Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

CUỘC CHIẾN NGOẠI GIAO VIỆT-TRUNG QUA CHUYẾN THĂM CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Phạm Viết Đào.


Quan hệ Việt-Trung đã không còn xuôi chèo, cái quan hệ mà có lúc từng gây ảo tưởng kỳ vọng cho không ít người; song 2 nước hiện có vẻ đang trở thành đối thủ của nhau trong thời điểm cam go này; Việt Nam sẽ trở thành đối thủ và rất có thể trở thành kẻ thù khi Trung Quốc muốn, Trung Quốc cần, bất cứ lúc nào khi Trung Quốc không còn là "người lớn"
Thật buồn cho phong trào cộng sản thế giới, chỉ còn vài mống thề mà lại không đoàn kết, liên hiệp được với nhau mà chỉ rình tìm cách diệt nhau...Để xảy ra tình cảnh này điều chắc chắn không phải do phía Việt Nam chủ động vì Việt Nam là nước nhỏ. Điều này bộc lộ ít nhiều qua chuyến thăm chính thức Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của TBT, CTN Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và những văn kiện mà 2 bên đã ký kết…
Trong chuyến thăm chính thức này, thật sự đã hé lộ ra một sự thật: Quan hệ Việt-Trung đã sang trang, không còn có thể xuề xòa, chú chú anh anh như mọi lần… Điều này có thể nhận thấy bộ mặt “nặng như chì “ của TBT Hồ Cẩm Đào; ông Đào phải gân mặt lên khi tiếp khách là trường hợp hiếm thấy trong các nghi thức ngoại giao, chủ nhà mặt lạnh tanh khi đón khách; trường hợp này thường chỉ xảy ra trong trường hợp hai bên chuẩn bị tuyên chiến với nhau, đằng này lại là nguyên thủ nước lớn đón tiếp Tổng Bí thư Đảng của một nước nhỏ cùng là đồng chí với mình…
VTV1 đưa hình quốc kỳ Trung Quốc 1 sao lớn, 5 sao nhỏ; Quốc kỳ TQ chỉ có 4 sao nhỏ ? Nhầm lẫn thành 5 sao này phải chăng có ý sát nhập thêm VN ? ( Theo Basam )

Qua cử chỉ này cho thấy: Trung Quốc thật sự đã tỏ rõ thái độ, giữ khoảng cách với Việt Nam. Những gì diễn ra qua những phương tiện thông tin đại chúng đưa từ việc tổ chức đón tiếp đến việc bàn thảo công việc, ký kết các văn kiện đã theo chuẩn của ngoại giao của 2 quốc gia có những vấn đề, những chuyện cần phải được trao đi đổi lại…
Khác với cuộc chiến trên chiến hào, đó là cuộc chiến thường diễn biến theo các trạng huống: Khi A có lợi thế áp chế thì A tiến và tất yếu B phải lùi và ngược lại; không thể có chuyện 2 bên cùng tiến; ngược lại khi 2 bên không bên nào tiến và không bên nào lùi thì cuộc chiến được coi là giai đoạn cầm cự…
Cuộc chiến trên mặt trận ngoại giao thì không có chuyện bên này tiến và bên kia lùi vô điều kiện; có khi cả 2 bên đều lùi, trường hợp này người ta coi là chiến tranh lạnh; Trong cuộc chiến ngoại giao, khi đã tiến thì thường cả 2 bên đều tiến, hai bên cùng muốn thắng; hoặc do 2 bên cùng tiến nên sẽ bùng nổ ra một cục diện mới, có lợi cho cả 2 phía hoặc ngược lại, chuyển hóa giai đoạn; hoặc A tiến điểm X thì lùi điểm Y ngược lại B lùi điểm X nhưng lại tiến điểm Y…
Có điều có khi cả 2 anh cùng tiến nhưng anh này tiến vào thế thắng, còn anh kia tiến những tiến vào ngõ cụt. Nét đặc thù của ngoại giao và việc tranh hơn thua trong cuộc chiến ngoại giao chính là ở điểm đó. Cuộc hòa đàm tại Pari là một cuộc chiến ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam; mặc dù hội nghị kéo dài suốt 5 năm, được ghi vào ghinet đàm phán ngoại giao thế giới vì kéo dài; nhưng cuối cùng cũng đã đi đến kết quả: 2 bên ký kết với nhau được một Hiệp định 1973 cũng. Văn bản hiệp định là kết quả của sự cùng tiến, “cùng thắng” của cả Mỹ và Việt Nam dân chủ cộng hòa. Phía Việt Nam tiến thì rõ rồi; Còn phía Mỹ tiến; tức là rút được quân Mỹ ra khỏi Việt Nam trong danh dự, thông qua đàm phán, ký kết, đổi chác có điều kiện chứ không phải thua bỏ của để chạy lấy người…
Vậy cuộc chiến ngoại giao Việt-Trung qua chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng bộc lộ những bước tiến, bước lùi của nền ngoại giao Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc như thế nào? Từ trước đến nay mối quan hệ này vẫn bị mang tiếng là “khôn nhà dại chợ “ do bởi cái màn sương mờ hữu nghị đáng hoài nghi cùng với những bức hoành phi vàng mã…
Trước chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng, có nhiều ý kiến phản đối, riêng tôi tôi ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng nên sớm lên đường sang Trung Quốc bởi các lý do sau đây. Cha ông ta xưa có câu: Có khôn ngoan ra cửa quan mới biết; hoặc: Trai khôn chọn vợ chợ đông; Gái ngoan tìm chồng ở chốn ba quân…Ông Nguyễn Phú Trọng trước khi được bầu vào ghế Tổng Bí thư nhiều ý kiến đã cho rằng ông thuộc phái kinh viện, bảo thủ, thân Trung Quốc…Muốn kiểm chứng năng lực, quan điểm chính trị của một Tổng Bí thư Đảng của Việt Nam thì cách tốt nhất là nên xem xét việc ông đi thăm Trung Quốc và ứng xử với Hoa Kỳ…Và chuyến thăm chính thức lần này sẽ là dịp kiểm chứng xem ông Nguyễn Phú Trọng là ai và ông thuộc trường phái chính trị nào? Qua chuyển đi này chắc chắn TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ ngộ ra được: Trung Quốc là thế nào; chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc sẽ sản sinh ra loại người ra sao, đôi khi còn đáng sợ hơn đế quốc sài lang...
Lễ hội ẩm thực Trung Quốc tại Vũng Tàu năm 2010 cũng từng treo cờ Trung Quốc 5 sao nhỏ...

Đánh giá kết quả chuyến đi, gạt bỏ những tiểu tiết về phong thái ngoại giao chưa thật già rơ của một TBT lần đầu tiếp xúc với một đối thủ “ nặng ký “, người viết bài này muốn bàn tới 2 văn kiện chủ chốt, quan trọng của chuyến đi: Đó là văn bản Tuyên bố chung và Bản thỏa thuận Nguyên tắc xử lý vấn đề trên biển Việt-Trung…Đó thật sự là lõi, bản chất của vấn đề. Thực ra lãnh đạo một nước nhỏ khiêm cung trước một nước lớn cũng là chuyện bình thường; xưa cha con Mạc Đăng Dung còn tự trói mình lên quan ải để yết kiến nhà Minh đó sao…
Trong chuyến thăm này, một sự kiện hết sức đáng chú ý: Cuộc gặp riêng giữa TBT Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Binh với TBT Nguyễn Phú Trọng 1 giờ đồng hồ trước khi vào hội đàm chính thức; về vấn đề này thì chưa thể có ý kiến đánh giá ngay được mà còn phải chờ thời gian và chờ sự chủ động cung cấp thông tin từ phía Tổng Bí thư. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng không bạch hóa cuộc gặp này thì chưa thể có sự đánh giá, bình luận một cách sâu sắc toàn diện kết quả của chuyến đi cũng như “tỷ số” của cuộc chiến ngoại giao này…
Trước hết, đứng về phương diện pháp lý trong quan hệ quốc tế thì loại văn bản tuyên bố chung là văn bản không có giá trị ràng buộc bắt buộc các bên cam kết phải thi hành, nếu một bên ký cố tình vi phạm. Hơn nữa ông Nguyễn Phú Trọng lại ký với cương vị Tổng Bí thư. Bên bị xâm hại chỉ có thể sử dụng để tuyên truyền cô lập phía vi phạm về mặt dư luận quốc tế. Còn văn bản ký kết về nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông thì có một phần cơ sở pháp lý nhưng rất thấp và mỏng; những nguyên tắc này cũng rất dễ giải thích theo “lý của người Mèo” và lý của kẻ mạnh. Văn bản này được ký bởi cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao một cấp thấp về ngoại giao; mặc dù Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam có mặt trong đoàn nhưng không được ký. Tuyên bố chung ASEAN phía Trung Quốc cũng chỉ để cấp Thứ trưởng ký còn các nước ASEAN thì đều do Bộ trưởng ký. Và cả văn bản tuyên bố này cũng không có giá trị pháp lý ràng buộc nếu Trung Quốc cố tình không muốn tuân thủ…
Trở lại văn bản Tuyên bố chung, đây là văn bản đèm đẹp về mặt chữ nghĩa, tổng hợp các vấn đề liên quan tới quan hệ Việt-Trung; so với những tuyên bố chung mọi lần, ưu điểm của lần này là đã tránh sa đà vào những cam kết cụ thể, để tránh rắc rối trong quan hệ Trung Quốc- Việt Nam sau này.
Xem xét kỹ văn bản Tuyên bố chung, phía Việt Nam gần như chẳng ràng buộc gì được một điểm nào, điều khoản nào với phía Trung Quốc nếu Trung Quốc làm ngược lại tuyên bố này. Trong khi đó thì Trung Quốc đã cài vào những ý tứ để nếu cần Trung Quốc có thể sử dụng để gây sự với Việt Nam. Đó là điều tinh ý sẽ phát hiện ra. Xin nêu ví dụ đoạn sau đây tại Điều 5:
Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông…”
Qua tuyên bố này, Việt Nam đã không ép được Trung Quốc cùng tuyên bố không dùng vũ lực, hay đe dọa dung vũ lực trong tranh chấp trên biển; đây là vấn đề toàn dân Việt và cả thế giới quan tâm? Đó là điều đáng tiếc nhưng khó…Như vậy Trung Quốc vẫn tiếp tục để ngỏ khả năng dùng vũ lực hoặc đe dọa dung vũ lực đối với Việt Nam. Thứ 2 Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố “không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước…” tuyên bố này là cái cớ để Trung Quốc gây sự với Việt Nam lúc cần…
Tớ bảo cậu đừng chơi với thằng nọ, thằng kia, nó là kẻ thù của tớ ( bạn của kẻ thù là kẻ thù- quy tắc tam đoạn luận), cậu chơi với nó tức là cậu phá quan hệ giữ cậu và tớ…Đây là một tuyên bố không có lợi cho Việt Nam khi Việt Nam đang tuyên bố đa phương hóa quan hệ?
Khi Đoàn của Tướng Phùng Quang Thanh hội kiến riêng với Đoàn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, thấy báo chí đưa Tướng Thanh nói rất nhiều: nào là giáo dục quân sĩ kiềm chế, nào là không sử dụng vũ lực, đe dọa dung vũ lực; Tướng Liệt chỉ gật gù không nói gì mà chỉ ra ý tán thưởng và chỉ chêm một câu đại ý có thể hiểu: Hoàn toàn tán thành ý kiến của Tướng Thanh; Tướng Liệt nói đại ý: dòng chủ lưu quan hệ 2 nước 2 quân đội cơ bản là tốt, còn thỉnh thoảng có choang nhau dăm ba trận, chiếm dăm ba hòn đảo, vài cây số vuông đất liền là chuyện tiểu tiết, quan trọng gì, chấp nê nhau làm gì cho nó mệt…Theo dõi không kỹ thì rất dễ bị lừa cái kiểu nói năng ngọt nhạt của người Trung Quốc…
Bây giờ xin bàn sang văn bản thỏa thuận về ứng xử trên biển. Văn bản này mở đầu bằng một đoạn rất trịnh trọng:”Hai bên đánh giá tích cực việc hai nước ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển;” cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, sẽ cùng nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận này.”

Trong văn bản thỏa thuận này, phía Việt Nam đã cài đẩy vào được 2 điểm có vẻ có lợi, đắc ý cho mình, đó là điểm 2 và điểm 3:

“2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.

3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).”
Về 2 điểm làm chỗ dựa để cho Việt Nam kêu với thế giới khi bị Trung Quốc gây hấn, đó Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, còn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC)” ngẫm cho cùng thì không có cơ sở pháp lý ràng buộc như phân tích ở trên…
Vả lại những nguyên tắc thỏa thuận là rất mù mờ về pháp lý; ngay hiệp định, hiệp ước người ta còn giải thích khác đi được; việc này giống như việc hai bên thỏa thuận đi theo chiều bên phải; thế nhưng khi người đi chiều ngược lại do lấn sang phần đường không rõ ràng của người đi ngược chiều gây tai nạn, lúc đó nếu có người thân là cảnh sát giao thông thì người ta có khả năng cãi xóa…
Điều nguy hại hơn ở chỗ: 6 nguyên tắc này bị thòng, phong tỏa, bị " yểm" bởi một điều khoản rất lợi hại:” Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được???”Có khi trong cuộc gặp riêng, TBT Nguyễn Phú Trọng không hề thỏa thuận như vậy; thế nhưng Trung Quốc cứ lua loa lên, bắt ép Việt Nam phải theo như trường hợp bauxite Tây Nguyên; lúc đó ai đứng ra làm trọng tài ??? Bởi vì ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, Đảng mà đã thỏa thuận thì ai dám trái ?
Chưa kể, nếu không vừa ý thậm chí người ta còn tung tin thất thiệt lên mạng; vừa qua vụ bauxite chúng chẳng đã tung tin ông N.M nhận của Trung Quốc 300 triệu USD, ông N.T. nhận của Trung Quốc 150 triệu USD??? Thời Tam Quốc để triệt Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã cho gián cáo thị giả của Tư Mã Ý khiến cho Tào Tuấn phải nghi ngờ cho cha con nhà này ngồi chơi xơi nước...
Khi gây tại nạn, người gây tại nạn do có người thân quen làm to nên lúc đó người ta giải thích: Đoạn này lãnh đạo đã thỏa thuận, đi chiều này có thể lấn sang được mà không phạm luật? Luật pháp lúc ấy là cái đinh; hơn nữa đây chỉ là thỏa thuận về nguyên tắc?!
Qua một vài phân tích trên cho thấy: Trung Quốc vẫn “trên cơ” Việt Nam trong cuộc chiến trong mặt trận ngoại giao. Chưa kể để ép đưa ra được việc ký kết văn bản thỏa thuận này hình như có phần nhờ áp lực từ phía Nga; Không phải ngẫu nhiên mà Đoàn của Thủ tướng Putin cũng đến Bắc Kinh ngày 11/10 với những lời hứa rất ngon lành sẽ ký bán chất đốt cho Trung Quốc với giá hời…Phải chăng Nga góp phần vào việc ép Trung Quốc xử sự với Việt Nam cho ngon lành và có mức độ thì rồi Nga sẽ không để cho Trung Quốc thiệt…Có lẽ đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho mặt ông Hồ Cẩm Đào hầm hầm, thấy lạnh tanh bởi Việt Nam dám qua mặt mình, nhờ Nga can thiệp? Nga can thiệp thì Trung Quốc không thể coi Nga là kẻ thù được. Putin về rồi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố khác nhân chuyện Ấn Độ tuyên bố hợp tác với Việt Nam khai thác dầu; cho dù hôm trước cũng chính Bộ Ngoại giao Trung Quốc ghi nhận, đánh giá cao thỏa thuận 6 điểm giữa 2 nước vừa ký kết…
Phải chăng để hàm ơn Nga, hàm ơn ông Putin mà 20 h ngày 30/10 này, lấy cớ là kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, Đài truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức Nhịp cấu truyền hình với Đài truyền hình Nga với chủ đề: Bài ca chiến thắng để ca ngợi quan hệ Việt- Nga; Chương trình này do chuyên gia "bắng nhắng" Lại Văn Sâm làm Tổng đạo diễn...
Ngẫm cho cùng, dẫu có có ký hiệp định hiệp ước chặt chẽ ký với nhau hôm trước, hôm sau người ta xé đi cũng là chuyện thường xảy ra trong quan hệ quốc tế xưa này; do đó cũng không nên kỳ vọng nhiều vào chuyến đi của ai đó kể cả của ông Nguyễn Phú Trọng có thể biến nguy thành an được trong quan hệ với Trung Quốc.
Vấn đề là nội lực của dân tộc này, nếu mạnh lên, đoàn kết được với nhau thì kẻ ngoại xâm không làm gì được; đó mới là niềm kỳ vọng lớn nhất nếu muốn đẩy lùi chiến tranh với Trung Quốc. Có ký giời, yếu người ta vẫn cứ xông vào chơi anh như thường…
Việc xuất hiện đồng thời đoàn của Thủ tướng Đức tại Hà Nội cũng với việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Ấn Độ là tín hiệu cho Trung Quốc thấy: Việt Nam không đơn thương, độc mã trong quan hệ với Trung Quốc…Nhìn vào từng thao tác cụ thể có thể lo lắng vì những sơ suất, bất cập nọ kia; nhưng nếu nhìn vào thế cờ toàn cục của ván cớ chính trị thế giới thì vận hội của đất nước cũng chưa đến nỗi nào; cho dù Trung Quốc có ép, có xấu chơi đến đâu…”Sau cái bắt tay, xòe một lưỡi dao găm “, hình như thơ của Nguyễn Trọng Tạo, người Việt Nam chắc chắn đã miễn dịch, đã quen cái “thế võ” này rồi…
Tóm lại, chúng ta có thể thua, hụt hơi một vài nước cờ nào đó nhưng hồng phúc dân tộc, hồn thiêng sông núi cũng với tổ tiên sẽ hội tụ về giúp Việt Nam tiếp tục phải chiến đấu và đứng vững !
P.V.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét