Tạ Duy Anh
Trung Quốc luôn viện dẫn căn cứ vùng biển lịch sử
để bào chữa cho lý do họ muốn chiếm trọn Biển Đông. Một trong những căn
cứ mơ hồ đó là tên gọi lấy phương vị dựa theo lục địa Trung Quốc: Biển
Nam Trung Hoa. Diễn nôm ra theo ý họ thì đó là vùng biển phíaNam của
Trung Quốc. Đây là sự diễn dịch vô lối: từ phương diện thuận tiện cho
hàng hải biến thành phương diện chủ quyền. Nó cũng là
căn cứ mang màu sắc nước lớn bắt nạt thiên hạ. Trung Quốc chỉ nên lấy
đó làm niềm tự hào dân tộc – trên phương diện địa lý, văn hoá, chủng
tộc. Thực tế là từng có cả một đại dương mang tên nước Ấn Độ song điều
đó không có nghĩa Ấn Độ có chủ quyền toàn bộ cái đại dương mênh mông
đó.Mexico trong quan hệ chủ quyền với vịnhMexico sẽ là ví dụ tiếp theo.
Nhưng mọi tranh cãi chỉ là vô ích và vô nghĩa khi chúng ta hiểu người Trung Quốc nghĩ gì và muốn gì.
Người Trung Quốc tự coi họ là
trung tâm của thế giới. Đây vừa là sự phô trương văn hoá, niềm hãnh diện
tinh thần của một dân tộc lớn, nhưng chính điều đó cũng bắt đầu cho một
bi kịch Trung Hoa kéo dài hàng ngàn năm qua chưa tìm ra lối thoát. Các
triều đại Trung Hoa, với vị thế của một nước trung tâm, là vua thiên hạ,
đã cố công để cho tấm áo khoác ngoài xứng tầm với vóc dáng của họ.
Nhưng chính vì sự cao ngạo dân tộc đó mà suốt hàng ngàn năm, nước Trung
Quốc thấy tự đủ là một thế giới, không cần phải mở ra bên ngoài, nơi chỉ
là phên dậu, man di của họ. Hoàng đế tài giỏi Càn Long trở thành gã vua
gàn khi cứ khăng khăng trước sứ thần người Anh là cho dù các ngươi tài
giỏi đến đâu, cũng thua xa nước trẫm! (Chỉ mấy chục năm sau, Trung Quốc
phải nhục nhã nhượng Hồng Kông cho Anh Quốc và chịu sự sai bảo như một
thuộc quốc). Nghe nói Mao không thèm học ngoại ngữ, bởi vì với ông ta
“Thế giới phải học tiếng Trung Quốc!”. Đó là một phần lý do khiến Trung
Quốc ngủ yên trên ngai vàng suốt nhiều thế kỷ, tụt lại khá xa so với thế
giới phương Tây và Nhật Bản.
Bi kịch xuất phát từ sự kiêu ngạo
Trung Hoa khiến nước Trung Quốc chậm phát triển, bị canh chừng trên
toàn thế giới. Nhưng điều đó chưa thấm vào đâu so với bi kịch về mặt địa
lý trước vị thế của một cường quốc. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga… đều
là những cường quốc thông với thế giới, hoặc có khả năng mở ra mọi
hướng. Riêng Trung Quốc thì lọt tỏm giữa các thành trì – xét theo cả hai
nghĩa. Phía Bắc là nước Nga khổng lồ, phía Đông là Nhật Bản và không
gian “lợi ích cốt lõi về an ninh” của Hoa Kỳ, phía Tây có Ấn Độ án ngữ,
thêm vào đó là vùng đệm Hồi Giáo bị cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ giữa
Hoa Kỳ và Nga. Về mặt địa lý đó đều là những vùng núi non hiểm trở, đất
đai cằn cỗi do sa mạc hoá, lại luôn bất ổn về chính trị, sắc tộc, rất
khó kiểm soát. Đó là lý do vì sao Trung Quốc quyết tâm gây chiến với Ấn
Độ để thôn tính hoàn toàn vùng đất mà Ấn Độ gọi là Nam Tây Tạng làm ngõ
ra phía Tây bằng cái giá đắt. Rủi cho họ là mục tiêu đó chưa thành. Như
vậy là ba lối ra của gã khổng lồ mơ giấc mơ đại cường đều vấp phải thành
luỹ khó vượt qua, thậm chí là không thể vượt qua. Cuối cùng chỉ còn duy
nhất ngả phía Nam, nơi có vùng biển rộng gần bằng nửa diện tích Trung
Quốc, nối với ba lục địa quan trọng là châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (tức
là phần lớn thế giới) và hai đại dương chiến lược. Vùng biển này quan
trọng với Trung Quốc cả về quốc phòng, kinh tế lẫn giao thương. Nhưng có
lẽ quan trọng nhất là vùng biển này xác định vị thế trung tâm chi phối
của Trung Quốc với thế giới về khả năng ảnh hưởng. Nếu cần nói rõ hơn
thì sẽ là: Trung Quốc coi Biển Đông của Việt Namlà khu vực Exit
của họ, có giá trị bảo hiểm cho những rủi ro dân tộc Trung Hoa về lâu
dài. Vì vậy có thể thấy đây là vùng biển yết hầu, có ảnh hưởng to lớn
đến mục tiêu bá chủ thế giới của Trung Quốc. Khắc nghiệt nhất với họ là
vùng biển ấy lại của người khác, mang sứ mệnh đảm bảo giao thương hàng
hải cho cả thế giới. Đây có thể là ý Trời, không muốn quả địa cầu này
đến lúc nào đó chỉ còn duy nhất giống người mang dòng máu Hán. Không dân
tộc nào có lỗi với Trung Quốc trong vấn đề này. Những gì họ đang làm là
hành động cưỡng lại định mệnh xuất phát từ tham vọng mang tinh thần Đại
Hán. Hãy giả định Trung Quốc làm chủ phần biển nằm trong đường chữ U do
họ tự vẽ. Khi đó toàn bộ nguồn tài nguyên dưới đáy biển, được dự đoán
là cực kỳ lớn, thuộc về họ, là thứ của dự trữ tự nhiên, khổng lồ gấp
trăm lần vài ngàn tỷ USD dự trữ hiện nay của họ. Toàn bộ nguồn hải sản,
đủ nuôi sống hàng trăm triệu người, cũng thuộc về họ. Hình dung tiếp:
ngày nào đó thế giới cạn dầu, trong khi Trung Quốc vẫn rủng rỉnh, họ sẽ
có quyền đưa ra những quyết định khiến thế giới phải phục tùng. Khi có
thể đưa ra bất cứ quyết định nào về Biển Đông, Trung Quốc cũng dễ dàng
hơn trong việc bắt chẹt Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là chiến lược thu
hồi Đài Loan, hoặc chính Đài Loan, trong thế kẹt không còn sự lựa chọn,
phải tự nguyện trở về với Đại Lục.
Lý do thứ tư mang tính võ đoán
nhưng rất có thể lại là mục tiêu chủ chốt của Trung Quốc: Muốn thực hiện
giấc mơ cai quản toàn bộ khu vực Đông Nam Á, chi phối châu Á, tiến tới
thống trị ít nhất là một nửa bán cầu. Chính Mao Trạch Đông đã chả từng
muốn làm chủ tịch 500 triệu bần nông Đông Nam Á đó sao? Chính ông ta chả
muốn đưa người Trung Quốc xuống sinh sống ở Lào,Thái Lan,Myanmar… đó
sao? Liệu đây là sự buột miệng của một hoàng đế tự coi mình ngang với
trời, hay là mật chỉ cho các thế hệ con cháu? Chúng ta sẽ phải tìm lý do
xác đáng cho nhận định này sau một vài sự kiện ởIndonesia, Campuchia
hay gần đây làMyanmar… Nhưng nếu chỉ dừng ở những lý do trên, cũng dễ
dàng nhận ra, Trung Quốc sẽ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để có được
điều họ vẫn thèm khát hàng trăm năm qua: Độc chiếm Biển Đông và trở
thành đại cường số một thế giới!
Để thực hiện mục tiêu đó, nghe
nói Trung Quốc đưa ra đường lối chiến lược 100 năm, lấy mốc là năm 2049,
năm kỷ niệm chẵn một thế kỷ thành lập nước Trung Hoa hiện đại! Những
năm đầu, do sai lầm trong đường lối kinh tế, do ảo tưởng về sức mạnh
Trung Hoa và chủ yếu do mải mê củng cố quyền lực, đấu đá tiêu diệt lẫn
nhau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến đất nước của họ tiều tuỵ, to
xác nhưng rỗng ruột, không khiến ai vị nể. Họ đành tạm nuốt xuống mục
tiêu đầy tham vọng đã nêu. Và nó được nhớ lại khi ông Đặng Tiểu Bình lên
cầm quyền, mở đầu thời kỳ tư bản hoá nền kinh tế, biến Trung Quốc thành
một nước phát triển nhanh nhất (đồng thời cũng tàn phá kinh khủng nhất)
thế giới trong ba chục năm qua. Cho dù nhiều người thích nói lấy được
khi gán mọi sự tiêu cực cho sự vươn dậy của Trung Quốc, thì sức mạnh
Trung Quốc vẫn không vì thế mà thiếu tính hiện thực. Giờ đây càng ngày
Trung Quốc càng có trong tay nhiều công cụ để thực hiện giấc mơ cường
quốc, thậm chí là cường quốc duy nhất. Nhưng họ vẫn chưa thể đủ sức đưa
ra những phán quyết theo ý mình khi chưa có trong tay thứ quan trọng
đang thuộc về người khác ở cửa ngõ phía Nam. Họ vẫn phải “giấu mình”. Nếu xét kỹ thì chiến lược “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc là vì mục tiêu lớn nhất thâu tóm Biển Đông.
Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng ở châu Phi, có thể chi phốiNam Á… nhưng
đó chỉ là những chi phối mang màu sắc thương mại nhất thời. Tại đó
Trung Quốc thực hiện cuộc “bòn vét”, “tận thu” thuộc địa mà không phải
xua quân đội chiếm đóng, cai quản. Trên thực tế Trung Quốc thực hiện thứ
chủ nghĩa thực dân kiểu Hán: Không chiếm đất mà chỉ cần chiếm của cải,
sau đó rũ tay phủi trách nhiệm về vô vàn hậu quả họ để lại. Sẽ đến lúc
những nền chính trị ở những khu vực đó trưởng thành, họ sẽ xua đuổi
Trung Quốc, y như các thuộc địa xua đuổi thực dân châu Âu đầu và giữa
thế kỷ trước. Khi đó người Trung Quốc sẽ thay chân người Mỹ trở thành
mục tiêu khủng bố của những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Biển Hoa
Đông, với vài hòn đảo tranh chấp, không quá quan trọng với Trung Quốc về
kinh tế cũng như mở rộng không gian sinh tồn. Vả lại họ biết rằng không
thể vượt qua bức thành trì Nhật Bản có Hoa Kỳ luôn ở phía sau, một cách
dễ dàng. Cuối cùng chỉ có thâu tóm Biển Đông, Trung Quốc mới tạo ra
được sự chi phối mang giá trị địa chính trị, chi phối về an ninh, tạo
bàn đạp để Trung Quốc vươn ảnh hưởng ra toàn cầu. Thiếu cái bàn đạp định
mệnh này, giống như Trung Quốc chưa có điểm dậm chân hữu hiệu cho cú
nhảy quyết định xem mình ở tầm cao nào. Điều đó giải thích vì sao Trung
Quốc giành mọi ưu tiên chiến lược lãnh thổ cho Biển Đông. Để làm điều
này, Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn chính trị. Một trong những thủ đoạn
thành công nhất của họ là đã khiến cho những đối thủ tiềm tàng mất cảnh
giác. Đầu tiên họ tìm cách qua mặt Hoa Kỳ bằng cú lừa “trỗi dậy hoà
bình”, chờ Hoa Kỳ sa lầy họ mới lộ diện. Với Việt Nam, đối thủ chính cần
tiêu diệt đầu tiên nhưng lại khó nuốt nhất, họ đánh lừa bằng 16 chữ
vàng, tinh thần 4 tốt, lấy lợi ích đại cục mang tính ý thức hệ làm
chính. Chúng ta chưa đủ bằng chứng để kết luận các lãnh tụ hàng đầu của
Việt Nam đều tin vào những lời đường mật của Trung Quốc, nhưng rõ ràng,
chúng ta đã để cho Trung Quốc dắt mũi khá lâu (trong đó có cả việc khiến
người Việt bịt miệng người Việt về chủ quyền lãnh hải) ít ra là cho đến
khi họ vẽ đường lưỡi bò trên Biển Đông. Trong khoảng thời gian 20 năm
chơi trò gian lận ngoại giao, Trung Quốc đã chủ động cầm cái cuộc chơi
ấy, kịp cho họ âm thầm chuẩn bị lực lượng mọi mặt, trong khi Việt Nam và
cả Philippines vẫn bình chân như vại. Hải quân, không quân Việt Nam đã
thuộc loại yếu, những lực lượng này của Philippines còn yếu hơn, tạo cho
Trung Quốc thế thượng phong tuyệt đối trên biển. Chỉ đến khi tàu Trung
Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ViệtNam, nhòm ngó bãi cạn
Scarborough màPhilippines tuyên bố chủ quyền, lãnh đạo của hai nước mới
không còn có thể nhắm mắt bịt tai tự dối lòng mình được nữa.
Một câu hỏi cấp thiết đặt ra là:
Với ý đồ chiến lược ấy, liệu Trung Quốc có quyết tâm đánh chiếm Biển
Đông bằng một cuộc hải chiến toàn diện hay không và nó xảy ra khi nào?
Trả lời câu hỏi này trước hết phải trả lời được những câu hỏi sau:
- Hải quân và không quân của Trung Quốc nói riêng và tiềm lực của Trung Quốc nói chung thực chất mạnh đến cỡ nào?
- Nếu trận hải chiến toàn diện xảy ra, liệu nó sẽ kéo quốc gia nào vào cuộc?
- Phản ứng mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ sẽ ở mức nào?
- Hậu quả của cuộc hải chiến mà Trung Quốc phải gánh chịu lớn tới mức nào?
Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng khía cạnh một.
Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại
tệ khổng lồ, có thể nhanh chóng huy động tiềm lực quốc gia nhưng với hơn
1,3 tỉ dân, trong đó già nửa số đó thuộc diện nghèo đói, áp lực an sinh
là vô cùng lớn. Trung Quốc luôn phải đối diện với sự rối loạn từ bên
trong. Thay vì tập trung cho việc chiến đấu, quân đội Trung Quốc phải
thường trực một lực lượng lớn để đề phòng hội chứng “mùa xuân Ả Rập”.
Hải quân, không quân Trung Quốc
tuy mạnh lên khá nhanh nhưng chưa đủ áp đảo trong một cuộc chiến mà tầm
hoạt động quá xa như ở Biển Đông. Với diện tích mặt nước mà Trung Quốc
đòi hỏi chủ quyền rộng hơn 3 triệu km vuông, thì lực lượng hải quân của
Trung Quốc hiện tại quá mỏng, lại chưa từng qua thử thách chiến trường,
trong khi đó đối phương sẽ không bao giờ chịu ngồi yên. Bài học về cuộc
chiến biên giới năm 1979 hẳn nhiều nhà quân sự Trung Quốc chưa quên. Lừa
được ViệtNammất cảnh giác để bất ngờ mở cuộc đánh úp khiến lực lượng
“mỏng dính” của ViệtNamnhanh chóng bị chọc thủng. Nhưng chỉ sau đó vài
ngày phía Trung Quốc bắt đầu ngấm đòn từ những chiến binh Việt ngày
thường mặc áo nông dân. Trên bộ còn thế nữa là trên biển, nơi chưa bao
giờ Trung Quốc được coi là có thế mạnh. Đó là chưa kể sau khi đánh chiếm
rồi thì còn phải giữ được nó. Trung Quốc rất biết điểm yếu này. Trung
Quốc chưa có tàu sân bay và về lâu dài thì tàu sân bay của Trung Quốc
cũng chưa thể hoạt động có hiệu quả. Không quân Trung Quốc giương oai
thanh thế với thiên hạ là chính chứ chưa thể với tầm ra toàn bộ Biển
Đông, đặc biệt là khả năng khống chế đối phương có bờ biển dài như
ViệtNam. Nếu Việt Nam có kế hoạch phòng thủ tốt trên các đảo ở quần đảo
Trường Sa, có sự hỗ trợ của không quân Việt Nam với tầm bay ngắn chỉ
bằng một nửa của đối phương, thêm vào sự hỗ trợ của tên lửa phòng thủ bờ
biển có độ chính xác cao, tên lửa đặt trên các tàu khu trục, tàu ngầm…
thì mặc dù mỏng manh hơn Trung Quốc nhiều lần, các lực lượng phối hợp đó
vẫn là đối tượng khó vượt qua của Trung Quốc. Vì vậy, ngay cả khi Trung
Quốc có thể tự do hành động (ngụ ý không bị cản trở trực tiếp bởi Hoa
Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ…), Trung Quốc cũng phải tính toán cực kỳ kỹ lưỡng
trước khi khai hoả. Nếu chỉ dựa vào sức mạnh thuần tuý, Trung Quốc chưa
dám phiêu lưu bằng cuộc chiến tổng lực quá nhiều rủi ro như vậy.
Việc quốc gia nào bị kéo vào cuộc
xung đột trực tiếp, phần lớn phụ thuộc vào tính toán của Trung Quốc.
Đây là lợi thế của nước lớn. Họ sẽ chủ động điều chỉnh phạm vi chiến
trường sao cho không phải phân tán lực lượng và không thách thức công
khai Hoa Kỳ. Bằng vào những thực tế chính trị, địa lý hiện tại, có thể
trả lời, ngoài Việt Nam, sẽ không có nước nào bị lôi kéo đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.
Những gì mà Trung Quốc chuẩn bị công phu mấy chục năm qua cho lực lượng
hải quân và không quân là để đối đầu và đè bẹp ViệtNam! Những hành động
cố làm cho to chuyện ở biển Hoa Đông chỉ là đòn nghi binh của Trung
Quốc, để ViệtNam mất cảnh giác. Nhưng Trung Quốc biết rõ những lực lượng
nào của thế giới sẽ hậu thuẫn Việt Nam, những lực lượng mà chỉ khi
chiến tranh nổ ra họ mới công khai xuất hiện, vì lợi ích của họ và còn
cả vì sự căm ghét Trung Quốc là thứ tình cảm có thật vẫn tồn tại trên
khắp hành tinh. Điều đó có nguy cơ đẩy Trung Quốc trở thành kẻ chống lại
phần lớn thế giới.
Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất hiểu
sâu sắc và thực tế cái giá đắt mà họ, sau đó đến thế giới phải trả một
khi Trung Quốc chiếm được Biển Đông. Nếu để chuyện đó xảy ra, Hoa Kỳ sẽ
mất lợi ích và mất quyền lãnh đạo thực sự với thế giới, đặc biệt là với
khu vực Thái Bình Dương cực kỳ quan trọng với họ. Ngoài ra Hoa Kỳ còn có
nghĩa vụ với đồng minh là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Úc,
Singapore… những quốc gia có lợi ích kinh tế và an ninh gắn chặt với
Biển Đông. Vì những lý do chiến lược ấy, Hoa Kỳ sẽ quyết tâm ngăn cản
bằng các biện pháp gián tiếp để cuộc chiến không xảy ra. Hoa Kỳ làm được
điều này, ít nhất là trong tương quan hiện tại. Trung Quốc chưa đủ mạnh
và còn rất lâu nữa vẫn chưa đủ mạnh đến mức có thể phớt lờ những cảnh
báo mang tính răn đe của Hoa Kỳ!
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét đến
yếu tố quan trọng nhất quyết định cuộc chiến Biển Đông có xảy ra hay
không, đó là hậu quả của nó mà Trung Quốc phải gánh chịu lớn tới mức
nào.
Thế giới này luôn luôn hiện hữu
những mối ràng buộc giữa các quốc gia, các châu lục. Trung Quốc, như đã
phân tích, cho dù có tiềm lực quốc gia lớn, nhưng vẫn là nước mới thoát
nghèo về thu nhập. Trung Quốc luôn luôn có vấn đề nội bộ khiến họ rất
khó phình to thêm mà không sợ bị tan vỡ. Chỉ riêng vấn đề Tây Tạng, Tân
Cương… có thể sẽ hút cạn vốn liếng chính trị và sự tự tin của họ trong
thời gian tới đây. Trên thực tế trong mấy thập kỷ qua Trung Quốc phát
triển được là nhờ ở việc chấp nhận có sự phụ thuộc lẫn nhau. Không mở
cửa với Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… không bao giờ Trung Quốc có được vị
thế kinh tế, quốc phòng như hiện nay. Mối liên quan ràng buộc chặt chẽ
với nhau này khiến mỗi quốc gia không thể tuỳ tiện đưa ra những hành
động đơn phương mà không gây tổn thất cho quốc gia khác và cho chính
mình. Nền hoà bình thế giới và khu vực được duy trì chính bởi những sợi
dây quyền lợi này. Vì thế Trung Quốc sẽ phải lượng xem họ có thể chịu
nổi hậu quả của một sự ly khai của thế giới khi họ phát động chiến tranh
hay không. Chẳng hạn một lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và đồng
minh nhắm vào Trung Quốc, nếu họ gây chiến với ViệtNamvàPhilippines. Một
sự trừng phạt như vậy là hoàn toàn hiện thực. Và Trung Quốc như một gã
khổng lồ với đôi chân yếu, có thể không chịu nổi điều đó nhiều hơn thời
gian tối thiểu mà một quốc gia yếu kém có thể chịu đựng. Hoặc chẳng hạn
một cuộc tẩy chay Trung Quốc và các lợi ích của Trung Quốc diễn ra trên
toàn cầu? Điều này cũng hoàn toàn có thể thành hiện thực. Trung Quốc khi
đó sẽ đánh mất toàn bộ thứ giá trị Trung Hoa mà họ gây dựng, cổ suý
suốt bao nhiêu năm trước khi có thể trở thành cường quốc thực sự. Đó là
chưa kể Trung Quốc có thể phải đối mặt với những cuộc ly khai mang tinh
thần dân tộc chủ nghĩa của các vùng lãnh thổ tự trị rộng lớn, tạo điều
kiện cho Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng. Bởi vì xã hội Trung Quốc chưa bao giờ
thống nhất. Nó luôn tiềm ẩn sự chia rẽ sâu sắc và chỉ chờ cơ hội để nổ
ra.
Trên đây chúng ta đã chỉ ra những
hạn chế về thực lực quân sự và những ràng buộc chính trị khiến Trung
Quốc phải cân nhắc khi họ dự định một cuộc hải chiến lớn ở Biển Đông. Dù
sao thì những nhận định đó cũng chỉ là giả thuyết tương đối. Với nền
chính trị kiểu Trung Hoa thì một cuộc phiêu lưu quân sự đôi khi được bắt
đầu bằng những lý do rất mơ hồ và khó lường. Cuộc chiến Việt-Trung năm
1979 cũng đã từng nằm ngoài mọi dự đoán của nhiều nhà phân tích trong và
ngoài nước, khi họ quá tin vào logic thông thường, chỉ dựa trên những
hiện tượng bề nổi. Nhưng còn có thứ logic khác, đó là logic của thứ phi
logic mà văn minh Trung Hoa luôn coi đó như một sản phẩm độc đáo. Có thể
đã đủ chứng cứ khẳng định cá nhân ông Đặng Tiểu Bình đưa ra quyết định
xâm lược Việt Nam, phần nhiều vì sĩ diện cá nhân và còn vì ông muốn làm
một cú test quyền lực cho bản thân. So với cú test của Mao, thì số sinh
mạng ông Đặng đem ra đặt cược nhỏ hơn rất nhiều. Ngay cả con số lính
Trung Quốc bỏ mạng trong một tháng Nam chinh ấy là 30 ngàn như ước tính
của Hoa Kỳ, thì cũng chỉ bằng một phần ngàn số người mà bậc đàn anh của
ông làm thịt vì cuộc thử nghiệm quái gở mang tên Cách mạng văn hoá. Nền
chính trị Trung Hoa luôn ẩn chứa rủi ro không chỉ cho họ mà còn cho thế
giới, vì nó vẫn là một nền chính trị tôn sùng bá đạo, thực chất là một
nền chính trị thủ ác, nền chính trị của bóng tối. Vì thế, nếu chỉ vì
những ràng buộc trên, chưa đủ để khẳng định một cuộc chiến đẫm máu, do
Trung Quốc khởi xướng, không xảy ra trên Biển Đông. Nhưng lý do sau đây
có thể là điều khiến Trung Quốc sẽ còn phải chùn tay: Họ không dám
chắc thắng tuyệt đối bằng một trận tổng lực, trong thời gian ngắn, tức
là chưa có trong tay kịch bản kết thúc cuộc chiến. Mà điều này thì
hoàn toàn có thể xảy ra. Lịch sử của những cuộc nhà Hán chinh phục
phươngNam hẳn là điều họ chưa thể quên được. Thêm một lần thất bại nữa,
nước Trung Hoa hiện đại có thể sụp đổ, trước hết là sụp đổ tinh thần
Trung Hoa mà họ đang tìm mọi cách dung dưỡng. Hậu quả nhãn tiền của nó
là sẽ khiến mọi bí mật hư hư thực thực của tiềm lực Trung Hoa – thứ mà
Trung Quốc đang sử dụng hiệu quả trong việc chèn ép thiên hạ – bị lộ
mặt, từ đó bẽ mặt với cả đồng minh lẫn kẻ thù. Lợi thế răn đe của Trung
Quốc với các lân bang khác ngoài Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc
biệt là Đài Loan… cũng vì thế mà không còn. Khi đó Trung Quốc mất sạch
cả vốn lẫn lãi và có thể lịch sử Trung Hoa buộc phải viết lại từ nhiều
trang trong quá khứ.
Vì vậy, như đã nói, vấn đề lớn nhất với Trung Quốc không phải là bắt đầu cuộc chiến như thế nào, mà sẽ kết thúc cuộc chiến ra sao?Các
chiến lược gia diều hâu của Trung Quốc chưa thể nghĩ ra kịch bản nào
tốt hơn là sau khi khai hoả, ồ ạt áp đảo đối phương bằng lực lượng vượt
trội, có thể giành một chút chiến thắng nhưng sau đó sẽ lại phải rút về.
Nếu biết trước như vậy mà vẫn lao vào thì chỉ những kẻ mất trí mới làm.
Không kết thúc được, nghĩa là toàn bộ sườn phíaNam có giá trị như cửa
sinh tử của Trung Quốc sẽ ở trong tình trạng chiến tranh, chưa biết đến
bao giờ. Khi đó quyền chủ động cuộc chơi nằm trong tay các nước đối đầu
mà nguy hiểm nhất với họ chính là ViệtNam. ViệtNam là dân tộc có khả
năng phòng thủ kiên cường và nghệ thuật quân sự chứa nhiều ẩn số vào
loại nhất thế giới. Khi buộc phải đánh nhau, khi Biển Đông là chiến
trường, khi có sự hỗ trợ ngầm về vũ khí từ các cường quốc vì lợi ích của
họ, thì Việt Nam có thể khiến Trung Quốc sống dở chết dở, có khả năng
bóp nghẹt, cắt đứt con đường giao thương quan trọng nhất của họ để qua
eo biển Malacca. Những gì họ đang làm ở Campuchia là để phòng xa sự cố
này cũng sẽ vô ích. Không ai phải nghi ngờ điều này và cũng không cần
phải có tới 5000 quả tên lửa diệt hạm, con số trên lý thuyết để dìm toàn
bộ lực lượng hải quân của Trung Quốc xuống Biển Đông. Bởi vì đó là bản
năng sinh tồn của người Việt hình thành từ hàng ngàn năm, để không thể
bị tiêu diệt.
Kết lại: Trung Quốc sẽ khai hoả
ngay tức thì ở Biển Đông một khi họ đã có trong tay kịch bản kết thúc
chiến tranh. Chúng ta sẽ phải cho người Trung Quốc thấy, không bao giờ
họ thực sự có trong tay cái bảo bối ấy và do đó, một điều tưởng phi
logic khác lại trở thành thứ logic của định mệnh: Chính người Việt sẽ
quyết định có cho phép Trung Quốc làm mưa làm gió ở Biển Đông hay không.
Việt Nam là nước nhỏ hơn nên luôn cần hoà bình, sống yên ổn bên cạnh
Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng cần yên bờ cõi không kém, đặc biệt là
cửa ngõ phía Nam, nơi họ không thể phớt lờ Việt nếu muốn có sự đảm bảo
trên thực tế về an ninh.
(Còn nữa)
T. D. A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét