Chu Minh Khôi thực hiện
Trải
gần hai nghìn năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo để lại khối di sản
đồ sộ, trong đó tư liệu Hán Nôm là một mảng vô cùng quan trọng. Đã
có nhiều công trình nghiên cứu của các học giả khai thác di sản Hán Nôm
để tìm ra những giá trị đối với lịch sử đất nước và văn minh dân tộc
nói chung, lịch sử và văn minh Phật giáo nói riêng. Tuy nhiên, những gì đã được nghiên cứu vẫn chưa tương xứng với giá trị thực của khối di sản Hán Nôm Phật giáo.
TS Nguyễn Xuân Diện, cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam (từng là Phó giám đốc Thư viện Hán Nôm) trao đổi với ch úng t ôi xung quanh vấn đề này?
TS Nguyễn Xuân Diện, cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam (từng là Phó giám đốc Thư viện Hán Nôm) trao đổi với ch úng t ôi xung quanh vấn đề này?
Xin TS cho biết đôi nét khái quát về kho di sản hiện đang được lưu giữ tại Thư viện của Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam?
Viện
Nghiên cứu Hán Nôm là một tàng thư lớn nhất nước ta về di sản Hán Nôm,
trong đó 2 mảng lớn nhất là sách và thác bản văn khắc. Kho sách Hán Nôm tổng hợp ở đây có khoảng 3,2 vạn đơn vị văn bản; kho thác bản văn khắc có trên 6 vạn đơn vị thác bản. Sách
Hán Nôm được phân thành khoảng 40 chủ đề: Văn học, Sử học, Quan chức,
Bang giao, Địa lý, Kinh tế, Gia phả, Pháp chế, Quân sự, Tôn giáo, Phong
thủy, Văn hóa giáo dục, Y dược và Văn học các dân tộc ít người. Tuy
khối lượng sách Hán Nôm đồ sộ như vậy, nhưng sách Hán Nôm Phật giáo
được lưu giữ ở Viện Hán nôm không nhiều, hiện chỉ có 218 bộ sách. Tư liệu Hán Nôm Phật giáo của chúng tôi ít ỏi, có lẽ bởi do không tiếp cận được những nguồn sách từ các nhà chùa cung cấp. Đặc
thù nguồn sách của Viện Hán Nôm có được chủ yếu là do bàn giao, thừa
hưởng từ di sản của Viện Viễn Đông bác cổ vào năm 1954, phần nữa là tiếp
nhận các kho sách của một số gia đình khoa bảng ngày xưa (như thư viện
của các cụ Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Dục), những năm sau này tiếp nhận
một phần sách Hán Nôm từ Viện Thông tin KHXH tổng hợp và Thư viện tỉnh
Hà Tây, cùng các cuộc sưu tầm và mua lại.
Sách Hán Nôm Phật giáo có thể chia làm mấy mảng chính. Thứ nhất là loại sách kinh Phật. Đáng
chú ý nhất là các bản giải âm, diễn âm, tức là các bản diễn nôm các
kinh điển Phật giáo nhằm để tuyên truyền, phổ biến giáo lý nhà Phật
trong giới tu hành và nhân dân. Thứ hai, những sách nói về các dòng trong Phật giáo, sự tích và lai lịch của các Thiền sư, các tổ đình. Loại thứ ba là những tác phẩm văn học Phật giáo, trong đó nổi bật nhất là thơ thiền. Những bản sách Phật giáo chúng tôi có được không phải là những bản sách sớm, mà chủ yếu niên đại vào thế kỷ 17-18. Trong số 218 bản sách này, có rất nhiều cuốn sách rất giá trị, như quyển Thiền uyển tập anh được định hình từ thời Trần, và nhiều bản ở các thời sau. Quyển “ Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”
là một cuốn sách rất quý, niên đại rất sớm, thể hiện bằng chữ nôm, đã
được Gs Nguyễn Quang Hồng chứng minh có khả năng được dịch sang tiếng
Việt vào thời Lý (quãng thế kỷ XII). Đây là một dịch phẩm văn xuôi Nôm xưa nhất mà nay còn lưu giữ được. Tác
phẩm là một bản kinh Phật, nội dung thuyết giảng về công ơn cha mẹ, răn
bảo phải làm lễ cúng dàng trong dịp Vu Lan (rằm tháng bảy) và thường
xuyên tụng niệm kinh này. Ngoài ra có thể kể đến cuốn sách Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục , niên đại thế kỷ 18 là bản dịch Nôm khắc in kèm theo từng câu của bản chữ Hán. Cuốn sách Phật thuyết chính giáo huyết bồn kinh cũng là một bản Nôm dịch kinh Phật, xuất hiện khoảng thế kỷ 16.
Kho thác bản văn khắc ở Viện Hán Nôm thế nào, thưa TS?
Trải hàng ngàn năm lịch sử, người Việt Nam đã sử dụng chữ Hán và chữ Nôm để khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ. Từ
những năm cuối của thế kỷ 20 đến nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã và
đang tổ chức tiến hành điều tra cơ bản và thu thập các văn khắc Hán Nôm
hiện có ở các địa phương trong cả nước. Đến
năm 2005, Viện đã hoàn thành cơ bản việc sưu tầm văn khắc Hán Nôm ở các
địa phương: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải
Dương, Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh,
Hải Phòng, Thái Bình; đang tiếp tục thực hiện ở một số địa phương như:
Thanh Hoá, Nghệ An. Kết quả khối lượng tư liệu văn khắc Hán Nôm đã được thu thập khoảng hơn 48.000 mặt thác bản.
Ở nước ta, văn bản khắc Hán Nôm có niên đại sớm nhất hiện nay tìm thấy, là tấm bia Xá lị tháp minh dựng năm 601 tại chùa Thiền Chúng tại Long Biên (Bắc Ninh ngày nay) và bia Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn dựng năm 618 tại chùa Bảo An (Đông Sơn, Thanh Hoá). Kế đến, là bài minh trên chuông xã Thanh Mai là Thanh Mai xã chung minh , khắc năm 789. Xếp
thứ tư về độ cổ xưa là chuông Nhật Tảo (Từ Liêm, Hà Nội), đúc năm 948
thời Ngô nói về việc thờ cúng các vị thánh của Nho- Phật- Đạo. Xếp thứ năm là 200 kinh tràng khắc Phật đỉnh tôn thắng gia cú linh nghiệm đà la ni
ở Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), dựng vào thời Đinh – Tiền Lê; các
kinh tràng này hiện chỉ còn khoảng chục chiếc tại chùa Nhất Trụ và bảo
tàng Ninh Bình. Thời đại Lý-Trần, nhiều chùa chiền thờ Phật được xây dựng và dường như chùa nào cũng có văn bia ghi lại việc xây dựng, trùng tu. Những tấm bia cổ quý phải kể đến như: bia chùa Báo Ân An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (1100), bia chùa Long Đọi Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (1121), bia chùa Linh Xứng Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh
(1126), văn bia chùa Thầy ở Quốc Oai, chùa Diên Phúc ở Phú Xuyên…
Chúng tôi đã sưu tầm được thác bản của 67 văn bia chùa có niên đại thời
Lý- Trần. Các thời đại sau, số lượng văn bia, văn chuông càng nhiều. Văn bia chùa được chúng tôi chia ra làm ba loại. Một là, bia nói về các vị sư tổ, chủ của các dòng thiền, sự tích của các nhà sư. Thứ hai chiếm số lượng lớn là bia nói về việc trùng tu, mảng thứ ba là bia hậu phật. Mỗi tư liệu thác bản Hán Nôm đều là nội dung chứa đựng tinh hoa của đời sống sinh hoạt Phật giáo.
Từng
nhiều năm giữ Phó giám đốc Thư viện Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán
Nôm, anh cho biết hoạt động phục vụ độc giả đến khai thác tài liệu tại
thư viện này như thế nào?
Do
đặc thù về loại ngôn ngữ và chữ viết, nên số độc giả đến với Thư viện
Hán Nôm còn rất khiêm tốn, bình quân mỗi năm có khoảng 3 ngàn lượt độc
giả tới đây đọc sách, tra cứu tài liệu. Đối tượng đến thư viện Hán Nôm đọc sách thường có 4 nhóm chính. Trước hết, là cán bộ nghiên cứu của Viện Hán Nôm. Hai là sinh viên các trường đến khai thác tài liệu để làm luận án, luận văn tốt nghiệp đại học. Ba là các nhà nghiên cứu đến từ nước ngoài. Bốn là các nhà sư đến từ Huế, Hà Nội, TP HCM. Tăng Ni đến Viện Hán Nôm đọc sách chủ yếu là những người cần tra cứu tài liệu để làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Thư
viện Hán Nôm là thư viện dễ dàng nhất đối với những ai muốn tiếp cận
tài liệu, chỉ cần có giấy chứng minh thư và giấy giới thiệu của cơ quan,
đoàn thể, địa phương nơi cơ trú là đều vào đây đọc tài liệu được. Riêng với mảng sách, hiện nay thư viện không phục vụ bản gốc nữa, chỉ phục vụ bản photocopy cho độc giả. Chỉ khi có yêu cầu cần đối chứng màu mực, hay cần nghiên cứu vấn đề gì mà bản photocopy không đáp ứng được, thì mới lấy bản gốc.
TS nhận định thế nào về giá trị của di sản Hán Nôm Phật giáo đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa?
Di
sản Hán Nôm Phật giáo là khối tư liệu hết sức quý giá không chỉ để
nghiên cứu Phật giáo mà còn nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc nước ta. Bởi vì Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Trong lịch sử phát triển, Phật giáo đã gắn bó, đồng hành với văn hóa và dân tộc. Vì
vậy, những tài liệu này vô cùng giá trị để nghiên cứu quá trình du nhập
Phật giáo vào Việt Nam, đồng thời cũng giúp nghiên cứu ảnh hưởng của
Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam, sự gắn bó giữa Phật giáo với vận
mệnh dân tộc trong các thời kỳ lịch sử. Một
số tài liệu Hán Nôm Phật giáo đã được một số nhà nghiên cứu sử dụng để
qua đó dựng lại lịch sử của một thời đại, của một giai đoạn. Chẳng
hạn như học giả Hoàng Xuân Hãn, thông qua các tài liệu Hán Nôm Phật
giáo đã hoàn thành công trình nghiên cứu “Lý Thường Kiệt và lịch sử
ngoại giao triều Lý” rất uyên bác.
Ở
nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau về khoa học xã hội và nhân văn, văn
khắc Hán Nôm Phật giáo còn là nguồn tư liệu rất có giá trị để tìm hiểu
quá khứ dân tộc thuộc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: tư tưởng chính trị
xã hội, lịch sử, văn hóa, kinh tế, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ văn
tự...
Tuy
số lượng bia văn, sách vở Hán Nôm liên quan đến Phật giáo khá phong
phú, nhưng cho đến nay chưa có một chuyên luận nào về tổng quan khu vực
Hán Nôm Phật giáo, mà mới chỉ có các công trình, luận án nghiên cứu từng
đề tài đơn lẻ, cùng những bài viết tản mát về đề tài này. Phải
nhìn nhận thẳng thắn rằng, công việc dịch thuật và nghiên cứu Hán Nôm
Phật giáo hiện nay còn sơ sài, chưa tưng xứng với khối di sản đồ sộ này,
cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của bản thân ngành Hán Nôm, cũng như của
xã hội nói chung.
Ngày nay, nhiều nhà khoa học gặp phải hạn chế trong nghiên cứu do không biết chữ Hán, chữ Nôm. Những người này khi nghiên cứu, thường không đọc trực tiếp vào tài liệu Hán Nôm, mà đọc những bản đã dịch ra tiếng Việt rồi. Thế
nhưng, những cuốn sách, tài liệu Hán Nôm đã được dịch ra tiếng Việt
hiện mới chỉ chiếm tỷ lệ quá ít ỏi trong số lượng di sản Hán Nôm Phật
giáo. Nghiên
cứu lịch sử Việt Nam thời cổ, trung đại, từ năm 1945 trở về trước mà
không biết chữ Hán thì không thể giải quyết được vấn đề. Đó là một thực trạng có thể gọi là “bi hài” đối với nghiên cứu lịch sử hiện nay.
Chu Minh Khôi thực hiện
12.4.2013
12.4.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét