Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

GS PHAN HUY LÊ: TÔI CŨNG CHÁN HỌC SỬ ?!

Cần đưa vấn đề biển Đông vào giảng dạy (SGGP). - Sẽ chấm dứt chuyện trẻ học sách sử người lớn (TN). - Định kiến môn Sử (VNN).Hàng trăm chuyên gia, nhà giáo họp bàn về SGK Lịch sử (GDVN).

QĐND - Thứ Sáu, 10/05/2013, 16:32 (GMT+7)
QĐND Online – Tuy chỉ là câu nói vui của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhưng phản ánh đúng thực trạng sách giáo khoa (SGK) lịch sử trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, khiến người học không có hứng thú với môn học này. Đây cũng là những trăn trở của các chuyên gia lịch sử tại Hội thảo chuyên gia về SGK Lịch sử ở trường phổ thông, sáng 10-5, tại Hà Nội.
GS Phan Huy Lê chủ trì buổi hội thảo
Hội thảo không đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng sách giáo khoa (SGK) mà trên cơ sở SGK hiện tại, các chuyên gia tập trung vào một số vấn đề cốt lõi nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay để nâng cao chất lượng giáo dục môn lịch sử, xứng đáng với vị thế của môn học này trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Từ những vấn đề như quan niệm về SGK; phân bổ môn Lịch sử theo các cấp học của hệ thống giáo dục phổ thông; cấu trúc SGK Lịch sử; bố cục và trình bày SGK; tổ chức biên soạn SGK. Hội thảo sẽ nêu lên một số khuyến nghị mang tính tư vấn với Bộ GD và ĐT.
Đặt vấn đề tại hội thảo, GS Phan Huy Lê cho rằng, SGK của Việt Nam so với nhiều nước thì rất mỏng nhưng lại rất nặng nề. Do đó cần xác lập một quan niệm đúng đắn và hiện đại về SGK theo kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Về việc phân bổ môn Lịch sử theo các cấp học, chúng ta dễ dàng đồng ý là trong cấp tiểu học, chỉ dạy những bài kể chuyện lịch sử, nhưng cần tuyển chọn theo tiêu chí nào và quan hệ với các môn khác như thế nào. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ truyện kể lịch sử với huyền thoại, truyền thuyết.
Đặc biệt, cho đến nay giáo dục phổ cập của Việt Nam là THCS, nên bố trí môn Lịch sử theo đường đồng tâm như hiện nay hay theo đường thẳng; nếu phân bố theo đường thẳng thì như thế nào là hợp lý nhất, tránh trùng lặp? Có cách gì hay hơn để nối kết hai dòng lịch sử Việt Nam và lịch sử khu vực, thế giới? Bố trí sự tích hợp như thế nào giữa hai môn học Lịch sử và Địa lý...
Về bố cục và trình bày SGK, theo GS Phan Huy Lê, SGK mới cần được thể hiện như một công cụ học tập đầy đủ của học sinh, trong đó có phần giới thiệu hệ thống rồi đi sâu vào một số nội dung cơ bản, có chọn lọc, kèm theo là hướng dẫn học tập, trau dồi kỹ năng, tư duy cho học sinh, phần đọc thêm..., phần chốt lại là những kiến thức cơ bản, kèm theo là các sơ đồ, bản đồ, bản vẽ, ảnh minh họa... rất phong phú, hấp dẫn, dễ học, dễ hiểu. Nội dung SGK phải xuất phát từ yêu cầu bồi dưỡng năng lực, giáo dục phẩm chất con người theo từng lứa tuổi, phải đảm bảo tính khoa học, khách quan, độ tin cậy cao. Trên cơ sở chương trình được xây dựng lại, việc biên soạn SGK nên mở rộng cho nhiều tổ chức, nhiều nhóm tác giả tham gia. Từ đó, tổ chức thẩm định, tuyển chọn xác định nên áp dụng một chương trình – một SGK hay một chương trình- nhiều SGK.
GS Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Các vấn đề được nêu ra trên đây liên quan mật thiết đến việc xác định vị thế môn Lịch sử, việc xây dựng chương trình, liên quan đến phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên và hệ thống các trường sư phạm đào tạo giáo viên. Và rộng hơn nữa, việc đổi mới căn bản và toàn diện môn Lịch sử chỉ có thể thực hiện thành công trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Chúng ta tạm tách SGK Lịch sử ra khỏi hệ thống để nghiên cứu và đưa ra những kiến nghị nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử, nhưng khi thực hiện thì cần đặt lại môn Lịch sử trong hệ thống của nó để xử lý các mối quan hệ mang tính hệ thống”.
Tin, ảnh: THU HÀ
Không có nhận xét nào:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét