Thay
vì bỏ phiếu chuẩn thuận ba ứng cử viên do Bộ chính trị đưa ra, Trung
ương đã đề cử thêm rất nhiều người. Kết quả, sau 3 vòng bỏ phiếu, hai
ứng cử viên do Bộ chính trị đưa ra thất cử.
Chiến thuật làm loãng phiếu bằng
cách đưa thêm ứng cử viên từng được “áp dụng” hồi tháng 1-2009, đánh
rớt cơ hội vào Ban bí thư của Tướng Lê Thế Tiệm. Nhưng không chỉ đơn
giản là gạch bỏ Vương Đình Huệ hay Nguyễn Bá Thanh, lần này, dường như
đang có nhiều Trung ương ủy viên muốn giành lại quyền quyết định (theo điều lệ) của Trung ương thay vì cam lòng biểu quyết như cơ quan chấp hành của Bộ chính trị.
Trong lịch sử bầu bán của Đảng
cộng sản Việt Nam, những người không được Bộ chính trị hoặc Ban chấp
hành trung ương giới thiệu, khi được các đại biểu hoặc các ủy viên trung
ương khác giới thiệu, đều tự giác rút lui hoặc được yêu cầu rút lui.
Không cần chờ tới Đại hội hay Hội nghị trung ương, một nhân vật đã được
Bộ chính trị, được tổng bí thư hoặc có thời chỉ cần được Lê Đức Thọ
“chấm” là chắc chắn vào Trung ương, thậm chí vào những vị trí cao hơn
trong Đảng.
Dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười,
có những câu chuyện làm nhân sự nghe cứ như giai thoại: Trước Đại hội
VIII (1996), ông Đỗ Mười cho gọi một vị phó thủ tướng tới bảo: “Kỳ này
tôi nghỉ anh thấy sao?”. Vị phó thủ tướng, vốn là một trí thức lịch lãm,
chân thành hỏi lại: “Ai sẽ thay anh?”. Kết quả, ông bị loại ra khỏi
danh sách tái cử. Ông Đỗ Mười lại cho mời một nhà lý luận bảo thủ tới và
khi ông vừa dứt lời thì nhà lý luận này liền đập tay xuống bàn: “Trời
ơi, đất nước đang như thế này anh nghỉ làm sao được”. Kết quả, nhà lý
luận giữ được ghế ủy viên Bộ chính trị.
Ngày 19-6-1996, tại Hội nghị
Trung ương 12 (Hội nghị trước khi Đại hội VIII bắt đầu), Tổng bí thư Đỗ
Mười đã yêu cầu Trung ương đưa vào danh sách đề cử ủy viên Bộ chính trị
hai nhân vật bị Hội nghị Trung ương 11 đưa ra và yêu cầu tái cử thêm hai
ủy viên Bộ chính trị quá tuổi, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Bình. Tuy bị ba
uỷ viên trung ương phản ứng, khi ông yêu cầu “giơ tay biểu quyết”, đa số
Trung ương phải “chấp hành” ý kiến của ông. Sau Đỗ Mười, không có tổng
bí thư nào có khả năng thô bạo với Trung ương như thế.
Từ Đại hội VI bắt đầu có chuyện
ứng cử viên được đề cử bởi Ban chấp hành Trung ương bị thất cử ở trong
đại hội. Hai nhân vật “tạo tiền lệ” là Tố Hữu (từng được Lê Duẩn chọn kế
vị Tổng bí thư) và Hoàng Tùng, khi ấy đang là Bí thư trung ương Đảng.
Năm 2011, Trung ương cũng từng đánh rớt một nhân vật được Bộ chính trị
tái cơ cấu, Hồ Đức Việt, và Đại hội cũng đã không bầu Phạm Gia Khiêm một
người được đưa vào danh sách chính thức của Trung ương.
Càng về sau, càng có nhiều ứng
cử viên “giới thiệu thêm” được đưa vào danh sách bầu. Nhưng, cho dù danh
sách ứng cử viên có đông hơn thì xác suất thất cử của các ứng cử viên
được Bộ chính trị, Trung ương trình ra là rất thấp.
Ông Nguyễn Phú Trọng là “người
của thiểu số” ngay khi bắt đầu trở thành Tổng bí thư. Ông ủng hộ “chế độ
công hữu về tư liệu sản xuất” trong khi chiều 18-1-2011, 61,70% đại
biểu của Đại hội XI đã chọn định nghĩa đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là
“có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với
quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp”.
Việc Đại hội không coi “sở hữu
công” như là một đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa xã hội lẽ ra phải có
giá trị như một hành động vứt bỏ vòng kim cô cuối cùng của Marx (căn cứ
theo Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Ông Trọng có thể đã có một vị trí
lịch sử khác nếu ông “phục tùng đa số” như ông tuyên bố khi nhận chức
Tổng bí thư, đẩy mạnh giải tư khu vực kinh tế quốc doanh và trao quyền
sở hữu ruộng đất cho nông dân. Nhưng,
Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ một cách hùng hồn là ông không có khả năng
nhận ra thời cuộc cho chính ông, đừng nói là cho đất nước.
Từ Hội nghị Trung ương Bốn, ông
Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã có nỗ lực để trở nên không tẻ nhạt như người
tiền nhiệm của mình. Chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng là một lựa chọn
khá được lòng dân. Nhưng, thay vì thừa nhận nguyên nhân tham nhũng là
từ “lỗi hệ thống” để cải cách chính trị theo hướng dân chủ hơn; thay vì
để cho Quốc hội và tư pháp được thực thi các quyền hiến định của mình,
ông lại sử dụng những công cụ hết sức giáo điều trong khi trung ương
không còn một đa số chỉ biết vâng lời như trước nữa.
Việc các cơ quan trung ương
được cắt giảm chỉ còn sáu ban, kể từ năm 2006, là kết quả của gần hai
thập niên cải cách chính trị theo hướng “Đảng lãnh đạo nhà nước chứ
không làm thay nhà nước”. Vậy mà tại Hội nghị Trung ương Năm, ông Trọng
lại cho khôi phục Ban Nội chính và Ban Kinh tế trung ương (một ban chỉ
mới được giải tán từ năm 2006).
Sau khi Hội nghị trung ương Sáu
đồng ý “cơ cấu” chức ủy viên Bộ chính trị cho các trưởng ban. Thay vì
bầu bổ sung Bộ chính trị trước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những
bước đi “chắc ăn”: Bổ nhiệm Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ làm
trưởng ban rồi mới đưa ra Trung ương bầu bổ sung. Kết quả cả hai đều
không đắc cử.
Đây không chỉ là vấn đề tiêu
chuẩn cá nhân của ông Huệ hay ông Thanh mà là “sự nổi loạn” của các ủy
viên trung ương. Có lẽ không mấy trung ương ủy viên không từng mơ tới
chiếc ghế trong Bộ chính trị cao sang, và giờ đây không ít người trong
số họ không muốn chỉ ngồi nhìn những kẻ có tiền qua mặt mình, hoặc không
muốn chấp nhận nguyên lý “mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu”.
Sau thất bại ở Trung ương Bảy,
lẽ ra ông Trọng và Bộ chínhtrị phải nhận ra trong Đảng đã tự diễn biến,
các phương thức chính trị cổ hũ đã không còn thích hợp với thực tiễn
hiện nay. Thời kỳ các lãnh tụ áp đặt niềm tin cá nhân lên toàn đảng,
toàn dân tộc đã qua, ngay trong nội bộ của hệ thống toàn trị cũng cần
phải có những chính trị gia thật sự.
Thay vì dừng lại để tìm một
hướng đột phá, lấy phương thức vận động tranh cử để làm “công tác cán bộ
trong tình hình mới”, Trung ương Bảy vẫn thông qua chiến lược nhân sự
cho Đảng tới 2021 và vẫn dựa trên nguyên tắc “cơ cấu” và “quy hoạch”.
Năm 2001, khi Trưởng ban Tổ chức
trung ương Nguyễn Văn An được cơ cấu làm Chủ tịch Quốc hội, tôi đặt vấn
đề “tranh cử trong đảng” với ông. Ông An lúc ấy cho rằng: “Tranh cử
không khéo sẽ thành tranh giành, cục bộ. Hiện giờ trong Đảng mình chỉ
bàn bạc dân chủ rồi phân công. Đảng phải làm sao đảm bảo có dân chủ mà
trong Đảng vẫn giữ được sự thống nhất” (Thời báo Kinh Tế Sài Gòn
28-6-2001). Giờ đây, ông Nguyễn Văn An cũng phải nhận ra rằng chính “sự
thống nhất” nếu còn thì chỉ để cho một số cá nhân lũng đoạn.
Nếu như tiến trình tranh cử
trong đảng diễn ra công khai, thì người thực sự tài hơn trong đội ngũ
hiện tại sẽ vượt lên; đội ngũ kế cận sẽ tự nó xuất hiện chứ không phải
chỉ những kẻ biết làm vừa lòng cha chú được cơ cấu.
Đặc biệt, nếu tiến trình tranh
cử bắt đầu nhiều tháng trước các dịp bầu bán, thì không cần “Nghị quyết
trung ương Bốn”, các ứng cử viên sẽ giúp Đảng phát hiện tài sản nổi, tài
sản chìm, bồ nhí, con rơi…Giúp dân chúng hiểu được kẻ nào đã ban hành
những chính sách hại dân, hại nước. Chính sự “rạn nứt” do tranh cử sẽ
tạo ra một tiền đề mới cho cải cách chính trị.
Bản chất của độc tài, toàn trị
là đối lập với dân chủ. Tuy nhiên trong điều kiện đảng vẫn cứ một mình
cầm quyền và dân chưa biết làm thế nào để thay đổi tương lai chính trị
của mình thì áp dụng một số phương thức dân chủ trong đảng cũng giảm
được cho nước, cho dân phần nào tai họa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét