Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Lai rai Câu đối Tết

Hà Sĩ Phu

======================
                         
Bài thứ nhất: Khổ vì nói lái!

Ấy là cái Tết Kỷ Tỵ 1989, cũng năm Con Rắn, cách đây tròn hai giáp.
Chuẩn bị cho ngày Tết, ông Chủ tịch UBND thành phố mới nhậm chức muốn mở đầu nhiệm kỳ bằng một Hội chợ tưng bừng với nét văn hóa độc đáo khác những năm trước, bèn mời tôi đứng ra đảm nhiệm gian hàng Câu đối Tết. Ông Chủ tịch còn gợi ý cụ thể là tôi nên mặc lễ phục truyền thống, áo the khăn xếp, cầm bút “đại tự”, bày mực tàu giấy đỏ, trải chiếu viết câu đối như những cụ đồ năm xưa.
Việc phụ trách gian hàng Câu đối thì tôi nhường ông Huỳnh Trùm, một người khá quen biết với dân Đà Lạt, tôi chỉ nhận sẽ đóng góp vào phần nội dung.
Tôi thức gần trắng đêm để tự tay viết một bảng quảng cáo (hình 1). Toàn viết phóng bằng tay, vì hồi ấy chưa hề có sự hỗ trợ gì của những kỹ thuật vi tính.

Các Câu đối giới thiệu phần lớn là để cho vui vẻ ngày xuân, năm Rồng sang Rắn, có gắn với xứ hoa Đà Lạt.
Ví dụ:
- Hội hoa Xuân bán khóm LONG TU, tiễn chú Rồng đi! (Long tu là tên một giống hoa Lan)
- Phiên chợ Tết mua rượu TAM SÀ, đón chàng Rắn tới!

Ngoài nghĩa Long là Rồng, Sà là Rắn, câu đối nói đến chuyện bán-mua để mang tính chất một Hội chợ.
- Dân Cao nguyên mừng Tết bằng hoa, hoa BẤT TỬ, tình người bất tử!

- Người Đà Lạt đón Xuân ở gốc, gốc TRƯỜNG SINH, chân lý trường sinh!
Bất tửTrường sinh là tên hai loại hoa và cây cảnh ở Đà Lạt, câu đối ngợi ca phong thái sâu lắng của thành phố tiểu Paris sang trọng này.
Tự sự thì có câu:
- Nồng hương rượu mới, thơm bình cổ!

- Chai bàn tay trắng, giữ lòng son!

Ra điều rằng hình thức Câu đối đây tuy là bình cũ nhưng rượu rất mới, mà rượu này làm thơm cho bình! Còn “ông đồ” như tôi đây thì cũng “chai tay” cuốc vườn, “ông bà đồ” sáng sáng vẫn thường chở “đá cây” bằng xe đạp đến bán cho các tiệm cà phê để thêm thu nhập, chứ chả được thanh nhàn như ông đồ của cụ Vũ Đình Liên, thực cảnh gia đình tôi lúc ấy như vậy.
 “Phạm huý” nhất thì cũng “lèng nhèng” mấy câu chạm đến nỗi GIAN KHỔ của dân và sự Ô UẾ của các quan:
- Đêm Ba mươi dựng NÊU thẳng lên Trời, hỏi người tốt không GIAN sao lắm KHỔ?

- Sáng Mồng một vẽ CUNG luôn xuống Đất, bực sân rêu đã UẾ lại nhiều…Ô!

vân vân…
Ấy, đại khái thế, tóm lại là mọi chuyện bình thường. Chuyện rắc rối phát sinh là do mấy câu thơ “chết tiệt” được viết vào giấy khổ lớn treo ở gian Câu đối (rất tiếc khi dẹp Hội chợ không giữ lại hay chụp lại được, nhưng nhiều anh em giờ còn nhớ như in).
Nguyên là, để cho rôm rả, ông chủ gian hàng Huỳnh Trùm viết một bài thất ngôn bát cú, cũng chuyện vui vẻ ngày Xuân, nhưng cả 8 câu, câu nào cũng có chữ Xuân (vừa là mùa Xuân vừa là quý danh của phu nhân ông Trùm. Tác giả Huỳnh Trùm ra lời thách ai họa được bài thơ hơi rắc rối này sẽ có phần thưởng! Bốn câu đầu của bài thơ như sau:
Hội chợ hoa Xuân chẳng phải nghèo

Vui Xuân dân Việt nhớ làm theo

Tùy duyên văn ý đề Xuân đối

Xướng xuất thơ Xuân họa cảnh treo…

Chờ mãi chưa thấy thi sĩ nào ra bài “họa", tôi là một trong hai “khổ chủ” đành “thân chinh” họa mấy câu, chỉ xin hoạ 4 câu đầu. Làm xong cũng phải viết ra giấy lớn, treo bên cạnh để gợi ý cho bà con hưởng ứng. Bốn câu ấy như sau, đề là Vịnh gian hàng Câu đối:
Giữa chốn Uy danh, cảnh ĐỐI nghèo!

Thấy ĐỐI thì anh cũng ĐỐI theo!

Thời đại mưu lanh nhiều… ĐỐI thủ,

Dân quyết làm ra ĐỐI để… treo!

Trong bài chủ mỗi câu đều có chữ XUÂN thì bài hoạ câu nào cũng có chữ ĐỐI để “tức cảnh” cái gian Câu đối trong hội hoa Xuân. Rất nghiêm, rất chỉnh.
Hôm tổng kết Hội chợ, có mặt các quan chức tỉnh và thành phố, Ban Tổ chức nhận thấy về gian hàng Câu đối thì Tú-Xuân (bút danh của Hà Sĩ Phu lúc ấy) có công đóng góp nhiều về thơ và Câu đối tất nhiên khen thưởng. Phần thưởng có gì đâu, một cuốn lịch Kỷ Tỵ, in đẹp, khổ lớn. Thì đáng quý là ở cái tinh thần, chứ sống với nhau ai lại “duy vật duy viếc” cho nó tầm thường con người ra?
***
Tôi đem phần thưởng về treo, nhưng cũng chẳng ngó ngàng gì đến (bây giờ cũng chẳng nhớ mặt mũi tờ lịch ấy thế nào). Nhưng khoảng một tháng sau, một vị hàng xóm đảng viên cao tuổi đột nhiên sang chơi. Sau khi “mừng” tôi được cái… giải Xuân cao quý bèn bảo nhỏ: Nhưng chú cẩn thận nhá, các “lãnh đạo” đã dịch được bài thơ “nói lái” của chú rồi đấy… Tôi cười và cãi lại: Cái tiếng Việt mình nó rắc rối, các vị chấp làm gì. Ví dụ báo chí viết về “Chính phủ” mà các vị cứ dịch thành “Chú phỉnh” thì chết người ta à?
Ít lâu sau, một hôm đạp xe ngang qua cửa quán của thằng bạn tôi thì bị bạn gọi giật lại : Ê này Tú Xuân, vào đây, vào đây!
Đấy là quán của vợ chồng Hà Linh Chi. Linh Chi tên thật là Đệ, nhà thơ tài hoa xứ Huế, vợ là Kim Chi thân với vợ tôi. Hôm nay vợ đi vắng Linh Chi phải trông hàng.
- Làm ly rượu cực kỳ đã! Nhà Sinh hoá thử kiểm nghiệm một hớp xem bao nhiêu độ nào?
- Chà chà, gớm đây, phải trên 50 độ?
- Giỏi, 60 độ, nếp quê đấy, thơm không?
- Ừ thơm, phải nhắp từng giọt, cháy họng xong lại ngọt mới lạ?
- Ngọt nhưng mà… cay!
Nói xong hắn phá lên cười : Bây giờ tau hỏi tội mi… (rồi hắn đọc oang oang trong hơi rượu):
Giữa chốn DUY ANH, Cảnhđéo ngồi!

Thối đấy, thì Anh cũng… đ… thôi!

Thời đại… lưu manh nhiều,… đủ thối!

Dân quyết làm ra! Đ… để trôi!

(Câu cuối cùng hắn không ngâm mà quát lên như doạ nạt)
- Tau dịch thơ thằng Tú Xuân đã chính xác chưa?
- Ừ, chịu rồi. Nhưng hình như “họ” cũng biết?
- Thì tao đọc lên họ mới ngớ ra, chắc tiếc cuốn lịch đã trao nhầm. Nhưng thôi, tau thưởng mi chén rượu 60 độ này. Sướng!
Chả là năm ấy dư luận đều biết hai vị quan đầu tỉnh xung khắc nhau như mặt trăng mặt trời, Bí thư tỉnh là Tám Cảnh, Chủ tịch tỉnh là Duy Anh. Nhưng cả hai đều dính những vụ tai tiếng về tài sản và nhà đất, bị dân chúng đàm tiếu. Bài thơ lôi tên hai quan đầu tỉnh ra nhạo báng, lại đe “Dân quyết làm ra, đ. để trôi”?. Đáng tội chết chứ chả…
Thằng bạn lại tiếp: Khá khen, mi không phải người Huế mà “lái” cũng khá. Đọc xuôi là một bài thơ vần EO (nghèo, theo, treo), đọc lái thì thành bài thơ vần ÔI (ngồi, thôi, trôi). Đọc xuôi thì hiền, đọc lái thì… đểu!. Hắn vừa nói vừa cười khà khà, vừa dí ngón tay vào trán tôi.
Tôi cũng cười, gạt tay hắn ra. Nhưng hắn chưa tha:
- Chưa hết tội! Nghe Câu đối của mi đây:
   Tết đến trăm hoa…, nô nức nở!

   Xuân về muôn ý tứ…, tung bay!

Trăm hoa thì nô nứcnở, muôn ý tứ thì… tung bay. Câu đối nghe thì phơi phới, nhưng mi không lừa được tau. Phải ngắt câu thế này:
   Tết đến trăm hoa nônức nở!

   Xuân về muôn ý… tứ tung bay!

Trăm hoa nhưng là hoa nô, là trăm thằng nô lệ hay một trăm con Kiều phải làm đĩ? Nức nở chứ có phải hoa nở đâu? Rồi “muôn ý “tứ tung bay”, ý dân bay tứ tung tức là lòng dân ly tán chứ gì nữa? Mi đểu!
Chưa hết nhá…
Nếu tôi không ngăn hắn lại, buộc hắn chạm ly (chạm hai cái chén hạt mít), bắt hắn phải khà một nhát cho cạn để phanh hắn lại thì không biết hắn còn móc ra của tôi những chữ nghĩa chết người gì nữa? (Quả thực bạn bè sao mà giấu được nhau? Nói ra nửa lời đã hiểu…, nhưng mi giảng cho họ hiểu sớm thế để gây thù oán làm gì hả giời? Hôm nay ôn lại kỷ niệm khoái trá này thì mi đã xa rồi, Linh Chi ơi).
***
Bẵng đi hai năm, câu chuyện bài thơ nói lái tưởng đã nguội. Tuy một đôi lần nghĩ đến cũng thoáng lo, có người trong “hệ thống chính trị” còn nói nhỏ cho biết “họ” thù đến chết đấy. Tôi không tin, chuyện vặt, rồi lại cười một mình.Thôi thì là chuyện đã qua.
Đến một buổi chiều.
Mới chạng vạng tối, vợ tôi vừa trông quán vừa dọn cơm. Vừa cầm đũa thì bà Lý, bạn cùng phố với vợ tôi đến chơi. Vì là bạn quen nên vừa ăn vừa trò chuyện.
Bỗng bộp một phát. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì vợ tôi ngã lăn ra, bát cơm rơi vỡ tung toé. Bà Lý ôm lấy vợ tôi. Còn tôi theo linh tính ngó vội ra cửa, vừa lúc phát hiện một thanh niên từ phía tủ lạnh trong nhà tôi chạy vụt ra ngoài. Tôi gọi giật lại, anh ta phân bua: Cháu bị nó ném, không hiểu sao nó ném.
Quay lại, thấy vợ tôi tím rập một bên má. Cạnh chiếc bát vỡ là một cục đá to bằng nắm tay, nặng ngót nửa ký. Hàng xóm thấy động một vài người chạy sang, nhận ra cậu thanh niên tên là Phương người cùng phố. Phương phân bua thêm: tự nhiên nó gây sự, ném cháu. Bị hỏi gặng Phương bảo có biết nhà thằng kia (?)…
Lúc ấy là 7 giờ chiều ngày 24 tháng 2 năm 1991.
Mấy hôm sau tôi có viết đơn trình báo vụ việc, cũng có công an khu vực đến nhà, hỏi han vài câu và hứa tìm ra thủ phạm nhưng rồi chẳng có ai điều tra gì cả…
Ít lâu sau, một người bạn đồng hương Bắc Ninh, cũng là Trung tá công an, đến an ủi: Chắc là bọn du côn du kề gì đó, chuyện ngẫu nhiên, điều quan trọng là chị chỉ bị thương nhẹ phần mềm, “xấu gái” đi một tý nhưng vài ba tháng là khỏi thôi.
Tôi đỡ lời: Vâng chắc ngẫu nhiên, nhưng trời Phật vẫn xuất hiện đúng lúc, nếu Trời không tránh cho, mình biết đâu mà tránh? Chỉ trệch đi mấy phân là vỡ sọ rồi chú ạ, phúc nhà tôi còn to. Tôi sẽ giữ hòn đá này làm kỷ niệm (hình 2).
Phải đến mấy năm sau, vết bầm trên má vợ tôi mới lành hẳn, nhưng vết bầm ký ức thật khó phai. Tôi cầm tinh con Rồng mà cứ đến mỗi năm con Rắn tôi lại nghe trong lòng hơi… nhồn nhột, nhớ về một vết “dại” văn chương…


Những ngày đón Tết con Rắn 2013

H. S. P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét