Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

BỐN ÔNG HỌ LÊ ( Phần 4 )



Trong khi các cánh quân đang buộc phải rút lui khỏi Huế trong Mậu Thân 68 thì Trung đoàn 9 chủ lực do Lê Khả Phiêu làm Chính ủy lại được tăng cường vào chiến trường. Gạo hết, tất cả đều rất khó khăn, dựa vào dân cũng có hạn, vì dân đâu có nhiều gạo mà san sẻ cho bộ đội. Theo tự truyện của nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Anh Liên, Chính ủy cánh Bắc ra lệnh cho Đội công tác thanh niên đi quyên góp lương thực cung cấp cho Trung đoàn 9. Có người kêu lên:
- Trời ơi, người ta đã rút ra rồi mà các ông còn vào chiến trường nữa, khổ đến thế này!
Vẫn theo tự truyện nêu trên, năm 1997, ông Nguyễn Đắc Xuân đến giúp ông Trần Anh Liên biên tập cuốn hồi ký, nhân xem truyền hình, được biết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) vừa bầu Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư.
Ông Trần Anh Liên hỏi ông Nguyễn Đắc Xuân:
- Anh có nhớ Trung đoàn 9 vào chiến trường nhằm lúc có lệnh rút lui, không chiến đấu được lại thiếu gạo nhờ anh em mình chạy gạo cho họ hồi Tết Mậu Thân không?
- Dạ nhớ chứ! Em bị các bạn thanh niên Huế thắc mắc vì sao đơn vị đang thiếu gạo mà lại đem gạo chia cho bộ đội chủ lực.
Ông Liên cười khặc khặc:
- Đúng rồi, đúng rồi. Ông Chính ủy đơn vị thiếu gạo ấy là Lê Khả Phiêu vừa được bầu làm Tổng bí thư đấy. Ông ta tiến bộ nhanh thật.
Trước đó, tháng 1.1994, Lê Khả Phiêu được bầu vào Bộ chính trị. Như vậy, việc ông ta vào Bộ chính trị hay lên Tổng bí thư đều không phải diễn ra trong Đại hội Đảng toàn quốc, mà là Đại hội giữa nhiệm kỳ và Hội nghị Trung ương.
Rời Cambodia, ông Lê Đức Anh trở về nước năm 1986, làm Tổng tham mưu trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi quân VN rút khỏi Cambodia, ông Lê Khả Phiêu cũng trở về nước với chức vụ Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Con đường thăng tiến đến đỉnh cao quyền lực của ông Phiêu diễn ra khá nhanh chóng.
Cũng là gặp Giang Trạch Dân, nhưng hai ông họ Lê mỗi người có một cách ứng xử khác nhau. Ta biết, TQ luôn luôn tìm mọi cách tác động vào nội bộ VN và họ sử dụng rất nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Để bình thường hóa quan hệ Việt – Trung, tháng 8.1991, với tư cách “đặc phái viên của Bộ chính trị”, ông Lê Đức Anh sang thăm nội bộ TQ. Trước khi vào hội đàm, có ít phút trò chuyện, Giang nói với Lê Đức Anh: “Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Trường Sa là của TQ”. Ông Lê Đức Anh đáp: “Tôi cũng giống như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về. Khi về Trung ương có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy rõ, Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ VN”. Nghe vậy, Giang không nói gì nữa, chỉ cười. Rõ ràng, đây là một cú nắn gân của Giang.
Khi Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, Giang lại đề nghị cuộc gặp với ông Phiêu để bàn về biên giới và biển Đông. Đáng chú ý là trong những người cùng đi có Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Đình Hoan bị phía TQ ngăn lại, không cho vào hội đàm. Sự việc này đã gây nên nhiều phiền phức cho Lê Khả Phiêu sau này. Vào ngày cuối cùng của năm 1999, truyền hình đột ngột loan tin về việc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa VN và TQ – một Hiệp ước có rất nhiều tranh cãi cho đến nay.
Dường như Lê Khả Phiêu muốn tạo ra một sự khác biệt so với những người tiền nhiệm và có vẻ ông đã làm được điều đó, chí ít là ở bề nổi. Cuộc họp báo quốc tế do Tổng bí thư chủ trì sau khi nhận chức không lâu với gần 200 phóng viên trong nước và quốc tế tham dự quả là một sự kiện đặc biệt. Ngồi “rỉ tai, mách nước” bên cạnh Lê Khả Phiêu là Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ trưởng Ngoại giao. Cũng có đôi câu hỏi tương đối khó từ phóng viên phương Tây, nhưng ông ta trả lời khá trôi chảy. Các ngài đổi mới, chấp nhận kinh tế thị trường, vậy tại sao Thủ tướng Phan Văn Khải mới đây lại tuyên bố không đi theo chủ nghĩa tư bản? Ngài xuất thân từ quân đội, liệu ngài có hiểu biết về kinh tế hay không? Theo ông Phiêu, Phan Văn Khải trả lời như vậy là đúng. Còn nói tôi xuất thân từ quân đội, thì nhiều người tiền nhiệm của tôi như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười cũng vậy. Dĩ nhiên, chúng tôi nắm vững các vấn đề về kinh tế…
Về lĩnh vực chống tham nhũng, ông Lê Khả Phiêu cũng nổi lên rất ấn tượng, mà đầu tiên là vụ cắt chức Ngô Xuân Lộc, Phó Thủ tướng. Sau khi thôi chức Tổng bí thư, phát biểu của ông về xây dựng, chính đốn Đảng, về chống tham nhũng, chống chủ nghĩa cá nhân ngày càng mạnh mẽ.
“Cống ở xã tôi cũng bị xơi một nửa” – câu nói rất hay của ông Lê Khả Phiêu nhân trả lời phỏng vấn tờ Tuổi trẻ năm 2005:
“Ngay ở xã tôi, làm cái cống cũng bị xơi hơn một nửa. Tôi về thì bà con bảo: hai trăm triệu mà xơi tới trăm hai, còn có tám chục. Đấy mới chỉ là công trình nhỏ thôi đấy”. Ở đây, “xơi” là một từ được ông dùng rất “đắt”.
Đó là chuyện ở xã ông Lê Khả Phiêu. Còn với bản thân ông thì sao?
- “Tôi nói thật có chuyện họ đến biếu tiền, năm nghìn, mười nghìn chứ không ít đâu”.
- “Năm, mười nghìn đô?”.
- “Đô chứ. Lúc tôi còn thường trực Bộ Chính trị đã có rồi, lúc làm Tổng bí thư càng có”.
Thật khó mà tin được một ông Tổng bí thư bộc lộ vấn đề chống tham nhũng một cách thẳng thắn đến thế. Năm 2009, trang mạng BBC có loan truyền hình ảnh đến thăm nhà cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Người ta thấy, trong nhà ông có từ cặp ngà voi đến một chiếc lư được bảo quản cận thận trong hộp kính, chiếc trống đồng, còn trên sân thượng là vườn sau rạch – những hình ảnh chẳng biết hư thực ra sao.
Thời gian gần đây, người ta ít khi thấy ông Lê Khả Phiêu lên tiếng, kể cả việc triển khai Nghị quyết 4 về phê bình và tự phê bình mới đây, trong khi ông đi thăm đây đó lại khá nhiều. Cũng có ý kiến cho rằng, việc ông thường xuất hiện với một ông “quan to” Chính phủ gây nên sự “phản cảm” – vì uy tín ông “quan to” ấy rất thấp và ngày càng xuống thấp. Nhưng, trong chính trị, người ta hiểu rằng, thông điệp mà ông phát ra, có lẽ, chính là ở sự “sát cánh” ấy.
Bốn ông họ Lê – thực ra chỉ có ba ông họ Lê thôi, còn một ông họ Phan (Phan Đình Khải – Lê Đức Thọ). Những chức danh quan trọng nhất trong thiết chế chính trị VN, bốn ông họ Lê đều đã từng nắm giữ: Tổng bí thư, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Thượng tướng, Đại tướng…
Có những sự trùng hợp kỳ lạ: Lê Duẩn và Lê Đức Thọ là một “cặp bài trùng” nổi tiếng, cộng tác chặt chẽ với nhau từ những ngày chống Pháp, ấy thế mà thời gian cuối đời hai ông lại có những ngã rẽ đáng kinh ngạc. Còn ông Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu, có thể nói điều gì tương tự? Việc ông Lê Khả Phiêu lên Tổng bí thư, tất nhiên ảnh hưởng của ông Lê Đức Anh rất lớn; ngược lại, cũng từ ảnh hưởng của ông Lê Đức Anh và hai ông có vấn khác mà ông Phiêu bị hạ bệ. Thời tiết chính trị, thật chẳng bao giờ có thể dự đoán chính xác được.
Bốn ông họ Lê đều nổi danh trong lịch sử VN hiện đại và chúng ta tin rằng rồi đây lịch sử sẽ dành cho họ những hàng chữ nét đậm.

Lê Mai (Blog )
------------------------------------

Cựu Tổng BT Lê Khả Phiêu: Đảng và Nhà nước cần tự xem lại mình

Cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhìn nhận nạn tham nhũng đang làm mục nát chế độ, Đảng Cộng Sản và Nhà Nứơc VN cần tự xem lại mình. Hôm nay chúng tôi chọn điểm 3 bài báo chủ yếu, liên quan tới quan điểm của nhân vật từng lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam trong thời kỳ 1997-2001.
Sau bài phỏng vấn cựu thủ tứơng Võ Văn Kiệt nhân dịp kết thúc chiến tranh VN, nay tới lượt một người cùng thời với ông Kiệt là tổng bí thư Lê Khả Phiêu lên tiếng trên báo chí bật mí nhiều sự kiện mang tính chấn động.
Cán bộ tha hóa, dân mất niềm tin vào Đảng
Sở dĩ chúng tôi dùng hai từ này là vì ông Phiêu và ông Kiệt là hai nhân vật ở chức vụ cao nhất mà khi cầm quyền lại gần như không có đủ quyền lực, trong một hệ thống chính trị một đảng, mà như lời ông Phiêu nói là tham nhũng từ trên xúông dưới, và từ dứơi lên trên.
Tờ Tiền Phong đưa lên mạng ngày 21/5 bài phỏng vấn cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Bài báo mang tựa ‘Phát huy được dân chủ là nguồn lực vô tận’, khi trả lời nhà báo ông Phiêu hàm ý rằng đảng cộng sản VN đã bị mất niềm tin của nhân dân.
Ông Phiêu đưa ra giải pháp ba điểm để lấy lại lòng tin của dân, thứ nhất ông Phiêu cho rằng đảng đang chia rẽ trầm trọng cần thống nhất lại về quan điểm chính trị và tư tưởng.
Điều thứ hai theo ông Phiêu cán bộ đảng viên nay bị tha hoá, không có phẩm chất đạo đức, đảng cần chỉnh đốn. Còn điểm thứ ba mà ông đặt nặng là đảng phải tập trung chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí quan liêu.
Tham nhũng làm mục nát chế độ
Tham nhũng như khối u ung thư, người ta không dám cắt bỏ mà chấp nhận sống chung với nó. Chống tham nhũng không thành công là vì cán bộ phần lớn bị há miệng mắc quai, hoặc do chính họ dựa vào nhau để vơ vét.
Sau tờ Tiền Phong 4 ngày, hôm 25 và 26-5 báo Tuổi Trẻ đưa lên mạng bài phỏng vấn cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu, được thực hiện trong hai bài liên tiếp. Tờ Tuổi trẻ tập trung vào chủ đề chống tham nhũng, và ông cựu tổng bí thư trả lời thẳng vào vấn đề. Phát biểu của ông Lê Khả Phiêu làm dư luận ngạc nhiên.
Ông Lê Khả Phiêu nhìn nhận quốc nạn tham nhũng ngày một thêm trầm trọng hơn. Tham nhũng hiện nay không còn mang tính cá nhân, chuyện của một vài người, theo lời ông Phiêu tham nhũng đã trở thành đường dây từ dứơi lên trên, từ trên xúông dứơi.
Ông Phiêu ví von tham nhũng như khối u ung thư, người ta không dám cắt bỏ mà chấp nhận sống chung với nó. Theo ông, chống tham nhũng không thành công là vì cán bộ phần lớn bị há miệng mắc quai, hoặc do chính họ dựa vào nhau để vơ vét.
Theo lời ông Lê Khả Phiêu, người có chức gắn với người có tiền, có tiền dựa vào quyền để sinh ra nhiều tiền hơn, thậm chí còn tạo ra quyền lực. Và đến một lúc nào đó người có tiền sẽ chi phối quyền lực.

Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. AFP PHOTO
Lãnh đạo bất lực
Ông Lê Khả Phiêu nhìn nhận một sự thực, mà theo chúng tôi, từ trứơc tới nay chưa có một nhân vật lãnh đạo nào của đảng và nhà nứơc dám nói. Ông xác nhận là trong thời gian còn làm tổng bí thư, có những vụ tham nhũng mà bản thân ông và ông Võ Văn Kiệt thủ tướng chính phủ lúc ấy, đã đành bất lực không thể làm gì.
Tham nhũng đã thành dây che chắn cho nhau, thậm chí được che chắn từ nứơc ngoài nữa.
Ông Phiêu giải thích là tham nhũng thành dây che chắn cho nhau, thậm chí được che chắn từ nứơc ngoài nữa. Đáng tiếc là nhà báo Đà Trang không yêu cầu ông Lê Khả Phiêu nói rõ về điều đó, chẳng lẽ trong một chế độ mà hai ông quyền lực nhất là tổng bí thư đảng và thủ tứơng lại không chống nổi những mạng lưới đường dây che chắn cho nhau.
Chúng tôi có trao đổi với một số người am hiểu tình hình trong nước thì được giải thích rằng, trong nội bộ đảng và trong chính quyền có những thế lực liên kết che chắn cho nhau, khiến cho hai ông chóp bu là tổng bí thư và thủ tướng cũng chẳng làm gì được.
Còn che chắn từ nứơc ngoài, thì được hiểu rằng từ các đảng và nhà nứơc cộng sản anh em. Không hiểu là những luận cứ theo kiểu suy diễn như vừa nói, có phải là những điều ông Lê Khả Phiêu chưa nói hết hay không.
Phải tự xem lại mình
Muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng thì Đảng phải tự xem lại mình, Nhà Nứơc phải tự xem lại mình.
Một phát biểu của ông Lê Khả Phiêu trên báo Tuổi Trẻ ngày 25/5 được xem là gây sốc với chế độ, cựu tổng bí thư nhận định rằng, muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng thì Đảng phải tự xem lại mình, Nhà Nứơc phải tự xem lại mình.
Ngày 26/5, Tuổi trẻ Online đăng tiếp bài phỏng vấn cựu tổng bí thư lê Khả Phiêu, nhân vật quyền lực nhất ở Việt nam giai đoạn 1997-2001. Trong bài này, ông Lê Khả Phiêu kể lại những kinh nghiệm của bản thân trong lúc còn tại chức.
Theo lời ông Phiêu, lúc đó nhiều người tìm cách hối lộ ông, tới nhà thăm để lại bó hoa kèm gói tiền, trong đó thường là tiền đô khoảng năm, mười nghìn. Khi ông Phiêu sai chánh văn phòng Trần Đình Hoan hoặc thư ký trung ương đảng Nguyễn Giáp Dần đi tìm hiểu sự việc và trả lại tiền hối lộ, thì nhân vật đưa hối lộ còn phát biểu rằng, tổng bí thư không nhận thì họ xin biếu cho ông Hoan ông Dần.
Bây giờ vẫn thế
Ông Phiêu kể lại những chuyện vừa nói và cho biết đã chỉ cảnh cáo người đưa hối lộ thôi, vì ông muốn giáo dục mà không muốn làm to chuyện. Những độc giả của báo Tuổi Trẻ có đọc bài báo chắc phải mỉm cười, cán bộ nhỏ tham ô vài chục triệu ở tù rục xương, cán bộ lớn đưa hối lộ 10 ngàn đô la chỉ bị cảnh cáo giáo dục.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Không hiểu đây có phải là câu chuyện sống chung với khối u tham nhũng, trừng phạt thì sẽ bứt dây động rừng hay không.
Trở lại câu chuyện của ông Lê Khả Phiêu trên báo Tuổi trẻ. Những điều cựu tổng bí thư bật mí, chứng tỏ tham nhũng trong guồng máy chính trị công quyền ở nứơc Việt Nam XHCN đã bám rễ từ lâu, chuyện bì thư hối lộ là chuyện thường tình, và thường tình đến tận cấp cao nhất là ở vị trí tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Lê Khả Phiêu còn nói với nhà báo rằng, chuyện bì thư hối lộ bây giờ chắc vẫn như thế.
Nam Nguyên
© Radio Free Asia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét