Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

NÓI QUA VỀ “THƯ NGỎ CỦA NGUYỄN SĨ ĐẠI GỬI TRẦN MẠNH HẢO VÀ TRƯƠNG DUY NHẤT”

Trần Mạnh Hảo

Trang website và blogs Nguyễn Trọng Tạo (http://nguyentrongtao.org, http://nhatthonguyentrongtao.wordpress.com ) có in bài “Thư ngỏ của Nguyễn Sĩ Đại gửi Trần Mạnh Hảo và Trương Duy Nhất”. Ông Nguyễn Sĩ Đại là nhà thơ, là tiến sĩ (nguyên chủ biên báo “ Nhân Dân chủ nhật”, tổng biên tập báo “ Doanh nhân Việt Nam toàn cầuhttp://dvt.vn cơ quan ngôn luận của “Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”), viết thư ngỏ này để trao đổi với chúng tôi ( TMH) về bài viết “ Nhân báo An ninh thế giới cuối tháng bốc thơm thơ Trần Gia Thái”, phê bình bài viết bốc thơm thơ Trần Gia Thái của ông Đại là tán nhảm, là ca ngợi thơ dở thành thơ hay, in trên http://truongduynhat.vn .Bài viết này của chúng tôi còn được in trên website http://trannhuong.com (mục “ Bầu bạn góp cổ phần”), trên blogs Anh Ba Sàm : http://anhbasam.wordpress.com và in trên nhiều website, blogs khác.

Vấn đề chính và quan trọng nhất khi ông Nguyễn Sĩ Đại viết thư ngỏ trao đổi với chúng tôi, là ông phải phản bác lại ý kiến của chúng tôi cho bài bốc thơm thơ Trần Gia Thái của ông là tán nhảm, rằng những đoạn thơ ông trích ra khen hay đều là thơ dở, thơ thuộc trường phái nước ốc và trường phái thơ con cóc. Nhưng ông Nguyễn Sĩ Đại không hề làm công việc chủ yếu này, không hề lập luận để bác bỏ lời phủ nhận của chúng tôi; ví dụ như ông Đại viết: xin ông Hảo hãy đọc lại những đoạn thơ hay như thế này của Trần Gia Thái mà ông vì thiếu thẩm mỹ dám chê là thơ dở, chúng tôi (tức ông Đại) bình thơ hay thế, uyên bác thế mà ông kém trình độ nên mới bảo người bình thơ siêu là tán nhảm…

Như vậy, những phân tích khẳng định của chúng tôi về bài bình thơ nhảm nhí của ông Nguyễn Sĩ Đại bốc thơ dở thành thơ hay là đúng; vì ông không đủ kiến văn, không thể lập luận nhằm bác bỏ ý kiến chúng tôi, nên hầu như ông toàn nói qua những điều ngoài văn học. Chúng tôi xin chứng minh.

Mở đầu bài “Thư ngỏ…”, ông Đại viết: “Bỏ qua lối nói xách mé của anh với tôi cũng như với nhiều người khác, với báo An ninh thế giới…”(hết trích). Viết như thế này, một là do ông Đại “giận quá mất… tra từ điển” xem từ “xách mé” nghĩa ra sao, hai là ông gắp lửa bỏ tay người. Trong bài viết của mình, chúng tôi tuyệt nhiên tôn trọng đối tượng phê bình bằng cách một điều thưa ông Đại, hai điều thưa ông Nguyễn Sĩ Đại. Chỉ có ông Nguyễn Sĩ Đại trong bài bốc thơm thơ Trần Gia Thái trên tờ An ninh thế giới là có cách nói “xách mé” khi ông luôn gọi ông Trần Gia Thái bằng tên trống không như Thái …thế này, Thái…thế nọ. Thưa ông Nguyễn Sĩ Đại, chính ông mới ăn nói xách mé, chứ không phải chúng tôi.

Ông Nguyễn Sĩ Đại viết tiếp, có ý trách chúng tôi xiên xẹo: “Từ chuyện thơ, anh lại lèo vào cái chuyện của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Như thế là không đứng đắn” (hết trích). Viết như thế này, chính ông Nguyễn Sĩ Đại gắp lửa bỏ tay người, chính ông mới là người không đứng đắn khi tiêu đề bài viết của ông trên tờ “An ninh thế giới cuối tháng” số 121, 9-2011 đã lèo chuyện Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội vào chuyện bình thơ, xin trích nguyên văn tiêu đề bài viết của ông như sau: “Tổng giám đốc- tổng biên tập Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, nhà báo Trần Gia Thái nghiêng cả về thu khúc thẳm sâu”.

Ông Nguyễn Sĩ Đại chắc có thâm thù gì với những người yêu nước vô cùng can đảm, đã dám biểu tình chống giặc Trung Quốc xâm lược giữa lòng Hà Nội, lại dành cho họ những lời mỉa mai cay độc đến thế: “Khi có can qua, tôi tin rằng, không ít người trong đoàn biểu tình ấy , và con cháu họ, đã “ bay” tự bao giờ, ra chiến trường và đổ máu, chỉ con em nông dân mà thôi” (hết trích).

Viết như trên, ông Đại vừa xúc phạm những người yêu nước biểu tình, vừa ngầm xác định một thực trạng: con cán bộ đảng viên (hơn ba triệu người) đều trốn nghĩa vụ quân sự khi có can qua; chỉ con thường dân chết trận mà thôi… Đúng như câu thơ thi sĩ Xuân Sách viết về Tố Hữu: “Máu ở chiến trường hoa ở đây”; và đúng như câu thơ Tố Hữu: “Miền Bắc thiên đường của các con tôi”

Việc ông Nguyễn Sĩ Đại miệt thị website của nhà báo Trương Duy Nhất, miệt thị người đọc viết comment của tờ báo mạng uy tín này là một thái độ trịch thượng vô lối, không xứng với học hàm tiến sĩ và danh hiệu nhà thơ của ông :Tôi thấy website của anh, những bài viết comment, nó rác quá” ( hết trích).

Cuối bài viết, ông Nguyễn Sĩ Đại, một đảng viên cộng sản trung kiên vô thần, lại không trích văn kiện đảng, không trích kinh điển Marx, Lenine, Stalin, Mao, tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Kim Nhật Thành, tư tưởng pônpốt-iêng xari…mà toàn trích Kinh Thánh (trích không nêu xuất xứ) để làm căn cứ cho lập luận của mình, như là dấu hiện của một niềm tin suy tàn? Marx, kẻ thù không đội trời chung với Chúa Jesus, hình như không còn là chỗ dựa chân lý cho ông Nguyễn Sĩ Đại nữa? Níu lấy Kinh Thánh, níu lấy Chúa Trời làm phao vượt biển tranh luận, chúng tôi thương cảm cho ông đang cô đơn, đang rơi vào hư vô, mất phương hướng, rơi vào khủng hoảng chân lý, khủng hoảng lẽ phải nên trong thư ngỏ này, ông hầu như mất bình tĩnh và tư duy rất lộn xộn, rất có vấn đề. Bỏ báo Nhân Dân để theo tư bản kiếm lợi, nay nếu ông Nguyễn Sĩ Đại muốn bỏ Đảng theo Thiên Chúa, chúng tôi là một Kitô hữu, sẵn sàng cầm đầu phép rửa tội cho ông, nếu ông chỉ nhá con chuột vào hòm thư điện tử của chúng tôi: cdlndnd@yahoo.com.

Ông Nguyễn Sĩ Đại viết tiếp: “Tôi học hành lỗ mỗ, trí lự tầm thường”. Chết, ông viết thế này thì quá hớ ông Đại ạ. Nếu ông nói thật, thì học vị tiến sĩ của ông là học vị đi mua ư? Vả, ông nói thế này ảnh hưởng đến phong trào xóa mù tiến sĩ của thành phố Hà Nội phát động ba năm qua: rằng trong mấy năm nữa, cán bộ công nhân viên nhà nước từ ông gác cổng, từ chú lái xe, từ bà nấu bếp đến các ông lớn như bí thư, chủ tịch Hà Nội đều phải được xóa mù tiến sĩ. Hóa ra, theo ông Đại, học vị tiến sĩ là học vị của những người học hành lỗ mỗ sao? Viết như thế này, ông tự nhiên mất điểm về chính trị với chế độ, trong khi ông đang cố sống cố chết chứng minh vai trò “hồng vệ binh” của mình trong bài viết.

Hơn cả “hồng vệ binh”, khi ông Nguyễn Sĩ Đại viết: “Tuy nhiên, tôi thấy anh chẳng bỏ quyền lợi gì do nhà nước này, do “quốc doanh” mang lại. Anh đã “ly thân” từ năm 1989, ly khai với đảng, với lý tưởng, nhưng ánh sáng ngọn đèn anh viết, cũng do sức của người thợ điện, những tiện nghi anh có cũng là thành quả của sự nghiệp nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng. Nó được hiểu theo nghĩa đen và đúng tuyệt đối đấy anh Hảo ạ!” (hết trích)

Xin thưa với ông Nguyễn Sĩ Đại, từ năm 1989, sau khi tiểu thuyết “Ly Thân” của tôi do NXB Đồng Nai in ra, mới phát hành ba ngày đã có lệnh thu hồi. Báo Nhân Dân của ông và rất nhiều báo khác đã có bài lên án chúng tôi viết “Ly Thân” là chống đảng, là phản động, là phải gông cổ nó lại… Trước khi chi bộ khai trừ đảng kẻ viết “Ly thân”, chúng tôi đã xin ra khỏi đảng cộng sản. Cũng từ năm 1989, chế độ quốc doanh đã đuổi tôi khỏi biên chế nhà nước, tuyệt đối không hề có lương hưu và bổng lộc Hội Nhà văn như ông vừa nói; cũng từ đấy, tôi hoàn toàn được tư nhân hóa đời mình, không còn dính một ti một tị quốc doanh nào trong người.

Việc ông Đại nói ánh điện ban đêm soi sáng cho tôi viết là do đảng sinh ra thì có nhẽ ông khí nhầm đấy. Theo tôi biết, không phải đảng ta phát minh ra điện. Năm 1672, ông Otto Fon Gerryk đã khám phá ra hiện tượng tích điện. Năm 1729, ông Stefan Grey đã tìm ra chất dẫn điện và chất không dẫn điện. Năm 1733, một nhà phát minh người Pháp là ông Duy Phey tìm ra vật tích điện âm và vật tích điện dương. Rồi đến lượt ông Berzamin Franklin giải thích thế nào là dòng điện. Năm 1880 Alechxandro Volta chế ra pin. Faraday phát minh ra máy phát dòng điện xoay chiều. Thomas Edisson phát minh ra bóng đèn điện; chứ không phải đảng ta tìm ra điện cho chúng tôi (TMH) viết lách đêm đêm như ông Nguyễn Sĩ Đại nói trên đâu.

Theo thiển ý có vẻ âm lịch của chúng tôi thì, chính ông Thiên Lôi của phương Đông đã phát minh ra điện từ khi chưa có con người trên trái đất. Ông Nguyễn Sĩ Đại vì yêu đảng ta quá mà vô tình cướp công của ông Thiên Lôi. Tôi lo cho ông Nguyễn Sĩ Đại ra đường khi mưa gió, lỡ mà ông Thiên Lôi cả giận trả thù vặt, thì ông Đại chỉ có cơ biến thành tro than mà thôi !

Hơn cả “hồng vệ binh”, ông Nguyễn Sĩ Đại còn bảo hoàng hơn vua, khi ông lớn tiếng vu cáo chính trị chúng tôi (TMH), như một thông điệp ngầm gửi công an hãy bắt ngay tên Trần Mạnh Hảo đang mắc tội nhãn tiền “lật đổ chế độ”. Xin trích thông điệp chính yếu của ông Đại trong bài viết: “Thứ hai, ngụ ý anh Hảo là gì? Cái “nền văn học chân chính nước nhà” là gì, anh Hảo chưa nói ra, nhưng có lẽ để anh Hảo lọc kỹ thì chắc chỉ có mình anh và một số “bạn hữu” đâu đó ngoài biên giới mà thôi! Còn cái nền “văn học quốc doanh” theo anh, chắc là những nhà văn tự nguyện chịu sự lãnh đạo của đảng, tự nguyện phụng sự sự nghiệp nhân dân theo con đường đảng đã vạch ra. Thế là rõ. Những cái gì thuộc về quốc doanh, về nhà nước là xấu, là cần phải đánh đổ. Trước hết là “văn học quốc doanh”, sau là “kinh tế quốc doanh”, sau đó là thể chế, phải không anh Hảo?” (hết trích).

Tội chúng tôi quá, ông Đại ơi! Phận tôm tép chúng tôi đâu có làm được những việc “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” (Sóng Hồng) như thế mà ông nỡ lòng nào dùng phép tam đoạn luận: Hảo đánh đổ nền văn học quốc doanh = đánh đổ kinh tế quốc doanh = đánh đổ thể chế,  vu cho kẻ “hèn sĩ” này là chúng tôi những tội tày trời như thế ?

Thưa ông Đại, ông còn dùng ngôn ngữ của ngành công an sau khi lấy cung, gằn mặt, nghiến răng mà quy kết chúng tôi tội lật đổ chế độ rất khiếp như sau: “Thế là rõ”…” Phải không anh Hảo ?”

Xin thưa với ông Nguyễn Sĩ Đại, chính đảng cộng sản Việt Nam, năm 1986 đã quyết định bỏ (mà ông gọi là “đánh đổ”) kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ có hình thức sở hữu quốc doanh, sở hữu tập thể để theo kinh tế thị trường đa thành phần, chấp nhận kinh tế tư nhân, tức là chấp nhận tư bản hóa nền kinh tế. Còn khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì rất siêu hình, chưa một ai kể cả ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng định nghĩa nổi. Chính nhà nước cộng sản này đã quyết định dần dần cổ phần hóa (tức tư bản hóa) nền kinh tế quốc doanh chứ không phải chúng tôi đâu, thưa ông!

Ông Nguyễn Sĩ Đại đang là chủ biên tờ báo “Nhân dân chủ nhật”, chưa đến tuổi về hưu, ông đã goodbye nhà nước, goodbye báo đảng, goodbye “quốc doanh” để phục vụ cho “bọn tư bản Việt Nam ở nước ngoài”, làm tổng biên tập cho tờ “Doanh nhân Việt Nam toàn cầu” đó sao? Nghe nói, các tư bản người Việt ở nước ngoài trả ông lương cao lắm, chứ không bèo như tiền lương quốc doanh do báo “Nhân dân” trả đâu? Sao ông chỉ cho mình cái quyền được tư nhân hóa đời mình, mà lại cấm cản chúng tôi tư nhân hóa nền văn học quốc doanh, nền văn học phục vụ chính trị?

Ông Nguyễn Sĩ Đại hỏi chúng tôi theo kiểu hỏi cung, rất hình sự, rất trọng án chính trị rằng: thế nào là “nền văn học quốc doanh”, thế nào là “nền văn học chân chính”. Ông có ý quy kết chúng tôi cho “nền văn học quốc doanh” không chân chính.

Vâng, “nền văn học quốc doanh” là một nền văn học không lấy văn học làm mục đích, coi văn học chỉ là công cụ phục vụ chính trị. Quan niệm này trái với triết học Mác-xít. Nếu ông Đại đã qua lớp vỡ lòng về triết học Mác-xít, Mỹ học Mác –xít, chắc ông đã biết trên “thượng tầng kiến trúc”, văn học nghệ thuật và chính trị là hai bộ môn độc lập, cùng nằm trên một mặt bằng, không cái nào phải làm đầy tớ cho cái nào. Các nhà văn, nhà thơ trong nhóm “Nhân văn giai phẩm” năm 1956 chỉ đòi hỏi văn nghệ phải độc lập với chính trị, không muốn văn học nghệ thuật biến thành con sen, thằng mõ của chính trị, đúng như quan niệm của triết học Mác-xít.

Chả lẽ các ông Marx, Engel luôn luôn coi đại thi hào Wolfgang Goethe như thượng đế, lại âm mưu biến ông nhà thơ này, một người đại nhất nước Đức xuống hàng nô bộc của triết học cộng sản do hai ông phát minh ra hay sao? Maiacopxki, được Lenine coi là “cái loa của giai cấp vô sản Nga”. Nhưng Lenine không thích thơ của Maacopxki vì thơ ông ta chỉ là công cụ tuyên truyền, không có tính mục đích, thiếu sự hoàn mỹ sang trọng. Trong hồi ký của Crutxkaia - người vợ Lenine, khi nghe bà đọc thơ Maiacopxki, tới câu: “Ta tung xi măng cốt sắt lên trời”, Lenine gần như quát lên: “Thế này mà là thơ hả trời?”

Ông Nguyễn Sĩ Đại cũng cần biết rằng, chính tổng bí thư Nguyễn Văn Linh năm 1986, trong lần nói chuyện với văn nghệ sĩ, đã ngầm tố cáo quan niệm “văn học phục vụ chính trị” rất thô thiển, phản Mác-xít đã trói (xiềng xích) nền văn học nghệ thuật nước nhà; nên ông Nguyễn Văn Linh mới chủ trương “cởi trói cho văn nghệ sĩ và trí thức”.

Lẽ nào, ông Nguyễn Sĩ Đại lại dùng những quan điểm văn nghệ lỗi thời Mao-ít (văn nghệ Diên An) tiền đổi mới để vu vạ chúng tôi tính bôi bẩn nền văn học quốc doanh, một nền văn học không chính danh, một nền văn học tôi đòi, một nền văn nghệ tự đánh mất tính mục đích? Rồi từ chuyện văn học, ông vu cho chúng tôi muốn xóa bỏ kinh tế quốc doanh, xóa bỏ thể chế, oan cho chúng tôi lắm lắm “ông chụp mũ “ ơi!

Kể từ nay, nếu tôi bị công an gọi lên… tra vấn về tội muốn lật đổ chế độ, thì trách nhiệm thuộc về kẻ chỉ điểm công khai, kẻ tố điêu chính là nhà thơ tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại đấy (!)

Sài Gòn ngày 07-10-2011
T.M.H.

Xin xem tiếp bài của NGUYỄN SĨ ĐẠI :
THƯ NGỎ CỦA NGUYỄN SĨ ĐẠI GỬI TRẦN MẠNH HẢO VÀ TRƯƠNG DUY NHẤT
Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 12:08 sáng ngày 05/10/2011 13 lượt xem  0 Bình luận

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
NTT: Đêm nay cũng đã khuya, tôi nhận được mail của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nhờ đưa “Thư ngỏ…” lên trang web. Thư ngỏ này viết sau khi có bài của nhà thơ Trần Mạnh Hảo đăng trên web của nhà báo Trương Duy Nhất. Anh Hảo lâu này vẫn hay gửi bài nhờ tôi đăng, nhưng bàiNhân báo An ninh thế giới bốc thơm thơ Trần Gia Thái… thì anh không gửi cho tôi. Thiết nghĩ, dù đăng ở đâu, các tác giả đều muốn nói chính kiến của mình. Vậy mời anh Hảo, anh Nhất và bạn đọc hãy ghé vào đây xem thư ngỏ của anh Đại, và chia sẻ…

THƯ NGỎ GỬI TRẦN MẠNH HẢO VÀ TRƯƠNG DUY NHẤT
NGUYỄN SĨ ĐẠI
Hà Nội, ngày 04/10/2011
Anh Trần Mạnh Hảo,
thư này cho anh vì tôi vừa đọc bài“Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại bốc thơm Trần Gia Thái” trên website truongduynhat.vn ngày 2/10/2011.
Bỏ qua lối nói xách mé của anh đối với tôi cũng như với nhiều người khác, với báo An ninh thế giới, tôi muốn trao đổi với anh một cách đường hoàng những vấn đề về văn học mà anh đưa ra trong bài viết này. Giữa chúng ta là bạn đọc, và ai cũng cần tôn trọng họ.
1- Phần cuối, phần chốt, đồng thời đưa chapeau, anh viết:
“Những động cơ phi văn học hầu như đang điều hành guồng máy nền văn học quốc doanh. Đấy là một tai họa cho đất nước: văn học chân chính đang bị xua đuổi khỏi đời sống xã hội, nếu còn những người làm thơ như ông Trần Gia Thái và còn người bình thơ như ông Nguyễn Sĩ Đại”.
Tôi không bao giờ nhận mình là nhà phê bình. Yêu thơ, có am hiểu ít nhiều về thơ, tôi vẫn chia sẻ cảm nhận của mình với bạn đọc khi đọc thơ Đường, đọc thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du xưa và các nhà thơ Việt Nam hiện đại như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Khương Hữu Dụng… Đôi khi, tôi được các nhà thơ đó coi là hiểu được họ.
Tôi cũng đọc và cổ vũ cho các nhà thơ thế hệ chống Mỹ cứu nước, thế hệ Đổi mới. Có người nhận là tri âm, có người không bằng lòng. Tôi coi đấy là sự thường.
Tôi chỉ là một bạn đọc; người viết bình thường; làm sao “xua đuổi” được “nền văn học chân chính”, làm sao làm nên “tai họa cho đất nước”?
Mà chẳng ai làm được điều đó đâu, anh Hảo ạ!
Tôi không biết là anh đang dọa, đang vu cáo hay đang “khen” tôi? Dọa thì tôi chẳng sợ, mà “khen” thì tôi chẳng nhận! Anh đã chọn sai vấn đề, chọn sai đối tượng.
Tôi không phải là nhà phê bình; đúng rồi! Và “thẩm mỹ thơ của ông NSĐ có vấn đề”, tôi cũng đồng ý. Tôi học hành lỗ mỗ, trí lự tầm thường, có lẽ chẳng có gì đáng bàn, làm mất thì giờ bạn đọc.
Nhưng tôi muốn hỏi anh, trong bài viết này, cũng như nhiều phát biểu khác, anh thường phân ra và đối lập giữa hai nền “văn học quốc doanh” và “văn học chân chính” thì tiêu chí “quốc doanh ”, tiêu chí “chân chính” của anh là gì?
Thứ nhất, cái “hệ thống” này nghe không ổn đâu, anh Hảo ạ. Bàn về học thuật, không ai có thể nói nói bừa, nói phứa được.
Thứ hai, ngụ ý anh Hảo là gì? Cái “nền văn học chân chính nước nhà” là gì, anh Hảo chưa nói ra, nhưng có lẽ để anh Hảo lọc kỹ thì chắc chỉ có mình anh và một số “bạn hữu” đâu đó ngoài biên giới mà thôi! Còn cái nền “văn học quốc doanh” theo anh, chắc là những nhà văn tự nguyện chịu sự lãnh đạo của Đảng, tự nguyện phụng sự sự nghiệp của nhân dân theo con đường Đảng đã vạch ra. Thế là rõ. Những cái gì thuộc về quốc doanh, về nhà nước là xấu, là cần phải đánh đổ. Trước hết là “văn học quốc doanh”, sau đó là “kinh tế quốc doanh”, sau đó là thể chế, phải không anh Hảo?
Tuy nhiên, tôi thấy anh chẳng bỏ quyền lợi gì do Nhà nước này, do “quốc doanh” mang lại. Anh đã “ly thân” từ năm 1989, ly khai với Đảng, với lý tưởng; nhưng ánh sáng ngọn đèn anh viết, cũng do sức của người thợ điện, những tiện nghi anh có cũng là thành quả của sự nghiệp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nó được hiểu theo nghĩa đen và đúng tuyệt đối đấy anh Hảo ạ!
Anh chửi Hội Nhà văn nhưng anh có ra khỏi Hội đâu, vẫn lĩnh tiền này nọ, vẫn tự hào về các giải thưởng mà Hội Nhà văn ViệtNamtrao tặng đấy thôi!
2- Anh chê thơ của anh Trần Gia Thái dữ lắm, nhất là bài Nhớ cha, một bài thơ nói về người cha vùng đồng chiêm lam lũ Bình Lục (Hà Nam), cũng như quê anh Nghĩa Hưng (Nam Định), nhưng biết nuôi chí lớn cho con cái và đạo nghĩa cho đời sau. Tôi ủng hộ dòng thơ ấy. Còn anh không thích là tùy anh. Anh “nhại” thơ Trần Gia Thái, chê là cổ; thì thơ anh cũng bốn câu, bảy chữ, ba vần nhiều lắm, cũng có thể nhại được lắm. Tôi nhớ bài thơ Bạch Cư Dị của anh tặng V. C. H cũng toàn từ cổ, vay mượn:
Gió Tư Mã thổi ta lau lách
Mây Giang Châu lặng rách bên trời
Đêm thu lá vàng tiễn khách.
Trường Giang từ âm phủ về chảy tiếng đàn rơi…
Đấy là chưa kể anh còn ví các anh ngang Bạch Cư Dị!
Anh chê thơ anh Trần Gia Thái là “diễn nôm có vần”. Rồi cay nghiệt hơn: “Thưa ông nhà thơ TGT và ông bình thơ NSĐ: Các ông sướng lắm do quen sống giả dối nhiều rồi nên mới thích biến thành người điên để được sống thật phải không? Thưa, người điên là người đã đánh mất lý trí, tức không còn ý thức được mình và cuộc đời. Một người không còn lý trí, không còn ý thức, phỏng có thể biết đâu là chân, là giả mà các ông dám cho cứ điên mới sống thật. Còn 99% dân ta đang sống tỉnh như ngóe trên thiên đường xã hội chủ nghĩa chẳng lẽ toàn sống giả trá hay sao?”
Một lần nữa, tôi xin không nói về mình – về sự giả dối so với ai đó; mà giải thích cho anh Hảo rằng, người điên trong văn học, như Hăm-lét, chẳng hạn, chỉ là hình tượng, phương cách nhà văn thể hiện tư tưởng của mình. Và hình tượng người điên trong văn học cũng khá nhiều; tôi nghĩ anh cũng có đọc, có biết rồi.
Còn cái cách anh nói về đồng bào mình, về xã hội mình là “còn 99% dân ta đang sống tỉnh như ngóe trên thiên đường xã hội chủ nghĩa” thì không còn là cách nói “xách mé” nữa, mà xin lỗi anh, đó là hỗn, một từ lịch sự nhất mà tôi có thể gọi về hiện tượng này.
Anh báng bổ thơ Trần Gia Thái và nhiều người khác, dành cho mình sự cao đạo như thể chỉ mình anh tâm huyết, xây đắp văn học chân chính nước nhà; tôi lại nhớ đến một bài thơ Tự do hay là chết của anh. Theo tôi, bài thơ này chỉ là những mảnh ghép của những triết lý vụn vặt, khẩu ngữ hơn cả cách nói bình thường:
Nếu có thể đổi đôi mắt
Để lấy trời xanh?
- Ta chúa ghét mộng mơ
Nếu mà ngươi mù mắt
Thì trời kia dù có cũng vu vơ.
- Nếu có thể được
Tôi xin đổi tiếng hát
Lấy một thoáng trời cao?
- Nhảm nào
Nếu mà ngươi không có tiếng hát
Thì ta nhốt ngươi làm gì?
Thế đấy, anh Hảo ạ. Anh từng có nhiều bài thơ hay được bạn đọc, trong đó có tôi, mến mộ. Nhưng thơ anh bây giờ như thế, hoặc Số phận cho ta làm mặt thớt/ Kể gì thịt cá nát đời nhau/ Sinh ra là để người ta chặt/Ta chỉ ăn toàn những vết dao. Thơ không có chỗ ở trong những trái tim không lương thiện!
(Tôi muốn nói đôi lời với anh Trương Duy Nhất. Tôi thấy website của anh, những bài viết và comment, nó rác quá. Trước khi định cầm chổi quét trời, anh hãy xem lại nhà mình đi đã!)
3 – Phê bình văn học có nhiều chức năng. Trong đó có việc phát hiện và chăm chút những nụ mầm vừa nhú; cổ vũ, động viên khích lệ mọi hoạt động sáng tạo. Đó cũng là một truyền thống tốt đẹp của văn học nước ta. Một thế hệ thơ chống Mỹ, trong đó có anh Trần Mạnh Hảo, đã được cả nước nhiệt tình cổ vũ, mới có cái tên Trần Mạnh Hảo ngày nay, sao bây giờ anh lại hẹp hòi, cay nghiệt với người khác như vậy? Kinh Thánh có câu : Dầu và hương thơm làm phấn khởi lòng người. Tình bạn ngọt ngào giúp tinh thần thêm vững mạnh. Tôi không ân hận, mà vui vì được giới thiệu thơ của bạn tôi, Trần Gia Thái. Từ chuyện thơ, anh lại lèo vào cái chuyện của Đài PTTH Hà Nội. Như thế là không đứng đắn. Nếu anh yêu những người biểu tình yêu nước, thì xin anh cũng ca ngợi cho, và ca ngợi hơn những chiến sĩ Trường Sa; những người đấu tranh thầm lặng để giữ bền quan hệ hữu nghị hợp tác; giữ nền hòa bình cho đất nước. Khi có can qua, tôi tin rằng, không ít người trong đoàn biểu tình ấy, và con cháu họ, đã bay tự bao giờ, ra chiến trường và đổ máu, chỉ con em nông dân mà thôi!
***
Tôi không biết bây giờ anh còn Đức tin nào. Đành mượn Kinh Thánh. Kinh Thánh nói: Đánh sữa sẽ được , bóp mũi sẽ bật máu và chọc giận sẽ sinh chuyện đôi co”. Tôi thường lấy đó làm câu răn mình. Và cũng muốn nhắc anh Trần Mạnh Hảo nhớ đến sáu điều Đức Chúa gớm ghét, bảy điều khiến Người ghê tởm, đó là: Mắt kiêu kỳ; lưỡi điêu ngoa; tay đổ máu người vô tội;lòng mưu tính những chuyện xấu xa; chân mau mắn chạy đi làm điều dữ;kẻ làm chứng gian dối thốt ra lời dối trá; người gieo xung khắc giữa anh em.
NSĐ
http://nguyentrongtao.org/2011/10/05/th%C6%B0-ng%E1%BB%8F-c%E1%BB%A7a-nguy%E1%BB%85n-si-d%E1%BA%A1i-g%E1%BB%ADi-tr%E1%BA%A7n-m%E1%BA%A1nh-h%E1%BA%A3o-va-tr%C6%B0%C6%A1ng-duy-nh%E1%BA%

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét