Tính đến
cuối năm 2009, các công ty kỹ thuật của Trung Quốc đã tham gia vào nhiều dự án
của Việt Nam với trị giá lên đến 15.4 tỉ đô la, biến Việt Nam trở thành thị
trường lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Thi thoảng, các nhà đấu thầu
Trung Quốc còn phụ trách lên tới 90% các hợp đồng Kỹ thuật, Thuê mua, Xây dựng,
gọi tắt là EPC (Engineering/Procurement/Construction) cho các nhà máy
nhiệt điện tại Việt Nam.
Có hai nhân tố chính đối với sự
tăng trưởng mạnh mẽ của các nhà thầu kỹ thuật Trung Quốc ở Việt Nam là: các
điều kiện đi kèm với các khoản vay ưu đãi và các khoản tín dụng xuất khẩu ưu
đãi của bên mua mà Trung Quốc đã dành cho Việt Nam, và cách thức làm ăn “linh
động” của các nhà thầu Trung Quốc.
Trong khi các khoản trợ cấp của
Trung Quốc dành cho Việt Nam bị hạn chế từ năm 1991 thì các khoản cho vay ưu
đãi đã lên tới 500 triệu USD tính tới cuối năm 2010. Các khoản tín dụng xuất
khẩu ưu đãi mà bên mua của Trung Quốc dành cho Việt Nam cũng tăng lên tới 1 tỷ USD
vào cuối năm 2008.
Nhưng nếu muốn nhận được những
khoản vay ưu đãi này cũng như các khoản tín dụng xuất khẩu ưu đãi từ phía Trung
Quốc, Việt Nam cần phải sử dụng các nhà thầu, công nghệ, thiết bị cũng như dịch
vụ của Trung Quốc cho các dự án có liên quan.
Chính những điều kiện đi kèm này
đã góp phần lớn dẫn tới sự gia tăng các nhà thầu và công ty kỹ thuật của Trung
Quốc tại Việt Nam.
Trong khi đó, đối với các dự án
được tài trợ theo các cách khác và có sự góp mặt của cả các nhà thầu quốc tế
thì lại có những kẽ hở trong Luật Đấu thầu của Việt Nam, theo đó giá thành thấp
sẽ được lợi hơn so với các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Các nhà thầu Trung Quốc có thể
đưa ra mức giá thấp hơn nhiều so với các nhà thầu khác nên họ có được lợi thế
cao trong các dự án kiểu này. Nhưng vấn đề nảy sinh là sau khi nhận được hợp
đồng đấu thầu, các công ty Trung Quốc thường cố tìm cách tiết kiệm chi phí bằng
cách thuyết phục các chủ dự án thay đổi các điều khoản ban đầu của hợp đồng,
hoặc thậm chí chằng thèm đoái hoài gì tới chúng.
Không có gì là lạ khi mà số lượng
nhà thầu Trung Quốc tăng lên cũng đi kèm với nhiều vấn đề nghiệm trọng tại Việt
Nam.
Trước hết, thông tin về việc hoạt
động yếu kém của các công ty Trung Quốc đã được các phương tiện thông tin đại
chúng lan truyền rộng rãi, chủ yếu là về việc các nhà thầu đã không đảm bảo
được chất lượng, không có khả năng làm theo đúng thời hạn hoặc vi phạm điều
khoản trong hợp đồng. Những chi phí phát sinh này đã cản trở sự phát triển bền
vững cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Thứ hai, chính các điều kiện đi
kèm với các ưu đãi từ phía Trung Quốc dành cho Việt Nam đã yêu cầu bên Việt Nam
nhập khẩu công nghệ, thiết bị và cả dịch vụ từ phía Trung Quốc. Điều này đã làm
cho thâm hụt thương mại của Việt Nam so với Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn
– 9 tỉ USD trong năm 2007 và 16.4 tỉ USD trong năm 2012.
Cuối cùng, các nhà thầu Trung
Quốc đòi được sử dụng lao động Trung Quốc. Họ cho rằng điều này giúp họ tránh
những rắc rối từ rào cản ngôn ngữ và ngoài ra thì lao động Trung Quốc cũng có
kỹ năng hơn. Đây là một sự thiệt thòi lớn đối với người lao động Việt Nam.
Những vấn đề nay đã gây ra những
vấn đề nghiêm trọng đối với quan hệ kinh tế cũng như chính trị giữa Việt Nam và
Trung Quốc.
Trước tiên, việc Việt Nam phụ
thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc đã giấy lên lo lắng về an ninh quốc gia, đặc
biệt là an ninh năng lượng của Việt Nam.
Tình trạng chậm trễ và chất lượng
công trình nhà máy điện thấp do các nhà thầu Trung Quốc xây dựng đã làm cho
tình trạng thiếu điện ở Việt Nam trở nên trầm trọng hơn.
Tiếp đến là sự ồ ạt công nhân
Trung Quốc, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, trong khu vực quanh các công trình
đã gây ra tâm lý bất mãn trong quần chúng nhân dân Việt Nam. Ngoài việc người
lao động Việt Nam ở đây bị thiệt thòi, họ còn phải gánh chịu những bất ổn an
ninh do phía công nhân Trung Quốc gây ra. Có nhiều tin tức liên quan tới việc
lao động Trung Quốc đã vi phạm luật, gây rối trật tự xã hội, thậm chí đánh nhau
với cư dân địa phương. Ví dụ như việc hàng trăm công nhân Trung Quốc làm việc
cho nhà thầu Chalieco tại nhà máy nhôm ở Tây Nguyên đã dẫn tới những phản đối
từ các nhân vật cao cấp của Việt Nam – trong đó có cả Đại tướng Võ Nguyễn Giáp.
Ông cho rằng việc có một số lượng lớn lao động Trung Quốc ở Tây Nguyên có thể
tạo ra một chỗ đứng cho Trung Quốc trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến
lược của Việt Nam.
Thứ ba, chất lượng các dự án do
Trung Quốc đấu thầu quá kém đã làm cho phần đông người dân Việt Nam thấy bất
mãn và cả những tổ chức và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng lên
tiếng phản ứng mạnh mẽ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang sửa
đổi Luật Đấu thầu để cho phép các chủ dự án loại bỏ các nhà thầu không đủ điều
kiện, những người đưa ra mức giá thấp nhưng dường như không có khả năng cung
cấp dịch vụ có chất lượng.
Luật được sửa đổi cũng quy định
rằng các nhà thầu đã trúng thầu không được phép sử dụng lao động nước ngoài cho
công việc mà công nhân Việt Nam có thể làm được. Luật cũng đặt ra các giới hạn
về nhập khẩu hàng hóa và thiết bị nào đã sẵn có tại địa phương.
Những quy định như vậy, một khi
được thông qua, sẽ làm yếu đi khả năng cạnh tranh của các nhà thầu Trung Quốc
tại Việt Nam.
Kể từ khi quan hệ giữa Việt Nam
và Trung Quốc được bình thường hóa, có thể thấy tình trạng phụ thuộc lẫn nhau
về kinh tế giữa hai nước đang ngày càng gia tăng, và đây là nền tảng quan trọng
cho mối quan hệ hòa bình và ổn định giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc này cũng
có cái giá của nó. Việc các nhà thầu Trung Quốc áp đảo tại Việt Nam đã tạo ra
tâm lý thù địch trong quần chúng người Việt và tiếp tục khoan sâu thêm mối ngờ
vực của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc.
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP
CHÍ PHÍA TRƯỚC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét