủ lên trước từ Công bằng. Tuy nhiên, làm sao tin được chỉ cần hoán vị các từ như thế đã có thể đổi mới chính trị, thực hiện được dân chủ, dù thể chế vẫn giữ nguyên như cũ? Xin cùng nhìn lại thể chế “Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội” của chúng ta để hiểu những mắc míu quá khó gỡ .
Trong Hiến pháp 1992 có Điều 2 và Điều 4 cãi nhau (cả Điều 6, Điều 83 và nhiều điều khác nữa cũng cãi nhau với Điều 4):
Điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân, của nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”
Điều 4: ”Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, nhưng Đảng là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước”. Do vậy, người quyết định cuối cùng những vấn đề của Nhà nước không phải thuộc về nhân dân mà thuộc về Đảng! Đi một đường vòng, cuối cùng, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Đảng!
Điều 83: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan có quyền lập hiến và lập pháp”. Nhưng đúng như ông nguyên Bộ trưởng Tư pháp, Nguyễn Đình Lộc nói: “Chẳng hạn, muốn sửa Hiến pháp, phải chờ Đại hội Đảng quyết. Đảng quyết rồi mới thành quyết định của Quốc hội”. Mới đây, tại Quốc hội khóa 13, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói y như thế: Hiến pháp sửa đổi cho phù hợp với Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 ở Đại hội 11. Như vậy, quyền lập pháp thực chất cũng không thuộc về “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” mà thuộc về Đảng.
Từ những điều trên cho thấy, nếu không đổi mới căn bản về thể chế chính trị, vẫn giữ mô hình “Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị” thì không có cách nào thoát ra khỏi tình trạng “Đảng là vua tập thể”, nhân dân chỉ làm chủ về danh nghĩa, thực chất vẫn tiếp tục chịu thân phận “thần dân”, mọi quyền con người đặt ra trong Hiến pháp chỉ là để trang trí, sau đó 5 chữ “thực hiện theo pháp luật” sẽ tước mất tất cả các quyền một cách dễ dàng mà không hề sợ bị quy tội vi hiến! Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho Đảng thoái hóa, thế hệ lãnh đạo khóa sau kém hơn thế hệ trước; đối với bên ngoài thì chế độ đảng trị không cho phép dung nạp được nhân tài vào bộ máy lãnh đạo.
Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam giành được độc quyền lãnh đạo nhân dân là do thông qua Mặt trận Việt minh, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ. Giai đoạn chống Mỹ, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra Tuyên ngôn 10 điểm có những nội dung: Dân tộc, Dân chủ, Dân sinh, Trung lập, Hòa bình, Thống nhất, do đó được đa số nhân dân tin theo. Hàng triệu người tự nguyện xuống đường hô vang những khẩu hiệu của Mặt trận, thực chất là của Đảng, không cần có một Điều 4 ràng buộc. Lúc chưa nắm chính quyền, Đảng lãnh đạo bằng các nghị quyết, bằng truyền đơn, khẩu hiệu hành động, bằng các phong trào tập hợp quần chúng…
Dù có công lớn đến đâu, nhưng khi đã cầm quyền, Đảng phải đặt mình ở dưới nhân dân, đúng như Hồ Chí Minh nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” (Toàn tập, NXBST, 1986, tập 6, trang 286). Cụ Hồ biết rõ những thử thách mới chưa từng có đang đặt ra cho Đảng cầm quyền là tệ nạn tham nhũng, và thói quan liêu, xa rời nhân dân, cho nên căn dặn:”Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Nếu “Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị”, thì cuối cùng sẽ biến thành Đảng trị, tức là Đảng cai trị (rule) chứ không phải Đảng cầm quyền (hold power).
4
Dân chủ là thể chế hóa các quyền tự do mà tạo hóa đã ban cho con người. Ngày nay, ở mọi quốc gia dân chủ, Đảng chính trị chỉ là công cụ để nhân dân thông qua cương lĩnh của họ, sẽ chọn ra Đảng cầm quyền trong một cuộc bầu cử phổ thông. Khi Đảng cầm quyền đưa ra một chính sách không hợp ý nhân dân thì đại biểu của nhân dân ở Quốc hội sẽ có ý kiến phản biện; các hội đoàn trong xã hội dân sự sẽ biểu tình phản đối; các cơ quan ngôn luận sẽ thăm dò dư luận, công bố tỷ lệ nhân dân sút giảm niềm tin. Đảng cầm quyền phải điều chỉnh chính sách theo ý dân. Nếu không, hậu quả cuối cùng sẽ là Đảng ấy bị thất cử trong cuộc bầu cử kế tiếp.
Ở thể chế dân chủ, người làm chủ (nhân dân), có quyền nói trái với đường lối chính trị của Đảng cầm quyền. Về điều này, Cụ Hồ đã nói: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho rằng không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa” (Toàn tập, NXBST, T5, trang 297). Thế nhưng, trong thực tế, chúng ta chỉ để cho nhân dân góp ý những điều vụn vặt, còn những vấn đề cốt lõi của dân chủ, thì ngay những cán bộ cao cấp cũng không được động tới. Trước đổi mới, đã có những người thân bại danh liệt vì có ý kiến trái đường lối của Đảng như Kim Ngọc, và hàng chục cán bộ cao cấp bi cho là “nhóm chống Đảng”. Sau đổi mới, vẫn có hàng loạt đồng chí ưu tú bị loại bỏ như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ… Mới đây, những người góp ý văn kiện Đại hội 11, tuy không bị xử lý nặng, nhưng đều bị răn đe là “lợi dụng dân chủ”, ngay ý kiến của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng không được đưa ra thảo luận và ông cũng bị răn đe!
Ngày 8-9-2011,tại cuộc họp của Quốc hội Hoa kỳ, Tổng thống Obama có mấy câu phát biểu rất ấn tượng về vị trí của các quan chức thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền: “Những người đã cử chúng ta đến đây; những người đã thuê chúng ta làm việc cho họ… Dân chúng ở đất nước này đã làm việc vất vả để hoàn tất nhiệm vụ của họ. Câu hỏi đặt ra tối hôm nay là: Liệu chúng ta có hoàn tất trách nhiệm của chúng ta hay không?”. Đảng Dân chủ đang cầm quyền ở Hoa Kỳ, từ Tổng thống trở đi đều là những người làm thuê của nhân dân! Tuy nhiên, trước đây hơn nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh đã nói những câu ấn tượng hơn nhiều: “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa ” (Toàn tập, NXBST,1986, T6, trang 121). Và “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (Toàn tập, NXBST, 1984, T4, trang 283). Nhưng nếu không thực hiện chế độ Đảng cầm quyền mà vẫn kiên trì Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội thì làm thế nào để có thể thực hiện tư tưởng trên đây của Cụ Hồ?
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật để đặt nhân dân vào vị trí thực sự làm chủ, “bao nhiêu quyền hạn đều của dân” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBST, 1985, T5, trang 299). Đó là một quốc sách cứu nước, mà thực ra cũng chính là cứu Đảng!
Trước hết, “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra” (Hồ Chí Minh, cũng trang 299 như trên). Không phải “Đảng cử dân bầu”, cũng không phải “Dân bầu Đảng cử” mà là “Dân cử, dân bầu”. Điều ấy, hiện nay đang rất khó thực hiện, chúng ta chưa thực sự có một xã hội dân sự, bởi vì chưa có quyền tự do lập hội và hội hop. Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể hiện nay đều là những tổ chức chính trị mà nhiệm vụ chủ yếu không cần che đậy (đã ghi rõ trong điều lệ) là “nối liền nhân dân với Đảng”. Lại phải trở lại Hồ Chí Minh trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam, năm 1919, ở điều 4 “Tự do lập hội và hội họp” được chính ông Cụ diễn ra thơ lục bát: “Bốn xin được phép hội đoàn / Năm xin được phép nói bàn tự do”. Có người lo ngại việc tự do lập hội sẽ gây mất ổn định xã hội. Nhưng Alexis De Tocqueville, nhận xét “Phải thừa nhận là tự do vô giới hạn trong việc lập đoàn thể vì lý do chính trị cho tới nay chưa hề tạo ra ở Hoa Kỳ những tác động tai hại nào như người ta nghĩ sẽ xảy ra ở nơi khác”. Ông còn thấy rằng, “Sức mạnh tinh thần của cái chính quyền bị các đoàn thể đó công kích lại gia tăng nhiều lần, còn phía các đoàn thể thì yếu dần đi nhiều lần” (Nền dân trị Mỹ, NXBTT, trang 295 và 299). Hồ Chí Minh nói “Dân chủ là người dân được mở mồm ra nói” và “Quyền tự do tư tưởng hóa ra là quyền phục tùng chân lý”. Nhà sáng lập kênh truyền hình Đấu tranh cho Dân chủ ở Canada, Patrick Wilson nói: “Dân chủ là trao đổi thông tin. Người này trao đổi với người khác về những vấn đề chung”. Do đó, tự do ngôn luận sẽ giúp cho người dân đề cử, bầu chọn đúng người đại diện cho mình trong cuộc bầu cử dân chủ.
Bầu cử dân chủ cần thể hiện một số điều: Quyền cử tri của công dân đủ tuổi trưởng thành; bỏ phiếu kín và kiểm phiếu minh bạch; bình đẳng ứng cử, tranh cử: công bố cương lĩnh tranh cử; tiếp xúc với báo chí, thể hiện quan điểm chính trị; các biện pháp hạn chế quyền bầu cử, ứng cử, không phải do phân biệt giới tính, sắc tộc, màu da, ngôn ngữ, quan điểm chính trị, tôn giáo, nguồn gốc xã hội, tài sản sở hữu… Nếu bị hạn chế vì các điều trên, công dân có quyền khiếu kiện.
Chính phủ dân chủ là chính phủ của dân, do dân, vì dân, không phải kẻ cai trị mà là đầy tớ, là tay sai của nhân dân. Quyền của Chính phủ là do nhân dân ủy thác, và bị hạn chế bởi quy định của luật pháp. Để có một Chính phủ như vậy phải xây dựng Nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập, các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau, nhằm chống nạn lạm quyền xảy ra tham nhũng, quan liêu.
Phải xây dựng một Hiến pháp dân chủ, như là một hiến chương bảo vệ các quyền tự do của công dân, bảo đảm không xảy ra nạn độc tài, cấm ban hành các luật vi hiến, hạn chế các quyền tự do cá nhân không có lý do chính đáng.
Ngày Nam Bộ kháng chiến năm 2011
T.V.C.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-10-11
Nguồn: Viet-studies.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét