Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

CỔNG LÀNG VÀ ĐÔI ĐIỀU SUY TƯ


Nguyễn Đào Trường
          Trong ký ức của mỗi người chúng ta, cổng làng thường gợi nhớ nhiều kỉ niệm. Bởi hàng ngày trong lúc có công kia, việc nọ ta phải ra ngoài đều đi qua cổng làng. Khi xa quê hương, lòng ta bồn chồn khôn nguôi, tưởng tượng đến hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, những lúc nhớ về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có ngôi nhà và những người thân thương, họ hàng ruột thịt, thì cái cổng làng khiến ta nhớ nhất.
          Từ thời xã hội phong kiến xa xưa làng Nhân Kiệt chúng ta đã có mỗi xóm một cổng xây gạch, mái vòm chắc chắn khang trang, điêu khắc hoa lá, chim muông bắt mắt đẹp đẽ, cánh cổng đều được làm bằng gỗ lim dày dặn, có then cài, chốt khóa cẩn thận, đặc biệt xóm một còn có cổng xây hai tầng, tầng trên chỗ để cho tuần đinh canh gác, cổng làng không những tác dụng phòng trộm cướp, bảo đảm an ninh cho dân chúng yên lòng đêm hôm, khuya khoắt, còn là nét đẹp văn hóa, dấu ấn lịch sử văn minh làng quê Việt Nam. Trong quá khứ hẳn mọi người không quên, bây giờ là dịp để ta ôn cố tri tân. Có thời kì chúng ta sống quá ư lạc quan, trung thực, ngây thơ và lãng mạn nên hăng hái phá bỏ các di sản văn hóa vật thể của cha ông để lại như: Đình, chùa, nghè miếu… 5 cái cổng làng ta cũng cùng chung số phận bi thảm, bị người đương thời san phẳng không thương tiếc, ngày nay chẳng còn dấu tích, hậu quả việc làm nông nổi thiếu cẩn trọng của con người, để lại trong lòng ai đó sự trống trải hoang vắng, ngậm ngùi nuối tiếc. Đi đến nơi đâu, những vùng quê ta bắt gặp ở làng ấy đường xá phong quang, ngay thẳng, đẹp đẽ, hàng cau cao vút xanh tươi, cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát ngay đầu làng che cho bao người qua lại nghỉ chân thư giãn những buổi trưa hè oi ả, cổng làng bề thế uy nghiêm nói lên đời sống vật chất, tinh thần dân chúng có cuộc sống êm đềm, trù phú. Ở đó có những chữ Hán hoành phi, câu đối hai bên cột trụ, hàm ý nói về nét đẹp của quê hương, truyền thống hiếu học, trọng hiền tài, hoặc những nghề nghiệp làm cho làng ngày một giàu có, phồn vinh. Về kiến trúc, kiểu dáng nhiều cổng làng, ta cứ tưởng giống nhau, nhưng quan sát kỹ, mỗi cổng đều có những nét đặc sắc riêng. Những năm gần đây, do phương tiện giao thông phát triển, có nhiều xe cộ qua lại, đường làm lớn hơn, những cái cổng làng nhỏ bé đã không còn phù hợp, nhiều nơi phải cải tạo, làm lại mới đáp ứng kịp nhu cầu phát triển dân sinh, kinh tế lâu dài của địa phương. Nhiều năm nay chính quyền các cấp đã chú ý cho khôi phục tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa tâm linh, đền miếu, mồ mả nơi thờ tự khi xưa bị bỏ ngỏ, tôn vinh các bậc tiên hiền trong quá khứ của địa phương, trong đấy có việc xây mới cổng làng truyền thống.
        Được biết làng Nhân Kiệt ta từ các cụ, cho tới cán bộ lãnh đạo, mọi tầng lớp nhân dân, ai ai cũng nao nức mang trong lòng niềm hứng khởi có nguyện vọng tha thiết, mong muồn  xây mới cổng làng,  làm cho chúng tôi những người(Xa quê hương) không trực tiếp sống trong làng hàng ngày cũng thấy phấn chấn, rạo rực vui lây, đó là tín hiệu và niềm vui lớn của toàn dân làng, nhưng việc gì cũng bắt đầu từ suy nghĩ, ý muốn, bàn thảo qua lại mới đi tới sự thống nhất cao, cũng phải ấp ủ thai nghén một thời gian mới đơm hoa kết trái. Tới nay các bô lão, những người có viễn kiến, cán bộ thôn chuẩn bị chín muồi, còn khiêm nhường lấy ý kiến đóng góp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân người làng cứ trú xa gần. Bản thân chúng tôi rất vinh dự, tự hào được làng ưu ái chiếu cố cho biết, mặc dù tuổi già, sức yếu, bệnh tật đầy mình, kinh tế èo uột, kiến thức hạn hẹp. Nhưng với tinh thần yêu quê hương, hết lòng vì quê hương, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, vượt qua mọi trở lực góp tiếng nói, gọi là một chút trí tuệ, coi như viên gạch lót đường để người đời bước lên cho đỡ cát bụi. Xin trình làng 4 chữ đại tự, 2 đôi câu đối chữ Hán, một khổ thơ song thất lục bát, nếu được làng chấp thuận dùng trang trí tô thêm nét đẹp tinh hoa, tạo dáng mỹ thuật, đắp bồi cho cổng làng bề thế, hoành tráng. Coi đây như phần thưởng cao quý không gì bằng đối với chúng tôi.
Ngày 10/01/2013
NĐT




GÓP Ý KIẾN TRANG TRÍ CỔNG LÀNG NHÂN KIỆT
          Bức hoành trên cổng nên viết 4 chữ nho
同人吉祥
Phiên âm:
Đồng nhân cát tường

Nghĩa:
 Cộng đồng sống tốt đẹp

Khung to dưới viết 3 chữ quốc ngữ:
LÀNG NHÂN KIỆT

Hai cột trụ chính viết đôi câu đối chữ nho:
聖德及群萬古地靈人傑
神恩施眾千年物盛民康

Phiên âm:
 Thánh đức cập quần, vạn cổ địa linh Nhân Kiệt
Thần ân thi chúng, thiên niên vật thịnh dân khang.

Nghĩa:
 Đức thánh đến với dân, muôn thuở đất thiêng người giỏi
Ơn thần ban cho làng, ngàn năm vật sẵn, dân hiền.

Cột phụ hai bên

德樹天開盛會光強井
毫華地出名賢闊古今

Phiên âm:
Đức thụ thiên khai thịnh hội quang cường tỉnh
Hào hoa địa xuất danh hiền khoát cổ kim

Nghĩa:
 Cây đức trời sinh vùng quê giàu mạnh
Hào hoa đất mở người giỏi xưa nay.






MẶT SAU CỔNG TẦNG TRÊN

Nên viêt khổ thơ song thất lục bát, mang nội dung nhân văn nhắc nhở những người con sinh sống xa quê hương thành đạt, giầu nghèo không bao giờ quên nguồn cội.
Cây có cội nẩy cành xanh lá
Nước có nguồn biển cả sông sâu
Dù cho sinh sống nơi đâu
Quê hương nguồn cội nghèo giầu chớ quên.

Phía sau các cột trụ cần viết phiên âm. Để người đọc biết được chữ nho phía trước cột.
Không cần viết dịch nghĩa vì sai với tự dạng chữ mặt trước.
Soạn thảo: Nguyễn Đào Trường ĐT: 0936 361 720.
Email: truongchieuchat_bhg@yahoo.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét