Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Thứ hai, ngày 02 tháng bảy năm 2012 ĐỌC MỘT SỐ BÀI PHÊ BÌNH THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU ( Phần 1 )


Phạm Viết Đào.
Tôi chưa đọc tập thơ nào của Nguyễn Quang Thiều ngoài một số bài được đăng trên báo do tình cờ đọc được, một số đoạn được trích trong các bài phê bình, giới thiệu thơ Nguyễn Quang Thiều; do vậy trong bài viết này tôi không dám tự tiện lạm bàn về Thơ Nguyễn Quang Thiều...Trong bài viết này tôi xin được phát biểu cảm nhận của mình khi đọc một số bài phê bình, giới thiệu, phân tích Thơ Nguyễn Quang Thiều; đây là những bài mà tôi cảm nhận được là tác giả có thiện chí với Thiều trên một vài trang mạng; về cái sự đọc này của tôi cũng rất hạn chế, phiến diện...Tôi không đề cập tới những bài chê, phê thơ Thiều...

Được biết vừa qua Viện Văn học đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề " TỌA ĐÀM THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VÀ NGUYỄN QUANG THIỀU "; Theo tin của báo Thanh Niên:”Hội thảo diễn ra vào ngày 28.6 do Viện Văn học VN tổ chức với gần 30 tham luận của nhiều nhà văn, nhà thơ ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Viện Văn học VN tổ chức tọa đàm về một tác giả thơ hậu chiến trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi  mở, cuộc tọa đàm chấp nhận các ý kiến khác nhau trên cơ sở khách quan, có luận chứng khoa học chắc chắn và tôn trọng tất cả các ý kiến về thơ hiện đại VN, về riêng thơ Nguyễn Quang Thiều trong tiến trình đổi mới...

Tôi có theo dõi cuộc hội thảo này qua tổng thuật của Vanvn.net, trang Website của Hội Nhà văn Việt Nam; tôi thấy Vanvn.net tổng thuật lại 18 ý kiến, những ý kiến này chủ yếu là những nhận định mang tính khái quát, một số “ khái niệm “ đao to búa lớn về thơ của Thiều... Ngay cả ý kiến được tổng thuật dài nhất, đi sâu vào thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh, xin trích dưới đây, cá nhân tôi thấy có lẽ cũng cần kiểm chứng thêm bằng việc phải trực tiếp đọc thơ của Thiều thì mới tin được; vì những ý kiến này còn có nhiều dấu hiệu đáng ngờ về tính khách quan, khoa học, lôgich:
“- Nguyễn Quang Thiều - con người sinh ra cho những cuộc tranh cãi. Bắt đầu từ 1983, khi Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi thơ, Ban chung khảo vào phút cuối "bắt" được bài thơ của NQT (được giải 3) có hai câu thơ mang sức khái quát cả lịch sử của một dân tộc: “Biên giới giờ này giặc vẫn bắn vào đêm/ nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt”. NQT đã có những câu thơ mở ra những vô tận của liên tưởng… Cuộc tranh cãi thứ hai vào năm 1993 khi Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. Năm 1995, cuộc thi thơ của báo Phụ nữ Việt Nam, NQT đã giành giải Nhất nhưng đến giờ này chưa có người nhận vì NQT đã lấy một bút danh khác: Nguyễn Thị Hoàng Lê, như một sự thách thức đối với sự thẩm định thơ của Ban giám khảo.
 Những bài liên quan: 

- NQT đã từ chối một công nghệ làm ra những câu thơ hay để hoàn toàn đổi mới. Theo tôi, NQT là truyền thống. Truyền thống của văn hóa, thơ ca, hiểu theo nghĩa mỹ học, đó là truyền thống của cách tân. Những giá trị mới cứ xuất hiện, khẳng định và gây tranh cãi. Thơ NQT luôn đổi mới vì nó xác lập những giá trị mới.
- NQT với những đóng góp vào tiến trình đổi mới:
+ Tạo ra trường thẩm mỹ mới, khước từ mọi sự véo von nhễ nhại, du dương tội nghiệp, NQT huy động tối đa những ngẫu nhiên. NQT là người cộng hưởng được cả thông tin, cảm xúc, tranh luận, bình luận… Chính vì vậy thơ NQT phồn thực, đa chiều, "xôm tụ"...
+ NQT không bị sa vào "bẫy chữ", anh dành nhiều tâm sức cho giọng điệu, nó cuốn hút, tạo ra từ trường và vực xoáy của con chữ. NQT chẻ nhỏ mọi cảm xúc của mình. Tôi đã đọc NQT một cách tử tế, nghiêm túc để nhận ra điều đó.
+ NQT thực sự là 1 “phù thủy” về liên tưởng, anh luôn biết nuôi dưỡng các liên tưởng, người đọc luôn bất ngờ bởi những dẫn dụ của nhà thơ. Thủ pháp NQT là vừa chẻ nhỏ cảm hứng vừa biết phát hiện không ngừng. Đọc NQT là cuộc phát hiện không ngừng, như một trận pháo hoa ngoạn mục về các hình tượng. Xu hướng mỹ lệ hóa đời sống của NQT rất mạnh. Anh biết nuôi dưỡng sự thích thú của người đọc. Điều cuối cùng là anh đã tạo ra được sự ám ảnh – đó mới là cao diệu.
+ NQT biết "dán tem" cho những góc nhìn mới, tạo cơ hội tối đa cho sự tham gia của những cấu trúc khác nhau, "ban bố" sự bình đẳng của những chi tiết. Chưa có ai gia công đặt tên những bài thơ nhiều như NQT. Bài thơ hay nhất của NQT là bài mở đầu trong tập “Châu thổ”. NQT đã có một bài thơ văn xuôi đắng xót, lộng lẫy, có thể coi là hay nhất của NQT.
+ Thơ NQT là thơ ít bị "khấu hao" khi chuyển dịch sang các nền thơ khác, bởi lẽ mạch thơ của NQT gần nhất với mạch thơ hiện nay, thơ tiêu biểu cho giai đoạn hội nhập, điều này cắt nghĩa tại sao thơ NQT được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hôm nay tôi ngả mũ cúi chào một thế hệ mới đã xuất hiện. Những nhà thơ như NQT, Mai Văn Phấn, Inrasara, Trần Quang Quý, Đặng Huy Giang, Phạm Đương… đại diện cho một thế hệ mới đang xuất hiện.
Bên cạnh đó nhà thơ Hữu Thỉnh cũng thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn:
- NQT đang đi từ những câu thơ hay không giải thích được đến những câu thơ hay có thể giải thích được.
- NQT hơi lạm dụng sự kể lể. Những câu thơ kể lể đã nhiều lên. Chúng ta cần tận dụng khả năng tinh túy của ngôn ngữ để diễn đạt cái tối đa.
- NQT đang “đi thang máy” lên các lâu đài thơ, quy luật của cầu thang chính là những chiếu nghỉ, NQT cần tạo ra những khoảng trống, sự im lặng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh kết thúc: "Xin chúc mừng NQT, chúc mừng sự thành công của hội thảo." ( Hết trích )
Đây là ý kiến của người có chỉ số tín nhiệm cao nhất trong Hội Nhà văn Việt Nam ( vì Hữu Thỉnh được bầu với số phiếu cao trong Đại hội vừa qua),thế nhưng qua ý kiến phân tích, tôi chỉ thấy Hữu Thỉnh phát biểu rất hay về thơ Nguyễn Quang Thiều; chắc là Nguyễn Quang Thiều và ông Nguyễn Đăng Điệp mát lòng mát dạ lắm đây; Còn tôi là một người chưa đọc thơ của Thiều, qua phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, là người mà tôi tin là có chuyên môn sâu về kỹ năng phê bình thơ, tôi vẫn chưa nhận ra, cảm nhận được thơ Thiều hay như thế nào, chỗ nào...
Hai câu thơ mà Hữu Thỉnh trích, có thể rất có giá trị cái thời điểm chấm giải, vì chắc là đưa được thuật ngữ “biên giới” vào thơ; còn bây giờ đọc 2 câu” Biên giới giờ này giặc vẫn bắn vào đêm/ nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt...” tôi lại thấy nó ngô nghê, sống sít...Giặc bắn vào đêm là thế nào; như vậy cái thằng lính Tàu này là một thằng lính ngớ ngẩn, đã bắn phí đạn của Trung Quốc, đây là câu thơ phi hiện thực...Còn bảo câu này ẩn chứa một hình tượng gì cao siêu như loại hiện thực huyền ảo thì quả tôi không hiểu, tôi chưa cảm được; còn nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt... thì câu này mang đầy chất báo chí, dễ dãi...
Nếu các nhà báo viết: Nhiều chị em ở biên giới đã phải bồng con chạy giặc bành trướng qua đường tắt, đường rừng, khe núi thì cách viết của Thiều có vẻ có nhịp điệu thơ hơn và thay các chị bằng hình tượng nàng Tô Thị...Những câu như vậy mà bảo là thơ hay thì tôi chưa chịu... Tôi chưa đọc thơ Thiều nên không biết điều ông Hữu Thỉnh nói có chính xác không, đã chọn đúng câu thơ “gan ruột” của Thiều chưa; Một sự bất tín, vạn sự bất tin; qua 2 câu thơ của Thiều do Hữu Thỉnh trích tôi nghi ngờ cái sự hay của thơ Thiều; Liệu thơ Thiều có được như lời Hữu Thỉnh và 18 ông đã phát hiểu hùng hồn cả một ngày tại Viện Văn học hôm 28/6 vừa qua vì tôi đọc qua Vanvn.net thấy các vị đưa ra toàn cái ý niệm về thơ hay, trong khi đó lại thấy ít trích ra những câu thơ hay, những bài thơ hay của Thiều để minh chứng; qua 2 câu trên mà Hữu Thỉnh đưa ra làm ví dụ, quả thật tôi hơi nghi ngờ những đánh giá của Hữu Thỉnh, có vẻ thổi Thiều hơi quá...
Trong phát biểu của Hữu Thỉnh, có chỗ ông dùng thuật ngữ chưa chuẩn, đó là nhận định sau đây: “NQT đang “đi thang máy” lên các lâu đài thơ, quy luật của cầu thang chính là những chiếu nghỉ, NQT cần tạo ra những khoảng trống, sự im lặng...” Có lẽ Hữu Thỉnh muốn nói: Kết cấu của cầu thang của những ngôi nhà cao tầng bao giờ cũng có chiếu nghỉ; đã là thang máy làm gì có “ chiếu nghỉ “; càng không bao giờ có cái “quy luật của cầu thang chính là những chiếu nghỉ “; Trên Hữu Thỉnh viết “Thiều đi thang máy”, dưới lại chê Thiều sao không có nắm được quy luật “chiếu nghỉ” để mà dừng ?
Nói chung còn nhiều điểm cần bàn lại trong cái đoạn phê bình thơ Thiều của nhà thơ Hữu Thỉnh; vì người viết bài này chưa đọc thơ Thiều, thành ra nếu đi sâu vào thì lại di làm cái việc bà mù xem voi e chừng khiếm lễ với bạn đọc và nhà thơ Hữu Thỉnh. Tóm lại qua phát biểu phê bình, khen của Hữu Thỉnh và 18 vị tại Viện Văn học được Vanvn.net trích giới thiệu làm cho tôi lại càng thêm nghi ngờ cái hay, cái đẹpị của thơ Thiều...Ngay một khái niệm, thuật ngữ về kết cấu đơn giản, nhãn tiền như “ cái thang máy” mà vẫn hiểu chưa đúng, còn phát biểu tùy hứng thì làm sao tin được cái sự thẩm thơ, một lĩnh vực siêu hình hơn “cái thang máy” gấp vạn lần ???
Ngay cái đầu đề của tập thơ của Thiều “Sự mất ngủ của lửa”; đây là một đầu đề lạ, còn nó ẩn chứa điều gì hay ho, ẩn chứa chất thơ vĩ đại, ghê gớm gì bên trong cái đầu đề này thi tôi không thấy...Tôi nghĩ thơ hay hay một nhà thơ được độc giả suy tôn không phải vì anh đưa ra được những hình ảnh, hình tượng mà cái đám “phàm phu tục tử” không nghĩ; Nhiều bài thơ hay, câu thơ hay vì tác giả viết ra bằng những từ, những chữ mà cái đám phàm phu tục tử vẫn thường nói, vẫn viết nhưng qua ngòi bút tài ba của nhà văn trở nên linh diệu; thành công của một nhà thơ đó là việc anh làm ra được những câu thơ, những bài thơ khiến người ta thuộc, người ta nhớ, người ta bị ám ảnh...Quả cái đầu đề Sự mất ngủ của lửa cũng có sự ám ảnh thật; về mặt lôgich hình thức dễ nhầm lẫn với những đầu đề thơ hay bởi người bình thường không nói “lửa bị mất ngủ” cả, đây là một hình ảnh dị thường? Thế khi Thiều viết như vậy để hàm chứa cái gì bí ẩn, siêu phàm đằng sau cái sự việc “ lửa mất ngủ “; nếu ai giải thích được cái quý hiếm trong cái nội hàm “Sự mất ngủ của lửa” của Thiều thì chỉ giáo giúp để chúng ta cùng rung đùi cho vui...Hiện đại là thế ư? Là nói cái điều không ai hiểu cả ư ?!
Nhiều nhà thơ họ có những bài thơ để đời, có những câu thơ để đời đâu phải do đưa ra được những hình tượng quái dị, quái đản; “Cái thuở mang gươm đi mở cõi; Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long...”; Có gì mới lạ trong ngôn từ, hình ảnh, hình tượng của câu thơ trên đâu nhưng câu thơ ấy vẫn ngân rung trong lòng của bao thế hệ yêu thơ...
Một bài phê bình viết khá dài, công phu về thơ Nguyễn Quang Thiều của Đỗ Quyên ( Văn chương ). Bài viết này thấy nó na ná giống như phần giải thích thuật ngữ trong các bộ luật được nhà nước ban hành. Khi ban hành một bộ luật nào đó, bao giờ mở đầu cũng có phần giải thích thuật ngữ. Những thuật ngữ trừu tượng, dễ bị hiểu ra thành nhiều nghĩa được khu biệt trong phần mở đầu để áp đặt phạm vi ngữ nghĩa mà bộ luật này sử dụng đối với các khái niệm đó. Những sự giải thích chỉ dành cho các cụm từ các khải niệm trừu tượng, còn các bộ luật không bao giờ giải thích những danh từ thông tục, ngoài các từ vay mượn của nước ngoài.Trong ngôn ngữ pháp luật thì các danh từ ví như “chiếc áo rách”, “hạt mưa” thì chỉ có nghĩa duy nhất là áo rách, là hạt mưa; điều này khác với ngôn ngữ thơ, chiếc áo rách đôi khi lại chỉ số phận người chồng nghèo, hạt mưa đôi khi lại ám chỉ số phận người phụ nữ đa đoan: Chồng ta áo rách ta thương; Thân em như hạt mưa sa...
Chính nhờ những biểu tượng, những hình tượng ẩn chìm bên trong nó nên đã làm cho văn học chứa đựng, tiềm ẩn sức mạnh nghiêm nhiên tự tại của ngôn ngữ thơ nói riêng và văn học nói chung, điều này khác với ngôn ngữ pháp lý nó đơn nghĩa duy nhất....
Đọc bài viết của Đỗ Quyên thấy ông khuyên người đọc muốn hiểu thơ Thiều hay như thế nào thì phải thuộc một số nội hàm của khái niệm nọ kia của loại thơ hiện đại...Muốn hiểu Thơ Thiều thì phải làm cái việc giống như vào rạp xem phim 3 G, phải đeo kính vào mắt thì mới xem được...

Còn Nguyễn Đăng Điệp công bố  bài 2 kỳ “Thơ Việt Nam đương đại từ trường hợp Nguyễn Quang Thiều" trên Nghệ thuật mới; có vẻ như trong kỳ 1. Nguyễn Đăng Điệp mang một lô xếch xông các thứ "mũ, hia, quần áo, đồ trang sức" sang trọng...từ đâu về chất chồng khoác vào, trang sức cho thơ của Thiều, chứ không phải tự Thơ của Thiều toát lên điều Nguyễn Đăng Điệp đánh giá; Nguyễn Đăng Điệp rất ít trích thơ Thiều ra làm minh chứng; thảng hoặc có những câu thơ của Thiều được trích thì thấy không ăn nhập gì với lời bình của ông...Xin trích một vài đoạn trong bài bình thơ Thiều của Nguyễn Đăng Điệp:

“Để làm được điều đó, người viết phải giàu nội lực, đầy bản lĩnh và dám chấp nhận, thậm chí đám đánh cược với may rủi. Không muốn trở thành kẻ thất cước với lịch sử, Nguyễn Quang Thiều vẫn cố gắng tạo ra những kết hợp mới trên nền thi học truyền thống:
Ngẩng đầu một vầng mây đỏ
Nổ vang tiếng sấm lưng trời
Cúi đầu một miền cỏ trắng
Nở xòe tám hướng bốn phương (Lễ tạ).
Về logic hình thức, người đọc có thể nhận thấy những động thái trữ tình ngẩng-cúi hoàn toàn không mới. Nó từng xuất hiện trong Tĩnh dạ tư của Lý Bạch đời Đường. Trong thi học Đường thi, nhà thơ thường xây tứ trên tương quan đối lập, sử dụng luật viễn cận để miêu tả tâm trạng, lấy tỉnh lược tạo tính hàm súc, tập trung tinh lực tạo thần cú, nhãn tự để làm “kinh động” lòng người (chữ của Thánh thi Đỗ Phủ)...”
Đây là lối phê bình thơ théo lối nói chuyện trên trời dưới biển; cái đoạn mào đầu Nguyễn Đăng Điệp viết ra để đề dẫn thơ cho đoạn thơ trích của Thiều; về nội hàm giữa đoạn trích và đoạn mào chẳng dính gì với nhau cả; Còn đoạn sau lại thiên sang bình tán; bình tán kiểu này thì muốn thổi thơ của Thiều lên cung trăng cũng được...
Xin đọc tiếp một đoạn bình thơ của Nguyễn Quang Thiều của Nguyễn Đăng Điệp:
“Có lẽ vì thế mà Thiều dựng lên nhiều nghi lễ - những nghi lễ tinh thần. Những khúc hát của Thiều về cố hương bao giờ cũng nói đến mối gắn kết cá nhân và cộng đồng. Đứa con của làng Chùa luôn nhận thấy mình trong cộng đồng và cất tiếng hát say mê từ những tín niệm ấy:
Tôi hát bài ca về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua  tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy ròng ròng...
Điều cần nói là trong thơ Nguyễn Quang Thiều không còn lai vãng bóng dáng những câu thơ đậm chất ngâm ngợi ngọt lịm trữ tình và những ẩn dụ thi vị...”
Đọc đoạn này có cảm giác Thiều như người đang đi cà kheo, lại gặp được ông bạn đang loạng quạng vì vừa quá chén; hay anh loạng quạng tung hứng với nhau cùng khen nhau tài, đi loạng quạng như thế mà không bị ngã, không chui vào bụi rậm; Đoạn thơ trên của Thiều có lạ về hình ảnh: “cố hương” được Thiều ví với “khúc ruột”“ khúc ruột” được biến thành “con giun đất “...Ở đây Thiều có tìm tòi, nhưng bảo nó hay không, có khám phá sáng tạo gì ghê gớm thì người viết bài này thấy cũng thường thôi, có gì hay ho đâu...Còn đoạn bình tán tiếp sau đoạn thơ trích thì sặc mùi bình tán kiểu bán hàng rong của mấy ông bán “ dầu cù là “ thời bao cấp...
“Nhưng đây là những câu thơ nhìn qua thì đẹp, đọc kỹ thì xốp. Nếu cứ tiếp tục hướng đi này, rốt cục, Nguyễn Quang Thiều chỉ là vĩ thanh của một thế hệ đã từng góp vào thi đàn hiện đại những cây bút tài danh như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy,...
Cùng lắm, nó chỉ đem đến cho Nguyễn Quang Thiều hai cái lợi (nhất thời): một, yên ổn; hai, theo thời gian, sẽ trở thành “lão làng” và được xếp chỗ trong nhiều tuyển tập khác nhau. Rất may, Nguyễn Quang Thiều không bằng lòng với sự yên ổn ấy.”
Đoạn này thì Nguyễn Đăng Điệp viết đúng về “thể trạng” thơ Nguyễn Quang Thiều; Sỡ dĩ Thiều muốn cách tân thơ là bởi  vì nếu tiếp tục làm thơ theo cách của các thế hệ đi trước thì được yên ổn, sẽ được vinh danh theo kiểu “ sống lâu lên lão làng “ nên Thiều chọn con đườngđi tắt, đón đầu “...Đó là những suy nghĩ, tìm tòi chính đáng của Thiều cần được ghi nhận...Vấn đề là cái sự đi tắt, đón đầu của Nguyễn Quang Thiếu có gặt hái được cái gì không thì cả Nguyễn Đăng Điệp, Đỗ Quyên chưa chỉ ra được đến nơi, đến chốn để tâm phục, khẩu phục người đọc bài phê bình của các vị; Đáng lẽ ra chỉ một vài câu, vài đoạn, vài bài thơ của Thiều.. được đưa ra phân tích, mổ xẻ làm mẫu đã đủ làm cho người đọc bị hấp dẫn, bị lôi cuốn, bi xiêu lòng...Đằng này cả hai bài viết của các vị đều trang giang đại hải, bản thân tôi cố đọc những cũng chẳng thấy thơ Thiều tài ở chỗ nào cả, ngoài một mớ chữ nghĩa bóng lộn, lạ, sáng quắc, dữ dằn... với một mớ kiến thức, khái niệm thế nào là thơ hay do các vị đọc ở đâu đấy đem khoe và hù những người ít chữ ???
( Còn nữa )

9 nhận xét:

  1. Sau tập " Sự mất ngủ của lửa"-Thiều học theo "Củi lửa" của Dương Kiều Minh để viết thì Thiều không có bài thơ nào ra hồn cả! Chỉ toàn nói lăng nhăng, kỳ quặc trong cấu tứ thơ để LÒE những người hoặc là Dốt Thơ hoặc là "Ô, vua mặc bộ quần áo đẹp quá!"( Bộ quần áo Hoàng đế)và không ít kẻ sợ Thiều là này nọ bên An ninh...cử sang nắm? nên cứ tâng bốc tho Thiều lên mây, chả mất gì của Bọ mà An thân!Có kẻ muốn có chút lợi ích ( cả tinh thần và vật chất) đã hùa theo Thiều và mấy nhà thơ "Mốt Thiều"( Phấn, Phương, Thúy...)đưa Thiều lên mây Xanh... nhưng chỉ ra cacis hay đích thực của Thi phẩm của Thiều thì không thể, có trích ra thì gượng gạo, râu ông nọ cắm cằm bà kia như kiểu Đăng Điệp, Đỗ Quyên hoặc cả Hữu Thỉnh...Thơ Thiều đọc phải có con mắt thứBa,như cách tán của Đỗ Quyên, phải cảm thông nội tâm tác giả và được lúy giải( như kiểu nói của Hữu Thỉnh) và theo Đăng Điệp thì người đọc phải có trình độ văn hóa, triết học, tình dục học...thì mới hiểu ý thơ của Thiều! Đặc biệt theo Ông Thỉnh thì thơ Thiều viết ra không phải để NHỚ?cũng không phải để ai cũng hiểu dễ dàng như ca dao, tục ngữ, vì như vậy thì còn gì là công lao cách tân của Thiều, người đã bỏ 20 năm qua tìm tòi, thể nghiệm thơ văn xuôi...Thứ thơ mà chính Nguyễn Quang Thiều cũng tự nhận ra là : Thơ mình viết mê man quá!,loằng ngoằng quá!( Phát biểu trong buổi tọa đàm thơ và bình thơ của Vũ Quần Phương-1/7/2012 tại Hà Nội)
    Tóm lại bạn có đọc tho Thiều thì cũng vậy thôi, không có bài nào để nhớ, không có câu nào để trích dẫn cho sự hay ho...Chỉ thấy loằng ngoằng và MÊ MAN như Thiều đã tự nhận xét về thơ của mình!
    Không ai rõ mình bàng chính mình bạn ạ!
    Trả lời
    Trả lời
    1. Nếu cứ theo cách nhận xét ,phê bình thơ Nguyễn Quang Thiều như hội thảo Tọa đàm Thơ VN hiện đại và Nguyễn Quang Thiều thì tài năng của ông này thật xuất chúng,trong hồn Thơ Nguyễn quang Thiều là gộp cả Thơ văn Lý Tràn,sau rốt là Nguyễn Trãi ,Nguyễn Du,Đoàn thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều ,Hồ Xuân Hương...còn Xuân Diệu ,Chế Lan Viên,Cù Huy Cận ,Bùi Giáng ...chỉ là cái phông màu dựng đằng sau Nguyễn Quang THiều.
      Đề nghị nhà nước và Hội Nhà Văn VN đề cử ông Nguyễn quang Thiều lên UNESCO vinh danh là danh nhân Văn hóa VN cho xứng đáng với tài năng .
  2. Thơ của Thiều chính là lời "cáo phó" cho "Thơ Việt Nam" nói riêng và văn học Việt Nam nói chung!
    Trả lời
  3. Tôi là người thích thơ, nhưng không rành lắm về tính nghệ thuật của thơ. Thỉnh thoảng bắt gặp một bài thơ trên báo, thấy hay, đọc lại vài lần là nhớ, nhưng không có bài thơ nào của Nguyễn Quang Thiều. Mặc dù thấy được nhắc tên nhiều nhưng không hiểu sao chưa bao giờ tôi có ý tìm đọc thơ NQT, nếu có vô tình đọc thì cũng chẳng nhớ. Những người ít nhiều thích thơ ca sống quanh tôi nhưng cũng chẳng thấy ai nói thích, thuộc bài thơ nào đó của NQT.
    Tôi quan niệm thơ của ai có nhiều người (tất nhiên không phải là các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình) thích đọc và thuộc thì mới là thơ hay - NQT không thuộc loại này
    Trả lời
  4. BỐC

    Hai ông chánh phó hội
    Tung hứng nhau hết lời
    Thơ phú như hũ nút
    Làm người đọc hụt hơi

    Cách tân hay đánh đố
    Chữ vô nghĩa mù mờ
    " sự mất ngủ của lửa "
    Thế cũng gọi là thơ

    những người dự hội thảo
    không nhẽ nói bâng quơ
    Ta đây nhà uyên bác
    Gượng gạo đến không ngờ

    Chỉ dân chúng là khổ
    Gánh nặng chĩu oằn xương
    Nhuốc nhem sống cơ cực
    Nuôi hoài bọn ẩm ương.

    Hãy mau dẹp trò bịp
    Cho xã hội được nhờ
    Đừng có mà huyễn hoặc
    Chặt vụn văn thành thơ.
    Trả lời
  5. Có lẽ NDD học cách nói của RA_BƠ-le để lòe thiên hạ. Còn cách HT nói về thơ Thiều là bài bản của người làm nhân sự, nghĩa là một người có tài, có vị thế khen để dọn đường cho đương sự tiến lên. Thường khi làm nhân sự người ta thường bỏ thời gian, tiền của ...dọn đường cho ai đó. Chánh án Tòa án tố cao là cánh sát, Viện trưởng VKS tối cao là cảnh sát, nhiều bí thư tỉnh ủy, huyenj ủy là CS bây giờ đến lượt nhà văn là CS thế là đất nước cảnh sát. Tốt thôi Toàn CS cầm đầu chắc bọn tham nhũng sẽ co vòi, mồ hôi nước mắt của dân sẽ không bị ăn cắp và lãng phí.Đất nước hưng thịnh thì văn chương có quái dị một tí cũng chả sao các vị ạ!
    Trả lời
  6. Nói theo cách nói của ông Trần Mạnh Hảo, họ tự "bốc thơm" nhau thôi. Làm thơ, làm văn mà vẫn ham địa vị, chức tước này nọ thì làm gì có tác phẩm có giá trị được, cũng như đi tu mà vẫn ham muốn trần tục thì làm sao mà đắc đạo? Nói chung thơ văn ông Thiều, ông Thỉnh... đều thuộc dòng/trường phái thơ văn "quốc doanh", mà ai chả biết chất lượng các sản phẩm quốc doanh như thế nào rồi!
    Ngày nay tôi không thấy ai ăn lương nhà nước để làm thơ, làm văn mà có tác phẩm hay cả!
    Trả lời
  7. Bác Đào coi chừng lại bị ông Đông La gắn cho cái tai trâu ! Ông này giỏi lắm, là một trong số ít người hiểu thơ Thiều và làm thơ hay như Thiều.
    Trả lời
  8. TÂN CON CÓC


    Trường phái "Tân con cóc"
    Giống y truyện ngụ ngôn
    Vẽ thành trâu rất khó
    Vẽ vua càng dễ hơn

    Con trâu ai chẳng biết
    Vẽ sai trẻ thấy liền
    Vài ba đường nghệch ngoạc
    Vua đấy ai không tin

    Thơ không thành vần điệu
    Viết bâng quơ linh tinh
    Tối đen đặc mù tịt
    Chữ u u minh minh

    Thơ biết "Đi thang máy*"
    Lại có "Chiếu nghỉ*" chân
    Thế họ gọi cách tân
    Đến giời cao đành chịu

    Đất nước nhiều sự kiện
    Biển đảo nóng sục sôi
    Biên giới mất bao nơi
    Tảng lờ thơ không viết

    "Giặc vẫn bắn vào đêm"**
    Bắt dân chúng mau quên
    Ông to đầu thường nhớ
    Mười sáu chữ vàng hên.

    *Chữ ông Thỉnh
    **Thơ ông Thiều
    Trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét