Trần Hữu Dũng: Bài mới, vô cùng xuất sắc, của tác giả các bài Thủ tướng Dũng và nền kinh tế thị trường “định hướng quyết liệt” và --Thống đốc Bình có mắc chứng hoang tưởng vĩ cuồng?
Vài năm trở lại đây, tình hình
tham nhũng, chạy chức, chạy quyền ở Việt Nam ngày càng tăng, cộng với
kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao, thất nghiệp lan rộng đã đe
dọa nghiêm trọng tới niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của
Đảng cộng sản. Tình thế đó đã buộc ban lãnh đạo Đảng phải tìm ra những
giải pháp mới nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Từ khi lên nắm quyền
sau Đại hội Đảng lần thứ 11, TBT Trọng và Ban chấp hành TW Đảng đã tiến
hành một số biện pháp như:
- Ra Nghị quyết Trung ương 4 về
“Những vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay” và tổ chức rộng khắp
phong trào phê và tự phê theo tinh thần nghị quyết này
- Tái lập Ban Nội chính TW và Ban Kinh tế TW
Bài viết dưới đây sẽ phân tích ý nghĩa của việc tái lập 2 ban này trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
1. Về Ban nội chính và cuộc chiến chống tham nhũng
Vào
năm 2007, Ban Nội chính TW lúc đó đã được sáp nhập vào Văn phòng TW
Đảng. Sau khi được tái lập vào cuối năm 2012, chức năng, nhiệm vụ của
Ban Nội chính TW hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đó. Nếu như
trước đây, nhiệm vụ của Ban rất rộng, chẳng hạn:
- Giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư
bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực xây dựng pháp luật, tăng
cường pháp chế xã hội chủ nghĩa;
- Nghiên cứu đề xuất và theo dõi việc thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng thành pháp luật nhà nước;
- Theo dõi việc lập và thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Nhà nước. (thuvienphapluat.vn)
thì trong 6 nhóm nhiệm vụ của Ban Nội chính TW hiện nay đều có chữ “tham nhũng” (Vnexpress, 4/1/2013). Điều này cho thấy Ban này được lập ra chủ yếu để đối phó với tình trạng tham nhũng tràn lan hiện nay.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là:
liệu việc tái lập lại Ban này có giúp được gì trong việc giảm bớt tình
trạng tham nhũng hiện nay hay không? Rất tiếc, câu trả lời của tác giả
cũng như nhiều người tỉnh táo khác là không, hoàn toàn không.
Kinh nghiệm chống tham nhũng
trên thế giới đã rất nhiều và những nguyên tắc chung được rút ra không
gì ngoài những nguyên tắc chính: (i) về mặt thể chế phải có tam quyền
phân lập, có sự phân chia và kiểm soát giữa các nhánh quyền lực; (ii)
công khai và minh bạch trong những lĩnh vực như: hoạch định và thực thi
chính sách, tài sản cán bộ công chức…; (iii) một nền báo chí tự do để
người dân có thể giám soát các quan chức của mình… Có những điều kiện
này chưa chắc đã có kết quả tốt trong việc chống tham nhũng nhưng nếu
không có nó thì chắc chắn không thể chống tham nhũng. Việc lập ra một cơ
quan chống tham nhũng trong thời đại ngày nay mà lại thiếu đi những
điều kiện nền tảng ở trên mà trông mong nó hoạt động có hiệu quả thì chỉ
là sự ảo tưởng.
Về mặt cơ chế, việc lập ra Ban
Nội chính TW như thế này (với chân rết ở tất cả các tỉnh thành, khác với
trước kia là chỉ có một số địa phương có văn phòng của Ban) rõ ràng có
mục đích là “chống”, tức là có vụ án tham nhũng xảy ra rồi thì sẽ tham
gia “xử lý”. Tuy nhiên, cái gốc của tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã ăn
quá sâu vào hệ thống, lan quá rộng ra mọi mặt của xã hội thì cách tốt
nhất phải là “phòng”, tức là phải cải cách mạnh để triệt tiêu những thể
chế tạo ra điều kiện cho tham nhũng như quyền lực, đất đai, đầu tư công,
DNNN… Không giải quyết được những vấn đề gốc rễ này mà lại đẻ ra một tổ
chức để chống thì không thể nào chống được vì có bịt lỗ này chắc chắn
sẽ lại có nhiều lỗ khác xì ra.
Về mặt hoạt động, cũng như Ủy
ban kiểm tra TW của Đảng hiện nay, nó không công khai, minh bạch cho
công chúng cách thức hoạt động mà chủ yếu là vận hành trong nội bộ, đa
số có mục đích dĩ hòa vi quí, thậm chí là “nhân văn” để duy trì sự ổn
định và đoàn kết của Đảng như lời dạy của TBT Trọng: “đấu tranh có
lý có tình để tất cả cùng tiến lên chứ không cốt kỷ luật nhiều thì mới
tốt. Tính nhân văn của NQ Trung ương 4 là thế”, “quan trọng nhất là bước
đầu phải nhóm được cái lò lên, tạo thành hơi ấm thì khi đó củi khô, củi
tươi đưa vào cũng phải cháy hết”; “Kỷ luật mà không tính kỹ, mai kia
lại ân oán, thù oán, đối phó thành phe phái, làm rối nội bộ, có nên
không” (Vietnamnet, 3/12/2012).
Với cách chống tham nhũng mà lúc nào cũng sợ làm hại tới “sinh mệnh
chính trị” của các quan chức như thế (còn mặc kệ sinh mệnh của dân) thì
đừng mong nó có hiệu quả.
Về mặt con người, có lẽ TBT
Trọng và một số người thực lòng muốn chống tham nhũng đã mơ ước tới vai
trò của các quan chức trong Ban Nội chính TW giống Bao Thanh Thiên,
tuyệt đối trong sạch, “thiết diện vô tư”, hoàn toàn khách quan nên đã
“trang bị” cho Ban Nội chính TW một ông Trưởng ban nổi đình nổi đám với
những tuyên bố vang trời là Nguyễn Bá Thanh và qui định là Trưởng ban sẽ
là Ủy viên Bộ Chính trị. 2 Phó ban là Ủy viên TW (trước đó không hề
có). Nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, với một hệ thống chính trị
có các quan hệ quyền lợi ràng buộc như mạng nhện thì mơ ước trên đây chỉ
là điều viển vông không tưởng. Bản thân Nguyễn Bá Thanh được rất nhiều
người kỳ vọng nhưng trước khi ra Hà Nội đã kịp đưa con trai là Nguyễn Bá
Cảnh lên làm Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng. Chưa kể, ông này khi còn ở Đà
Nẵng đã dính không ít tai tiếng về tham nhũng. Ông Trưởng ban đã vậy thì
lấy gì đảm bảo các ông phó hoặc cấp dưới không dính vào tham nhũng hoặc
các quan hệ lợi ích nhằng nhịt. Với những cán bộ như vậy thì rõ ràng
việc xử lý các vụ án tham nhũng sẽ mang nhiều động cơ chính trị với các
sự thỏa hiệp và thương lượng để đảm bảo quyền lợi và vị trí của mình,
đặc biệt là ở cấp địa phương.
Như vậy, có thể thấy trước rằng
việc lập ra Ban Nội chính TW và coi đó là biện pháp chủ yếu để chống
tham nhũng trong giai đoạn tới chắc chắn sẽ thất bại thảm hại vì nó
không được hỗ trợ bằng những cải cách thể chế cơ bản. Cách thức hoạt
động thì không công khai, minh bạch. Cán bộ của nó, đặc biệt là cán bộ ở
cấp địa phương cũng không đáng tin vì có quá nhiều mối liên hệ chính
trị rối rắm và có chức vụ hành chính có thể thấp hơn nhiều so với cán bộ
chủ chốt ở đó[1]…
Việt Nam không dám học tập những
kinh nghiệm tốt nhất (“best practice”) về chống tham nhũng đã rất nhiều
trên thế giới, tức là phải tạo ra môi trường để con người không thể (xử
phạt nghiêm minh, không chạy án được), không dám tham nhũng (công khai
minh bạch tài sản của quan chức) mà Việt Nam lại muốn tạo ra con người
không muốn tham nhũng (Tất nhiên các nước khác cũng giúp quan chức
“không muốn” tham nhũng bằng việc trả lương cao cho công chức nhưng với
nguồn lực có hạn thì Việt Nam không thể làm theo). Việt Nam tạo ra sự
“không muốn” tham nhũng chủ yếu bằng động cơ tinh thần, đạo đức. Chẳng
hạn, đòi hỏi cán bộ phải có cái “tâm” trong khi chả ai định nghĩa được
“cái tâm” là gì (Nếu anh có “tâm”, sao anh không tự nguyện công khai tài
sản cho dân biết đi, cây ngay không sợ chết đứng mà). Biện pháp chống
tham nhũng, tiêu cực chủ yếu hiện nay vẫn là phê và tự phê, cho cán bộ
học tập tư tưởng đạo đức HCM thì đúng là quá ảo tưởng. Tác giả tin chắc rằng 100% người dân Việt Nam chả ai tin rằng đi học tập tư tưởng đạo đức HCM sẽ giúp cán bộ bớt tham nhũng cả.
Vậy mà người ta vẫn rầm rộ thực hiện những việc vô bổ này, vừa tốn thời
gian, tiền bạc, vừa làm lệch sự chú ý khỏi những việc cần thiết đáng lẽ
phải làm.
Khi kinh tế suy thoái, cái bánh
lợi ích bé đi thì việc tranh giành những phần bánh còn lại sẽ trở nên
quyết liệt hơn. Trong bối cảnh chính trị nhiều bè phái hiện nay, nhiều
khả năng là với cách thức tổ chức và hoạt động như thế này, Ban Nội
chính TW sẽ trở thành một công cụ để đấu đá chính trị hơn là chống tham
nhũng thực sự (Hãy nhớ ông trưởng ban Nguyễn Bá Thanh đã hạ nhục ông cựu
tướng cảnh sát Nguyễn Văn Thanh tới mức dù đã nằm liệt trên giường bệnh
vẫn bị đẩy cả giường ra tòa vì ông này và những người khác đã dám tố
cáo Bá Thanh tham nhũng).
2. Về Ban Kinh tế TW và nền kinh tế hiện nay
Do
thành tích điều hành kinh tế kém cỏi của chính phủ do thủ tướng Dũng
đứng đầu, Đảng đã quyết định tái lập Ban Kinh tế TW để mong xoay chuyển
nền kinh tế. Các nhiệm vụ chính của Ban Kinh tế TW gồm có:
- Thứ nhất, chủ trì hoặc tham
gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại
hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế-xã hội của
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cơ chế, chính
sách lớn về kinh tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện
quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội …
- Thứ hai, thẩm định các đề án về kinh tế – xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Thứ ba, … Ban Kinh tế Trung
ương sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát
việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng
trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập
đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và
các tổ chức tài chính… (Thuvienphapluat.vn)
Như vậy, Ban Kinh tế TW có 2
nhóm nhiệm vụ chính là: (i) Nghiên cứu, đề xuất các chính sách và (ii)
Giúp Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong việc kiểm tra và giám sát.
Với nhóm nhiệm vụ thứ nhất, từ
khi ông Vương Đình Huệ lên làm Trưởng ban Kinh tế TW thì ông đã có nỗ
lực tiếp xúc với một loạt các trường đại học ở Việt Nam như Đại học Thái
Nguyên, Đại học Quốc gia Hà nội… (Tạp chí Tài chính, 29/3/2013) hay Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Infonet, 17/5/2013) để ký kết các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu.
Vấn đề đặt ra ở đây là nếu nhiệm
vụ chủ yếu chỉ là nghiên cứu, đề xuất chính sách thì có cần tái lập một
ban đã bị giải thể và trưởng ban lại phải là Ủy viên Bộ Chính trị hay
không? Rõ ràng là không.
Việc
tư vấn chính sách thì bản thân các trường đại học hay viện nghiên cứu
có thể làm tốt thông qua cơ chế đặt hàng từ các cơ quan cần nó mà không
cần thêm một đầu mối là Ban Kinh tế TW. Nếu đồng ý rằng con đường
đi lên của Việt Nam phải là nền kinh tế thị trường có mô hình tương tự
với các nước phát triển thì có thể thấy Ban này rất khó có thể có những
đóng góp gì đáng chú ý về mặt học thuật hay những chính sách mang tính
đột phá để hiện đại hóa đất nước vì nó là một tổ chức của Đảng nên sẽ bị
những rào cản lớn về mặt tư tưởng không thể vượt qua. Ai đã từng có dịp
gặp các cán bộ của Ban Kinh tế TW trước đây thì đều biết năng lực của
họ nói chung hạn chế, chủ yếu là cán bộ lý luận, nặng tính hành chính.
Các cán bộ mới năng lực cũng khó có thể khá hơn vì đa số đều được đào
tạo trong hệ thống các trường của Đảng mà bản thân các trường này cũng
có tư duy tụt hậu so với thế giới hàng trăm năm nên cũng không thể đòi
hỏi gì nhiều từ các sản phẩm do họ tạo ra. Cho dù có tuyển người thực sự
giỏi, tốt nghiệp ở các nước phát triển về (theo qui định, Ban Kinh tế
TW có thể mời các chuyên gia về kiêm nhiệm vị trí Phó ban (Pháp luật TP.HCM, 5/1/2013)
thì họ cũng khó có thể phát huy khả năng trong một môi trường tù túng
và bị kìm hãm về mặt tư tưởng và trí tuệ như vậy. Có lẽ không phải ngẫu
nhiên mà ông Huệ, TS kinh tế tốt nghiệp ở Slovakia, từng là một giảng
viên đại học lâu năm, nguyên hiệu phó Đại học Tài chính Kế toán lại ký
kết nhiều thỏa thuận với các đại học và viện nghiên cứu vì chính ông có
lẽ cũng hiểu khả năng tư duy và tầm mức trí tuệ của các cán bộ dưới
quyền thế nào.
Nên lưu ý là nhiều nhà khoa học
thực sự có tài trong hệ thống các viện nghiên cứu nhà nước (“think tank”
quốc doanh) trong lĩnh vực khoa học xã hội cũng vì những ràng buộc về
mặt tư tưởng, vì sợ bị chụp mũ là phản động, lệch lạc, suy thoái mà
nhiều khi không thể nói thật những điều họ suy nghĩ. Như vậy, thử hỏi
một ban của Đảng, phải báo cáo cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư là nơi có
những người tư duy thuộc dạng thủ cựu nhất Việt Nam hiện nay thì làm sao
họ dám nói đúng sự thật, đó là nói nếu họ đủ khả năng để nhận ra đâu là
sự thật. Trí thức phải có môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, tự do
học thuật để tranh luận thẳng thắn, các ý tưởng có thể cọ sát với nhau
thì mới có thể tới gần chân lý chứ việc mời một vài chuyên gia, dù giỏi
để làm việc theo kiểu “hiến kế” cho các nhà lãnh đạo bảo thủ như mô hình
thế này rõ ràng không hiệu quả vì có nghe hay không phụ thuộc rất lớn
vào ý muốn chủ quan của một vài lãnh đạo và liệu ý kiến tư vấn đó có tốt
hay không cũng khó đánh giá vì chả mấy ai biết được do không được công
khai tranh luận. Việc nên làm đầu tiên để
có một hệ thống think tank tốt là cần bỏ ngay Điều 2 trong Quyết định
97/2009/QĐ-TTg do thủ tướng Dũng ký trong đó quy định khi phản biện
thì “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa
của tổ chức khoa học công nghệ”. Chính điều khoản có thể nói là
ngu dốt này do một người thường tự hào là ngày nào cũng làm việc với các
“trí thức”, người ngay khi mới lên nhậm chức đã ký quyết định giải thể
Ban Nghiên cứu của thủ tướng, ban hành đã làm IDS, “think tank” tư nhân
duy nhất của Việt Nam phải tự giải thể và cũng bịt hết đường ra đời cũng
như góp ý của các “think tank” tư nhân khác.
Như vậy, có lẽ ý định chính của
những người muốn tái lập Ban Kinh tế TW là thông qua nó, dùng quyền lực
của Đảng để can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách và giám sát
các tập đoàn là các bầu sữa của chính phủ do thủ tướng Dũng đứng đầu.
Năng
lực điều hành yếu kém của chính phủ hiện nay là điều không thể phủ nhận
nhưng việc quay lại thời kỳ sử dụng quyền lực của Đảng để can thiệp vào
các công việc thuộc chức năng của chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực
kinh tế chỉ tổ làm mọi việc tệ hơn mà thôi. Chưa nói tới sự chồng
chéo về mặt thể chế, lý do cơ bản nhất là tư duy của các lãnh đạo Đảng
thường là bảo thủ, tụt hậu rất xa so với mặt bằng chung các lãnh đạo
trên thế giới (chỉ nói ở ASEAN thôi đã thua lắm rồi) nên rất không thích
hợp cho một quốc gia đang có nhu cầu cấp thiết phải hiện đại hóa và hội
nhập nhanh hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Hai cái sai cộng lại không thể
thành một cái đúng được, đặc biệt là trong trường hợp này. Nếu điều này
xảy ra, nó có nguy cơ càng làm đất nước tụt hậu xa hơn nữa.
Tóm lại, với việc tái lập hai
ban này cũng như một số biện pháp khác đã được tiến hành, TBT Trọng và
những người cùng suy nghĩ với ông cũng có thể có mong muốn thật lòng là
muốn giảm bớt trình trạng tham nhũng đã quá nghiêm trọng và cải thiện
được tình hình kinh tế bi đát hiện nay. Tuy nhiên, rõ ràng cuộc Thập tự
chinh được TBT Trọng khởi xướng để chống lại tham nhũng và suy thoái
kinh tế chắc chắn sẽ thất bại vì nó được dựa trên một nền tảng tư duy
hết sức thủ cựu, đầy ảo tưởng, mang nặng niềm tin tôn giáo hơn là thực
tiễn, chủ yếu để đánh lừa dư luận và tự đánh lừa chính mình. Dùng sự sai
lầm về thể chế để đối phó với sự sai lầm của một người (thủ tướng Dũng)
thì chỉ càng làm tình hình xấu thêm vì con người sai còn có thể thay
nhanh chứ thể chế sai khi đã được thiết lập sẽ mang tính bền vững khó
thay đổi hơn nhiều.
3. Con đường gập ghềnh sắp tới của Việt Nam
Như trong một bài viết của tác giả vào tháng 11/2012 về kinh tế Việt Nam (Viet-studies, 20/11/2012), tác giả có nhận định rằng triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam là rất kém vì những lý do chính sau:
- Hầu hết các cải cách quan
trọng cần thiết để giải phóng các nguồn lực tăng trưởng trong trung và
dài hạn liên tục bị trì hoãn mà không được thực thi. Nhưng bản thân
nhiều cải cách này cũng sai ngay từ định hướng nên kết quả rất khó thành
công hay nói đúng hơn là chắc chắn cũng sẽ thất bại.
- Thể chế chính trị hay nói cụ
thể hơn là bộ máy lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam hiện nay đã mất khả năng
“tự sửa sai” và lợi ích của số đông cán bộ lãnh đạo không còn gắn với
với lợi ích của đại đa số nhân dân và đất nước nữa.
- Nhiều chính sách kinh tế trong
thời gian kể từ khi thủ tướng Dũng lên nắm quyền và đặc biệt trong giai
đoạn từ năm 2008 trở lại đây có chất lượng rất kém (ví dụ điển hình gần
đây là chính sách quản lý vàng của NHNN).
Đến nay, sau 6 tháng, quan điểm của tác giả vẫn không hề thay đổi mà còn được khẳng định thêm bằng những sự kiện gần đây.
Các chuyên gia đều thấy các bước
cải cách cơ cấu quá chậm hay nói đúng hơn là không tiến được gì, chỉ
thấy nói, nói và nói. Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ông Đỗ Văn
Đương, ĐBQH phải thốt lên: “Tôi thấy báo cáo của Chính phủ rất sơ
sài, không phân tích được nguyên nhân, cũng không thấy rõ ràng giải
pháp. Trong một trang mà tôi đếm có tới 23 lần các từ “đẩy mạnh, tăng
cường, tích cực”. Ta hô hào rất nhiều mà giải pháp cụ thể không được bao nhiêu”. (Tuổi trẻ, 23/5/2013)
Tại
sao các cải cách cấu trúc rất cần thiết cho tương lai dài hạn của nền
kinh tế mãi bị trì hoãn? Rất nhiều người đã chỉ ra nguồn gốc của nó là
do các nhóm lợi ích muốn duy trì hiện trạng (status quo), chống lại sự
thay đổi và tầng lớp lãnh đạo thiếu đi quyết tâm chính trị để cải cách
hoặc còn tệ hơn là chính họ cũng nằm trong các nhóm lợi ích chống lại sự
thay đổi.
Bộ
máy lãnh đạo chóp bu của đất nước (Ban chấp hành TW Đảng) hiện nay đã
cho thấy họ không thực lòng, không đủ tầm trí tuệ và cũng không có khả
năng thực hiện những cải cách mạnh mẽ và cần thiết để đưa đất nước trở
lại đường ray tăng trưởng nhanh và bền vững. Đa số họ hiện nay
toan tính về quyền lợi cá nhân và phe nhóm nhiều hơn là các vấn đề cấp
bách và sát sườn của đất nước. Các cuộc hội nghị của Ban chấp hành TW
gần đây diễn ra trong tình hình đất nước suy thoái trầm trọng cả về kinh
tế, văn hóa, xã hội nhưng lại không tập trung vào việc tìm ra giải pháp
cho những vấn đề đó mà lại chỉ tập trung nhiều nhất vào vấn đề bầu bán
nhân sự, mà nằm đằng sau đó là đấu đá vì lợi ích phe nhóm. Không có
chính sách đột phá nào được đưa ra. Sửa đổi Hiến pháp (phải được Ban
chấp hành TW thông qua trước) được quảng cáo rầm rộ, tốn kém, nhưng cuối
cùng chủ yếu chỉ là sửa câu chữ, nhiều vấn đề còn đi thụt lùi về mặt tư
duy (như điều 70 trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi bắt quân đội phải thề
trung thành với Đảng). Những người có trách nhiệm chính trong việc gây
ra tình trạng suy thoái nặng nề hiện nay, cụ thể là thủ tướng Dũng,
không hề bị trừng phạt mà lại càng được củng cố vị thế chính trị sau Hội
nghị TW 7… Những biện pháp được đưa ra để đối phó với tham nhũng và suy
thoái kinh tế lại mang tính bảo thủ, đi ngược với thời đại và cầm chắc
là thất bại.
Chỉ cần nhìn người đứng đầu, ông
TBT Trọng, là cũng có thể đánh giá được phần nào về chất lượng trí tuệ
và bản lĩnh của Ban chấp hành TW hiện nay. Ông
cũng bức xúc về tình hình đất nước nhưng những biện pháp ông đưa ra chủ
yếu là những công cụ của quá khứ dựa chủ yếu vào niềm tin giống tín
ngưỡng tôn giáo với mục đích: “có tình đoàn kết, thương yêu đồng chí; vừa có lý, có tình, …theo phương châm “trị bệnh cứu người”, giúp nhau cùng tiến bộ” (QĐND, 15/10/2012)
thì làm sao có thể đối đầu được với những “bầy sâu” tham nhũng đầy mưu
mô nham hiểm (theo lời của ông chủ tịch nước) đang nhung nhúc trên khắp
đất nước này?
Về việc sửa đổi Hiến pháp, TBT Trọng nói: “Lần này chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao”. (Pháp luật Tp.HCM, 3/5/2013). Theo cách tư duy này thì đừng mong đất nước có được một Hiến pháp hiện đại, dân chủ, phù hợp với thời đại.
Đã gọi là chính trị mà cái gì cũng mong có sự “thống nhất cao” thì chỉ
là ảo tưởng, đi ngược lại bản chất con người là luôn đa dạng trong ý
kiến và sẽ không bao giờ dám quyết đoán đưa những giải pháp đột phá cho
đất nước được. Rõ ràng TBT Trọng và các
đồng sự trong Ban Chấp hành TW sẵn sàng hi sinh tương lai của đất nước
để giữ được sự thống nhất, đồng thuận trong nội bộ đảng của mình.
Tóm lại, như đã nói ở bài trước, tác giả cho rằng ngược với câu khẩu hiệu nổi tiếng của TBT Trường Chinh: “Đổi mới hay là chết” thì câu khẩu hiệu của TBT Trọng và TW hiện nay là: “Thà chết (dân) chứ (nhất định) không đổi mới”, “Thà mất nước chứ không đánh mất chế độ”.
Sau khi đã mất niềm tin ở Ban
chấp hành TW thì một số người kỳ vọng nhiều vào kỳ họp Quốc hội lần này
với việc lần đầu tiên có việc bỏ phiếu tín nhiệm cho 49 người được Quốc
hội bầu. Bản thân có đại biểu Quốc hội cho rằng việc chạy phiếu rất khó
vì có 500 đại biểu từ nhiều vùng khác nhau[2]. Tuy nhiên, vấn đề là ở
chỗ có 500 đại biểu nhưng đại đa số đều có chung một nguồn gốc: Đảng
Cộng sản (hơn 91%)![3]. Ở đây, tác giả chỉ xét riêng về trường hợp liệu
Quốc hội có bỏ phiếu tín nhiệm ở mức thấp cho thủ tướng Dũng hay không?
Tác giả có khảo sát thử danh
sách đại biểu Quốc hội của 15 tỉnh và 2 thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí
Minh thì thấy số đại biểu giữ các chức vụ trung, cao cấp trong Đảng như:
phó bí thư tỉnh ủy, thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, ủy viên TW, ủy
viên BCT, phó bí thư đảng ủy khối… hoặc tệ nhất thì cũng nằm trong huyện
ủy… thường rất cao, địa phương nào cũng phải ở mức 2/3 trở lên. Cụ thể,
trong 111 ĐBQH của 15 tỉnh thì số này chiếm khoảng 71 người, trong đó
có 18 ủy viên TW, 4 ủy viên Bộ Chính trị. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mỗi
địa phương có 30 ĐBQH, tổng cộng là 60 người thì trong đó số đại biểu là
đảng viên cỡ trung, cao cấp trở lên là 40, trong đó có 3 ủy viên TW, 3
ủy viên Bộ Chính trị. Như vậy, tỷ lệ đảng viên trung, cao cấp trong Quốc
hội chiếm khoảng 65% trở lên.
Chắc chắn, suy nghĩ và cách tư
duy của số đảng viên trung, cao cấp này không khác nhiều với Ban chấp
hành TW và họ cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định Ban chấp hành TW
thông qua các cuộc họp Đảng, các cuộc phổ biến nghị quyết, các mối quan
hệ cá nhân, các cuộc vận động hành lang… Trong lịch sử Quốc hội những
năm gần đây cũng chưa thấy bao giờ Quốc hội bỏ phiếu trái ý với quyết
định từ Ban chấp hành TW cả dù trước đó có thể thảo luận rất sôi nổi với
nhiều ý kiến trái chiều. Cứ nhìn ví dụ rõ ràng về dự án bauxite là
thấy. (Trường hợp duy nhất mà Quốc hội có vẻ có ý kiến độc lập và bỏ
phiếu khác với dự kiến là việc không thông qua dự án xây dựng Đường sắt
cao tốc nhưng nên nhớ là TW Đảng chưa cho ý kiến về dự án này).
Như
vậy, khi Hội nghị TW6 và 7 đã không thể kỷ luật được thủ tướng Dũng và
phe nhóm, thậm chí vị thế của ông này hiện nay còn được nâng cao hơn[4]
thì chắc chắn không thể mong các đại biểu Quốc hội lại bỏ phiếu chống
thủ tướng được. Chưa tính tới các cuộc vận động hành lang cộng
với tâm lý cả nể, xuê xoa, đại khái của người Việt Nam, tác giả tin
rằng, tỷ lệ tín nhiệm của thủ tướng sẽ phải từ 70-80% trở lên.
Nếu có thành viên chính phủ nào bị bỏ phiếu tín nhiệm ở mức thấp thì có lẽ sẽ là thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Như trong một bài trước của tác giả về thống đốc Bình (Viet-studies, 23/2/2013)
, tác giả cho rằng việc thống đốc Bình đưa NHNN vào cuộc chiến với vàng
như hiện nay là một toan tính sai lầm, thiếu suy nghĩ chín chắn, mang
lại rất nhiều tác hại cho người dân, cho nền kinh tế và có thể làm tiêu
tan sự nghiệp chính trị của thống đốc Bình. NHNN đã đưa ra nhiều lập
luận và dẫn chứng để chứng tỏ cách điều hành thị trường vàng hiện nay là
hợp lý (Vneconomy, 8/5/2013)
. Tuy nhiên, chỉ xin nói thêm là bất cứ chính sách vĩ mô nào cũng phải
có sự đánh đổi và tất nhiên chính sách về vàng hiện nay của NHNN cũng sẽ
phải có một số kết quả nào đó, vấn đề là liệu cái giá phải trả cho các
“kết quả” đó có quá lớn hay không. Xin nhắc lại là bản thân các lập luận
của Marx và những người theo ông về ưu thế của nền kinh tế kế hoạch tập
trung so với kinh tế thị trường như: không sử dụng lãng phí các nguồn
lực vì không tạo ra sản phẩm thừa, hướng nguồn lực khan hiếm vào những
ngành sản xuất có ích cho quá trình phát triển, triệt tiêu sự bất công
vì thặng dư của quá trình sản xuất sẽ được đưa vào ngân sách rồi tái
phân phối cho người lao động (giống lập luận của NHNN về việc nguồn thu
từ giá vàng cao sẽ được đưa vào ngân sách rồi được đầu tư trở lại cho
người dân)… đều hết sức hấp dẫn, xác đáng và khó bị bác bỏ về mặt lập
luận. Tuy nhiên, cuối cùng rồi thì mô hình đó cũng thất bại vì nó dựa
trên quá nhiều giả định không tưởng về bản chất con người và đi ngược
lại các qui luật cơ bản của kinh tế thị trường. Tác giả tin chắc chính
sách quản lý vàng của NHNN hiện nay cũng sẽ không đi ra ngoài sự thất
bại này vì nó dựa trên các công cụ hành chính đi ngược hoàn toàn với thị
trường, với kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới…
Các quốc gia khác cũng đạt được những “kết quả” mà NHNN khoe, thậm chí
còn tốt hơn nhiều nhưng họ không bắt người dân và nền kinh tế phải trả
một cái giá quá cao như NHNN đang làm ở Việt Nam.
Chưa kể, chính sách quản lý vàng
hiện nay đã đưa NHNN vào cuộc tranh cãi bất tận với đa số các chuyên
gia phản đối chính sách này. Người dân cũng bất bình vì khoảng cách giữa
giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Dù thống đốc Bình và NHNN có
biện minh thế nào đi chăng nữa về các chỉ số vĩ mô thì logic của người
dân rất đơn giản: không ai muốn mua hàng giá đắt cả. Nếu giá vàng trong
nước cao hơn một cách quá phi lý với giá vàng thế giới thì họ đều nghĩ
họ đang bị bóc lột bởi những chính sách của NHNN. Họ sẽ không còn tin
những gì mà NHNN hứa hẹn vì chính trước đó thống đốc Bình đã nói giá
vàng trong nước cao hơn thế giới 400.000 đồng/lượng là đã có đầu cơ
nhưng hiện nay có lúc giá chênh lệch tới gần 7 triệu đồng/lượng! Tất cả
những ai có hiểu biết về hoạt động của một ngân hàng trung ương đều biết
rằng một trong những yếu tố then chốt làm nên sự hoạt động thành công
của nó phải là sự khả tín hay nói cách khác là mức độ tin cậy của người
dân vào NHTW. Những tranh cãi qua lại liên miên với các chuyên gia và sự
bất bình của người dân đã làm xói mòn nghiêm trọng uy tín của NHNN và
triệt tiêu niềm tin của người dân với tổ chức này. Chính vì thế tác giả
hoàn toàn đồng ý với TS Phạm Chí Dũng rằng thống đốc Bình phải ra đi (BBC, 14/5/2013) thì NHNN Việt Nam mới phần nào có thể lấy lại niềm tin của người dân.
Tóm
lại, dù các đại biểu Quốc hội hiện nay trong thảo luận có nhiều phát
biểu rất hăng hái và bức xúc về hiện tình của nền kinh tế đến đâu nhưng
với chất lượng thể chế, chất lượng chính sách, chất lượng quan chức như
hiện nay thì tác giả vẫn chưa thấy đâu là lối thoát của nền kinh tế và
tương lai của đất nước còn rất mờ mịt.
……………………………………….
[1] Về nhân sự lãnh đạo, Ban Bí
thư yêu cầu bố trí cán bộ cỡ ủy viên thường vụ tỉnh/thành ủy làm trưởng
ban nội chính. Nơi chưa có điều kiện thì giao vị trí quan trọng này cho
cấp ủy viên thuộc diện được quy hoạch vào thường vụ tỉnh/thành ủy khóa
tới. (Vietnamnet, 5/5/2013).
[2] Ủy viên thường trực Ủy ban
Văn hóa – Giáo dục và Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Nguyễn
Thanh Hải nhận định: “Việc cùng lúc tiến hành lấy phiếu đánh giá tín
nhiệm với 49 chức danh quan trọng nhất quả thật sẽ ít nhiều gây áp lực
đối với các đại biểu Quốc hội”. Tuy nhiên, bà Hải tin rằng Quốc hội sẽ
thực hiện công việc này một cách thực chất vì “với một tập thể gần 500
người, đại diện cho mọi vùng miền, mọi thành phần cử tri trong xã hội
thì việc “chạy phiếu” là rất khó. (Kienthuc.net.vn, 21/5/2013)
[3] Quốc hội khóa 13 có 42 người ngoài Đảng trúng cử, chiếm tỷ lệ 8,40% (Dân trí, 3/6/2011)
[4] Thủ tướng Dũng là một nhà
chính trị cực kỳ khôn ngoan và lão luyện, khác hẳn sự gà mờ và non nớt
của TBT Trọng. Hãy nhớ cách thủ tướng xây dựng phe cánh bằng cách thâu
tóm quyền lực kinh tế bằng việc giành quyền bổ nhiệm ban lãnh đạo các
tập đoàn kinh tế, bổ nhiệm cho hàng trăm tướng công an… Thủ tướng Dũng
cũng rất giỏi trong việc xây dựng hình ảnh trước công chúng và lấy lòng
giới lãnh đạo quân đội khi thời gian gần đây liên tục đi thăm các quân
chủng phòng không, không quân hay sang tận Nga để thị sát các tàu ngầm
mà Việt Nam sắp mua. Hiện nay nhiều người có nói rằng nếu có thay thủ
tướng Dũng cũng chả có ai xứng đáng để đưa lên. Theo tác giả đây cũng
chính là cách để thủ tướng Dũng duy trì quyền lực của mình. Tức là khác
với những người tiền nhiệm như ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đã có ý
thức bồi dưỡng cho những cán bộ kế cận thay thế mình thì thủ tướng Dũng
đã cố tình sử dụng những người có năng lực kém, hay phát ngôn những câu
trời ơi làm người dân thất vọng (như PTT Nhân hay bộ trưởng Thăng là ví
dụ điển hình) để càng làm nổi bật mình và không tạo ra đối thủ chính trị
trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét