Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

QUỐC KỲ VIỆT NAM NHỮNG CUNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ


Sự ra đời và lưu hành của những lá quốc kỳ Việt Nam đã có nhiều bài viết cũng như nhiều cách lập luận, tuy nhiên, bức tranh tổng thể về lịch sử quốc kỳ Việt Nam thì chưa bao giờ có. Cần lưu ý rằng, lịch sử quốc kỳ là gồm thâu tất cả những lá cờ được sử dụng làm biểu trưng cho quốc gia – bất kể thể chế chính trị nào. Lịch sử là cái đã – đang – sẽ diễn ra chứ không phải diễn ra theo-ý-muốn-của-ý-thức-hệ, cho nên, bài viết này cố gắng lược thuật lại dòng sử về quốc kỳ Việt Nam bằng cái nhìn khách quan, không nghiêng lệch theo ý niệm chính trị. Rất có thể, đây đó còn thừa hoặc thiếu, mong được bạn đọc góp ý và phản biện !
 
Bản đồ và quốc kỳ Việt Nam đương đại xuất hiện trong clip Việt Nam – hình hài một chữ S.
Trước khi tiếp xúc với nền văn minh Âu châu (thường gọi là phương Tây), các nước Á Đông nói chung – Việt Nam nói riêng – không có khái niệm về lá cờ biểu trưng cho quốc gia, hoặc nếu có thì không được công nhận chính thức. Những lá cờ thường được sử dụng vào mục đích văn hóa (hội hè, tang gia bối rối…) hoặc quân sự, ngoài ra cũng có cờ biểu trưng cho hoàng gia – mà trực tiếp là biểu hiện sự cao quý của vua chúa. Thí dụ, quốc kỳ các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm La (sau đổi là Thái Lan)… ban đầu được sử dụng làm chiến kỳ (lá cờ biểu trưng cho quân đội), lá quốc kỳ Đại Hàn Đế quốc (quốc hiệu cuối cùng của Triều Tiên trước khi bị Nhật Bản đô hộ) vốn dĩ là cờ hiệu của phái đoàn ngoại giao. Tại Việt Nam, mãi đến đầu thế kỷ XX vẫn chưa có quốc kỳ, cờ biểu trưng cao nhất chỉ là cờ hoàng gia (hoàng kỳ).
1. Liên bang Đông Dương (1887 – 1953)
Được thành lập vào ngày 17 tháng 10 năm 1887 nhưng mãi đến năm 1923, Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) mới có quốc kỳ chính thức (trước đó chỉ sử dụng quốc kỳ Cộng hòa Pháp), lá cờ này được sử dụng đến khoảng năm 1945 – khi Đế quốc thực dân Pháp bị phát xít Nhật gạt khỏi Đông Dương. Đây là lá quốc kỳ đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam ; tỉ lệ 2/3 với nền vàng và quốc kỳ Pháp ở góc trái phía trên cùng – cờ tam tài thể hiện Nhà nước bảo hộ và màu vàng thể hiện giống người da vàng. Liên bang Đông Dương thực tế không phải quốc gia mà chỉ là liên minh các tiểu vương quốc và lãnh thổ ủy trị của Đế quốc thực dân Pháp tại Đông Á, cho nên có khi được gọi là xứ Đông Pháp. Lãnh thổ tương ứng Việt Nam ngày nay được chia làm ba kỳ : Bắc Kỳ (lãnh thổ ủy trị), Trung Kỳ (Đại Nam Đế quốc), Nam Kỳ (lãnh thổ ủy trị).
 Mã màu : #0055A4, #FFFFFF, #EF4135, #FFFF00
2. Việt Nam Đế quốc (1945)
Đầu năm 1945, chiến sự Thái Bình Dương biến chuyển bất lợi cho quân đội Nhật Bản. Với ý muốn xây dựng khu vực Đông Á thành hậu phương vững chắc của mình, Đế quốc Nhật Bản đột ngột thay đổi chính sách : từ bỏ minh ước “cùng nhau cai trị” để tiến tới thâu tóm hoàn toàn Đông Dương. Ngày mồng 9 tháng 3 cùng năm, hoàng quân Nhật Bản đảo chính thành công, gạt Đế quốc thực dân Pháp (chính phủ Vichy) khỏi Đông Dương và chỉ hai ngày sau (11 tháng 3) thì trao quyền độc lập về danh nghĩa cho Việt Nam. Bản chiếu chỉ đề ngày 27 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 11 tháng 3 Dương lịch) do Hoàng đế Bảo Đại đọc tại điện Kiến Trung, có chữ ký của 6 vị Thượng thư triều Nguyễn và sự chứng kiến của đại diện Nhật hoàng (Đại sứ, Tổng lãnh sự, Lãnh sự), có ý nghĩa tiên khởi cho nền độc lập của nước Việt Nam hiện đại. Quốc hiệu Việt Nam lúc đó là Việt Nam Đế quốc. Từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 17 tháng 4, quốc kỳ nước Việt Nam (bấy giờ chỉ bao gồm Bắc Kỳ và Trung Kỳ) là cờ long tinh. Lá cờ long tinh (龍星帝旗) vốn là cờ hiệu của hoàng gia Nguyễn, sử dụng từ 1920 bởi các Hoàng đế Khải Định, Bảo Đại. Tỉ lệ cờ 1/2 với ba dải ngang : dải đỏ chen giữa hai dải vàng, chiều rộng nền đỏ chiếm 1/2 chiều rộng cờ.
 

 Mã màu : #FFFF00, #FF0000
1 nhận xét:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét