Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Thơ đoạt giải Nobel năm nay có gì hay ?

Sách là thức ăn tinh thần của con người


[Vào lúc : 09:53 - 14/10/2011 | Chuyện mục : Tư liệu văn nghệ sĩ]
Đạo diễn Nga nổi tiếng Stanislav Govorukhin sinh năm 1936 tại tỉnh Perm. Năm 1958, ông tốt nghiệp khoa địa chất Trường Đại học Kazan, năm 1967 – khoa đạo diễn Trường Điện ảnh quốc gia (VGIK); sau đó vào làm việc ở hãng phim Odessa, còn từ năm 1987 -  hãng “Mosfilm”. Ông là tác giả của hơn 20 bộ phim, hiện là đại biểu Duma quốc gia Nga, ứng cử viên tổng thống Liên bang Nga. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh nhật của đạo diễn, phóng viên báo AIF có cuộc trao đổi với ông. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tâm tư: “hiện tại ở nước Nga, chiếm vị trí hàng đầu không phải là văn hoá, mà là kinh tế. Nhưng tiền bạc không phải là cái chính. Cái chính là sức mạnh tinh thần của nhân dân. Nếu nó cạn kiệt thì không một cơ chế kinh tế nào, không một sự phát triển kinh tế nào có thể cứu dân tộc thoát khỏi diệt vong”




 Đạo diễn Nga Stanislav Govorukhin:
Sách là thức ăn tinh thần của con người



@: Thưa Stanislav Sergeevich, ông thường nói rằng ông chịu ảnh hưởng rất lớn của sách. Vì vậy, đối với ông văn học là người thầy của cuộc sống hay là vật thay thế của nó?
 Stanislav Govorukhin: Tôi là con người sách vở, lớn lên từ sách vở. Giống như bất cứ đứa trẻ nào, các nhân vật yêu thích của tôi xuất thân từ những cuốn tiểu thuyết của R. L. Stivenson, Jack London, Daniel Defo, Michael Reed, người bạn đường vĩnh cửu của tuổi trẻ Jules Verne. Theo tôi, thức ăn tinh thần của con người không phải là sân khấu, cũng không phải là điện ảnh, mà trước hết chính là sách. Thông tin có thể lấy từ Internet hay sách giáo khoa. Nhưng chỉ có sách mới  giáo dục tình cảm. Không phải vô cớ mà Flaubert đặt tên cho cuốn tiểu thuyết vĩ đại của mình là “Giáo dục tình cảm”.
Kẻ nào từ thuở bé không tập cho mình đọc sách, không biến đọc sách thành thói quen mà thiếu nó không thể sống, kẻ nào hành trình trong cuộc đời thiếu cuốn sách, - kẻ đó là con người uổng phí. Đó là niềm tin sâu sắc của tôi. Bởi vì các nhà giáo dục vĩ đại – nhà văn không tham gia vào việc giáo dục tinh thần của anh ta. “Tôi chịu ơn những cuốn sách về tất cả những gì tốt đẹp nhất trong tôi ” , - văn hào Gorky đã nói như vậy. Và tôi muốn nhắc lại những lời này.
Nhân tiện xin nói, chuyên môn đầu tiên của tôi - địa chất - cũng bắt đầu từ sách, và phần lớn các bộ phim của tôi đều dựa trên tác phẩm văn học. Vào cuối những năm 60, khi tôi hiểu rằng trẻ em Nga dần dần không đọc sách nữa, tôi quyết định trả lại cho các em những cuốn sách qua màn ảnh: Tôi làm phim “Robinson Crusoe”, “Những cuộc phiêu lưu của Tom Soyer, “Những đứa con của thuyền trưởng Grant”. Đến tận hôm nay tôi vẫn cho rằng cơ sở của điện ảnh là văn học, là nghệ thuật kịch. Và nếu một con người không đọc sách, không hành trình trong cuộc đời cùng với cuốn sách, nghĩa là anh ta không có thị hiếu, anh ta vô phương cứu chữa với tư cách một khán giả và không thể phân biệt nghệ thuật đích thực với giả tạo.

@: Hiện nay ông vẫn đọc sách chứ?
Stanislav Govorukhin: Thậm chí nhiều hơn trước đây. Tôi đã đọc lần thứ tư cuốn “Khu ung thư” của Solzhenitsyn. Tôi cố gắng đọc lại những tác phẩm yêu thích nhiều lần. Tôi theo dõi văn học hiện đại, các nhà văn thời thượng hiện nay. Tôi đã nhiều lần giở cuốn sách của Pelevin, nhưng không thể đọc hết. Nhân tiện, sách của Akunin tôi cũng không phải lúc nào cũng đọc hết.

@: Thế hệ trước mải mê xem phim Liên Xô, mọi người được giáo dục tình yêu tổ quốc, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nó. Thế hệ trẻ hiện nay đi theo những con đường hoàn toàn khác. Họ được giáo dục cái gì?
Stanislav Govorukhin: Hai mươi năm cải tổ khủng khiếp này đã cày nát cả đất nước. Sinh thời Solzhenitsyn nói rất đúng, khi tấm màn sắt mở ra thì mùi hôi thối cũng bốc lên. Mới đây tôi vừa có những cuộc trò chuyện với các thiếu nữ từ 16 đến 22 tuổi – tôi cần một nữ diễn viên cho bộ phim mới – và phát hiện ra một điều rất buồn: họ không biết gì về thơ ca. Hoàn toàn không! Họ nói: “Nhưng cháu không thích!” Không thích thơ ca – nghĩa là không thích, không hiểu văn học nói chung. Mà chính chúng ta trưởng thành lên từ văn học. Và những người thắng trận cũng là những người được nuôi dưỡng trong các tác phẩm văn học “Thép đã tôi thế đấy”, “Cánh buồm trắng cô độc”,  “Chiến bại”, trong những bộ phim như: “ Chàng trai từ thành phố chúng ta”, “Những người lái máy kéo”, “Chapaev”. Đã lâu rồi tôi không được nhìn thấy,  và có lẽ, sẽ không nhìn thấy nữa một cô gái cầm cuốn tiểu thuyết của Turgenev trong tay. Một thế hệ không đọc sách của Chekhov, Turgenev, Jules Verne, khi lớn lên sẽ trở nên tàn nhẫn, vô liêm sỉ, bủn xỉn. Những khái niệm như danh dự, nhân phẩm sẽ không có ý nghĩa gì với họ.

@: Vậy nếu có điều gì đó xảy ra, người Nga biết lấy sức lực ở đâu?..
Stanislav Govorukhin:  Không, không biết lấy đâu. Có một triết lý của người Nga, nó được gọi là “may rủi”. Nhưng nếu hôm nay xảy ra chiến tranh thì chúng ta sẽ thua cuộc. Chechnya là một ví dụ nhãn tiền. Chúng ta đã thất bại trong cuộc chiến tranh này năm 1995, khi ký hiệp ước đầu hàng Khasavyurt. Chechnya trên thực tế đã trở thành một quốc gia độc lập.

@: Trong văn học Nga hầu như ta không gặp những người phụ nữ hạnh phúc, còn các bộ phim của ông kết thúc đều có hậu. Ông muốn ủng hộ phụ nữ chăng?
Stanislav Govorukhin: Tôi không đồng ý rằng trong văn học Nga thiếu vắng những người phụ nữ hạnh phúc. Tôi không thể đưa ra nhiều ví dụ, nhưng chẳng hạn như Natasha Rostova có gì không hạnh phúc? Còn hiện nay tôi làm những bộ phim nhẹ nhàng, đơn giản, dễ hiểu. Tôi làm phim để giúp đỡ con người, để tự mình hài lòng với công việc và đem lại niềm vui cho người khác khi xem.

@: Vậy theo ông, trong thế giới vô liêm sỉ của chúng ta còn lại bao nhiêu tình yêu và niềm tin?
Stanislav Govorukhin: Cho dù thế nào đi chăng nữa thì “cuộc sống chỉ được giữ vững và vận động bởi tình yêu”, - Turgenev đã  viết như vậy. Còn về niềm tin thì đã xuất hiện một trong những nghịch lý khó giải thích của thời đại chúng ta: số lượng tín đồ ngày càng nhiều hơn, còn đạo đức thì xuống cấp trầm trọng.

@: Ông là môt người thực sự bi quan?
 Stanislav Govorukhin:  Tôi luôn luôn như vậy - điều đó giúp tôi sống. Tôi dự đoán rằng tình hình sẽ tồi tệ, nhưng vẫn đón nhận cái tốt như một món quà. Tôi vẫn nghĩ, thế là hết, chào nhé, điện ảnh Nga không còn nữa! Nhưng vẫn thấy nhiều phim hay: “Người bên cửa sổ”, “Vùng bất ổn”, «Chim sẻ”  - không thể kể hết tất cả. Chỉ có điều chúng không thể lọt vào hệ thống phát hành, vì ở Nga nó nằm trong tay người Mỹ.
Vâng, từ lâu tôi đã nói rằng nhà nước cần phải kiểm soát phát hành như vô tuyến truyền hình. Mới đây tôi tình cờ bật TV, lúc người ta đang đang chiếu một bộ phim Mỹ: toàn những cảnh máu me, bạo lực, tình dục. Tất cả các nước, kể cả những nước văn minh nhất, ví dụ như nước Pháp, đều chống lại điều đó. Còn ở nước Nga tất cả đều có thể.
Hiện tại ở nước Nga, chiếm vị trí hàng đầu không phải là văn hoá, mà là kinh tế. Nhưng tiền bạc không phải là cái chính. Cái chính là sức mạnh tinh thần của nhân dân. Nếu nó cạn kiệt thì không một cơ chế kinh tế nào, không một sự phát triển kinh tế nào có thể cứu dân tộc thoát khỏi diệt vong, bởi vì như Solzhenitsyn đã viết: “Cây mục không thể đứng vững”. Tôi chơi rất thân với Solzhenitsyn, đã làm một bộ phim tài liệu về ông. Ông lao vào một bức tường im lặng, mọi người cười nhạo ông. Còn tôi là một Solzhenitsyn nhỏ, rất nhỏ: ông đã đấu tranh chống lại nhiều thứ,  nhưng không có gì thay đổi. Bây giờ tôi nghĩ: tôi còn biết đi đâu? Nếu như người ta không nghe Solzhenitsyn thì ai sẽ nghe tôi? Vì vậy, đã từ lâu tôi im lặng, đã từ lâu tôi bịt miệng lại.

                                               TRẦN HẬU (Theo AIF)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét