Nguyễn Trọng Vĩnh
Khách
quan mà nói, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Việt
Nam, cùng với Liên Xô, Trung Quốc giúp ta khá nhiều, nhân dân ta rất
biết ơn. Sau khi giải phóng miền Nam, Nhà nước ta đã cử một đoàn đại
biểu cấp cao do Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp sang cám ơn lãnh
đạo và nhân dân Trung Quốc. Nhưng năm 1974, những người lãnh đạo Trung
Quốc đã dùng lực lượng mạnh đánh quân đồn trú Cộng hòa miền Nam Việt Nam
cướp quần đảo Hoàng Sa của chúng ta, rồi tháng 2 - 1979, để tặng cho Mỹ
một món quà và cứu bọn tay sai Pôn Pốt, Trung Quốc đã huy động 60 vạn
quân xâm lăng nước ta, giết hại đồng bào ta từ người già, trẻ nhỏ đến
phụ nữ mang thai, chiếm đất đai của ta, tàn phá triệt để các tỉnh biên
giới nước ta trước khi buộc phải rút lui. Tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”
như vậy là Đặng Tiểu Bình đã tự xóa hết mọi tình nghĩa, nợ nần rồi còn
gì nữa, mà gần đây báo chí Trung Quốc vẫn kể công, phê phán Việt Nam “Vong ân bội nghĩa”? Sau này để giảm tội ác xâm lược, họ gọi trẹo ra cuộc đánh phá ấy là cuộc “phản kích tự vệ”!
Ai xâm lược họ mà họ phải đưa 60 vạn quân để “tự vệ”? Nhà cầm quyền
Trung Quốc quả là có tài và thói quen đổi trắng thay đen, dùng từ ngữ
xảo trá, bịp bợm không ai bằng!!!
Trước
thái độ “kể công” đó của giới hữu trách Trung Quốc, tôi buộc phải viết
bài này để vạch trần bộ mặt thật của những người lãnh đạo Trung Quốc.
I. Bành trướng, bá quyền ích kỷ nước lớn là tư tưởng xuyên suốt của những người lãnh đạo Trung Quốc
Tháng
9-1950, tại Hội nghị Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói:
“Chúng ta phải chinh phục trái đất, đó là mục tiêu của chúng ta”.
Trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963, ông Mao nói : “Tôi sẽ làm Chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á”.
Trong cuộc họp BCH TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8-1965, Chủ tịch Mao Trạch Đông khẳng định: “Chúng
ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái
Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapo… một vùng như Đông Nam châu Á rất
giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để
chiếm lấy…”.
Trong cuộc họp giữa 4 đảng
cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Lào tại Quảng Đông tháng
4-1963, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi lớn, nhưng không có đường ra, nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho con đường xuống Đông Nam châu Á”.
II. Những phương án thu phục và khuất phục Việt Nam
1. Thu phục Việt Nam bằng tư tưởng Mao Trạch Đông
Muốn xuống Đông Nam Á, trước hết và tất yếu cần qua Việt Nam.
Ngay
từ năm 1950, sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, những nhà lãnh đạo
Trung Quốc đã cử cố vấn Trung Quốc sang và viện trợ cho Việt Nam vũ khí,
xe vận tải giúp Việt Nam đánh Pháp. Đoàn cố vấn còn có nhiệm vụ truyên
truyền tư tưởng Mao Trạch Đông. Họ đã đề nghị cho dạy tư tưởng Mao Trạch
Đông trong trường đảng Việt Nam, lãnh đạo ta đã chấp nhận. Lúc chúng ta
tiến hành cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức theo kinh nghiệm các
vị cố vấn giới thiệu cho ta, ta phạm sai lầm nghiêm trọng: đấu tố tràn
lan, quy kết sai lầm làm nhiều cán bộ bị bắt, nhiều người chết oan. Khi
phát hiện, Hồ Chủ tịch phải đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi đồng
bào. Từ đó ta tỉnh ngộ không dạy tư tưởng Mao Trạch Đông và không làm
theo kinh nghiệm Trung Quốc nữa.
Những người lãnh đạo thấy không chinh phục Việt Nam bằng tư tưởng Mao Trạch Đông được, họ chuyển sang dùng phương án khác.
2. Mạnh tay giúp xây dựng kinh tế để Việt Nam hàm ơn và phụ thuộc Trung Quốc
Từ
1955 đến 1963, lãnh đạo Trung Quốc giúp Việt Nam rất nhiều nhà máy,
nhiều công trình: nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá (Cao Xà Lá); nhà
máy bóng đèn phích nước; nhà máy sứ Hải Dương; nhà máy hóa chất Việt
Trì; nhà máy dệt Minh Phương; nhà máy sản xuất mỳ chính (bằng đậu xanh);
khu gang thép Thái Nguyên; nhà máy phân đạm Hà Bắc; công trình thủy
điện Thác Bà, cầu Việt Trì, v.v. Trung Quốc giúp ta hàng loạt nhà máy
còn có mục đích là Việt Nam sẽ phải phụ thuộc về nguyên liệu, phụ tùng,
linh kiện.
Đến khi Mỹ hất cẳng Pháp gây chiến ở
Việt Nam thì phần lớn các nhà máy mà Trung Quốc giúp bị ném bom tàn phá
và một số xí nghiệp hoạt động không có hiệu quả thành ra việc giúp xây
dựng kinh tế không còn mấy ý nghĩa. Vả lại từ cuối cuộc kháng chiến
chống Pháp, ta đã không đồng ý với lập trường của những người lãnh đạo
Trung Quốc, họ thấy rằng “phương án kinh tế” cũng không thu phục được
Việt Nam theo họ nên họ lại chuẩn bị phương án khác.
3. Hình thành 2 gọng kìm hòng uy hiếp và khuất phục Việt Nam
Ở phía Bắc, Trung Quốc mở những con đường từ nội địa ra sát biên giới các tỉnh Việt Nam, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiến quân.
Lãnh
đạo Trung Quốc trang bị cho Pôn Pốt đủ mạnh để nắm nó làm gọng kìm phía
Tây Nam Việt Nam. Được sự khuyến khích của lãnh đạo Trung Quốc, năm
1977, bọn Pôn Pốt xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Nam bộ
Việt Nam, đánh phá, giết hại đồng bào ta. Không đừng được, quân ta tiến
vào tiêu diệt Pôn Pốt, cứu dân Kmer khỏi họa diệt chủng thì Đặng Tiểu
Bình huy động 60 vạn quân đánh ta, vừa để cứu tay sai Pôn Pốt vừa để làm
lễ vật “làm ăn” với Mỹ, vừa để nói lên rằng giữa Trung Quốc và Việt Nam
không còn chung ý thức hệ, không còn là “đồng chí”.
Việt Nam vẫn không khuất phục.
III. Giúp Việt Nam chống Pháp đồng thời hạn chế thắng lợi của Việt Nam làm Việt Nam suy yếu phải phụ thuộc Trung Quốc
Giúp
Việt Nam kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc cũng có động cơ vì lợi ích
của họ. Nếu Việt Nam thắng, Trung Quốc sẽ có một khu đệm an toàn ở phía
Nam giống như Triều Tiên ở phía Bắc. Không giúp chẳng may mà Việt Nam
không đứng vững, Pháp thắng thì ở mặt Nam Trung Quốc sẽ là đế quốc Pháp,
mà Pháp là một nước tham gia “liên quân 8 nước” đánh triều đình nhà
Thanh (TQ), buộc nhà Thanh phải nhượng cho các nước phương Tây những “tô
giới” ở Thượng Hải và những điều kiện thiệt thòi khác.
Sau
chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ của Việt Nam tiêu diệt tập đoàn cứ
điểm mạnh nhất tưởng như “bất khả xâm phạm” của quân Pháp, Chính phủ và
giới quân sự Pháp cực kỳ dao động. Lo ngại Quân đội nhân dân Việt Nam có
thể thừa thắng tổng tấn công đồng bằng Bắc Bộ, ngày 18-5-1954, Thủ
tướng Pháp Lanien (Joseph Laniel) đã cứ Tướng Êli (Paul Ély) sang Đông
Dương truyền đạt chỉ thị cho Tướng Nava (Eugène Navarre), Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp: “Lúc này phải lấy mục tiêu chính, trên tất cả các cái khác là cứu đội quân viễn chinh”.
Trong
tình hình đó, nếu lãnh đạo Trung Quốc thực tâm giúp Việt Nam thì rất có
thể đã buộc Pháp phải rút toàn bộ quân Pháp khỏi Đông Dương.
Nhưng,
ngược lại, những người lãnh đạo Trung Quốc đã phản bội nhân dân Việt
Nam, đàm phán với Pháp trên lưng Việt Nam. Ngay từ ngày 24-8-1953, Thủ
tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố: “đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm
mẫu mực cho những xung đột khác” (ý nói đến cuộc chiến tranh Đông Dương,
chỉ “đình chiến” thôi và hai miền song song tồn tại).
Từ
ngày 8 tháng 5 đến 23 tháng 6-1954, Trưởng đoàn Pháp trong khi tránh
tiếp xúc với Việt Nam đã đàm phán trực tiếp với Trưởng đoàn Trung Quốc 4
lần, đi tới thỏa thuận về những nét cơ bản về một hiệp định ngừng bắn ở
Đông Dương.
Ngày 17-6-1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp Trưởng đoàn đại biểu Pháp Biđô (Georges Bidault) đưa ra những nhân nhượng chính trị có tính chất cơ bản…
Ngày 23-6-1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp Măngđet PhơRăngxơ (Mandès-France), Thủ tướng mới của Pháp đã đưa ra những nhượng bộ mới: “chia cắt Việt Nam, 2 miền Việt Nam cùng tồn tại hòa bình…”.
Một
ngày sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký, ngày 22-7-1954, trong khi ăn
cơm với Ngô Đình Luyện, em ruột Ngô Đình Diệm, Chu Ân Lại đã gợi ý “đặt công sứ quán của Sài Gòn ở Bắc Kinh”.
Ngô Đình Diệm không đồng ý. Nhưng đây là bằng chứng lãnh đạo Trung Quốc
công nhận chính quyền Ngô Đình Diệm và âm mưu chia cắt lâu dài Việt
Nam.
Trong Hội nghị Giơ-ne-vơ, Việt Nam đòi
định giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 13, tổ chức Tổng tuyển cử
trong vòng 6 tháng để thống nhất nước nhà. Lúc đầu đoàn đại biểu Trung
Quốc đề ra vĩ tuyến 16 làm giới tuyến 2 miền Việt Nam. Sau đó lại nói: “Vĩ tuyến 16 khó có thể thỏa thuận”, ép Việt Nam nhân nhượng: “Có
những điều kiện không công bằng và hợp lý để Chính phủ Pháp có thể chấp
nhận được… không nên làm phức tạp, lôi thôi… kéo dài đàm phán để cho Mỹ
phá hoại”.
Trong tình thế Mỹ, Pháp Trung Quốc chung một lập trường, Trung Quốc ép buộc Việt Nam phải chấp nhận giải pháp: “Các
nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân
Lào và nhân dân Campuchia, ngừng bắn trên toàn chiến trường Đông Dương,
Pháp rút quân, vĩ tuyến 17 là vĩ tuyến quân sự tạm thời, chia Việt Nam
làm 2 miền, tiến tới tổng tuyển cứ tự do trong cả nước sau 2 năm để
thống nhất đất nước”.
Để ngăn cản ta tiếp
tục chiến đấu, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 7-1955, Tổng bí thư Đảng
Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình dọa: “dùng lực lượng vũ trang để
thống nhất đất nước sẽ có 2 khả năng: một là thắng, và một khả năng nữa
là mất cả miền Bắc”. Ngày 11-5-1956, ông Mao Trạch Đông nói với những
đồng chí lãnh đạo ta: “tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể
giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10
chưa được thì phải 100 năm”. Tháng 7-1957, Mao Trạch Đông lại nói: “Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có, phải giữ vĩ tuyến 17… thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt”. Những người lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh với Việt Nam là: “chỉ có thể dùng phương châm thích hợp là trường kỳ mai phục, tích trữ lực lượng, chờ đợi thời cơ”.
Rõ
ràng là những người lãnh đạo Trung Quốc không muốn cho Việt Nam thống
nhất để mạnh lên, hãm Việt Nam trong tình trạng yếu kém để dễ khống chế.
Một nửa Việt Nam là khu đệm an toàn phía Nam cho Trung Quốc yên ổn làm
ăn là được.
IV. Nhân dân Việt Nam quyết tâm
chống Mỹ để thống nhất Tổ quốc, Trung quốc giúp Việt Nam và dùng Việt
Nam làm con bài để làm ăn với Mỹ
Sau Hiệp
định Giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên ra sức phá hoại
Hiệp định, lê máy chém đi khắp nơi giết hại những người cộng sản và
những người dân yêu nước, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn ngăn cản
nhân dân Việt Nam đẩy mạnh vũ trang. Tháng 5-1960, hội đàm với phía Việt
Nam họ nói như sau: “Không nên nói đấu tranh chính trị hay đấu tranh
vũ trang là chính… không phải là cướp chính quyền ngay mà cuộc đấu
tranh vẫn là trường kỳ, dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất được…”.
Mặc họ cản, bức xúc quá, nhân dân miền Nam vẫn đồng khởi, phát triển
chiến tranh du kích, miền Bắc chi viện đồng bào ruột thịt của mình,
không ai cản được.
Khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, ném bom miền Bắc, lãnh đạo Trung Quốc buộc phải giúp Việt Nam đánh Mỹ.
Vì sao Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ? Có 3 lý do:
Một là:
đề phòng phải gặp lại tình hình năm 1950, khi quân Bắc Triều bị quân Mỹ
- Hàn dồn sát đến sông Áp Lục, bom đã rơi vào đất Trung Quốc, Trung
Quốc đã phải đem 50 vạn quân “kháng Mỹ viện Triều”, tổn thất nặng nề mới
lập lại được vĩ tuyến 38 phân chia 2 miền Nam Bắc Triều Tiên…
Chính vì thế mà tháng 1-1965, qua nhà báo Mỹ Ét-ga-xnâu (Edgar Snow), Mao Trạch Đông nhắn Washington: “Quân đội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để đánh nhau” và trong cuộc đàm phán Trung Mỹ cấp Đại sứ tại Vac-sa-va , phía Trung Quốc làm cho Mỹ hiểu rõ câu nói của Mao Trạch Đông: “Người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”. Nghĩa là mặc Mỹ đánh nhau ở miền Nam Việt Nam, Trung Quốc không muốn lại đánh nhau với Mỹ.
Hai là:
Lãnh đạo Trung Quốc bấy giờ đương muốn giương cao ngọn cờ lãnh đạo
phong trào cộng sản thế giới mà không giúp Việt Nam là nước đã thắng
trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa trên thế
giới, thì sẽ mất uy tín.
Ba là:
cạnh tranh với Liên xô trong việc tranh thủ Việt Nam. Trong khi Liên xô
giúp Việt Nam xe tăng, máy bay tên lửa, v.v. mà Trung Quốc không giúp
thì sợ Việt Nam ngả theo Liên Xô.
Năm 1963, Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình thông báo với lãnh đạo Việt Nam ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc “sẽ viện trợ cho Việt Nam 1 tỷ nhân dân tệ nếu Việt Nam khước từ mọi viện trợ của Liên xô”.
Sau
cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 của chúng ta vào gần khắp các
thành phố ở miền Nam, cả vào Sứ quán Mỹ, Bộ tổng tham mưu chính quyền
miền Nam và Mỹ đều dao động, lộ rõ ý muốn chấm dứt ném bom để ngồi vào
đàm phán. Chúng ta chủ trương “vừa đánh vừa đàm” để kéo Mỹ xuống thang,
thì lãnh đạo Trung Quốc ngăn cản, họ cho rằng: “Lúc này Việt Nam chấp nhận đàm phán chưa phải là thời cơ và trên tư thế cao, đã nhân nhượng một cách vội vã”.
Ngày
9-10-1968, lãnh đạo Trung Quốc gặp Thứ trưởng Ngoại thương Việt Nam ở
Bắc Kinh yêu cầu báo cáo với lãnh đạo Việt Nam rằng: “sự thỏa hiệp
của Việt Nam với Mỹ là một thất bại lớn… nên để cho Mỹ bắn phá trở lại
khắp miền Bắc, để Mỹ phân tán mục tiêu oanh tạc, chia sẻ bớt khó khăn
cho miền Nam”. Viên tướng M. Taylo (Maxwell Taylor) gọi là “quyết
tâm của những người lãnh đạo Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối
cùng”.
Trong mấy năm liền cho đến 1972, lãnh đạo
Trung Quốc đề nghị giúp vận chuyển hàng phục vụ chiến trường từ miền
Bắc đến miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia trên con đường mòn Hồ Chí
Minh, hứa cung cấp đủ xe, người lái và khoảng 20 vạn quân để bảo đảm
công việc này. Ý đồ thâm hiểm của họ là nắm mạch máu chiến tranh của 3
nước Đông Dương để điều khiển cuộc chiến tùy ý họ, để buôn bán với Mỹ và
chuẩn bị bàn đạp xuống Đông Nam Á. Tất nhiên lãnh đạo Việt Nam không
thể chấp nhận.
Năm 1969, Nichxơn lên làm Tổng
thống Mỹ, ông ta cảm thấy bế tắc trong cuộc chiến tranh, muốn rút quân
Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà vẫn giữ được chính quyền Nguyễn Văn
Thiệu. Ông ta nghĩ đến con bài Bắc Kinh; Trung Quốc cũng nhìn thấy thế
yếu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam nên thời kỳ 1969-1973, Trung Quốc
và Mỹ tăng cường tiếp xúc bắt tay công khai với nhau, không chỉ bàn bạc
các vấn đề tay đôi, mà cả các vấn đề thuộc chủ quyền của Việt Nam và các
nước Đông Dương.
Tháng 7 và tháng 10 năm 1971,
Kitxingiơ (H. Kissinger) đặc phái viên của Nichxơn sang Bắc Kinh và ít
lâu sau Nichxơn đích thân sang thăm Trung Quốc. Họ thỏa thuận với nhau
các vấn đề trên lưng nhân dân Việt Nam.
Ngày
1-3-1972, Kitxingiơ nói với các nhà báo rằng: “Từ nay Tổng thống và tôi
chỉ còn việc nhìn về Mascơva mà nghiền nát Việt Nam”.
Khi
Trung Quốc thông báo cho ta: trong chuyến thăm Bắc Kinh của Nichxơn hai
bên sẽ bàn cả vấn đề Việt Nam, lãnh đạo của chúng ta thẳng thắn nói:
“Việt Nam là của chúng tôi, các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề
Việt Nam, các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954, bây giờ không nên sai
lầm một lần nữa”.
Cuối cùng bất chấp chiến dịch
B52 ác liệt, bất chấp mọi mưu ma chước quỷ của những người lãnh đạo Bắc
Kinh, Việt Nam anh dũng kiên cường, độc lập tự chủ vẫn thực hiện được
lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”,
thống nhất Tổ quốc.
Sau khi bình thường hóa quan
hệ trở lại năm 1990, những người Trung Quốc giương chiêu bài đạo đức
giả, lừa phỉnh “16 chữ và 4 tốt” nhưng rất hung hăng leo thang gây hấn ở
biển Đông, cắt cáp 2 tàu khảo sát của chúng ta, liên tiếp bắn giết ngư
dân ta, bắt tàu cá của ta để đòi tiền chuộc, luôn to mồm tuyên bố một
cách vô lý chủ quyền gần hết biển Đông và các quần đảo của Việt Nam và
các nước Đông Nam Á, nhiều lần dọa đánh Việt Nam và Philippines… những
việc này đang làm nóng dư luận quốc tế và sục sôi tâm huyết của toàn dân
Việt Nam trong thời gian gần đây thì mọi người đều đã biết rõ.
Chú thích:
Một số trích dẫn lời lãnh đạo Trung Quốc là từ các nguồn sau:
(1) Từ những sách báo của nhà báo thân Trung Quốc Edgar Snow.
(2) Từ hồi ký của Kitsinger , cựu ngoại trưởng Mỹ.
(3) Từ những cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo Việt Nam.
N.T.V.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét