Lẽ ra ta không cần phải tốn
quá nhiều thời gian để bàn luận về quốc hiệu, bởi đó là một chuyện đơn giản. Không
gì đơn giản hơn việc chọn một tên thật… đơn giản và mộc mạc, để dễ được đa số Nhân
dân chấp nhận, và bền vững với thời gian. Vấn đề chỉ trở nên rắc rối khi muốn
dùng quốc hiệu để trang điểm, hay cố gói ghém vào đó thiên hướng chính trị, và
trở thành phức tạp hơn vì phải né tránh những tì vết của lịch sử. Khi đã lâm
vào trạng thái rắc rối và phức tạp, thì gỡ ra cũng không dễ. Mục đích của bài viết
này là chia sẻ mấy ý kiến, nhằm góp phần lựa chọn một quốc hiệu hợp lý.
1.
Tiêu chí cho quốc hiệu
Để nội dung thảo luận không
quá tản mạn, xin đề xuất bốn tiêu chí, mà quốc hiệu cần thỏa mãn.
Tiêu chí 1: Quốc hiệu không
được chứa đựng những khái niệm trái ngược với thực trạng của Đất nước. Yêu cầu tưởng chừng hiển
nhiên này thường bị vi phạm, khi người ta muốn dùng quốc hiệu để trang điểm cho
chế độ. Chọn tên thế nào cho hay là một chuyện thường tình, nhưng khi tên hay đến
mức… trái ngược hẳn với thực trạng thì lại trở thành trớ trêu. Cũng giống như
việc bố mẹ đặt tên con là "Thiên Tài" hay "Hoa Hậu",
trong khi đứa trẻ lại không may bị thiểu năng trí tuệ, hay bị dị tật giữa mặt,
thì cái tên quá hay kia chỉ khiến nó càng hay bị người đời châm chọc mà thôi. Hai
mĩ từ được ưa dùng để đưa vào tên nước là "Dân chủ" và "Nhân
dân". Oái oăm thay, ở những quốc gia mà dân chủ đã trở thành hiển
nhiên và Nhà nước thực sự là "của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân",
thì hai từ "Dân chủ" và "Nhân dân" không xuất
hiện trong quốc hiệu – Điều đó cũng chẳng cần thiết vì "hữu xạ tự nhiên
hương". Ngược lại, ở nhiều quốc gia mà tính từ "Dân chủ"
hay danh từ "Nhân dân" được gán vào quốc hiệu, thì dân chủ hay
bị chà đạp và Nhân dân hay bị coi thường, mà một trong những ví dụ điển hình là
chế độ diệt chủng mang tên "Camphuchia Dân chủ" của Khmer Đỏ. Những mĩ từ kiểu ấy
không lừa được ai, không thể ngụy trang để che lấp thực tế phũ phàng. Chúng
không chỉ gây cảm giác mỉa mai, mà còn làm cho người dân cảm thấy bị xúc phạm,
như thể bị nhà cầm quyền coi thường và thách thức. Đưa vào tên nước những
giá trị không tồn tại trên thực tế là giả dối. Khi giả dối tràn lan đến mức
phơi ra cả tên nước, thì đạo đức càng dễ lụn bại, giáo dục càng dễ suy đồi, và Đất
nước càng khó phát triển lành mạnh.
Tiêu chí 2: Quốc hiệu không
được gây ảnh hưởng xấu cho lợi ích của Dân tộc, của Nhân dân. Tiêu chuẩn này rõ ràng đến mức
không cần phải giải thích thêm. Chỉ xin nhấn mạnh rằng: Để sớm đạt được mục
tiêu Dân giàu, Nước mạnh, thì phải thực tâm đoàn kết toàn Dân, nhằm huy động sức
mạnh của toàn thể cộng đồng người Việt. Chính vì vậy, quốc hiệu không được
gây cản trở cho quá trình hòa giải và hòa hợp Dân tộc.
Tiêu chí 3: Quốc hiệu cần
tránh gây phản cảm. Phản
cảm không phải do nó chứa đựng những từ có nghĩa xấu, vì thông
thường chỉ những khái niệm được coi là tốt đẹp mới được lựa chọn để đưa vào quốc
hiệu. Thế nhưng, nếu khái niệm đẹp đẽ nào đó đã bị gắn với một giai đoạn lịch sử
bi thương, thì nó gợi lại những kỷ niệm buồn. Mặc dù "Nhân dân"
là một trong những danh từ được trân trọng nhất, nhưng người dân các nước Ba
Lan, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri… chẳng muốn tiếp tục lưu giữ nó trong tên nước, sau
khi đã xóa bỏ các chế độ mang tên Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Cộng hòa Nhân dân Bun-ga-ri, Cộng hòa Nhân dân Hung-ga-ri… Mặc dù "Dân chủ" là
một trong những tính từ đẹp nhất, nhưng người Camphuchia khó có thể chấp nhận để
nó tái xuất hiện trong tên nước của họ, sau khi đã trải qua thảm họa diệt chủng
dưới chế độ Khmer Đỏ man rợ mang tên "Camphuchia Dân chủ". "Xã hội chủ nghĩa"
vốn là một từ đẹp, thể hiện giấc mơ về một xã hội công bằng, nhưng trên thực tế
thì nó lại bị bôi nhọ bởi các chế độ độc tài chuyên chế, và bị nhuốm máu của
hàng chục triệu người đã chết oan ức dưới thời Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot…
Trải qua những cơn ác mộng như vậy, các nạn nhân sẽ cảm thấy rùng mình khi phải
nghe lại những mĩ từ đã từng bị lạm dụng để hóa trang cho tội ác. Vì vậy, cần
tránh dùng những từ đã trở nên phản cảm để đặt tên nước.
Tiêu chí 4: Quốc hiệu cần
được Nhân dân chấp thuận. Đất
nước là của chung, chứ không phải của riêng ai. Vì vậy không ai có đặc quyền
đơn phương quyết định tên nước. Hiển nhiên là khó có thể chọn được một cái tên để
tất cả mọi người đều thích, nên không thể cầu toàn. Nhưng nếu chỉ đưa
vào quốc hiệu những giá trị phổ cập, những khái niệm mang tính hiển nhiên, thì
dễ được đa số Nhân dân chấp nhận (ít nhất là không phản đối). Ví
dụ: Có thể coi "Cộng hòa" là một khái niệm mang tính hiển
nhiên (vì đa số nhân dân Việt Nam không muốn trở lại chế độ quân chủ), nhưng "Xã
hội chủ nghĩa" thì không thuộc vào phạm trù ấy. Có thể "Xã hội
chủ nghĩa" là tình yêu chân thành của một số người, nhưng tên nước
không phải là nơi để thể hiện tuyên ngôn tình yêu của họ. Không nhất thiết phải
trưng ra mọi thứ mình yêu, bởi điều đó cũng ngộ nghĩnh như việc in lên danh thiếp
danh sách tình nhân. Mặt khác, họ yêu gì thì cứ việc yêu, nhưng không thể ép toàn
Dân phải cùng yêu thứ đó, bởi điều ấy cũng phi lý như việc họ ép tất cả mọi người
phải cùng yêu vợ hay tình nhân của riêng họ vậy.
Thiết nghĩ, bốn tiêu chí kể trên
là hợp lý, không hề quá cao, mà có thể coi là tiêu chuẩn tối thiểu đối với quốc
hiệu. Sau đây, ta sẽ dựa vào chúng để đánh giá quốc hiệu hiện thời và đề xuất
quốc hiệu thay thế.
2.
Quốc hiệu hiện thời
Có lẽ khi ấy không có nhiều
người công khai phản đối sự lựa chọn này. "Bên thắng cuộc" thì
tin tưởng vào sự sáng suốt của những người đã lãnh đạo thắng lợi hai cuộc chiến
tranh chấn động địa cầu, và cuộc sống no đủ ở Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa
Đông Âu (như đã được truyền tụng) là niềm mơ ước của hàng triệu người đã phải chịu
đói khổ suốt mấy chục năm chiến tranh. "Bên thua cuộc" thì nghĩ
mình buộc phải chấp nhận, chứ không được quyền tham gia lựa chọn.
Cuộc sống khắc nghiệt đằng đẵng
những năm 80 của thế kỷ 20 khiến người người bừng tỉnh khỏi giấc mộng, và thảng
thốt tự hỏi: Chẳng nhẽ "Xã hội chủ nghĩa" là thế này sao?
Rồi Liên Xô và hệ thống các nước Xã hội chủ
nghĩa Đông Âu đồng loạt sụp đổ. Chính Nhân dân (của các nước đó) đã đứng lên xóa
bỏ cái chế độ mà họ từng kỳ vọng, nhưng rồi quá thất vọng. Đối với hầu hết các
nước trên Thế giới, cuộc thí nghiệm quy mô, tốn kém mồ hôi và xương máu có một
không hai trong lịch sử nhân loại đã kết thúc. Mấy chế độ mang danh "Xã
hội chủ nghĩa" còn sót lại bơ vơ với câu hỏi "đi đâu, về
đâu".
Thực tế phũ phàng có sức thuyết
phục mạnh hơn mọi lý thuyết, khiến những người bảo thủ nhất trong bộ máy cầm
quyền ở Việt Nam cũng phải nhận ra rằng lối thoát duy nhất là phải "đổi
mới", tức là phải dứt khỏi những ràng buộc lý luận quá giáo điều. Như
người mới tập bơi, lúc đầu chỉ dám mon men cạnh con tàu đang chìm dần. Nhưng rồi
chới với trong sóng nước, đành phải bám vào bất cứ vật nào trôi nổi trong tầm với,
miễn là còn có thể lềnh bềnh trên mặt nước. Sau hơn hai mươi năm trôi dạt, giờ đây
đã mất hút bóng tàu xưa, chỉ còn lại kẻ ngơ ngác kiếm tìm "định hướng".
Tuy điệp khúc "Xã hội chủ nghĩa" vẫn còn vang lên đâu đó,
nhưng với lý lẽ vu vơ như trong cơn mê sảng. Nếu tỉnh táo tìm kiếm từ Bắc vô
Nam, thì không thể tìm được bất cứ biểu hiện tích cực nào trong thực tế cuộc sống,
để chứng tỏ rằng xã hội này cũng có những nét tốt hơn so với xã hội tư bản phát
triển. Những giá trị tốt đẹp từng được gán cho "Xã hội chủ nghĩa"
ngày càng vắng bóng, dần bị triệt tiêu. Thay vào đó, những biểu hiện vốn được
coi là đặc trưng xấu của chế độ phong kiến và của chủ nghĩa tư bản hoang dã
ngày càng lấn át: Tham nhũng lộng hành, bất công ngự trị, bóc lột trắng trợn,
thất nghiệp tràn lan... Quốc hiệu hiện thời trở nên cô đơn giữa lòng Dân tộc, vì
nó chứa đựng tính từ "Xã hội chủ nghĩa", đã trở nên xa
lạ và hoàn toàn trái ngược với thực trạng của Đất nước. Vì vậy, theo Tiêu chí
1, đã đến lúc chúng ta phải chia tay với quốc hiệu "Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam", để sống thật hơn với lòng mình. Nếu ai đó thực tâm yêu
Chủ nghĩa xã hội với tư cách một lý tưởng tốt đẹp, thì lại càng phải đấu
tranh đòi bỏ quốc hiệu hiện thời, bởi việc gắn tính từ "Xã hội chủ
nghĩa" với tình trạng tệ hại hiện nay chỉ có tác dụng bôi nhọ Chủ
nghĩa xã hội mà thôi.
Có ý kiến chỉ đạo rằng cần tiếp
tục duy trì quốc hiệu hiện nay để "thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu của Đảng,
Nhà nước và Nhân dân ta về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội". Mục
tiêu nào? Nếu là mục tiêu cuối cùng của ĐCSVN thì là tiến lên Cộng sản chủ
nghĩa, vậy thì tại sao không đổi tên nước thành "Cộng hòa Cộng sản
chủ nghĩa Việt Nam"? Nếu là mục tiêu trước mắt thì chỉ là "quá
độ" hay "định hướng Xã hội chủ nghĩa", vậy thì tại
sao không đổi tên nước thành "Cộng hòa Quá độ Xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
hay "Cộng hòa Định hướng Xã hội chủ nghĩa Việt Nam"? Thực ra,
mục tiêu hiện nay của giới cầm quyền chỉ đơn thuần là duy trì chế độ độc đảng bằng
mọi cách. Vậy thì, nếu muốn "thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu của Đảng",
tại sao không chọn quốc hiệu là "Cộng hòa Độc đảng Việt Nam"
cho trung thực? Đặt các câu hỏi như vậy để thấy rõ hơn sự ngụy biện, khi vin
vào mục tiêu phấn đấu để duy trì quốc hiệu hiện thời.
Mục tiêu càng cao xa thì càng
có thể sai, có thể nhầm. Nếu muốn thì cứ việc âm thầm mà theo đuổi, như người
lính ra trận giữ bí mật mục tiêu. Tại sao cứ phải bô bô, nói thay làm, rồi gán cái
mục tiêu đã lộ rõ là vô vọng vào cả tên nước, tạo cớ trói buộc quyền tìm tòi, lựa
chọn và khả năng sáng tạo của Nhân dân, cản trở bước tiến của Dân tộc?
Chủ nghĩa xã hội chỉ là mục
tiêu phấn đấu của ĐCSVN, nhưng lại được gán bừa cho nguyện vọng của Nhân dân. Đó
là một sự xúc phạm, thể hiện tập quán coi thường Nhân dân. Khi cuộc thử sức đã
ngã ngũ trên phạm vi Thế giới, mà vẫn dai dẳng bám lấy ảo vọng "Xã hội
chủ nghĩa" được cóp nhặt từ con tàu đã chìm nghỉm mang tên Liên Xô,
thì chẳng thể hiện được lòng trung thành, mà chỉ chứng tỏ sự trì trệ, bảo thủ
và khả năng nhận thức thời cuộc quá kém cỏi. Điều đó chỉ khiến Dân thêm xa và
càng coi thường giới lãnh đạo, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả điều hành của chính
quyền.
Giờ đây, bao người sinh ra, lớn
lên và được đào tạo trong chế độ này đã mất hẳn niềm tin vào Chủ nghĩa xã hội.
Những người từng ở bên kia chiến tuyến và con em họ lại càng khó chia sẻ với lý
tưởng "Xã hội chủ nghĩa". Do đó, việc duy trì quốc hiệu hiện
nay chỉ làm cho lòng người thêm li tán, gây cản trở cho quá trình hòa giải và hòa
hợp Dân tộc.
Khi "Xã hội chủ
nghĩa" đã trở nên tai tiếng, cả Thế giới chỉ có hai nước Việt Nam và
Sri Lanka còn giữ tính từ ấy trong quốc hiệu, thì sự kiên định duy trì quốc hiệu
hiện thời chỉ làm cho Đất nước thêm cô đơn trên trường quốc tế, và chứng tỏ rằng
chính quyền này thuộc loại "khó hội nhập".
"Tên gọi này có khả năng lôi cuốn,
tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội, đồng thời
thuận lợi hơn cho ta trong quan hệ hợp tác với các nước trên Thế giới, góp phần
phát huy và tranh thủ được các nguồn lực trong công cuộc kiến thiết và phát triển
đất nước."
Đánh giá như vậy, trong mối so
sánh với phương án tiếp tục duy trì tên nước là "Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam", thì có nghĩa là thừa nhận rằng quốc hiệu hiện thời
không có những tác dụng ấy. Vậy thì, chiểu theo Tiêu chí 2, còn chần chừ gì nữa
mà không chia tay với quốc hiệu "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam",
để "đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội",
để "thuận lợi hơn cho ta trong quan hệ hợp tác với các nước trên Thế giới",
và để "phát huy và tranh thủ được các nguồn lực trong công cuộc kiến
thiết và phát triển đất nước"?
Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô
và hệ thống Xã hội chủ nghĩa, khái niệm "Xã hội chủ nghĩa" đã
vương phải cái dớp đại bại. Đối với người Việt, từ "Xã hội chủ
nghĩa" hay hiện hữu trong ký ức về những sai lầm của cuộc cải tạo tư sản
ở miền Nam, về những năm tháng bế tắc và túng quẫn trước thời kỳ "đổi mới",
và đặc biệt hằn sâu trong tâm khảm của bao người đã bị cầm tù không án, vì từng
phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, và những người đã phải mạo hiểm cả mạng
sống để vượt biên đi tìm kiếm tự do. Mấy chục năm qua, từ "Xã hội chủ
nghĩa" đã bị lạm dụng, để tô vẽ và biện hộ cho chế độ phi dân chủ, bị tham
nhũng lộng hành từ trên xuống dưới. "Xã hội chủ nghĩa" bị gán
cho một nền kinh tế lâm cảnh "cha chung không ai khóc", với kinh
tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc… phung phí của cải của Nhân dân và dìm
Đất nước ngập sâu trong nợ nần. "Xã hội chủ nghĩa" vang lên
như một lời nói dối trơ trẽn đối với bao số phận bị vùi dập bất công, quanh năm
lang thang vật nài công lý… Vậy là bốn chữ "Xã hội chủ nghĩa"
không còn tạo ra được hưng phấn cho những tâm hồn đã một thời tràn trề hy vọng,
mà trở nên phản cảm đối với hàng triệu trái tim. Thế thì, theo Tiêu chí 3, tại
sao không tránh nhắc tới nó trong quốc hiệu cho đỡ đau lòng?
Với những điều đã được trình
bày ở trên, có lẽ đa số Nhân dân sẽ không chấp thuận gắn bó mãi với
quốc hiệu hiện thời, tức là nó không thỏa mãn Tiêu chí 4. Nếu nhà cầm quyền muốn
chứng minh điều ngược lại, thì phải tiến hành trưng cầu dân ý một cách thật sự
dân chủ, thông qua hình thức bỏ phiếu kín, để người dân dám bầy tỏ chính kiến của
mình, thay vì ép buộc họ phải điền hai chữ "đồng ý", hay làm
ngơ trước thực tế rồi kết luận bừa như mấy chục năm qua. Trước khi trưng cầu
dân ý, giới lãnh đạo và bộ máy lý luận hãy ngồi lại với nhau, thảo luận cho ra
nhẽ, để xác định rõ thứ "Xã hội chủ nghĩa" mà họ theo đuổi thực
ra là cái gì. Chắc hẳn nó không thể là thứ "Xã hội chủ nghĩa quốc
gia" (National Socialism, Nationalsozialismus), cái lý tưởng của tổ chức phát xít
mang tên "Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa quốc gia Đức"
(Nationalsozialistischen
Deutschen Arbeiterpartei,
mà người Việt quen gọi tắt là "Đức Quốc Xã"), đã gây bao tội
ác ngút trời trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Liệu thứ mà họ theo đuổi có phải là
kiểu "Xã hội chủ nghĩa" thuần túy lý thuyết của Marx và
Engels, hay là kiểu "Xã hội chủ nghĩa" đã được hiện thực hóa bởi
trường phái Lenin và Stalin? Tại sao càng phát triển theo định hướng "Xã
hội chủ nghĩa" thì càng khác lạ so với nguyên mẫu? Xét cho cùng thì điều
kiện kinh tế và xã hội Việt Nam có phù hợp với sản phẩm nhập ngoại ấy hay
không? Cái gọi là "vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin vào hoàn cảnh
cụ thể của Việt Nam" chẳng qua là cố "gọt chân cho vừa
giày". Sư phụ có "chân vừa giày" mà còn phải "treo
giày", giữa đường bỏ cuộc, vậy thì đệ tử "gọt chân"
có thể tập tễnh được bao lâu? Khi không còn ai thí thân đi trước làm hoa tiêu,
thì kẻ mò mẫm cô đơn biết lẫm chẫm về đâu? Lấy đâu ra cái quyền để bắt cả Dân tộc
phải lẽo đẽo đi theo trong cuộc tìm kiếm vô định, mịt mù tương lai? Bằng nào
các nhà lý luận của ĐCSVN chưa tìm được câu trả lời thuyết phục cho chính bản
thân mình, thì không nên đem câu hỏi lựa chọn hay không con đường "Xã hội
chủ nghĩa" để đặt ra cho muôn dân, những người vốn chỉ lo làm ăn kiếm
sống, chứ chẳng quan tâm đến chủ nghĩa này hay chủ nghĩa khác.
Vậy là quốc hiệu hiện thời vi
phạm cả bốn tiêu chí đã đặt ra trong Phần 1. Cho nên, tốt nhất là sớm đổi quốc
hiệu "cho lành".
3.
Quốc hiệu đã qua
Sau ba tháng lấy ý kiến Nhân
dân, trong Báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 11 tháng 4 năm
2013, Ủy ban
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đề xuất thêm phương án thứ hai cho quốc hiệu
là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Đây là một động thái tích cực, không
chỉ thể hiện thái độ tiếp thu ý kiến Nhân dân của những người tham gia viết Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà còn chỉ ra rằng tên nước không phải là thứ
bất di bất dịch, và mọi người đều có thể tham gia góp ý để thay đổi cho hợp lý.
Là một trong những người đầu
tiên đặt bút ký tên vào Kiến nghị 72, bản thân tôi không ủng hộ
phương án lấy quốc hiệu "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", mặc dù chia sẻ quan điểm cho rằng đó
là một giải pháp khả thi để giới cầm quyền chấp nhận bỏ từ "Xã hội chủ
nghĩa" ra khỏi quốc hiệu. Xét theo bốn tiêu chí đã trình bày ở Phần 1,
lý do khiến tôi không tán thành lấy quốc hiệu "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" là như sau:
Thứ nhất, hiện nay và cả trong
thời gian tới xã hội này vẫn chưa có dân chủ, vì giới cầm quyền chưa sẵn
sàng chấp nhận quyền dân chủ của Nhân dân, trong khi đa số người dân cũng chưa
quen thực hiện và bảo vệ quyền dân chủ. Tức là phương án "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" chứa đựng yếu tố giả dối, trái ngược
với thực trạng của Đất nước. Vậy là vi phạm Tiêu chí 1. Vả lại,
kể cả khi xã hội đã thực sự có dân chủ, thì cũng chẳng cần phải khoe khoang, mà
nên chọn quốc hiệu khiêm tốn như các nước dân chủ hàng đầu Thế giới.
Thứ hai, nếu dùng
tên "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" để đặt cho nước Việt Nam thống nhất, thì
hàng triệu
người đã từng gắn bó với chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam sẽ cảm thấy mình không được
tôn trọng. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu cho quá trình hòa giải và hòa hợp Dân tộc. Hơn nữa, nếu sử dụng tên trùng
thì nước Việt Nam thống nhất có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu của
những ký kết hay cam kết ngoại giao mà lãnh đạo của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trong hoàn cảnh bị lệ thuộc
thời chiến tranh. Như vậy, quốc hiệu "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" sẽ gây ảnh hưởng xấu cho lợi ích của
Dân tộc, của Nhân dân, tức là vi phạm Tiêu chí 2.
Thứ ba, quốc hiệu "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" gợi lại những sai lầm của cuộc cải
cách ruộng đất ở miền Bắc, mà cho đến nay các nạn nhân vẫn chưa được xin lỗi và
bồi thường một cách thỏa đáng. Nó cũng gợi lại những đau thương và mất mát mà nhiều
gia đình miền Nam đã từng phải hứng chịu trong cuộc chiến "nồi da nấu
thịt". Đối với những nạn nhân như vậy, quốc hiệu này đã trở nên phản
cảm. Vậy là vi phạm Tiêu chí 3.
Thứ tư, vì những lý do kể
trên, quốc hiệu "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" khó có thể được đa số người dân chấp
thuận. Vậy là có thể vi phạm cả Tiêu chí 4.
Khi đã phải tránh quốc hiệu một
thời của quốc gia phía bắc, thì cũng khó mà chấp nhận quốc hiệu của quốc gia ở phía
nam vĩ tuyến 17. Quốc hiệu "Việt Nam Cộng hòa" tuy không vi phạm Tiêu chí 1 (vì
không chứa từ nào trái ngược với thực trạng Đất nước), nhưng lại vi phạm Tiêu
chí 2 (vì cũng gây bất lợi cho hòa hợp Dân tộc), Tiêu chí 3 (vì gây phản cảm với
những nạn nhân của chế độ Việt Nam Cộng hòa) và Tiêu chí 4 (vì chắc nó không được
giới cầm quyền và một bộ phận Nhân dân thuộc "bên thắng cuộc"
chấp nhận). Vì vậy cũng không thể chọn "Việt Nam Cộng hòa" làm tên nước Việt Nam thống nhất.
Có ý kiến đề nghị lấy lại tên "Đại Việt".
Đó là quốc hiệu của nước ta hơn 700 năm, trong khi tên nước "Việt
Nam" mới có từ năm 1804. Tuy nhiên, tên xưng "tự đại"
đó có thể gây phản cảm trong quan hệ quốc tế, và việc chọn tên "Đại Việt"
đầy tự hào giữa thời buổi khủng hoảng trầm trọng về chính trị, kinh tế và xã hội
dễ gây ra cảm giác khôi hài trong cộng đồng người Việt. Nó cũng tạo thêm duyên
cớ để bên "Đại Bá" lên án chúng ta là "Tiểu Bá".
Do đó, theo Tiêu chí 3, không nên lấy lại tên "Đại Việt".
4.
Quốc hiệu thay thế
Trong số 206 nhà
nước có chủ quyền được thống kê, thì có 153 nước (chiếm 74%) đưa danh từ (chỉ thể chế) "Cộng
hòa" (Republic) hay "Vương quốc" (Kingdom)
vào quốc hiệu. Trong số 136 quốc hiệu có danh từ "Cộng hòa", thì
107 (chiếm 79%) chỉ kèm thêm địa danh, ví dụ như Cộng hòa Áo, Cộng hòa Ấn
Độ, Cộng hòa
Pháp, Cộng hòa Italia. Nếu noi theo đa số này, ta có
thể chọn quốc hiệu là "Cộng hòa Việt Nam". Phương án này ngắn
gọn, giản dị, hòa nhập và không chứa khái niệm nào trái với thực trạng đất nước
(tức là thỏa mãn Tiêu chí 1). Nhưng phải chăng "Cộng hòa Việt Nam"
chỉ là cách viết ngược của quốc hiệu "Việt Nam Cộng hòa"? Băn khoăn này được củng cố khi dịch "Cộng
hòa Việt Nam" ra các ngoại ngữ thông dụng, chẳng hạn như tiếng Anh hay
tiếng Đức, và thu được "Republic
of Vietnam" hay "Republik
Vietnam" – đó chính là quốc hiệu (tiếng
Anh hay tiếng Đức) của "Việt Nam Cộng hòa". Nếu quả như vậy thì không nên chọn
quốc hiệu "Cộng hòa Việt Nam", vì những lý do như đã trình bày
ở Phần 3 đối với quốc hiệu "Việt Nam Cộng hòa". Tuy nhiên, có thể tránh yếu tố nhạy
cảm do lịch sử để lại, nếu phân biệt giữa danh từ và tính từ. Trong số 107 quốc
hiệu được tạo bởi danh từ "Cộng hòa" đi kèm với địa danh, thì
94 trường hợp (chiếm 88%) có địa danh xuất hiện với tư cách danh từ, ví
dụ như Republic
of Austria
(Cộng hòa Áo), Republic of India (Cộng hòa Ấn
Độ), và 13 trường hợp (chiếm 12%)
có địa danh xuất hiện với tư cách tính từ, ví dụ như Argentine
Republic
(Cộng hòa
Argentina),
Czech Republic (Cộng hòa Séc), French Republic (Cộng hòa
Pháp), Hellenic Republic (Cộng hòa
Hy Lạp),
Italian
Republic
(Cộng hòa
Italia), Portuguese
Republic
(Cộng hòa Bồ Đào Nha). Như vậy, nếu coi "Việt
Nam" là danh từ, thì tên tiếng Anh của "Cộng hòa Việt
Nam" mới là "Republic
of Vietnam". Còn nếu coi "Việt
Nam" là tính từ (thuộc về Việt Nam), thì tên tiếng Anh của "Cộng
hòa Việt Nam" sẽ là "Vietnamese Republic", không còn
bị trùng với "Republic
of Vietnam", và đây là một phương án có
thể chấp nhận được.
Nếu không hài lòng với phương
án vừa rồi, mà vẫn muốn ghép danh từ "Cộng hòa" với danh từ
"Việt Nam", thì phải bổ sung thêm vào đó một vài từ. Tất nhiên,
không thể thêm những từ không phù hợp với hoàn cảnh của nước ta, như "Federal"
(thuộc về liên bang), hay "Islamic" (thuộc về Islam), và cần
chừa ra tính từ "Socialist" (Xã hội chủ nghĩa) mà ta đã
xác định là nên chia tay với nó. Vậy thì, trong kho từ vựng
của 206 quốc hiệu đang được sử dụng, chỉ còn lại danh từ "People" (Nhân dân)
và hai tính từ "Democratic" (Dân chủ), "United" (Thống
nhất, Liên hiệp, Hợp nhất…) là thích hợp.
Nếu gia nhập cái gia đình gồm
5 quốc hiệu chứa danh từ "People" (Nhân dân), bao gồm Algérie, Bangladesh, Lào, Triều Tiên và Trung Quốc, thì quốc hiệu ngắn nhất của nước ta sẽ
là "Cộng hòa Nhân dân Việt Nam" (People's Republic of Vietnam). Phương án này vi phạm Tiêu
chí 1, vì Nhà nước này quá xa Nhân dân, chưa phải là "của Nhân dân",
nên nếu nói "Cộng hòa (của) Nhân dân" (People's Republic) là
trái với thực trạng Đất nước. Nó cũng vi phạm Tiêu chí 3, vì bằng nào Nhân dân
ta còn bị ức chế triền miên bởi cách cư xử của láng giềng phương bắc, thì bằng ấy
tên gọi "Cộng hòa Nhân dân Việt Nam" còn gây phản cảm. Thậm
chí, có thể nhiều người sẽ coi việc lựa chọn quốc hiệu này như một biểu hiện của
sự theo đuôi ngoại bang để gây phương hại cho lợi ích của Dân tộc.
Nếu gia nhập cái quần thể của
10 quốc hiệu chứa tính từ "Democratic" (Dân chủ), bao gồm Algérie, Cộng hòa Dân chủ
Congo,
Đông Timor, Ethiopia, Lào, Nepal, São Tomé và Príncipe, Cộng hòa Dân chủ Sahrawi Ả Rập, Sri Lanka và Triều Tiên, thì quốc hiệu ngắn nhất của nước ta sẽ
là "Cộng hòa Dân chủ Việt Nam". Khi "Việt Nam"
là danh từ, thì "Cộng hòa Dân chủ Việt Nam" chỉ là cách viết
giao hoán của "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", và nếu dịch ra tiếng Anh, thì kết quả
của hai cách viết hoàn toàn trùng nhau: "Democratic
Republic of Vietnam". Kể cả khi coi "Việt
Nam" là tính từ, để có tên tiếng Anh khác đi là "Vietnamese Democratic
Republic", thì phương án biến báo này vẫn vi phạm Tiêu chí 1, bởi vì
trong thời gian tới xã hội ta vẫn chưa có dân chủ, nên từ "Dân
chủ" trái với thực trạng của Đất nước.
Ở trên, tôi đã cố ý chép ra đầy
đủ danh sách của 5 quốc gia có danh từ "Nhân dân" và 10 quốc
gia có tính từ "Dân chủ" trong quốc hiệu. Tại sao? Để bạn đọc
có thể dễ dàng kiểm nghiệm điều đã được viết trong Phần 1: Những quốc gia mẫu
mực về dân chủ và Nhà nước thực sự là của Nhân dân thì trong quốc hiệu không có
hai từ "Dân chủ" và "Nhân dân". Ngược lại, ở nhiều quốc gia
mà tính từ "Dân chủ" hay danh từ "Nhân dân" được gán vào quốc
hiệu, thì dân chủ hay bị chà đạp và Nhân dân hay bị coi thường. Nếu đã ngộ
ra điều đó, thì chắc không mấy ai còn cảm thấy tự hào khi thấy hai từ "Dân
chủ" và "Nhân dân" xuất hiện trong quốc hiệu của nước
mình.
Có
5 quốc hiệu chứa tính từ "United", đó là: United Arab Emirates (Các Tiểu Vương quốc
Ả Rập Thống nhất), United Kingdom of
Great Britain and Northern Ireland (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland), United Mexican
States
(Liên bang
Mexico),
United
Republic of Tanzania
(Cộng hòa
Thống nhất Tanzania)
và United
States of America
(Hợp chúng
quốc Hoa Kỳ). Nếu gia nhập gia đình này, hẳn
ta sẽ không phải thấy xấu hổ vì các quốc gia "cùng hội cùng thuyền".
Lúc đó, quốc hiệu tiếng Anh của ta sẽ là "United Republic of
Vietnam", và quốc hiệu tiếng Việt sẽ là "Cộng hòa Thống nhất
Việt Nam". Rõ ràng là phương án này thỏa mãn Tiêu chí 1, vì Đất nước
đã thống nhất. Nó thỏa mãn Tiêu chí 2, vì không gây ảnh hưởng bất lợi cho lợi
ích của Dân tộc, của Nhân dân. Nó cũng thỏa mãn cả Tiêu chí 3, vì nó
không chứa yếu tố nào gây phản cảm. Vì vậy, có thể hy vọng rằng nó sẽ được
Nhân dân chấp thuận, tức là thỏa mãn Tiêu chí 4. Có thể bây giờ một số người
không thích quốc hiệu "Cộng hòa Thống nhất Việt Nam", nhưng nếu
nó được chọn ngay sau khi thống nhất Đất nước vào năm 1976 thì có lẽ đã được đa
số Nhân dân tán thành, và bây giờ cũng không cần phải bàn chuyện thay đổi tên
nước.
Bây giờ ta xét đến các trường hợp quốc
hiệu không chứa danh từ (chỉ
thể chế) "Cộng hòa" (Republic) hay "Vương quốc"
(Kingdom). Trong số này, nhóm đông đảo nhất là 25 quốc gia có quốc hiệu
chỉ bao gồm địa danh, không kèm theo danh từ hay tính từ nào nữa (chiếm 12% của
206 quốc gia được thống kê). Mấy nước tiêu biểu thuộc nhóm này
là Canada, Hungary, Japan (Nhật Bản), Malaysia và Ukraine (Ukraina). Hiển nhiên, ta cũng có thể chọn phương
án đơn giản như vậy, nghĩa là chọn quốc hiệu "Việt Nam". Rõ
ràng là quốc hiệu này thỏa mãn cả bốn tiêu chí được đề ra ở Phần 1.
Có 14 quốc hiệu chứa danh từ "State"
(Nhà nước). Trong đó, có 3 trường hợp chữ "States" (được
dùng ở dạng số nhiều) đi với tính từ "United" hay "Federated",
để tạo thành nghĩa "Liên bang" hay "Hợp chúng quốc".
Trong các trường hợp còn lại, chữ "State" (được dùng ở dạng số
ít) thể hiện nghĩa "Nhà nước", ví dụ như State of Israel (Nhà nước Do Thái), State of Kuwait (Nhà nước Kuwait) và State of Libya (Nhà nước Libya). Theo cách này, ta có thể đặt quốc hiệu
là "Nhà nước Việt Nam" (State of Vietnam). Tiếc rằng, ở nước
ta giới cầm quyền đã quen với quan niệm cho rằng ĐCSVN đứng trên tất thảy, trên
cả Tổ quốc và Nhân dân, và coi Nhà nước này thuộc về ĐCSVN, là cấp dưới của ĐCSVN.
Cho nên, nếu chọn quốc hiệu – với tư cách là tên của Nước – là "Nhà nước
Việt Nam", thì họ dễ đồng nghĩa "Nước Việt Nam" với "Nhà
nước Việt Nam", và vì thế coi "Nước Việt Nam" cũng là
của ĐCSVN… Ngộ nhận kiểu ấy sẽ gia tăng mức độ lộng quyền, chắc chắn không có lợi
cho Dân tộc, cho Nhân dân. Nghĩa là phương án này không phù hợp với Tiêu chí 2.
Có hai quốc hiệu dùng tính từ "Độc
lập" (Independent) phối hợp với danh từ "Nhà nước"
(State), đó là "Nhà nước
Độc lập Papua New Guinea" (Independent
State of Papua New Guinea)
và "Nhà nước Độc lập Samoa" (Independent State
of Samoa). Mặc dù ta đã xác định là
không nên đưa danh từ "Nhà nước" vào quốc hiệu nước nhà, nhưng
vẫn nẩy sinh câu hỏi là: Có nên phối hợp tính từ "Độc lập"
(Independent) với danh từ "Cộng hòa" (Republic) để
tạo ra quốc hiệu "Cộng hòa Độc lập Việt Nam" (Independent Republic
of Vietnam) hay không? Câu trả lời là không! Một mặt, việc đưa tính từ "Độc
lập" vào quốc hiệu thể hiện sự tự ti hơn là tự tin. Mặt khác, sự nhún
nhường của giới lãnh đạo trước những hành động lấn át triền miên của nhà cầm
quyền Trung Quốc khiến dư luận hay phải đặt câu hỏi về tính độc lập của Nhà nước
Việt Nam. Cho nên, tính từ "Độc lập" có thể trở thành phản cảm,
tức là vi phạm Tiêu chí 3.
Như
vậy, ta đã rà xét hết danh sách 206 quốc
hiệu đang được sử dụng
và lọc ra được ba phương án cho quốc hiệu nước nhà. Tất nhiên, có thể dùng cả một
số danh từ và tính từ không xuất hiện trong 206 quốc
hiệu đã xét để
tạo thêm những phương án mới. Nhưng điều đó là không cần thiết và cũng không
nên, bởi từ nào mà các chính trị gia của 206 nước
trên Thế giới
không lựa chọn thì ta cũng không nên dùng. Không nên đem cả quốc hiệu ra làm
thí nghiệm, vì Dân ta đã quá khổ vì các cuộc thí nghiệm rồi.
*
* *
Tóm lại, theo tôi thì quốc hiệu cần thỏa mãn bốn
tiêu chuẩn tối thiểu sau đây:
- Tiêu chí 1: Quốc hiệu không
được chứa đựng những khái niệm trái ngược với thực trạng của Đất nước.
- Tiêu chí 2: Quốc hiệu không
được gây ảnh hưởng xấu cho lợi ích của Dân tộc, của Nhân dân, đặc biệt là không
được gây cản trở cho quá trình hòa giải và hòa hợp Dân tộc.
- Tiêu chí 3: Quốc hiệu cần
tránh gây phản cảm.
- Tiêu chí 4: Quốc hiệu cần
được Nhân dân chấp thuận.
Khi đã tán thành như vậy, thì hai hệ
quả tất yếu là:
Dựa trên vốn từ và các cấu trúc ngữ
pháp được sử dụng trong 206 quốc
hiệu trên Thế giới,
ta chỉ chọn
được ba phương án quốc hiệu sau đây phù hợp với ba tiêu chí đầu và có thể
thỏa mãn cả Tiêu chí 4:
- Phương án 1: Việt Nam (tên tiếng
Anh: Vietnam).
- Phương án 2: Cộng hòa Việt Nam
(tên tiếng Anh: Vietnamese Republic).
- Phương án 3: Cộng hòa Thống nhất Việt
Nam (tên tiếng Anh: United Republic of Vietnam).
Phương án 1 chỉ sử dụng địa danh "Việt
Nam" làm quốc hiệu, giống như 25 nước khác (chiếm 12% quốc hiệu trên
Thế giới). Phương án này ngắn gọn, giản dị và dễ được mọi người chấp nhận, vì
nó không chứa bất cứ yếu tố nào khiến người ta phải tranh luận hay phản đối.
Phương án 2 chỉ ghép danh từ "Cộng hòa" (Republic) với địa
danh "Việt Nam" để tạo ra quốc hiệu, giống như 107
nước
khác (chiếm 52% quốc hiệu trên Thế giới). Để tránh ấn tượng cho rằng "Cộng
hòa Việt Nam" chỉ là cách viết ngược của "Việt Nam Cộng hòa", cần xác định rằng hai quốc hiệu này
khác nhau cả về thứ tự sắp xếp từ và cả về ngữ pháp: Từ "Việt
Nam" trong "Cộng hòa Việt Nam" là tính từ, trong
khi từ "Việt Nam" trong "Việt Nam Cộng hòa" là danh từ. Do đó, tên tiếng Anh của "Cộng
hòa Việt Nam" là "Vietnamese Republic",
trong khi tên tiếng Anh của "Việt Nam Cộng hòa" là "Republic
of Vietnam". Cách vận dụng ngữ pháp như vậy
không phải là bất thường, vì trong số 107 quốc hiệu được ghép bởi danh từ "Cộng
hòa" và địa danh, có 13 trường hợp mà địa danh là
tính từ (giống như "Vietnamese").
Phương án 3 sử dụng tính từ "Thống
nhất" để tạo ra một quốc hiệu có chứa hai danh từ "Cộng hòa"
và "Việt Nam", nhưng không trùng với hai quốc hiệu đã tồn tại ở
hai miền Tổ quốc là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" và "Việt Nam Cộng hòa". Tính từ "Thống nhất"
không trái ngược với thực trạng, vì nước ta đã thống nhất. Tiếc rằng, đó mới chỉ
là thống nhất theo nghĩa thông thường, tạm gọi là thống nhất về mặt vật chất,
vì non sông tuy đã liền một dải, chịu sự quản lý của cùng một chính quyền,
nhưng lòng người vẫn chia lìa trăm mối. Quốc hiệu "Cộng hòa Thống nhất
Việt Nam" có thể là một lời nhắc nhở, thúc dục mọi người
nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu hòa giải và hòa hợp Dân tộc, để sớm thống nhất Tổ
quốc cả về mặt tinh thần.
Vậy thì nên lựa chọn quốc hiệu nào để
thay thế quốc hiệu hiện thời? Mỗi người đều có thể đề xuất và trao đổi ý kiến của
mình. Nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc về tập thể Nhân dân, thông qua biểu
quyết dân chủ, để đảm bảo rằng quốc hiệu thực sự được Nhân dân chấp thuận (Tiêu chí 4). Khi đã khẳng định rằng
Nhà nước này là của Nhân dân, thì không ai, không một nhóm người nào có quyền
đơn phương quyết định thay cho Nhân dân.
Hy vọng rằng những lý lẽ và tư liệu được
trình bày trong bài viết này sẽ có ích cho mọi người trong quá trình tham gia thảo
luận và lựa chọn cho nước nhà một quốc hiệu hợp lý, đáp ứng yêu cầu tối thiểu
là: Quốc hiệu phải hội tụ lòng Dân!
Chú
thích
"Vì
vậy chúng tôi kiến nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến của nhân dân đến hết năm
2013, đồng thời khuyến khích đề xuất các dự thảo khác để Quốc hội, Ủy
ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng toàn thể đồng bào tham khảo, so sánh, thảo
luận nhằm xây dựng một bản hiến pháp phù hợp nhất cho quốc gia."
Để
minh họa cho ý "khuyến khích đề xuất các dự thảo khác", Kiến nghị 72
có thêm chú thích như sau:
"Theo
tinh thần đó, một số chuyên gia luật ở trong nước đã soạn một dự thảo hiến
pháp được gửi kèm Kiến nghị này như một tài liệu để tham khảo và thảo luận."
Nghĩa là Dự thảo Hiến pháp 2013 được gửi kèm "như một tài liệu
để tham khảo và thảo luận", chứ nó không phải là một bộ phận cấu
thành của Kiến nghị 72.
Hà Nội, ngày 05-17/05/2013
Cùng
tác giả:
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét